YÊU THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG

Tin mừng theo thánh Gioan không tường thuật việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể, nhưng lại tường thuật việc Chúa rửa chân.  Điều đó cho thấy việc rửa chân có một tầm vóc rất quan trọng.  Theo thánh Gioan việc rửa chân nói lên tình yêu đến tận cùng của Chúa Giêsu.  Chiêm ngắm việc Chúa rửa chân cho các Tông đồ, ta có thể thấy có 3 cuộc thanh tẩy.

Thanh tẩy thể lý.  Rửa chân là việc mỗi người phải làm hằng ngày.  Bàn chân là vị trí thấp nhất trong cơ thể nên dễ bị nhiễm bẩn và vì thế cần được rửa ráy nhiều nhất.  Nhưng cũng vì thế mà rửa chân là công việc tầm thường nhất, đây là công việc của người đầy tớ.  Hôm nay Chúa Giêsu tự nguyện đảm nhiệm công việc của đầy tớ.  Chúa bắt đầu bằng cởi áo choàng.  Áo choàng tượng trưng cho địa vị cao cả, cho phẩm giá con người.  Khi cởi áo choàng, Chúa cởi bỏ địa vị làm Chủ, làm Thầy, làm Chúa để làm đầy tớ cho các môn đệ.  Chúa lấy khăn thắt lưng.  Thắt lưng là thái độ của người lao động, buộc áo cho gọn gàng để việc phục vụ nhanh nhẹn hữu hiệu hơn.  Chúa bưng chậu nước.  Đây là thái độ của người đầy tớ phục vụ.  Và đến rửa chân cho từng môn đệ.  Rửa chân nói lên cử chỉ chăm sóc yêu thương.  Vì yêu thương nên khiêm nhường hạ mình chăm sóc phần thấp hèn nhất của cơ thể.

Tuy việc rửa chân có ý nghĩa yêu thương phục vụ, nhưng với Chúa Giêsu và trong bữa Tiệc Ly, việc rửa chân còn mang ý nghĩa cao sâu hơn vì nhằm thanh tẩy tâm hồn.

Thanh tẩy tâm hồn.  Khi nói với Phêrô: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu”, Chúa Giêsu có ý nói đến việc thanh tẩy tâm hồn các tông đồ khi rửa chân cho các ngài.  Bữa Tiệc ly là bữa tiệc Vượt Qua mới.  Để tham dự bữa tiệc Vượt Qua cũ, người Do Thái buộc phải tẩy rửa thân xác cho thanh sạch, dù trong tiệc Vượt Qua cũ, người Do Thái chỉ tưởng niệm một biến cố đã qua và ăn thịt con chiên một tuổi vô tì tích.  Vì thế khi tham dự tiệc Vượt Qua mới, ta càng cần thanh tẩy tâm hồn cho thanh sạch vì ta được gặp gỡ trực tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể và được lãnh nhận Con Chiên Thiên Chúa vô cùng thánh thiện, vô cùng tinh tuyền.

Nhưng đi xa hơn nữa, Chúa còn muốn qua cuộc rửa chân này, thanh tẩy toàn diện cuộc đời các tông đồ.

Thanh tẩy cuộc sống.  Bữa Tiệc Ly tiên báo cái chết của Chúa.  Phép Thánh Thể là lễ hi sinh trên thánh giá.  Việc cởi áo tiên báo Chúa Giêsu sẽ bị lột áo.  Việc thắt lưng tiên báo Chúa bị bắt và bị giết.  Nước rửa tiên báo nước và máu từ cạnh sườn Chúa đổ xuống.  Thật vậy chẳng có nước nào thanh tẩy được con người nếu không phải là nước và máu tuôn ra từ Trái Tim của Chúa.  Cái chết của Chúa chính là phép rửa mà Chúa đã nói trước : “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12, 50).  Như thế, Chúa Giêsu dùng chính cái chết của mình để rửa chân cho các tông đồ, để thanh tẩy các tông đồ và để biến đổi đời sống của các ông.  Đây quả là một tình yêu cho đến tận cùng, yêu thương nên phục vụ đến hiến cả mạng sống.

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi các ông: Như Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em cũng hãy rửa chân cho nhau.  Để rửa chân, phải quì xuống.  Thế giới hôm nay tràn đầy sự kiêu hãnh, hợm mình và muốn chèn ép người khác để nâng mình lên.  Người môn đệ hãy noi gương Chúa từ bỏ chính mình, tự hạ mình, quì gối khiêm nhường phục vụ.  Để rửa chân, phải cởi bỏ áo ngoài.  Thế giới hôm nay muốn tô điểm mình bằng đủ mọi thứ hình thức vỏ bọc bên ngoài.  Người môn đệ phải theo gương Chúa cởi bỏ áo choàng, cởi bỏ hết những gì giả tạo bên ngoài, khiêm nhường sống với con người thực của mình.  Để rửa chân phải lấy khăn thắt lưng.  Thế giới hôm nay thường muốn trói buộc người khác và tự buông thả chính mình.  Người môn đệ Chúa hãy biết thắt lưng, tự chế bản thân.  Để chân sạch, phải lau sau khi rửa.  Thế giới hôm nay thường đổ lỗi cho người khác.  Người môn đệ hãy biết noi gương Chúa, lau sạch lỗi lầm của anh em, nhận lấy lỗi lầm của anh em và đeo vào thắt lưng, đảm nhận những yếu đuối của anh em.

Khi rửa chân, Chúa nói với thánh Phê rô : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”  Lời này làm ta nhớ lại khi hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên tả và bên hữu, Chúa đã hỏi: “Các con có thể uống chén ta sắp uống và chịu phép rửa ta sắp chịu không?” (Mc 10, 38).  Hôm nay Chúa muốn rửa chân cho các tông đồ để các ngài được “chung phần với Chúa.”   Chung phần cao nhất là cùng uống chén Chúa sắp uống và chịu phép rửa Chúa sắp chịu nghĩa là cùng chết với Chúa, chết cho con người tội lỗi, chết cho đời sống xác thịt, chết cho trần gian, để sống một đời sống mới của con người mới thánh thiện, theo thần khí trong cuộc sống cho Nước Trời.

Chung phần như thế là một vinh dự lớn lao.  Chung phần như thế là được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ thế giới.

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt