MÙA VỌNG – ĐỌC DẤU CHỈ CỦA NIỀM HY VỌNG

Trong thời gian đại dịch Covid, không ít “ngôn sứ giả” đã lên tiếng nói về ngày tận thế.  Hầu hết các ngôn sứ này đều loan báo những tin gây hoang mang và gieo lo sợ cho người khác.  Chưa kể đến việc những ai nhận được các tin ấy, phải có trách nhiệm loan tin đến với người khác nữa.  Thế là số lượt thích (lượt like) các tin giả và giật gân được tăng lên mỗi ngày, tỉ lệ thuận với sự lo lắng và hoảng sợ lan tỏa trong cộng đồng.  Nếu để ý một chút, chúng ta có thể nhận ra các điều này dường như đi ngược lại cái nhìn của Ki-tô giáo.  Kinh Thánh nói cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không dùng những sự kiện kinh thiên động địa của vũ trụ để hù dọa con người.  Ngược lại, những điều ấy xảy ra, người Ki-tô hữu được mời gọi nhìn ra sự hữu hạn và bấp bênh của thế giới này, đặt niềm tin vào những điều bền vững hơn.  Nói một cách khác, người Ki-tô hữu được mời gọi đọc ra những dấu chỉ của niềm hy vọng.

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng [1], chúng ta thấy Đức Giê-su dùng những ngôn từ mang tính ngôn sứ để nói về những điều sẽ xảy đến trong tương lai và ý nghĩa của chúng [2]. Ngài nói về sự hỗn loạn của các tinh tú trên trời và sự đảo lộn các vật thể dưới đất.  Trong tình cảnh ấy, mọi người sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.  Họ sẽ sợ đến hồn xiêu phách lạc [3], chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.  Có thể nói, đây là những phản ứng rất tự nhiên và bình thường của con người.  Nhưng điều gây ngạc nhiên cho chúng ta là góc nhìn và cách giải thích ý nghĩa của Đức Giê-su.  Ngài khẳng định: khi thấy những điều ấy xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên.

Chúng ta hiểu điều này thế nào đây?  Khi có ai đó nói rằng sự hỗn loạn của vũ trụ xảy ra như là những dấu chỉ của niềm hy vọng, chứ không phải là thời của sự hủy diệt vĩnh viễn.  Những lời này thật là tuyệt vời, khi chúng ta đang phải chung sống với đại dịch Covid.  Nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn dập tắt được nỗi nghi ngờ, phải chăng mình đang ảo tưởng?

Với những suy luận của lý trí, chúng ta thấy khó hiểu câu nói của Đức Giê-su: “Khi những điều này bắt đầu xảy ra, hãy nhìn lên và ngẩng đầu lên, vì sự cứu chuộc [4] đã gần đến” (c. 28).  Chưa kể là những lời này có vẻ xa lạ đối với chúng ta.  Các nhà chú giải Kinh Thánh khuyên chúng ta không nên hiểu những lời này theo các sự kiện cụ thể, nhưng thay vào đó, chúng ta cần hiểu rằng đây là lời hứa của Thiên Chúa.  Ngài sẽ can thiệp một cách dứt khoát vào lịch sử của con người.  Cho nên, đây không phải là một lời đe dọa, mà là một lời hứa!

Sau khi dạy cách đọc và giải thích ý nghĩa, cũng như mục đích của các dấu chỉ thời đại, bây giờ Đức Giê-su cảnh báo chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.  Ví như người đi đón chàng rể (Mt 25,1-13).  Thời gian chờ đợi là lúc quyết định.  Phần thưởng chỉ dành cho những ai đã chuẩn bị sẵn sàng và tỉnh thức.  Câu hỏi được đặt ra: Ai có thể tỉnh thức, khi sự chờ đợi thường rất buồn tẻ?  Và nếu không tỉnh thức, thì sao?

Đức Giê-su căn dặn các môn đệ: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời.”  Có thể diễn tả lại những lời này bằng ngôn ngữ tích cực hơn: Anh em hãy sử dụng các năng lượng sống một cách tích cực; đừng sử dụng những tài năng Chúa ban một cách vô ích.

Trong ngôn từ của Kinh Thánh, đừng chè chén say sưa [5], có thể hiểu là hãy cố gắng tận dụng tối đa các nguồn lực Chúa ban, để đem lại ích lợi cho chính mình và cho người khác.  Nói một cách khác, hãy trở nên người quản lý khôn ngoan và tài giỏi những ơn lành Chúa ban.  Vì việc sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách vô ích, cũng giống như tình trạng của người say xỉn.  Họ lãng phí thời gian, tiền bạc và sức khỏe… vào các thú vui mau qua – chúng đem đến những cảm giác sung sướng hạnh phúc lâng lâng, nhưng sau đó là sự hụt hẫng và cô đơn vì thiếu vắng hy vọng.

Nếu việc chè chén say sưa trái ngược với sự quản lý tài giỏi, thì sự lo lắng [6] đi ngược lại với đời sống đức tin lành mạnh.  Giống như việc chè chén say sưa, sự lo lắng tiêu hao hết năng lượng sống của chúng ta, mà không sinh ra bất cứ điều hữu ích gì.  Sự lo lắng có thể kéo theo cảm giác mệt mỏi và khiến chúng ta tăng huyết áp.  Sự lo lắng còn làm tê liệt cuộc sống, khiến chúng ta không phản ứng kịp với các nguy hiểm đang đến gần.

Nhìn vào trong cộng đoàn, chúng ta thấy mỗi người có những khó khăn riêng.  Có người trở nên nặng nề vì say xỉn; nhiều người khác lại gặp vấn đề với những lo lắng thái quá của cuộc sống hằng ngày.  Cả hai đều có hại.  Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe thấy rằng lo lắng cũng gây ra tác hại như việc chè chén say sưa.  Vì nếu đưa lên bàn cân để đong đếm, thì có lẽ sự lo lắng có vẻ là một lỗi nhẹ hơn nhiều.  Nhưng thực ra sự lo lắng lại bóp nghẹt tinh thần sống và làm xơ cứng đời sống đức tin.  Không quá lời, nếu nói sự lo lắng gây hại đến đời sống đạo của chúng ta hơn.  Ở đoạn Tin Mừng khác, Đức Giê-su mời gọi tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai. Ngày mai, cứ để ngày mai lo.” [7] 

Vậy điều chúng ta nên làm là gì?  Đức Giê-su mời gọi: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.  Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta tránh được sự nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng thái quá.  Lời cầu nguyện còn giúp chúng ta mở lòng ra để nhận được các ơn lành của Thiên Chúa và sử dụng các năng lượng một cách tích cực và khôn ngoan.  Hãy tỉnh thức, là mời gọi hãy dành thời gian để duyệt xét lại lối sống hiện tại và loại bỏ đi những thú vui thiếu niềm hy vọng.  Đừng chạy theo những bình an và hạnh phúc mau tàn chóng qua, thay vào đó đi tìm và xây dựng niềm an vui đích thực.  Trong mùa Vọng này, xin cho chúng con sẵn sàng và luôn sẵn sàng, để nhận ra và mở lòng đón nhận Ơn Cứu Chuộc đang đến gần.

Trần Văn Ngữ, SJ

[1] Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng Năm C (Lc 21, 25-28, 34-36).
[2] Như lời của ngôn sứ I-sai-a: “Quả vậy, tinh tú bầu trời và các chòm sao sẽ không chiếu sáng nữa, mặt trời vừa mọc lên đã tối sầm, mặt trăng sẽ không còn toả sáng.” (Is 13, 10). Xem thêm (Is 34, 4; Ge 2,10; 3,4; 4,15).
[3] Từ Hy-lạp ἀποψυχόντων (apopsuchonton) = sợ kinh hãi hoặc sợ chết. Ở đây còn có nghĩa là bị đóng băng, bị tê liệt.
[4] Từ Hy Lạp ἀπολύτρωσις (apolytrosis) = sự cứu rỗi, tiền chuộc… Ở đây được hiểu là ơn cứu độ.
[5] Từ Hy-lạp κρεπάλῃ (kraipale) = chóng mặt; và μέθῃ (methe) = say rượu. Trong tiếng Hy Lạp, từ kraipale thường được dùng để chỉ cảm giác buồn nôn hoặc lú lẫn do say rượu. Ngoài ra, từ này còn dùng để nói về những thú vui chơi tiêu khiển nữa. Nó ám chỉ đến những ham mê, thú vui quá độ hoặc phóng đãng…. Tuy nhiên, điểm chung là đều quy về tình trạng say rượu.
[6]  Từ Hy-lạp μερίμναις βιωτικαῖς (merimnais biotikais) = quan tâm, lo lắng những thứ cần thiết hàng ngày của cuộc sống mưu sinh.
[7] Tin tưởng vào Chúa quan phòng (Mt 6, 25-34).