LỜI CẦU NGUYỆN CHÂN THÀNH

Gần đây, tôi có nhận được một lá thư của một phụ nữ có cuộc sống vạn phần đắng cay nuốt hết vào lòng.  Trong vài tháng, cô bị chồng ly dị, bị mất việc, bị buộc phải rời khỏi ngôi nhà cô đã sống lâu nay, bị kẹt trong chỗ ở mới vì lệnh phong tỏa Covid, và bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư nan y.  Thật quá sức chịu đựng.  Có lúc, cô đã sụp đổ, lòng đầy tức giận và chỉ muốn bỏ cuộc.  Cô hướng về Chúa Giêsu trong cay đắng: “Nếu Chúa có đó, dù chắc là không có đâu, thì Chúa biết những chuyện này chứ?  Chúa có bao giờ cô đơn như thế này đâu!”  Tôi nghĩ chúng ta ai cũng có những lúc như thế này.  Chúa có biết những cảnh này không?

Nếu chúng ta tin vào Tin Mừng, thì Chúa Giêsu biết hết những cảnh này, không phải bởi ngài có ý thức thần thánh, nhưng bởi như người phụ nữ tôi vừa kể, Ngài biết ngay từ đầu cảnh phải đơn độc, bị gạt ra ngoài thế giới bình thường của nhân loại.

Điều này đã rõ ràng ngay từ khi Ngài ra đời.  Tin Mừng nói rõ cho chúng ta biết, Mẹ Maria phải sinh Chúa Giêsu trong chuồng bò vì nhà trọ không còn chỗ.  Do người chủ trọ nhẫn tâm!   Tội nghiệp ông ta đã phải chịu chê trách hàng thế kỷ. Tuy nhiên, nghĩ như thế là bỏ sót điểm chính của câu chuyện và hiểu sai ý nghĩa của nó.  Bài học của câu chuyện này không phải là về sự tàn nhẫn vô lương tâm ngự trị thế gian, hay là thế giới quá bận tâm đến bản thân mà chẳng để ý thấy Chúa Giêsu giáng sinh, mặc dù những ý này cũng đúng.  Đúng ra, điểm mấu chốt là, Chúa Kitô, được sinh ra như một kẻ ngoài lề, một kẻ nghèo hèn, một người ngay từ đầu đã không được đặt vào guồng quay chính của xã hội.  Như tác giả Gil Bailie nói, Chúa Giêsu là người bị tất cả nhất trí loại trừ.  Sao có thể khác được chứ?

Với con người của Chúa Giêsu, với thông điệp trọng tâm của Ngài là tin mừng cho người nghèo, và với việc Ngài đi vào cuộc sống nhân loại để trải nghiệm mọi điều trong đó, kể cả đau đớn và sỉ nhục, khi mà đáng ra Ngài có thể sinh ra trong cung điện, được nhiều hỗ trợ và tâm điểm của mọi chú ý yêu thương.  Khi đồng cảnh ngộ với người nghèo, Ngài đã phải sinh “ngoài thành phố” như cách nói của tu sĩ Merton, và nó mang một ý nghĩa ẩn dụ lớn lao.  Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã biết nỗi đau và tủi nhục của người bị loại trừ, người chẳng có chỗ trong xu thế chủ đạo trần thế.

Khi xem kỹ các Tin Mừng, chúng ta thấy, chẳng nỗi đau, về cảm xúc hay thể lý nào, mà Chúa Giêsu chưa trải qua.  Có thể nói, không một ai, bất chấp nỗi đau của chính mình, có thể nói với Chúa Giêsu rằng: Ngài đâu phải trải qua những gì con đã trải qua!  Chúa Giêsu đã trải qua hết rồi.

Trong những năm mục vụ, Ngài đã đối diện với chối bỏ, chế nhạo và bị đe dọa liên tục, có lúc phải trốn đi như tội phạm lẩn trốn.  Ngài cũng cô độc, ngủ một mình, không có được những sự thân mật bình thường của con người, không có gia đình riêng của mình.   Rồi trong cuộc thương khó và cái chết, Ngài đã trải nghiệm những nỗi đau cảm xúc và thể lý cùng cực nhất. Về cảm xúc, Ngài đã “đổ mồ hôi máu”, và về thể lý, khi chịu đóng đinh, Ngài đã trải qua nỗi đau cùng cực, sỉ nhục cùng cực mà một con người có thể gánh chịu.

Như chúng ta đã biết, đóng đinh thập giá được người La Mã dựng lên như hình phạt tử hình, nhưng họ còn nghĩ xa hơn thế nhiều.  Nó được dựng lên để tạo ra đau đớn và sỉ nhục nhiều nhất có thể cho người chịu nạn.  Chính vì thế mà thỉnh thoảng người ta cho người chịu đóng đinh dùng thuốc phiện, không phải để làm giảm cơn đau, nhưng để người đó không ngất đi và thoát khỏi cơn đau này.  Đóng đinh cũng được dùng để sự sỉ nhục lên đến cùng cực.  Và để làm thế, họ lột trần người bị đóng đinh, phơi bày bộ phận sinh dục, và trong cơn co thắt lâm tử, bộ ruột lỏng ra sẽ là sự tủi nhục cuối cùng.  Một vài học giả còn cho rằng trong đêm trước khi vác thập giá, có khi Ngài còn bị binh lính xâm hại tình dục.  Thật sự, không có nỗi đau hay sỉ nhục nào mà Ngài chưa gánh chịu.

Theo Kinh viện, cầu nguyện được định nghĩa là nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.  Sẽ có những điểm chùng xuống trong cuộc đời chúng ta, khi hoàn cảnh buộc chúng ta phải nâng tâm trí và tâm hồn lên với Chúa theo một cách có vẻ đi ngược với cầu nguyện.  Có lúc, chúng ta sẽ tới điểm bùng nổ, khi mà trong sự sụp đổ, giận dữ, hổ thẹn và tuyệt vọng, chúng ta nghĩ không một ai, kể cả Thiên Chúa, quan tâm đến chúng ta, chúng ta cực kỳ cô độc, và thế là, dù có ý thức hay không, chúng ta sẽ đối đầu với Chúa Giêsu qua những lời này: “Chúa biết gì về chuyện này chứ!”  Và Chúa sẽ lắng nghe lời đó như một lời cầu nguyện, một tiếng kêu chân thành từ cõi lòng, hơn là một lời bất kính.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THINH LẶNG NỘI TÂM

Chúng ta đang sống trong thời bùng nổ thông tin.  Chúng ta cập nhật tin tức hằng ngày, đọc “tin” rồi “tức.”  Đến nỗi, chúng làm cho một số người mất phương hướng, không biết đứng vào đâu cho vững, bởi muôn vàn những sự xấu xa quanh mình.  Để rồi, họ không còn tin vào bản thân và đủ tin vào tha nhân.  Có thể nói, đó là hình thức “khủng bố” về thông tin.  Đã đến lúc, chúng ta cần dành những phút thinh lặng để lượng giá thông tin hầu rút ra những thông điệp giúp cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Dường như con người ngày nay sợ đối diện với thinh lặng?  Vì đối với họ, thinh lặng là một hình thức phủ nhận hiện hữu bản thân cách nào đó.  Thế nên, họ nói luyên thuyên hoặc nghe bất cứ sự gì để bớt cảm giác trống rỗng trong tâm hồn.  Ở những nơi buôn bán sầm uất, họ kích thích người khác mua sắm bằng cách mở nhạc kích động nhằm tác động tâm lý người mua mau mắn quyết định chọn lựa sản phẩm của mình.  Ở tư gia, họ thoải mái chọn các kênh truyền hình mình yêu thích để vui cửa vui nhà…  Chưa hết, giới trẻ thể hiện đẳng cấp của mình bằng cách nghe những loại nhạc rẻ tiền, yêu nhau ba ngày rồi xa nhau.  Những bài hát đại loại như thế đã tiêm nhiễm những tâm hồn nhạy cảm khiến giới trẻ ngày nay yêu cuồng sống vội, sống thử sống hoang…  Đã đến lúc, chúng ta cần dành những phút thinh lặng để lượng giá cuộc sống của mình, rằng: những gì mang lại cho ý nghĩa cuộc sống của tôi?

Thinh lặng không có nghĩa là câm nín mà là để lắng nghe.  Chúng ta được Thượng Đế ban cho một cái miệng để nói nhưng có hai tai để lắng nghe.  Thinh lặng để lắng nghe, lắng nghe để thuận theo.  Lắng nghe tiếng Chúa mời gọi trong từng khoảnh khắc cuộc sống và thuận theo ý muốn của Người.  Đó là thái độ đúng đắn của người khao khát sống tâm linh và đi tìm ý nghĩa cuộc sống.

Lắng nghe

Chúng ta thinh lặng để lắng nghe những gì?

Trước tiên, chúng ta cần lắng nghe những tiếng thổn thức của lòng mình.  Bạn có phải là người đam mê danh vọng?  Bạn thích nghe những lời nói uy quyền và cũng thích dùng “quyền” để “hành” người khác.  Bạn thích ăn trên ngồi trốc, ăn trắng mặc trơn…  Những thứ ấy giúp người khác đánh giá đẳng cấp của bạn, tạo “thương hiệu” cho bản thân mình.  Bạn có phải là người đam mê trục lợi?  Bạn thích vơ vét về cho mình mọi sự cả những gì thuộc quyền sở hữu của người khác.  Bạn phá kho lẫm nhỏ để xây kho chứa lớn hầu lấp đầy tham vọng của mình.   Bạn dễ nghe tiếng nói của tiền bạc hơn là tiếng thét gào đói khổ của tha nhân.  Bạn như chú cọp no mồi đang nằm vuốt ve bộ cánh của mình…  Bạn có phải là người đam mê sắc dục?  Sự tươi mát của người khác là niềm hương phấn cho bạn.  Nhân phẩm của con người chỉ đáng giá một cuộc mua vui.  Mọi sự trên đời được ban cho con người để chỉ thụ hưởng…  Bạn cần lắng nghe những thổn thức của lòng mình để nhận ra những cám dỗ danh, lợi và thú đang cuộn trào trong tâm hồn để biết mình hơn.  Thinh lặng khả dĩ giúp người ta biết mình và tự chủ.

Cũng liên quan đến chiều kích cá nhân, để có thể lắng nghe tiếng Chúa, con người phải thinh lặng và cô tịch đến mức hoàn toàn nghĩa là chết đi con người cũ của mình.  Điều này nhà thần học Maurice Zundel đã kinh nghiệm khi nói rằng: “Chỉ có thinh lặng của toàn thể bản thể con người, trong cái chết của cái tôi mới có thể nghe được tiếng vang vọng nhiệm mầu của cái thinh lặng nơi Thiên Chúa”.[1]

Tiếp đến, thinh lặng để lắng nghe tiếng nói của tha nhân.  Trong lúc chúng ta mưu tìm mọi thuận lợi cho bản thân mình thì đâu đó, tiếng gào thét của bao người đau khổ; những Ladarô của thời đại đang ngồi trước cửa nhà bạn.  Họ là bản trắc nghiệm cho lòng trắc ẩn của bạn.  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói thật chí lý: Thiên Chúa đặt để những người bất hạnh quanh bạn để giúp bạn thi thố lòng quảng đại.  Có thể chúng ta vẫn lắng nghe nhưng đưa mắt làm ngơ.  Đức Phanxicô đã mạnh mẽ cảnh báo con người thời đại về thái độ toàn cầu hóa sự dửng dưng.  Sự dưng dửng ấy làm giảm trừ tính người trong chúng ta.  Bởi đó, chúng ta cần thinh lặng để lắng nghe tiếng nói của tha nhân, để nhạy bén và đồng hành với những mảnh đời bất hạnh.  Thinh lặng giúp khai thông lòng trắc ẩn nơi sâu thẳm lòng người.

Sau hết, thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Kinh nghiệm của ngôn sứ Elia cho ta thấy: phải thinh lặng đủ mới ý thức Chúa đến trong cơn gió hiu hiu.  Khi khước từ cuộc chiến thắng với 450 tư tế của Baal và chạy trốn mọi thế lực trần gian, ông mới sẵn sàng bước vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.  Chính trong sự bất lực khi ông thốt lên: “Chúa ơi đủ rồi, hãy lấy mạng con đi, vì con cũng không hơn gì các bậc cha ông con xưa” (1V 19,4) mà ông có thể dễ dàng lắng nghe tiếng Thiên Chúa.  Chính trong sự bất lực, buông xuôi tưởng chừng như vô vọng, Thiên Chúa lại tỏ mình ra cho ta mà chỉ có một tâm hồn thinh lặng biết lắng nghe mới nhận thức giờ Chúa viếng thăm.

Đôi khi, chúng ta thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa nhưng vì sự hiểu biết của ta có thể cản trở một cuộc tiếp xúc với Chúa đích thực.  Evagre le Pontique đã lưu ý chúng ta: “Sự tĩnh lặng có khả năng làm tan biến mọi tư tưởng, mọi hình ảnh của ta về Thiên Chúa.  Chỉ như thế, chúng ta mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa thật”.[2]  Điều này đã được minh chứng rõ nét trong cuộc đời thánh Toma Aquino.  Đọc trọn bộ Tổng luận thần học và những tác phẩm của ngài, chúng ta mới nhận ra sự uyên bác của thánh nhân và những tư tưởng ấy ngày nay vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ trong Giáo Hội.  Thế mà, khi được vị thư ký hỏi: sao ngài không hoàn tất bộ Tổng luận này vì chỉ còn ít chương, ngài trả lời một cách chân thành: tôi coi tất cả như rơm rác.  Và từ đó, ngài đã ngưng mọi việc tri thức, bắt đầu cuộc sống thinh lặng và chiêm niệm.  Chúng ta không được ngài chia sẻ về những kinh nghiệm thiêng liêng trong cuộc tiếp xúc với Thiên Chúa, nhưng một khi coi những gì mình viết là rơm rác thì chúng ta cũng liên tưởng đến thánh Phaolô khi ngài quả quyết: “…tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,9).  Đó là những người đã đạt được Đức Kitô trong hành trình tâm linh.

Sau khi thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, chúng ta đi thêm bước nữa là thuận theo ý muốn của Ngài.

Thuận theo

Có thể nói, trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta là những người mò mẫm đi tìm thánh ý Thiên Chúa.  Chính những sa sẩy trong cuộc sống mà chúng ta ý thức rằng chúng ta qui về bản thân hơn là thuận theo ý muốn của Ngài.

Mỗi ngày chúng ta không ngừng thực hiện những cuộc chọn lựa.  Nếu chúng ta không thiết lập bậc thang giá trị đúng đắn, nghĩa là qui về Nước Thiên Chúa và Đức Công chính của Ngài, chúng ta vẫn còn lầm lạc.  Điều này đòi buộc chúng ta phải có óc phân định, sống theo Thần Khí mà kinh nghiệm của thánh Inhã, Tổ phụ dòng Tên, sẽ là một kim chỉ nam cho đời sống tâm linh của chúng ta.  Một trong những cách được ngài đề nghị trong tập Linh Thao là phân biệt tiếng thần dữ và tiếng Chúa.  Tiếng thần dữ thường ồn ào, xáo trộn, gây mất bình an; trái lại, tiếng Chúa luôn nhẹ nhàng, lâu bền và thiết lập bình an trong tâm hồn.  Biện phân được đâu là tiếng thần dữ hay đâu là tiếng Chúa đã khó, thực hành càng khó hơn.  Đó cũng là kinh nghiệm giằng co nội tâm của thánh Phaolô: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15b).  Đúng thế, ý chí con người muốn hướng về ý Chúa, nhưng vì bản tính yếu đuối, con người lại muốn tìm sự dễ dãi, mà đường thênh thang dẫn đến diệt vong.  Ngay như Chúa Giêsu, một khi biết ý muốn của Cha là hoàn tất con đường thập giá, Người cũng xin được miễn uống chén đắng; song, ngay sau đó, Người đã hoàn toàn sẵn sàng khi thốt lên: “Xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha” (x. Lc 22,42).

Có thể nói, chính những giờ phút sống thinh lặng và cô tịch hoàn toàn mà Chúa Giêsu đã đọc ra ý muốn của Cha, và cũng nhờ một thái độ vâng phục hoàn toàn mà ý muốn cứu độ của Cha đã thành toàn.  Những giọt mồ hôi máu của Chúa Giêsu là cái giá phải trả cho một cuộc chiến đấu nội tâm không ngừng nơi Người.

Xét cho cùng, thinh lặng nội tâm chỉ có ý nghĩa thực sự khi tạo cho mỗi chúng ta một không gian tốt khả dĩ giúp chúng ta sống ý muốn của Cha trong sứ mạng đặc thù của mình.  Và một điều chúng ta cần xác tín rằng: ý muốn của Cha lớn hơn bản thân ta vì nhờ đó, ý định của Ngài thành toàn trong cuộc đời ta.  Làm sao cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa nếu không miệt mài tìm kiếm ý muốn của Chúa?  Chính thinh lặng nội tâm sẽ giúp ta dần dần khám phá bản thân, sống hết mình với tha nhân và hết tình với Thiên Chúa.

Còn bạn, bạn làm gì để sống một cuộc sống có ý nghĩa trong một xã hội ồn ào và trống rỗng như ngày nay?  Thách đố ấy vẫn luôn đeo bám bạn.  Thiết tưởng, chúng ta cần nhắc lại lời khích lệ của Đức Phanxicô: “Những sự dữ của thế giới chúng ta và của Giáo Hội không phải là một lý do để giảm bớt sự dấn thân và nhiệt tình của chúng ta.  Hãy chỉ coi chúng như những thách đố để lớn lên”.[3]

Những thách đố có giúp bạn lớn lên?  Sự lớn lên của chúng ta hệ tại ở việc để Chúa hành động trong cuộc đời ta.  Chính trong thinh lặng nội tâm, chúng ta sẽ khám phá ra Chúa Giêsu là giải đáp cho mọi vấn đề và Người là ý nghĩa cuộc đời ta.

Eymard An Mai Đỗ O. Cist.
Nguồn: simonhoadalat.com

[1] Marc Donzé, Tư tưởng thần học của Maurice Zundel, chuyển ngữ Nguyễn Thị Chung, Nxb Tôn Giáo, tr.609.

[2] Anselm Grun, Hãy mở giác quan bạn cho Thiên Chúa, Nxb Phương Đông, tr.57.

[3] Đức Phanxicô, Sđd, số 84.

LÀM SAO NGHE ĐƯỢC TIẾNG CHÚA?

Cuộc sống luôn náo nhiệt.  Ồn ào trong mọi nơi mọi lúc.  Con người như lạc lõng giữa muôn vàn âm thanh trong thế giới ồn ào.  Có đôi khi chúng ta không còn nghe được tiếng gọi của sự thật hay tiếng nói của lương tâm.

Anh A đã từng nhiều lần vào tù vì tội tham lam trộm cắp nhưng anh nói giữa cuộc đời bon chen anh không bao giờ nghe được tiếng nói của lương tâm mà chỉ nghe những thét gào của tranh giành, lừa đảo và bon chen…  Anh bảo rằng mình không biết phải sống thế nào cho đúng với lương tâm, vì lương tâm đồng nghĩa thua thiệt và mất mát.

