Tin mừng hôm nay cho ta thấy ông thánh Phêrô tuy một nhưng hai tính cách: một Phêrô Kitô hữu và một Phêrô Satan. Một Phêrô nói Thầy là Đấng Mêsia mà dân Israel đã cưu mang từng bao đời. Một Kitô hữu Phêrô rất đẹp nhưng bên cạnh đó có một con quỷ Satan đội lốt Phêrô để can dặn Chúa Giêsu chớ có dại dột mà lên Giêrusalem, Chúa Giêsu quay lại mắng một lời rất nặng mà ít thấy trong Tin mừng. Vâng, Phêrô cũng là hình ảnh của mỗi một người chúng ta đây và tất cả những ai mang danh Kitô hữu có một tính cách rất tốt mà cũng có những tính cách rất Satan.
Thử hỏi hôm nay có người Công giáo nào dám vỗ ngực và bảo rằng tôi đã hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu và không có một Satan nào trong tôi cả. Nhưng mỗi một con người đều pha lẫn ánh sáng và bóng tối, vừa pha lẫn tính chất Kitô hữu và lại có tính cách của quỷ Satan ở đấy. Cho nên, trong bài đọc hai, Thánh Giacôbê nói: “Có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15).
Vậy thì, vấn đề ta phải suy nghĩ với nhau đó là cái gì mà làm cho ta là Kitô hữu mà lại mang tính chất Satan đó? Có thể là nhiều lý do nhưng mình có thể dựa vào Tin mừng hôm nay đó là chúng ta quen tính toán suy nghĩ và chọn lựa đường lối của loài người mà mình quên mất những suy nghĩ vào đường lối của Thiên Chúa. Không có ai và không có cộng đoàn nào mà không đi tìm cho mình sự sống thật và con đường nào dẫn đến sự sống thật? Nhiều khi mình đi tìm sự sống nhưng là một sự sống giả và là con đường tính toán với thế gian. Chẳng hạn, khi hoàng đế Nêron muốn làm thơ về thành Turoa cho nên ông đốt cả thành Rôma, rồi ông đổ tội cho người Công giáo, thế là một cuộc bách hại tàn sát rất dã man đổ lên trên đầu Hội thánh Công giáo. Phêrô tìm cách thoát ra khỏi thành Rôma. Bởi vì Ngài sợ rằng nếu bây giờ mà vị lãnh đạo Giáo hội bị đế quốc Rôma giết chết thì còn ai lãnh đạo, và cả đoàn chiên của Chúa mất đầu, sẽ tan tác hết cho nên Ngài phải thoát ra khỏi thành để duy trì sự sống cho Hội thánh. Nhưng không ngờ rằng trên đường đi ra khỏi thành lại gặp Chúa Giêsu đi ngược lại, và khi Phêrô lên tiếng hỏi Thầy đi đâu, Chúa Giêsu trả lời Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh thêm một lần nữa. Phêrô hiểu và quay trở lại Rôma. Ngài hiểu ngay việc Ngài thoát ra khỏi thành Rôma là sự khôn ngoan, nhưng nó lại là sự khôn ngoan của loài người chứ không phải sự khôn ngoan của Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
Chúa muốn cho con người được hạnh phúc. Chính vì muốn con người được hạnh phúc mà Chúa đã phải xuống trần gian để cứu chuộc con người bằng cái chết trên thập giá và sống lại vinh quang. Nhưng thứ hạnh phúc mà Chúa muốn ban tặng cho con người không phải là thứ hạnh phúc giả tạo dễ dàng, và mau qua theo kiểu thế gian hay Satan. Chúa muốn cho con người được hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc đích thật, hạnh phúc không bao giờ tàn úa. Muốn được hạnh phúc đó, con người phải kinh qua những vất vả, đau đớn. Đau đớn nhất là phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình. Đó là yêu thương, tha thứ nhất là từ bỏ xu hướng của Satan ham muốn xác thịt… để chỉ sống thanh cao phần tinh thần.
Đúng thế, người Kitô hữu qua lời nói, qua việc làm và nhất là qua cuộc sống của mình phải là một câu hỏi cho những người chung quanh. Dù âm thầm nhỏ bé đến đâu chăng nữa, thì đời sống của người Kitô hữu phải làm cho những người chung quanh nhìn ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, là Kitô hữu luôn mang một tính cách của Chúa là: chứng nhân giữa một xã hội đầy giành giật và bon chen, đầy bạo lực và bất công; thực thi tinh thần nghèo khó, chấp nhận thua thiệt mất mát hơn là bán đứng lương tâm của mình để chạy theo những lợi lộc bất chính, yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù địch, và bước theo Chúa cho đến cùng, biết sống lạc quan, tin tưởng vào một Đấng có tình yêu thương trải dài trong suốt lịch sử con người, và sống tử tế, cư xử tốt đẹp với mọi người. Vì vậy, kết thúc thông điệp “Hòa Bình Trên Thế Giới”, Đức Thánh Cha Gioan 23, đã viết như sau: “Mỗi người Kitô hữu trong thế giới là một mảnh sao băng, một tụ điểm của tình yêu, một thứ men sống động giữa những người anh em của mình. Người Kitô hữu sẽ đóng trọn vai trò ấy hơn khi họ còn sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.”
Xin cho Lời Chúa hôm nay luôn thanh tẩy tư tưởng Satan trong trí lòng chúng ta để chỉ còn tư tưởng và đường lối của Chúa trong cung cách sống đạo của chúng ta hôm nay. Amen.
Lm. Joshepus Quang Nguyễn