Đường phố Sài Gòn thênh thang vắng lặng không một bóng người bởi thực hiện lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt thời dịch Covid. Có một lối vào lại đông đúc và chật hẹp chẳng thể thông giao. Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa những ngày vừa qua bế tắc bởi xác người quá nhiều. Đoàn xe đưa đám nối đuôi nhau đợi chờ hàng giờ hầu giải phóng cái gọi là “tù túng” cho cả đôi bên: người nằm trong và kẻ ở ngoài. Cảnh “một cõi đi về” thời Covid sao nó vong thân đến tột cùng!
Câu chuyện “shipper buồn nhất thế giới” trên đường Âu Cơ – Lạc Long Quân những ngày qua làm cho người ta quặn đau bởi thân phận con người thời dịch hãi quá ư “bèo bọt” trong nắm tro tàn. Đúng là thân phận con người, đi đến “mỏi gối chồn chân” của kiếp bụi tro tưởng được an yên phút giây biệt ly, nào ngờ vẫn còn đó sự mệt nhoài nghe tiếng ai oán gõ nhịp không nguôi. Đọc những câu thơ trong bài “Cát Bụi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta mới thấm thía và chua xót cho cái “tù túng” của phận người trong “hũ tro cốt” như một món hàng giao dịch thời công nghệ 4.0: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi, ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.”
Mạng xã hội truyền đi những video với thân phận “nhạt nhòa” của con người trên những chiếc xe tang dồn ứ quan tài. Lò thiêu hoạt động ngày đêm vẫn không thể đưa những xác người “vượt qua ranh giới của cái hình hài” mà về với mẹ đất trong cái bụi. Nằm trong chiếc quan tài “chập hẹp, gò bó, tù túng” có bao giờ vẫn có một cảm thức linh thiêng nơi ấy không được “thoải mái.” Người ra đi còn đâu một nhịp thở trong hai tiếng hiện sinh; người đang sống “với hoài” cũng thấy xa tít chân trời một đoạn đường đưa tiễn. Nỗi đau vẫn còn mãi và day dứt bởi cái chết mùa này sao “cách ly” đến cả đường về thế giới bên kia lẫn lời tiếc thương phân ưu của người thân ruột rà. Thế mới đau! Đau trong cái “chật hẹp” của phận người, đắng trong cái “gò bó” của thời cuộc, và xót xa trong cái “tù túng” trên đoạn đường cuối cùng của cuộc đời.
Trong thời đại dịch, “nghĩa tử là nghĩa tận” sao nó phong trần đến khó tả. Cha mẹ mất con cái không thể gặp gỡ bày tỏ “nghĩa tận” của đạo hiếu. Vợ chồng “có nhau” đến chẳng thể rời, “xương bởi xương tôi thịt bởi thịt tôi,” phút giây tạ thế cũng “nhân tình thế thái” đến lạ thường trong cái thực tại khốn cùng tạo ra. Lời trần tình trên trang facebook Hạnh Maria cũng làm cho chúng đau tận cõi lòng: “Thế là xong một kiếp người. Cô em dâu ra đi không một người thân là hai đứa con gái, người chồng thì chỉ đứng từ xa nhìn vào vì dịch, cũng vì dịch mà em bỏ lại hai đứa con thơ. Không biết từ mai hai cháu sẽ bám víu vào ai. Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Maria mau hưởng tôn nhan Thiên Chúa.” Nhìn chiếc quan tài đổ lệ, người ở lại tiếp tục gồng mình với thời đại dịch “tù túng” trong mọi sinh hoạt thường ngày.
Chết thời Covid vẫn là cái chết của phận người. Chết trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là thực tại chân thật nhất mà ai cũng sẽ trải qua. Bởi đó, sinh ra là nguy cơ tiềm ẩn một ngày sẽ chết đi. Sinh tử là một cặp “hữu thể thực hữu” nghe thì xa xôi nhưng thực chất rất gần, gần đến mức biên thùy của nó giống như khoảng không giữa hai nhịp thời gian hiện tại và tương lai. Hầu như các triết gia hiện sinh ngắm nhìn cái chết không mấy mặn mà. Và cả chúng ta nữa, trong giây phút đau buồn trước cái chết của anh chị trong đại dịch, chúng ta cảm thấy đắng lòng. Sự “tù túng” trong chiếc quan tài kia có thể người đời gọi đó là định mệnh không thể cưỡng lại và chẳng chút nào khiên cưỡng với phận người. Trong lối tâm thức này, chết đúng là tuyệt vọng thật.
Tuy nhiên, tinh thần Kitô Giáo khả dĩ giúp chúng ta nhìn về tương lai bên kia bờ trần gian. Chết không phải là định mệnh đưa con người vào hư vô, mà là “sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi,” là đưa ta vào sự sống vĩnh cửu. Chết là sống lại cách bất diệt nơi Thiên Chúa, Đấng là uyên nguyên sự sống.
Thật vậy, cần một lời nguyện cầu cho người quá cố an vui bên kia nấm mồ, và lại cần một niềm hy vọng vào tương lai tươi đẹp cho con người nguy nan trong cơn đại dịch. Thiên Chúa là nơi ta tìm gặp, là Đấng giải thoát muôn sự “tù túng” cho phận người cả đời này và đời sau. Lời Chúa trong Chúa Nhật 19 thường niên hôm nay đặt chúng ta trong ơn gọi “cứu rỗi” cho cả hai cảnh vực này. Niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, và ăn bánh hằng sống nơi Người sẽ giúp chúng ta hóa giải tất cả mọi đau khổ trong quá khứ, ngay lúc này và cả tương lai. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 47-51).
Chúng ta chẳng thể có kinh nghiệm về cái chết của chính mình, nhưng cái chết của người bên cạnh giúp chúng ta gẫm suy về ý nghĩa cuộc đời. Những khoảnh khắc “tù túng” trên đường về bên kia thế giới của những người ra đi trong thời dịch bệnh này, có làm cho cuộc đời chúng ta thay đổi không? Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt thắng với sự trân trọng “ơn hoán cải” mà Người khơi gọi lên trong lòng chúng ta qua những “dấu chỉ thời đại” của ngày hôm nay.
Phan Hiếu
Nguồn: https://dongten.net