Chị B cũng từng ngụp lặn trong biển tình say đắm.  Với chị có sắc đẹp là có tiền, có tình.  Chị chỉ nghe thấy tiếng gọi của đồng tiền và thú vui xác thịt.  Chị được người đời đeo đuổi réo gọi vì chị có nhan sắc trời cho.  Cuộc đời chị cần tiền để bồi dưỡng thân xác và được cưng phụng.  Thế giới của chị luôn phải chạy theo tiếng gọi của đồng tiền và sắc đẹp.

Cậu C bảo rằng giữa một thế giới chạy theo tiếng gọi của danh lợi thú làm sao nghe được tiếng Chúa.  Tiếng gọi của tình, tiền, và quyền luôn hấp dẫn, lôi cuốn khiến con người luôn bị lạc lối một trong ba tiếng gọi ấy!

Điều đáng buồn là con người dường như mất định hướng trong thế giới náo nhiệt hôm nay.  Con người dường như không bao giờ hạnh phúc trong danh lợi thú khi họ vất vả tìm kiếm, và càng không có bình yên trong thế giới đầy bon chen giành giựt để sống.  Vậy làm sao con người có thể thoát ra được thế giới náo nhiệt này?

Người ta kể rằng một lần đội vệ binh đang đứng làm thành hàng chào một vị quan lớn tới thăm.  Đúng lúc vị quan lớn gần tới thì một đàn cừu ở đâu hiên ngang đi ra.  Con đường độc đạo giờ đây bị đàn cừu chiếm lĩnh.  Người chỉ huy ra lệnh cho thuộc cấp:

– Bằng mọi giá anh em hãy lùa đàn cừu rời khỏi mặt đường.

Đội vệ binh dùng đủ mọi cách, kể cả việc dùng súng bắn chỉ thiên để lùa đàn cừu rời khỏi mặt đường nhưng vô vọng!

Một người lính liền nói: xin mọi người yên lặng.  Và từ xa tiếng sáo du dương trầm bổng đang réo gọi.  Không cần đuổi, chẳng nhọc công, đàn cừu hướng tầm nhìn và ùa chạy về phía tiếng sáo.  Hân hoan và vui mừng, chúng quây quần bên người mục đồng nhỏ bé đang đứng trên gò đất cao.

Giữa muôn vàn tiếng ồn ào của đám đông, chỉ cần thinh lặng, một chút lặng yên thôi, cũng đủ để đàn chiên nghe được tiếng gọi của người chăn dắt.  Thế giới chúng ta đang sống cũng có quá nhiều tiếng động xô bồ và âm thanh hỗn tạp, quá nhiều đến độ chúng ta không còn có thể nghe được tiếng nói của lương tâm của sự thiện, và càng không thể lắng lòng để nghe được tiếng gọi Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành.

Phải chi chúng ta cũng có được những khoảnh khắc trầm lắng quý giá như thế, để rồi nghe được thứ thanh âm của sự tĩnh lặng, nghe được lời gọi của Thiên Chúa và nhận ra Người?  Phải chi chúng ta cũng biết trao tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa, để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta: “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành.  Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi.  Chúng sẽ nghe tiếng Tôi, và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục Tử.”

Hôm nay lễ Chúa chiên lành, là dịp để chúng ta tạ ơn vì Ngài luôn yêu thương chăm sóc, chở che và gìn giữ cuộc đời chúng ta bằng muôn nghìn cách.  Dù cuộc đời có biết bao cám dỗ mời mọc chúng ta vào con đường tội lỗi.  Có biết bao đam mê khiến chúng ta lầm đường lạc lối.  Có biết bao con đường dẫn chúng ta xa lìa sự sống đời đời.  Nhưng Chúa luôn ở bên và kêu gọi chúng ta ra khỏi bến mê tội lỗi.  Xin cho chúng ta biết nhận ra tiếng Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa.  Vì ở nơi Ngài mới có hạnh phúc bền vững còn những danh lợi thú chỉ là phù vân mau qua và chẳng bao giờ đem lại niềm vui trường cửu cho ta.  Amen!

Lm. Tạ Duy Tuyền