TÌNH CHA

Trong cuộc sống thực tế, người cha thường hay nghiêm khắc đối với con cái, nhưng lại dạt dào tình thương.  Nói đúng hơn, cách thể hiện tình cảm của người cha khác với người mẹ.  Tuy vậy, tình cha không kém gì tình mẹ, vừa rộng mở, vừa bao dung.  Nếu có nghiêm khắc, là vì muốn cho con nên người, bởi lẽ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”  Cũng trong quan niệm thông thường của người Việt Nam, chữ “tình” rất quan trọng.  “Trăm cái lý không bằng một tý cái tình.”  Vì tình nghĩa, người ta dễ dàng bỏ qua những thiếu sót, “chín bỏ làm mười”, để quên đi quá khứ và sống hài hòa với nhau trong một làng, một xóm hoặc một đại gia đình.

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được xưng tụng là Cha.  Ngài rất khiêm khắc đối với tội nhân, nhưng lại bao dung đối với những ai thành tâm sám hối.  Ngài là Đấng “nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.  Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30,6).  Câu chuyện ông Abraham “mặc cả” với Chúa đã diễn tả lòng nhân từ của Ngài.  Thời đó, dân thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra sống trong tội lỗi và sa đọa, khiến Thiên Chúa bừng bừng nổi giận.  Ngài quyết định sẽ trừng phạt họ.  Ông Abraham đã “năn nỉ” với Chúa và dần dần từng bước hạ thấp điều kiện.  Từ con số năm mươi người công chính, ông đã hạ xuống chỉ còn mười người, nhờ đó mà Chúa thay đổi ý định trừng phạt.  Thiên Chúa đã bớt giận trước lời nài xin của ông Abraham và Ngài đã đồng ý: nếu có được mười người công chính thì Ngài sẽ không tru diệt hai thành này.  Tác giả sách Sáng thế đã dùng lối văn “như nhân” để diễn tả Thiên Chúa.  Ngài nguôi giận trước sự van xin của con người.  Nếu đọc tiếp đoạn Sách thánh này, chúng ta sẽ thấy, điều kiện có mười người công chính cũng không đạt được.  Thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra đã bị lửa diêm sinh từ trời thiêu rụi.  Tất cả đã bị tru diệt, chỉ trừ gia đình ông Lót, là người kính sợ Chúa.  Khi vừa chạy khỏi thành, bà vợ ông Lót, vì tiếc của quay lại, bỗng hoá thành tượng muối.

Nếu Thiên Chúa kiên nhẫn trước sự xúc phạm của con người, thì con người cũng phải kiên nhẫn cậy trông để thoát khỏi trừng phạt.  Người hàng xóm trong Tin Mừng thánh Luca đã kiên trì nhẫn nại để vay bánh vào lúc nửa đêm.  Sự kiên trì đã làm thay đổi lòng chai đá của chủ nhà, mà trỗi dậy lấy bánh cho người hàng xóm.  Chúa Giêsu đã dùng một tình huống đời thường để liên hệ đến lòng thương xót của Thiên Chúa.  Nếu người thường còn làm thế, huống chi Cha trên trời.  Hãy kiên trì cầu nguyện.  Hãy phó thác nơi Thiên Chúa những lo lắng của cuộc đời.  Ba động từ được Chúa Giêsu nhắc tới, đó là: xin, tìm, gõ cửa.  Cả ba hành động này đều diễn tả sự kiên nhẫn, lòng cậy trông và tin tưởng phó thác.  Thiên Chúa là Cha nhân từ.  Ngài luôn lắng nghe những ước nguyện chân thành của chúng ta.

Cầu nguyện làm nên cốt lõi đời sống người tin Chúa.  Vì cầu nguyện chính là than thở với Ngài, để trình bày với Ngài về nỗi niềm nhân thế.  Cầu nguyện cũng là xin Chúa đỡ nâng trên đường đời còn mang nhiều truân chuyên.  Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện.  Lời Kinh “Lạy Cha” diễn tả mối dây thiêng liêng giữa Thiên Chúa và người tín hữu.  Chỉ có Chúa Giêsu mới được gọi Thiên Chúa là Cha, vì Người là Con của Chúa Cha, như Người nhiều lần khẳng định.  Lời cầu nguyện mà Người dạy các môn đệ khởi đầu bằng hai chữ “Lạy Cha”, hoặc “Thưa Cha”, hoặc “Cha ơi.”  Như vậy, Chúa Giêsu đã cho phép chúng ta gọi Chúa là Cha, giống như bản thân Người.  Nói cách khác, nhờ Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu, và với Chúa Giêsu mà chúng ta được gọi Chúa là Cha với tâm tình thân thương trìu mến.

Nếu chúng ta mạnh dạn đến với Chúa và thân thưa với Ngài: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, là nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá.  Thánh Phaolô nói với chúng ta: trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.  Đức Giêsu đã giải phóng chúng ta khỏi mọi chướng ngại ngăn bước chúng ta đến gần Thiên Chúa.

Khác với lối cầu nguyện kể lể dài dòng và nhằm phô trương nơi những người biệt phái đã bị Chúa Giêsu kịch liệt lên án, kinh Lạy Cha ngắn gọn, đơn sơ mà lại mang nội dung rất phong phú.  Đây là tâm tình đơn sơ của người con thảo thân thưa với Chúa.  Điều cầu nguyện ưu tiên là ước mong cho vinh quang Chúa tỏ hiện giữa lòng nhân thế, để mọi người trên thế giới nhận biết Chúa là Cha vinh hiển quyền năng.  Tiếp đó là những ý cầu nguyện xin cho bản thân và cho những người anh chị em bạn hữu.  “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con.”  Lời kinh khiêm tốn nhẹ nhàng, vừa hướng chúng ta về Chúa, vừa liên kết chúng ta với tha nhân.  Lời kinh cũng thể hiện thiện chí sống hài hòa với mọi người nhờ ơn Chúa, để có được trái tim bao dung như Ngài.

Với tâm tình yêu mến, phó thác và cậy trông, chúng ta cùng thưa với Chúa; “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”.  Chắc chắn lời kinh sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an, trong mọi tình huống của cuộc đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên