MUỐN ĐI XA HƠN

“Khi con già, người khác sẽ thắt lưng cho con, dẫn con đến nơi con không muốn”.

“Ben-Hur”, một tác phẩm sử thi kinh điển, một cuốn phim giành 11 giải Oscar.  Đó là một câu chuyện cao ngất tình Chúa, cao thượng tình người và là sự miêu tả tinh tế về quyền năng, ân sủng và tình yêu.  Thế nhưng, “phần còn lại” nào mấy ai biết!  Đó là khi tác giả Lew Wallace, một người vô thần, bắt đầu nghiên cứu cuộc đời Chúa Giêsu, nhằm viết một điều gì đó để phủ nhận Ngài; thì lạ thay, càng đi sâu vào nghiên cứu, tác giả càng choáng ngợp trước các bằng chứng.  Sau đó, thay vì viết một cuốn sách chứng minh Ngài không phải là Thiên Chúa, ông viết “Ben-Hur”, chứng tỏ Ngài là Chúa Trời, Đấng ‘muốn đi xa hơn’, biến ông thành môn đệ, rao giảng Ngài suốt quãng đời còn lại.

Kính thưa Anh Chị em,

Một điều gì đó tương tự xảy ra nơi Phêrô, khi Chúa Giêsu cũng ‘muốn đi xa hơn’ trong tình yêu ông dành cho Ngài.  Bên bếp lửa hồng, đêm Ngài bị nộp, Phêrô chối Thầy ba bận; bên một bếp lửa hồng khác, ngày Ngài hiện ra sau phục sinh, Phêrô bày tỏ yêu mến Thầy ba lần.  Thật thú vị!  Ngọn lửa thứ nhất chứng kiến sự vỡ vụn của tình yêu Phêrô đối với Thầy; ngọn lửa thứ hai chứng kiến sự tròn đầy của tình yêu Thầy dành cho Phêrô, cũng như sự thanh khiết của tình yêu Phêrô dành cho Thầy mình.  Vậy mà không dừng lại ở đó, tình yêu Chúa Giêsu dành cho Phêrô còn ‘muốn đi xa hơn’, “Khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn.”

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay xảy ra trên bờ hồ Tibêria; ở đó, Gioan ghi lại ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô, “Con có yêu mến Thầy không?”; và ông đã trả lời ba lần, “Thầy biết, con yêu mến Thầy!”  Câu hỏi của Chúa Giêsu không phải là, “Tại sao con chối Thầy?”, nhưng là “Con có yêu mến Thầy không?”  Ngài không tập trung vào quá khứ nhưng tập chú vào hiện tại.  Quá khứ là quá khứ; hiện tại mới là vấn đề!  Hiện tại là lòng yêu mến; là chiên con, chiên mẹ và cả đoàn chiên Ngài trao.  Thế nhưng, chưa đủ, Chúa Giêsu ‘muốn đi xa hơn’ khi nói đến những gì sẽ xảy ra lúc Phêrô về chiều, “Con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn.”  Thánh Gioan thật nhạy bén khi viết, “Chúa nói thế, có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào.”  Truyền thống cho biết, cuối cùng, Phêrô đã bị đóng đinh; và theo yêu cầu, Phêrô xin được đóng đinh lộn ngược, để mắt dễ hướng lên trời; hơn nữa, vì cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy.  Hẳn chính Phêrô cũng ‘muốn đi xa hơn’, xa tận trời, vì Phêrô biết, “Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm” như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên bố; vì thế, không lạ, chân Phêrô dốc ngược, hướng thẳng lên trời!

Một sự trùng hợp thú vị ở đây, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy Phaolô cũng ‘muốn đi xa hơn’ khi nại đến hoàng đế Rôma, vì chính Chúa Giêsu, Đấng sai ông, cũng đã tiết lộ ý muốn ấy, “Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy!”

Ở đây, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng, cách hiểu của Chúa Giêsu về tình yêu rất khác với cách hiểu của con người.  Với Chúa Giêsu, đau khổ không đối nghịch với tình yêu khi nó được ôm lấy một cách tự do vì một mục đích cao cả hơn.  Chịu đau khổ và đau khổ tự nó không có giá trị gì, nhưng một khi đau khổ được đón nhận trong hy sinh vì tình yêu dành cho người khác, thì nó có khả năng mang một sức mạnh lớn lao đến kỳ diệu!  Và khi Chúa Giêsu nói đến sự nâng đỡ của Ngài dành cho Phêrô, “Simon, Simon, Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất đức tin!” thì Ngài vẫn ‘muốn đi xa hơn’, khi nhắm đến phần thưởng đời đời mà Phêrô sẽ giành được nhờ chính thập giá của mình.  Việc Chúa Giêsu không né tránh sự đau khổ trong tương lai cho Phêrô là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất, cho thấy tình yêu hoàn hảo hơn Ngài dành cho ông.

Anh Chị em,

Ai trong chúng ta cũng ‘muốn đi xa hơn’, xa hơn trong bổn phận, xa hơn trong sự thánh thiện…  Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang hỏi mỗi người đến ba lần, “Con có yêu mến Thầy không?”  Ngài ước muốn tình yêu chúng ta dành cho Ngài thật tinh tuyền, trọn vẹn; Ngài không chấp nhận một trái tim bị phân chia vì bất cứ lý do nào.  Bởi chỉ với tình yêu hoàn hảo, chúng ta mới có thể tận tình chăn dắt và dám hy sinh cho đoàn chiên, chiên mà Chúa đã mua bằng chính máu Ngài.  Như thế, nhờ tình yêu thuần khiết, mỗi người chúng ta mới có thể đi xa hơn trong ơn gọi của mình như Chúa mong muốn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con ‘muốn đi xa hơn’ trong việc nên thánh, trong bổn phận; xin Thánh Thần Chúa thanh luyện cho trí lòng con tinh tuyền, sạch trong; đồng thời, đốt cháy trong tim con lửa yêu mến”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

NGỌN LỬA THẦN LINH

Lửa là biểu tượng của Chúa Thánh Thần.  Tác giả sách Công vụ Tông đồ kể lại: vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống như hình lưỡi lửa trên mỗi tông đồ trong lúc các ông đang cầu nguyện xung quanh Đức Maria.  Kể từ giây phút Chúa Thánh Thần ngự đến, các ông trở thành những chứng nhân can đảm của Đấng Phục sinh.  Họ mở tung cánh cửa trước đó còn đóng kín.  Họ mạnh mẽ rao giảng về Đức Giêsu.  Lời giảng ấy có sức thuyết phục đến nỗi trong ngày hôm ấy có ba ngàn người xin theo Đạo.  Ngọn lửa là Thánh Thần có sức mạnh thật kỳ diệu.  Đó là ngọn lửa thần linh.

Công dụng của lửa trước hết là để sưởi ấm.  Vào thời cuộc sống còn hoang sơ cũng như hiện nay tại miền thôn quê hẻo lánh, người ta cần có lửa để sưởi ấm vào mùa đông.  Chúa Thánh Thần là Đấng sưởi ấm tâm hồn chúng ta.  Do tội lỗi, tâm hồn chúng ta trở nên băng giá, sức sống bị bóp nghẹt.  Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta được ơn tha tội và được hồi sinh, trở nên ấm áp bình an.  Chúa Thánh Thần vừa ban cho chúng ta sự ấm áp của tình Chúa, vừa giúp chúng ta tìm thấy sự ấm áp của tình người, nhờ đó mối tương quan với tha nhân sẽ được cải thiện, chan hòa và bừng cháy yêu thương.  Bài Tin Mừng hôm nay kể lại, vào chính ngày Phục sinh, Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ.  Lúc đó các ông đang buồn sầu hoang mang sợ hãi.  Chúa đã sưởi ấm tâm hồn các ông bằng Thánh Thần.  Nhờ vậy, nỗi buồn nơi các ông biến mất, các ông vui mừng vì được thấy Chúa và tin vào những gì Người đã dạy trước đó.

Công dụng của lửa cũng để soi sáng.  Trong đêm tối, ngọn lửa sẽ giúp người ta không lạc đường và tránh được những nguy hiểm.  Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng tâm hồn các tín hữu, nhờ đó họ biết đường ngay nẻo chính và không bị lạc đường.  Con đường lý tưởng là chính Chúa Giêsu.  Điểm tới của con đường ấy là hạnh phúc đích thực, vì con đường này dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.  Cuộc sống trần gian như dòng sông trôi về muôn hướng, nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta biết chọn hướng đi đem lại hạnh phúc cho tương lai cuộc đời mình.  Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mỗi người Kitô hữu cũng trở nên ánh sáng để soi cho những ai lầm đường lạc lối, chỉ cho họ thấy con đường chân lý, cảnh báo những nguy hiểm giúp họ an vui.

Chức năng của lửa cũng là để tôi luyện.  Những thanh sắt thô sơ, nhờ tác động của lửa, sẽ trở thành dụng cụ công hiệu sắc bén trong đời sống hằng ngày.  Nhờ Chúa Thánh Thần giúp sức, người tín hữu sẽ trở nên chiến sĩ của Chúa Kitô, góp phần chinh phục thế gian và làm cho vương quốc tình yêu lan rộng.  Cuộc tôi luyện nào cũng cần phải hy sinh gian khổ.  Để trở nên dụng cụ của Chúa, chúng ta phải để Chúa Thánh Thần thanh luyện, như lửa luyện sắt.  Được trang bị sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ can đảm và trung thành với Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào.  Các Thánh tử đạo là những người được Chúa Thánh Thần tôi luyện, nên các ngài không khuất phục trước cường quyền và bạo chúa, kiên quyết một niềm theo Chúa Kitô và trung tín đến cùng.

Chúa Thánh Thần tác động nơi cuộc đời người tín hữu, uốn nắn điều chỉnh, để nhờ đó, bớt đi những nết xấu, tăng thêm nhân đức.  Ngài tưới gội ân sủng của Ngài nơi chúng ta, làm cho sự sống vui tươi lạc quan hơn.  Thánh Phaolô so sánh Giáo Hội như một thân thể, gồm nhiều chi thể khác nhau.  Chi thể nào cũng quý, cũng đáng trọng.  Chính Chúa Thánh Thần nối kết các chi thể trong thân thể Giáo Hội để tạo nên sự hài hòa đồng bộ.  Nhờ Chúa Thánh Thần mà các chi thể hiệp thông với nhau, chia sẻ vui buồn và nâng đỡ nhau trong cuộc sống, đồng thời góp phần làm cho thân thể được lớn mạnh.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến!  Đó là lời cầu nguyện của cả Giáo Hội hoàn vũ trong những ngày này.  Thực ra, Chúa Thánh Thần đã đến từ ngày Lễ Ngũ Tuần và chưa bao giờ Ngài lìa xa chúng ta.  Ngài hiện hữu trong vũ trụ như hơi thở đối với một thân xác.  Ngài hiện diện trong Giáo Hội như linh hồn làm cho Giáo Hội sống và hoạt động.  Khi cầu xin Ngài ngự đến, là chúng ta tái khám phá sự hiện diện và hoạt động của Ngài, đồng thời mở rộng tấm lòng để Ngài thực sự đi vào mọi lãnh vực đời sống của chúng ta.  Như thế, chúng ta sẽ được Ngài soi sáng, sưởi ấm, thanh luyện và thánh hóa.  Cuộc sống sẽ chan hòa niềm vui khi có Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

HỘI THÁNH TẠI GIA

“Khi Priscilla và Aquila nghe Apollô, liền đón anh về nhà; trình bày cặn kẽ hơn cho anh biết đạo Chúa.”

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi chúng ta dừng lại nhiều hơn với bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, để mục kích những công việc của Chúa Thánh Linh trong thời phôi thai của Hội Thánh; qua đó, chúng ta chiêm ngắm một hình ảnh tuyệt vời đầy dấu ấn Thánh Thần của cái được gọi là ‘Hội Thánh tại gia’, vốn cũng là các tế bào đầu tiên làm nên Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Hội Thánh của Ngài.

