“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!”
C. S. Lewis nói, “Tình yêu là sự hiệp nhất sâu sắc, được duy trì bởi ý chí, được củng cố bởi các thói quen tốt, được nuôi dưỡng bởi ân sủng; nhưng trên hết, nó phải được “bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!” Từ đó, bạn mới có khả năng nhìn mọi sự với đôi mắt trẻ thơ!”
Kính thưa Anh Chị em,
“Tình yêu phải được ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!’” Lời Chúa hôm nay cho thấy điều C. S. Lewis nói thật chí lý! Trong tình yêu đối với Thiên Chúa, thay vì đưa ra những đòi hỏi đối với Ngài, chúng ta sẽ đưa ra những đòi hỏi đối với chính mình! Đòi hỏi trước nhất, quan trọng nhất là đòi hỏi thay đổi một thái độ, một cách nhìn, vốn cho phép mỗi người lớn lên trong khiêm nhường, trưởng thành trong tin yêu và tiến nhanh trên đường nên thánh.
Mặc dù đã chứng kiến bao việc kỳ vĩ Chúa Giêsu làm, các kinh sư biệt phái vẫn đòi Ngài làm thêm một dấu lạ. Mối quan hệ của họ với Ngài là mối quan hệ một chiều; họ muốn kéo một Thiên Chúa xuống ‘ngang tầm’ một ông bụt! Một khi họ yêu cầu, ‘Ông Bụt’ đáp ứng thoả đáng; nhờ đó, ‘Ông Bụt’ sẽ ăn mày được sự tôn trọng mà họ bố thí! Chúa Giêsu không phải là một ông bụt, Ngài là Thiên Chúa! Thật đáng tiếc, các kinh sư biệt phái đã đóng cửa trái tim họ đối với Chúa Giêsu từ trước; chính lòng kiêu hãnh của họ đã dẫn họ đến những yêu cầu bất khả thi đối với người khác. Với Chúa Giêsu, lòng kiêu hãnh đó không bao giờ được thoả mãn; vì Ngài biết, tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu đối với sự thật, không có chỗ trong trái tim họ! Và đích thị, lòng kiêu hãnh nơi họ là nguyên nhân của mọi chia rẽ, oán hận và đắng cay; đang khi mọi sự phải được ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!’
Và này, câu trả lời của Chúa Giêsu vẫn không nằm ngoài ý muốn thay đổi bên trong tâm hồn những con người kiêu căng này. Ngài cho biết, như Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba đêm ngày thế nào; rồi đây, Ngài cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Nghe lời Giôna, Ninivê đã thay đổi; nghe lời Ngài, họ cũng phải thay đổi! Thế nhưng, lòng họ vẫn trơ lỳ, và Chúa Giêsu quyết định không giấu giếm họ một điều nào nữa, Ngài nói, “Ở đây, còn có Đấng cao trọng hơn Giôna!” Ninivê đã nhận ra sứ điệp Giôna mang đến, họ đã ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’; nhờ đó, họ được giao hoà với Thiên Chúa, gặp được lòng thương xót của Ngài. Giới kinh sư, biệt phái thì không; họ từ chối Chúa Giêsu và sứ điệp Ngài mang đến; họ không bao giờ hiệp nhất với Thiên Chúa trong tình yêu, chẳng được nuôi dưỡng bởi ân sủng.
Cũng một tâm tình, sách Mikha hôm nay nói, Thiên Chúa không đòi hỏi gì khác, ngoài một việc là Israel phải hạ mình trước mặt Ngài, ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’, “Người hỡi, Ta sẽ chỉ cho ngươi việc phải làm, và việc nào Chúa đòi hỏi nơi ngươi: tức là hãy thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa, và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa ngươi.” Thánh Vịnh đáp ca cũng gợi lên đòi hỏi đó, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”
Anh Chị em,
“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!” Đòi hỏi của giới kinh sư, biệt phái phần nào nói lên thái độ của chúng ta. Lắm khi chúng ta chạy tìm khấn vái hết Đức Mẹ ở nơi này, đến Đức Mẹ nơi khác. Hành động này chẳng khác nào chúng ta buộc Thiên Chúa làm phép lạ đó sao?
Và như thế, vô tình chúng ta thử thách Thiên Chúa và quyền năng của Ngài. Đang khi Thiên Chúa là tình yêu, Ngài thấu hiểu con cái! Chính khi chúng ta cầu nguyện, nhỏ to, tỉ tê, chia sẻ buồn vui cùng những khắc khoải âu lo với Ngài lại là lúc Thiên Chúa vui lòng nhất; qua đó, mối thân tình của chúng ta đối với Ngài ngày càng bền bỉ. Chính qua sự gần gũi này, chúng ta mới nghe được điều Thiên Chúa muốn và nhận ra kế hoạch yêu thương của Ngài. Như thế, ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’, chúng ta sẽ nhận ra sự khôn ngoan tuyệt vời trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trên chính mình, và đó là phép lạ đáng ao ước nhất!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’; nhờ đó, con lớn lên trong khiêm nhường, trưởng thành trong tin yêu và tiến nhanh trên đường nên thánh!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế