NIỀM VUI KHI TRAO TẶNG

Thời nào cũng thế, người ta có thói quen nhận xét và đánh giá một người ở sự giàu có phong lưu, thể hiện qua phong cách chưng diện và đồ dùng.  Cũng vậy, trong thời đại hôm nay, khi mà nhiều người lấy kim ngân làm thước đo cho mọi giá trị, những nhận định về một người lại càng lầm lẫn hơn.  Người ta chú trọng đến sự giàu có bề ngoài mà ít để ý đến giá trị đích thực của một con người.  Lời Chúa hôm nay muốn giúp chúng ta nhìn rõ hơn, để rồi trong mối tương quan thường ngày, chúng ta trân trọng những giá trị cao cả, mà lại ở dưới một vỏ bọc xem ra là rất bình dị đơn sơ.

Lời Chúa hôm nay nói đến hai người phụ nữ góa bụa.  Một người ở thành Sarepta thời ngôn sứ Elia, một người thời Chúa Giêsu.  Mỗi người một cách, cả hai đều quảng đại và chân thành.  Trong truyền thống Do Thái thời xưa, người phụ nữ góa bụa bị coi như đồ bị chúc dữ (x. Tb 3,7-9).  Họ phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi trong đời sống hằng ngày và trong những sinh hoạt cộng đồng.  Góa bụa đã là điều đau khổ và bất hạnh, người đàn bà góa trong Tin Mừng còn được diễn tả là người nghèo.  Cái nghèo của bà được thể hiện qua cách bà len lén đến gần hòm tiền công đức của Đền Thờ.  Cái nghèo cũng thể hiện qua số tiền mà bà đã bỏ vào đó, chỉ có hai đồng tiền kẽm, trị giá bằng một phần tư đồng xu Rôma.  Tuy vậy, theo cái nhìn của Chúa Giêsu, số tiền nhỏ mọn bà này dâng, lại là số tiền có giá trị lớn hơn cả.  Chúa Giêsu đã giải thích: vì bà này đã rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào hòm tiền công đức tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.  Chúng ta chú ý tới câu nhấn mạnh của Chúa ở chữ “tất cả” mà chúng ta vừa nghe.  Người đời vẫn nói: của cho không bằng cách cho.  Với hai đồng kẽm, người đàn bà góa nghèo đã dâng vào Đền thờ cả tấm lòng, kèm theo đức thờ phượng và tâm tình yêu mến.

Các nhân vật được nêu trong Bài đọc I và bài Tin Mừng thuộc hai thái cực đối lập, khi xét theo địa vị xã hội.  Một bên là những người biệt phái và những kinh sư, bên kia là những người đàn bà góa bụa nghèo khổ.  Biệt phái và kinh sư là những người uyên bác về trí tuệ, hoàn hảo trong tư cách thể hiện; những bà góa mang thân phận hẩm hiu, vừa nghèo về tiền bạc, lại không có chỗ trong các buổi hội họp và sinh hoạt cộng đồng.  Ấy vậy mà những người uyên bác lại bị Chúa trách mắng nghiêm khắc, và những người góa bụa bị mọi người quên lãng thì lại được Chúa khen.  Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước đều diễn tả Thiên Chúa là Đấng yêu thương bênh vực những người góa bụa, cô nhi và kẻ cô thân cô thế.  Ngài là chỗ dựa cho họ.  Các ngôn sứ và các tác giả thánh vịnh còn khẳng định rõ: ai đối xử bất công với những người thiệt thòi này sẽ bị Thiên Chúa báo oán.  Người phụ nữ quê ở Sarépta đã quảng đại với ngôn sứ Elia, đến nỗi chỉ còn một chút bột cuối cùng cũng dành cho vị ngôn sứ.  Lòng quảng đại của bà đã được Chúa thưởng công tức khắc.  Khi nhắc lại cách công đức của bà góa nghèo, Chúa Giêsu khẳng định: cùng với tặng vật, người cho cần có một tấm lòng.  Người muốn chúng ta nhìn nhận một người không dựa vào những gì là bề ngoài, nhưng nơi tấm lòng của họ.  Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng thế, có những trái tim nhân hậu, những tấm lòng quả cảm và những nhân cách cao thượng được ẩn giấu nơi những bề ngoài đơn sơ chất phác và khiêm tốn bình dân.  Mọi người đều đáng tôn trọng quý mến, vì trước mặt Chúa, hết thảy đều bình đẳng.  Mọi người đều được dựng nên giống hình ảnh của Chúa.  Ai cũng được mời gọi sống thánh thiện, và sống thánh thiện tức là nên giống Chúa, vì Chúa là Đấng Chí thánh và là nguồn mạch của sự thánh thiện.

Lời Chúa hôm nay vừa lưu ý chúng ta hãy thay đổi cách nhận định về một con người hay một sự việc, vừa nhắc bảo chúng ta, nghĩa cử chia sẻ luôn có giá trị trước mặt Chúa và giúp bản thân chúng ta nên hoàn thiện.  Chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh.  Chúa dạy chúng ta: cho thì có phúc hơn nhận.  Những gì chúng ta giúp đỡ người bất hạnh, sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an thanh thản trong tâm hồn.  Nghĩa cử chia sẻ của chúng ta giống như lửa, càng cho đi, càng lan rộng mà không hề mất đi.  Niềm vui của những tấm lòng rộng rãi sẽ luôn tồn tại và được nhân lên mãi.

Tác giả thư Do Thái mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đức Giêsu Thượng tế.  Người đã hy sinh vì tội lỗi nhân loại.  Người đã mang trên thân mình tất cả những đau khổ đáng lẽ chúng ta phải chịu, để nhờ đau khổ của Người mà chúng ta được hạnh phúc và bình an.  Noi gương Chúa, chúng ta hãy hy sinh, chia sẻ, cho đi chính sức lực, thời gian, tinh thần, vật chất, để đem lại cho cuộc sống này nhiều niềm vui.

Kính thưa anh chị em, chúng ta đã bước sang tháng Mười một dương lịch, là tháng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.  Thiên Chúa là Đấng Chí thánh.  Con người muốn đến gần Chúa thì phải được thanh tẩy khỏi những gì bất xứng.  Những ai khi kết thúc cuộc đời trần thế, mà còn vương vấn tội nhơ, thì cần được thanh tẩy.  Luyện ngục cũng là bằng chứng về lòng thương xót của Chúa.  Ngài không nỡ trừng phạt các tội nhân, nhưng thanh tẩy họ để họ nên tinh tuyền, xứng đáng vào hưởng hạnh phúc vinh quang của Ngài.  Cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra sự mong manh của kiếp người.  Dù sang trọng giàu có hay nghèo hèn lận đận, cuộc sống cũng chỉ như một hơi thở thoáng qua, như một đoá hoa vô thường.  Con người chỉ sống một lần.  Nếu cuộc sống là một cuộc hành trình, thì hành trình nào cũng có đích điểm, tức là có hồi kết thúc.  Cầu nguyện và suy tư bên mộ những người thân, mỗi chúng ta hãy lắng nghe lời nhắn nhủ của những người đã khuất bóng.  Cuộc đời của họ có biết bao điều muốn nói với chúng ta.  Tiền nhân đã dạy: “Hổ chết để lại da, người ta chết để lại tiếng.”  Có những người sau cuộc sống trần gian, tên tuổi của họ được lưu mãi đến thiên thu.  Có những người khi sống độc ác gian hùng, tên họ cũng được nhắc lại, nhưng như một nỗi kinh hoàng ám ảnh.  Người tín hữu Công giáo tin rằng, những ai sống ngay chính thánh thiện, danh thơm của họ không chỉ lưu lại cho hậu thế, mà còn được Thiên Chúa khắc ghi vào sổ Sự Sống.  Tháng Mười một vừa là tháng thể hiện lòng hiếu thảo tri ân, cũng là lúc chúng ta suy tư về ý nghĩa cuộc đời.  Thông điệp của những nấm mộ, là lời mời gọi sống thánh thiện chân thành, trân quý mọi giá trị của cuộc sống và luôn sẵn sàng cho cuộc lên đường về với Vĩnh Cửu.

Một tác giả đã viết:  Khi một người chết đi, anh ta nắm trong tay chỉ những gì mình đã cho đi khi còn sống.  When a man dies he clutches in his hands only that which he has given away during his life time (Sưu tầm).

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ: kiếp sống con người chỉ như làn gió thoảng qua.  Duy chỉ những đức hạnh và những việc thiện hảo là vĩnh cửu vững bền.  Xin cho chúng con luôn biết cậy dựa vào Chúa là lý tưởng và cùng đích của cuộc đời, để chúng con chiến thắng những cám dỗ, vượt qua mọi rào cản và trọn đời theo Chúa.  Amen.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên