ĐẤNG CHỮA LÀNH

Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19.  Đã gần 2 năm, đại dịch gây biết bao hậu quả nghiêm trọng trong mọi lãnh vực.  Một con virus mắt thường không thấy mà có sức phá huỷ ghê gớm.  Số người chết vì Covid-19 tính đến giữa tháng 6-2021 đã lên tới gần 4 triệu người.  Một số người đã nhận định đại dịch là hình phạt của Thiên Chúa.  Lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta: không phải vậy.  Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ.  Không những thế, Ngài còn là Đấng chữa lành những thương tổn về tinh thần và thể xác của con người.

Thiên Chúa không tạo nên sự ác. Ngài cũng không muốn cho con người phải chết. Tác giả sách Khôn ngoan nói với chúng ta như vậy. Tình yêu thương của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài tạo dựng vũ trụ trời đất và con người.  Một tác giả đã viết: yêu thương tức là muốn cho người khác hiệu hữu (Aimer, c’est vouloir que l’autre soit).  Chúng ta được hiện hữu trên đời là do kết quả tình yêu thương của Thiên Chúa.  Một câu hỏi được đặt ra: nếu Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, vậy sao con người vẫn phải chết?  Vì quỷ dữ ghen tỵ nên cái chết đã xuất hiện trên thế gian.  Vậy, tại sao sự dữ vẫn hiện hữu: thưa, do con người gây nên.  Con người không tuân thủ trật tự Chúa đã xếp đặt, đi ngược lại ý muốn của Đấng Tạo Hoá, phá huỷ công trình sáng tạo của Ngài, nên sự dữ vẫn tồn tại trên thế gian.

Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai.  Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến thế gian để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (x. Lc 19,10).  Trong trình thuật của thánh Máccô hôm nay, chúng ta sẽ thấy có 4 nhân vật chính: Chúa Giêsu, người cha đang đau khổ, bé gái 12 tuổi đã chết và người phụ nữ mắc bệnh đã 12 năm.

Hai nhân vật, ông trưởng Hội đường và người phụ nữ, đều có điểm giống nhau là đức tin, tuy mỗi người thể hiện một cách khác nhau.  Ông trưởng Hội đường thì trực tiếp đến gặp Chúa và xin Người chữa lành con gái ông đang đau nặng gần chết.  Người đàn bà thì kín đáo tế nhị hơn, vì bệnh của bà không tiện nói ra, nhưng ý chính là bà tin vào quyền năng xuất phát từ Chúa Giêsu.  Người phụ nữ chỉ mong sao chạm được vào áo Chúa; viên cai quản Hội đường lại sấp mình nài nỉ van xin.  Cả hai hình thức đức tin đều xuất phát từ lòng xác tín và cậy trông.  Hai người đều tin chắc chắn rằng Đức Giêsu có thể làm được điều họ đang kêu xin.  Tuy vậy, xem ra sự xác tín của người phụ nữ có vẻ mạnh mẽ hơn.  Bà không dám được Chúa biết đến hay can thiệp.  Bà chỉ cần chạm vào áo Người.  Trong khi đó, viên cai quản Hội đường, khi thấy con mình đã chết, đã bị dao động băn khoăn.  Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều nhắc đến “đức tin.”  Nếu Người ngỏ lời với người phụ nữ để khen đức tin của bà, thì với viên cai quản Hội đường, Người lại mời gọi ông hãy vững tin.  Người hiểu tâm trạng của ông khi nghe tin con mình đã chết.  Người cũng hiểu nỗi khổ đau của người phụ nữ mang bệnh lâu năm cần được chữa lành.

Trước nhu cầu của hai nhân vật này, Chúa Giêsu như một lang y vừa quyền thế vừa luôn sẵn sàng phục vụ.  Xin lưu ý: chủ đề chính của Tin Mừng thánh Máccô là trình bày Chúa Giêsu như một người phục vụ.  Hai phép lạ được trình bày đan xen, vừa gây sự hấp dẫn vừa diễn tả nhu cầu cấp thiết của các bệnh nhân: bé gái và người đàn bà.

Vì con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa” (x St 1,27), mỗi tín hữu có sứ mạng làm cho sự tốt lành của Chúa lan tỏa nơi lòng cuộc đời.  Nếu hôm nay, Đức Giêsu không hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt để chữa lành những bệnh nhân, thì Người lại đang mượn cánh tay và tấm lòng của chúng ta để đem tình thương đến cho người bất hạnh, đem niềm vui cho người sầu khổ và đem tự do cho người bị giam cầm.  Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu thành Côrintô hãy quảng đại trong cuộc lạc quyên giúp người nghèo.  Theo vị Tông đồ dân ngoại, Đức Giêsu là gương mẫu cho chúng ta về lòng quảng đại, vì Người là Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em được giàu có” (Bài đọc II).  Mọi sự chúng ta có đều do Chúa ban.  Hơn nữa, chúng ta giàu có là do Chúa đã trở nên nghèo vì chúng ta.  Chính vì thế, san sẻ cho tha nhân là chúng ta làm cho hình ảnh Chúa trở nên rạng ngời nơi cuộc đời này.  Sự sẻ chia không làm cho chúng ta nghèo đi, nhưng trái lại, giúp cho chúng ta trở nên phú quý hơn trong cuộc sống.

Người đàn bà bị bệnh đã mười hai năm được Chúa chữa lành.  Bé gái con ông trưởng hội đường đã chết được Chúa cho sống lại….  Biết bao điều kỳ diệu hôm nay Chúa vẫn đang thực hiện nơi lòng cuộc đời, nếu chúng ta có đức tin vững vàng và lòng cậy trông sâu xa.  Ông Chesterton, văn sĩ, thần học gia và triết gia người Anh (1874-1936) đã viết: “Hãy cầu nguyện như thể mọi sự đều tùy thuộc vào Thiên Chúa.  Hãy hành động như thể mọi sự đều tùy thuộc vào chúng ta.  Quả vậy, khi quyền năng của Thiên Chúa và thiện chí của con người gặp gỡ nhau, thì những điều kỳ diệu sẽ xảy đến trong cuộc đời.

TGM Vũ Văn Thiên