THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

Thánh Giacôbê, con ông Giêbêdê và bà Salomê, là anh của thánh Gioan và bà con với Chúa Giêsu.  Người ta gọi ngài là thánh Giacôbê tiền, để phân biệt với thánh Giacôbê hậu, cũng là một tông đồ và làm Giám mục Giêrusalem.  Gọi là “tiền” vì ngài được gọi trước hay vì ngài cao lớn hơn, nhất là vì ngài lớn tuổi hơn.

Thánh nhân cùng với em là Gioan được kêu gọi làm tông đồ trong khi họ đang chài lưới bên bờ biển Galilê (Mc 1,19-20).  Trong tường thuật này, chúng ta thấy gia đình ông Giêbêđê xem như cũng khá giả và có thuê những người làm công.

Kể từ khi bỏ cha mẹ, chài lưới và những người làm công, anh em Giacôbê và Gioan luôn sát cánh bên Chúa.  Họ chia sẻ với Người nếp sống “con cáo có hang, con chim có tổ, con người không có chỗ dựa đầu” và trong những buổi tiệc vui như ở Cana (Ga 2,1).  Trong cộng đoàn tông đồ, Giacôbê luôn giữ một chỗ đứng quan trọng sau Phêrô.  Bởi vậy ngài được vào số ba môn đệ trong các biến cố phục sinh cho con gái Giarô (Mc 5,37), biến hình (Mc 9,2), và hấp hối ở Gethsemani (Mc 14,33).

Giacôbê hẳn phải hiểu rõ đặc ân của mình và ông đã đáp trả bằng một nhiệt tình cũng đặc biệt.  Một lần qua Samaria, ông đã bất mãn vì dân làng không tiếp đón Chúa Giêsu một cách nồng hậu.  Ông phát biểu: Thưa Ngài, Ngài có muốn chúng tôi khiến lửa từ trời giáng xuống mà tiêu diệt chúng không?

Nhiệt tình của ông giống như Êlia.  Nhưng Chúa Giêsu lại sửa sai tính nóng nảy ấy của ông: Các ngươi không biết các ngươi ứng theo thần khí nào (Lc 9,52-56).

Và người đặt cho Giacôbê và Gioan biệt danh là Boanerghê, nghĩa là con cái của sấm sét (Mc 3,17).

Dĩ nhiên là con người, khi theo Chúa Giêsu, các ông vẫn còn những yếu đuối, khi nghe loan báo về cuộc hoàn thành sứ mạng sắp tới, Giacôbê và em ông không ngần ngại thưa: Xin cho chúng tôi được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả, trong vinh quang của thầy.

Không hứa sẽ thỏa mãn ước vọng của họ, Chúa Giêsu đã chỉ hỏi: Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy, thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?

Một lần nữa, các ông bày tỏ nhiệt tình của mình: Thưa được (Mt 20,20-23; Mc 10,35-40).

Đã có những phút giây Giacôbê vì yếu đuối như các tông đồ khác, như khi ngủ vùi khi Chúa Giêsu trải qua cơn hấp hối, hay như việc ông trốn chạy trước cuộc khổ nạn của Thầy.  Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, nhất là sau ngày lễ Hiện Xuống, Giacôbê đã thực hiện lời hứa của ngài.  Ngài sẵn sàng chịu chết dưới lưỡi gươm theo lệnh truyền của Hêrôđê Agrippa (Cv 12,2), có lẽ vào năm 42.  Thế là Giacôbê đã trở thành vị tông đồ đầu tiên lấy máu đào làm chứng đức tin và tình mến của mình vào thế kỷ II, Clêmentê thành Alexandria đã làm chứng rằng, chính kẻ tố cáo thánh nhân lại được ngài cải hóa và lãnh phúc tử đạo cùng lúc với ngài.

Truyền thống cho rằng Giacôbê đã mang Tin Mừng đến Tây Ban Nha.  Tuy nhiên điều này không được chứng thực rõ ràng.  Lần đầu tiên truyền thống này được viết ra vào thế kỷ VII, dựa vào nguồn Hy lạp không đáng tin.  Một thế kỷ sau, khi một ngôi sao chỉ cho thấy ngôi mộ của thánh Giacôbê, niềm tin của quần chúng bắt đầu lan rộng.

Nơi hành hương ở Compostella (có lẽ bởi chữ Campustella : cánh đồng sao) là trung tâm rất nổi tiếng, dầu chúng ta tin rằng thánh Giacôbê có đi Tây Ban Nha đi nữa thì cũng không thể nói được rằng nơi đây có di tích của thánh nhân.

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý 

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, không phải chỉ có thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an, mà tất cả chúng con đều mơ ước được địa vị, thống trị người khác, được giàu sang, an nhàn.  Có lúc con đã tự hỏi: con theo Chúa và hy sinh cho Chúa, nhưng tại sao đời con vẫn nghèo đói, vất vả, bị chèn ép.

Lạy Chúa, Chúa cho con hiểu rằng theo Chúa là phải chấp nhận uống chén đắng khổ nạn của Chúa, chấp nhận từ bỏ mình chứ không phải để được hưởng thụ, hoặc được đặc quyền đặc lợi.  Chính Chúa đã đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc loài người.  Là môn đệ của Chúa, con không thể sống khác Chúa được.  Con không thể có con đường nào khác ngoài con đường phục vụ dâng hiến một cách vô vị lợi cho tha nhân.

Càng tiến sâu vào con đường thập giá, con càng được sàng lọc để nên giống Chúa hơn.  Nhưng để được điều đó, con phải vật lộn với chính mình, vật lộn với những cám dỗ của thế gian và nhất là phải chấp nhận thiệt thòi.

Lạy Chúa, dù phải trả giá, dù phải hy sinh, con xin sẵn sàng chấp nhận tất cả.  Đường thánh giá này con đã chọn, xin tình yêu Chúa trở nên sức mạnh nâng đỡ con.  Và con tin rằng chính Chúa sẽ làm cho những bước chân con trên đường hy sinh và phục vụ, nở thật nhiều hoa yêu thương, để từ đó nhiều người nhận biết Chúa và sẵn lòng bước theo Chúa cách vô điều kiện.  Amen!

TGM Giuse Nguyễn Năng