Và sẽ bất ngờ hơn, khi hai nhân vật chính lại là ‘cặp đôi Priscilla và Aquila’ mà không ít người sẽ cảm thấy rất thú vị, khi biết đôi bạn này là hai vị thánh đầu tiên sống đời đôi bạn với nhau của Giáo Hội; chỉ sau gia đình Thánh Gia và trước cả song thân Louis & Zélie của chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Công Vụ Tông Đồ hôm nay lại nêu gương sáng của đôi bạn này; qua đó, một lần nữa, kỳ diệu thay công việc của Chúa Thánh Thần!  Priscilla và Aquila quan tâm đặc biệt đến một tín đồ tên là Apollô, một tín hữu “nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về Chúa Kitô, mặc dầu anh chỉ biết phép rửa của Gioan.”  Vừa nghe tin Apollô đến Êphêsô, Priscilla và Aquila đã đón anh về nhà, như đã từng đón Phaolô một năm rưỡi.  Priscilla và Aquila đã hướng dẫn thêm cho Apollô về đức tin, “trình bày cặn kẽ hơn cho anh biết đạo Chúa;” hai người đã trở thành ‘giảng viên giáo lý’ của anh ấy.  Kết quả là, Apollô có thể rời Êphêsô để đến với giáo đoàn Côrintô; ở đó, anh đã trở thành một nhà giảng thuyết hùng hồn, bênh vực đạo Chúa, vì anh rất lợi khẩu; “Anh đã giúp các tín hữu rất nhiều.”

Do hậu quả của đại dịch và việc chúng ta không thể tụ họp trong nhà thờ, thì ‘nhà thờ tại gia’ hay ‘Hội Thánh tại gia’ đã trở nên ‘nóng sốt’ khi Chúa Thánh Thần luôn sáng tạo để đốt lửa yêu mến trong tâm hồn các tín hữu.  Khi chúng ta quy tụ tại nhà thờ giáo xứ, thì đó là sự quy tụ của tất cả các ‘Hội Thánh tại gia;’ cả những người sống một mình cũng là ‘Hội Thánh tại gia’ vì mầu nhiệm Hội Thánh thông công.  Khi các gia đình, các cộng đoàn tụ họp để thờ phượng, chia sẻ Lời Chúa, dạy giáo lý… thì chính họ, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, đang đào tạo và hỗ trợ đức tin cho nhau.  Sẽ rất bất ngờ ở đây, khi sự thật là, Giáo Hội của Chúa Kitô không có một ngôi nhà thờ nào mãi cho đến thế kỷ thứ tư; nghĩa là, hơn 300 năm, Giáo Hội không có bóng dáng một ngôi nhà thờ nào!  Vì thế, theo một nghĩa nào đó, Hội Thánh Chúa đã bắt đầu hình thành từ các gia đình, cộng đoàn, cái được gọi là ‘Hội Thánh tại gia.’  Các thành viên phục vụ lẫn nhau tại nhà riêng, ở gia đình, và cả bên ngoài ngôi nhà của họ.  Đó là những gì được thấy nơi những con người như Priscilla và Aquila mà các thư Phaolô nhắc đến rất nhiều lần.  Chính sự hoạt động của Thánh Thần trên những gia đình này, mà muôn dân nhận biết “Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian” như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thổ lộ.

Trong một bài huấn dụ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha, Đấng đã làm cho các đôi vợ chồng trở thành “những tác phẩm điêu khắc sống động thực sự” của Ngài; xin Ngài tuôn đổ Thánh Linh trên tất cả các đôi vợ chồng Kitô giáo theo gương Aquila và Priscilla, để họ biết mở rộng tâm hồn cho Chúa Kitô và cho anh chị em mình, biến căn nhà của họ thành các ‘Hội Thánh tại gia,’ nơi họ sống hiệp thông và trao tặng ‘một nền phụng tự sự sống,’ vốn ‘được sống bằng đức tin, đức cậy và đức mến.’  Hãy cầu khẩn với hai vị thánh dệt lều Aquila và Priscilla này, xin các ngài dạy cho các gia đình cách thức để nên giống họ, nơi có “đất tốt”, để đức tin được phát triển.”

Tôi biết rất rõ một gia đình không bao giờ bỏ đọc kinh sáng, tối.  Kinh sáng, họ dâng ngày vắn tắt; nhưng kinh tối, họ lần chuỗi, đọc trọn Lời Chúa của ngày hôm sau và thi thoảng hát một bài.  Ngày kia, chủ nhà, ông cụ 95 tuổi trở bệnh, phải đi điều trị; đang khi đợi xe, ông hỏi, “Đọc kinh sáng chưa?”  Con cái thưa, “Dạ chưa!”  Vậy là ông bảo thắp đèn bàn thờ, đọc kinh, mặc cho xe đứng đợi.  Đứa cháu nội nhỏ của ông bảo, “Ông nhớ nội bà, nên ngày nào cũng đọc kinh cầu cho linh hồn nội bà.”  Và đó cũng là buổi kinh gia đình cuối cùng của ông.  Đi bệnh viện, ông đã đi theo bà về chầu Chúa!

Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn.”  Thì có lẽ hơn bao giờ hết, trong những ngày hôm nay, tất cả chúng ta đều có thể cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan để nhận ra cách thức Ngài kêu gọi chúng ta phục vụ lẫn nhau trong Hội Thánh Ngài; xin Ngài ban ơn can đảm và lòng quảng đại để chúng ta bắt đầu lại từ trong gia đình mình, cũng là một ‘Hội Thánh tại gia’; nhờ đó, chúng ta được hưởng niềm vui trọn vẹn Chúa hứa.  Tại sao không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho gia đình con trở nên một cộng đoàn ‘muối men,’ ‘cầu nguyện, yêu thương, hiệp nhất và có Chúa ở cùng;’ hầu trở nên một ‘Hội Thánh đẹp xinh’ giữa lòng thế giới hôm nay.”  Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Kính mời Anh Chị em nghe bài hát “Là Muối Là Men”, một sáng tác của người viết, ở đây:
https://www.youtube.com/watch?v=u7Y-4sU-qy0

QUÊ TRỜI

Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó, như chính Người đã khẳng định trong lời thân thưa với Chúa Cha: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã trao cho con” (Ga 17,4).  Và, như người lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với ngành nguyệt quế chiến thắng, Đức Giêsu được cất lên trời trong vinh quang và giữa tiếng muôn thiên thần tung hô chúc tụng.  “Được cất lên”, đó là kiểu nói của Kinh Thánh.  Độc giả Do Thái dễ dàng liên tưởng đến trường hợp của ngôn sứ Elia và ông Enốc trong Cựu ước.  Hai vị này đã được Chúa “cất lên” không trung, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ngôn sứ.  Được “cất lên” cũng là lối diễn tả sự thưởng công của Chúa cho một người đã trung tín với sứ mạng được trao.

Việc Chúa về trời trước hết diễn tả vinh quang chiến thắng.  Qua sự phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần.  Người cũng chiến thắng những cám dỗ của thế gian nhằm lôi kéo Người từ bỏ thực thi ý định của Chúa Cha.  Chúa Giêsu về trời, mang theo những dấu tích của cuộc khổ nạn (dấu đinh), như bằng chứng của sự hy sinh tự hiến để thánh ý Chúa Cha được nên trọn.

Việc Chúa Giêsu về trời đánh dấu sự hoàn tất của công trình cứu độ được thực hiện qua biến cố thập giá.  Tuy vậy, sự hoàn tất này lại mở ra một giai đoạn mới trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã sang một trang mới kể từ biến cố phục sinh.  Nhận được lệnh truyền của Chúa, các môn đệ đã hân hoan ra đi thi hành sứ vụ.  Đây là một cuộc lên đường mới, đầy hứng khởi nhiệt tình. Việc Chúa được cất lên trời không làm cho các môn đệ u sầu buồn bã, trái lại các ông lại hân hoan vui vẻ, vì tin chắc có Chúa ở với mình.  Từ nay, các ông được trang bị bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cùng với khả năng làm phép lạ mà chính Chúa đã ban cho các ông, như lời căn dặn trước khi Người về trời.  Với lời “sai đi” của Chúa, sứ mạng truyền giáo không còn giới hạn trong xứ Palestina, nhưng đã mở ra những chân trời mới.  Nước của Chúa không còn giới hạn ở những cột mốc lãnh thổ và những đường biên ngăn cách, nhưng lan rộng đến mọi nền văn hóa, đến mọi dân tộc.  Chúa đã về trời.  Cũng như trời rộng bao la mênh mông thế nào, thì vương quốc bình an mà Người đã khởi sự thiết lập cũng sẽ rộng lớn như vậy.

Chúa Giêsu đã nhập thể và mang lấy thân phận con người như chúng ta.  Sau khi kết thúc cuộc đời trần gian, Người đã khải hoàn về thiên quốc.  Việc Chúa Giêsu về trời cũng khẳng định với chúng ta, đất và trời từ nay không còn cách biệt nữa.  Dưới đất này đã có trời, và trên trời cao đã có đất.  Quả vậy, nếu định nghĩa trời là nơi Thiên Chúa ngự trị, thì trong “cõi người ta” này, Thiên Chúa đang hiện hữu để chúc lành và dẫn dắt chúng ta bằng cánh tay yêu thương của Ngài.  Nếu định nghĩa đất là nơi con người sinh sống, thì trên trời, hiện đã có một “Con Người” là Đức Giêsu, mẫu mực chung cho tất cả mọi người về cách sống cũng như về sự hy sinh vì tha nhân.  Vì thế, liền sau khi Chúa Giêsu được cất lên, trong khi các môn đệ còn bỡ ngỡ lưu luyến, thì hai sứ thần đã nói với họ: “Hỡi người xứ Galilê, sao còn đứng nhìn trời?  Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.  Qua những lời này, các sứ thần muốn khẳng định với các ông rằng, các ông hãy quay về với bổn phận, vì tuy Chúa đã về trời, Người vẫn luôn hiện diện trên mặt đất này với các ông.  Từ nay, mọi bước đường truyền giáo của các ông sẽ có Chúa đi cùng.  Người hiện diện thiêng liêng, vô hình nơi trần gian, và Người sẽ trở lại trong vinh quang vào thời tận cùng của lịch sử.  Chính vì vậy, “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước” (Kinh Tiền tụng lễ Thăng Thiên).

“Quê Trời” là niềm mơ ước của con người thuộc mọi nền văn hóa, dù khái niệm về trời rất mông lung bàng bạc và phong phú đa dạng.  Trong quan niệm dân gian của người Việt, “Trời” không chỉ là cái vòm màu xanh ở tít trên cao, nhưng là một “Đấng”, một “Ông”, một “Vị”, một nhân vật.  Nhân vật này vừa quyền năng mạnh mẽ vừa lắng nghe cảm thông với con người và giúp đỡ họ.  Nơi “Ông Trời” người ta tin tưởng cầu xin ơn phù trợ để mọi sự tốt lành: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm” (Ca dao).  Trời cũng là nơi ở dành cho các anh hùng dân tộc, những người có công với nước, như trường hợp Thánh Gióng, sau khi đánh giặc Ân, cưỡi ngựa về trời.

Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: Quê trời là phần thưởng Chúa Cha dành cho người công chính.  Hạnh phúc Nước trời là được chìm mình trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi, cùng với anh chị em mình.  Đó là tình yêu vĩnh cửu, viên mãn, tồn tại muôn đời.  Hạnh phúc Chúa Giêsu hứa ban không phải một thứ “bánh vẽ” xa vời, một thứ “thuốc phiện mê dân” ảo tưởng.  Nước Trời đã hiện diện giữa trần gian, ngay ngày hôm nay, nơi cuộc đời của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta biết đón nhận bằng con tim rộng mở và tấm lòng yêu mến chân thành.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TÂM HỒN CHÚNG TA MẠNH HƠN NHỮNG THƯƠNG TÍCH

Mười năm trước khi qua đời, cha Henri Nouwen đã chịu một cơn trầm cảm gần như đánh gục ngài. Trong thời gian trị liệu, ngài đã viết một quyển sách rất hùng hồn, Tiếng nói bên trong của tình yêu (The Inner Voice of Love), trong đó, ngài khiêm nhượng và thẳng thắn chia sẻ những đấu tranh và nỗ lực của mình để vượt qua căn bệnh trầm cảm.  Nhiều lúc, ngài cảm thấy không chịu nổi những nỗi đau và ám ảnh của mình đến mức gần như bị nhận chìm, bị sụp đổ, và những lúc như thế, ngài chỉ biết khóc.  Dù cho cuối cùng ngài đã tìm lại được sức mạnh nội tâm và sức bật kiên cường, sẵn sàng trở lại cuộc sống với sinh lực được tân tạo.  Khi nói về những gì ngài đã học được trong sự sụp đổ nội tâm và sự phục hồi của mình, ngài đã viết rằng, đến tận cùng, tâm hồn chúng ta mạnh hơn những vết thương của chúng ta.

Đấy là một lời khẳng định từ một chân lý phải gian khổ mới ngộ ra, nhưng liệu nó có luôn đúng?  Tâm hồn chúng ta luôn mạnh hơn những vết thương của chúng ta sao?  Chúng ta luôn có những nguồn lực trong mình để thắng vượt những thương tích của mình sao?

Có lúc đúng như thế, như trong trường hợp của cha Nouwen, nhưng có lúc lại không, như chúng ta đã chứng kiến nơi cuộc sống tan vỡ của biết bao nhiêu người.  Có lúc dường như thương tích mạnh hơn tâm hồn.  Tôi có một ví dụ thấm thía của trường hợp này: Trong bài hát Tôi mơ có một giấc mơ (I Dreamed a Dream) của vở nhạc kịch lừng danh Những Người Khốn Khổ, có một dòng đầy đau buồn, bi thương, ám ảnh.  Câu chuyện trong vở Những Người Khốn Khổ được dựa trên tiểu thuyết cùng tên của văn hào Pháp Victor Hugo, kể một loạt câu chuyện về cách sự nghèo khổ và áp bức có thể làm tan nát cõi lòng, suy sụp sức sống và hủy hoại cuộc đời của người nghèo đến như thế nào.  Fantine, một nhân vật trong truyện, một người mẹ đơn thân, bị phụ tình và quả tim tan nát.  Cô cũng phải vật lộn để nuôi đứa con gái, vật lộn với công việc và điều kiện làm việc đã dần dần hủy hoại sức khỏe cô, vật lộn với sự quấy rối tình dục từ ông chủ vốn tích tụ dần và dẫn đến chuyện cô bị đuổi việc một cách bất công.  Có lúc, mọi chuyện quá sức chịu đựng, cô đã sụp đổ, và trong lúc hấp hối, cô đã hát một bài từ biệt với những lời nói lên rằng tâm hồn chúng ta không phải lúc nào cũng mạnh hơn những thương tích, đôi khi có những cơn bão không thể chống nổi.  Đôi khi tâm hồn không thể chống nổi cơn bão và sụp đổ trước sức nặng của những thương tích.

Ai nói đúng, cha Nouwen hay Fantine?  Tôi cho là cả hai đều đúng, dựa trên hoàn cảnh, sức khỏe nội tâm và nguồn lực cảm xúc của mỗi người.  Như câu ngạn ngữ: Cái gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh hơn!

Đúng là thế, với điều kiện nó không giết ta.  Đáng buồn thay, có những lúc nó lại giết ta thật.  Tôi cho rằng tất cả những ai đang đọc bài này đều đã từng mắt thấy tai nghe một người chúng ta quen biết hay yêu thương đã bị sụp đổ và chết, hoặc tự sát hoặc sụp đổ theo kiểu khác, do cuộc sống tan nát, con tim tan nát, tâm thần tan nát, do một thương tích mạnh hơn tâm hồn của họ.

Do đó, khi nhìn vào hai khẳng định đối lập nhau này, chúng ta cần thêm một sự thật nữa có thể thêm một sự thật có thể bao hàm cả hai.  Ơn Chúa, sự tha thứ, và tình yêu thì mạnh hơn những thương tích, sụp đổ, thất bại và cái dường như là tuyệt vọng của chúng ta.

Có lúc, khi đấu tranh, chúng ta có thể tìm được sức mạnh nội tại chôn sâu dưới những thương tích của mình, và nó cho chúng ta có thể vươn lên, vượt qua những thương tích, trở lại với sự lành mạnh, sức mạnh và tinh thần hăng hái nhiệt tình.  Tuy nhiên, có lúc những vết thương của chúng ta làm tê liệt tâm hồn và chúng ta không thể nào đến được với sức mạnh ẩn sâu trong lòng mình.  Trong đời này, sự tan nát đó có thể bị cảm nhận như là sự sụp đổ tối hậu, một nỗi đau buồn không thể chữa lành, một tuyệt vọng, một cuộc đời vứt đi.  Tuy nhiên, bất kỳ lúc nào hoàn cảnh cay đắng và sự mỏng manh tinh thần ập đến cùng lúc, khi nào tâm hồn chúng ta không còn mạnh hơn những thương tích, chúng ta đều có thể nương ẩn nơi một chân lý sâu sắc hơn, một sự an ủi thâm sâu hơn, cụ thể là sức mạnh nơi trái tim Thiên Chúa.  Ơn Chúa, sự tha thứ, và tình yêu thì mạnh hơn những thương tích, sụp đổ, thất bại và cái dường như là tuyệt vọng của chúng ta.

Điều khiến đức tin Kitô khác với các tôn giáo khác (cũng như khác với các phúc âm thịnh vượng) chính là Kitô giáo là một tôn giáo của ơn sủng chứ không phải của nỗ lực tự thân (dù cho nó cũng có tầm quan trọng).  Là người tín hữu Kitô, chúng ta không cần phải tự cứu rỗi mình, không cần phải tự lực cứu vớt cuộc sống mình.  Thật sự là không một ai cần làm thế.  Như thánh Phaolô đã nói rõ trong thư gửi tín hữu Rôma, không một ai trong chúng ta tự cứu vớt cuộc sống mình bằng chính sức mình.  Điều này cũng đúng khi muốn thắng vượt những thương tích của mình.  Tất cả chúng ta đều có những lúc yếu đuối và sụp đổ.  Tuy nhiên, chính lúc này đây, chính khi cơn bão đè bẹp chúng ta, khi chúng ta tìm sức mạnh để đương cự cơn bão nhưng rồi chỉ để thấy rằng cơn bão mạnh hơn chúng ta, chính lúc như thế, chúng ta cần tìm sâu hơn nữa và sẽ thấy được rằng trái tim của Thiên Chúa mạnh hơn những vỡ nát của chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CỦA DÂNG CHO CHA, CỦA BIẾU CHO MẸ

Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi.
Ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng.

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống.
Trí khôn người có suy giảm, con cũng hãy nể vì, đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.

Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng.
Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính.

Vào ngày bĩ cực, công việc con sẽ được nhớ đến, như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi.
Người lộng ngôn, khinh cha, dể mẹ là xúc phạm đến Thượng Ðế, kẻ tác tạo nên họ.
(Huấn Ca 3,3. 12-16)

Tôi trình bày đoạn văn trên thành hai câu một, để chúng ta thấy tác giả viết như một bài thi ca, đối xứng ý và lời.  Hai câu đầu nói về con người: Ai yêu mến. Ai thảo kính.

Ai Ai
Thảo kính Yêu mến
Mẹ Cha
Thu được kho tàng Ðền bù tội lỗi

Câu kế tiếp cắt nghĩa và căn dặn bổn phận làm con, cách cư xử với cha:

Hỡi kẻ làm con:
Hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi.
Chớ làm phiền lòng người khi người còn sống.
Trí khôn người có suy giảm:
Con cũng hãy nể vì.
Ðừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.

Rồi lại đến hai lời thi ca.  Hai câu này nói về của lễ: Của dâng.  Của biếu.

Của biếu Của dâng
Cho mẹ Cho cha
Sẽ đền bù tội lỗi
xây dựng đức công chính
Sẽ không rơi vào quên lãng

Sau hai lời thi ca lại là câu cắt nghĩa:

Vào ngày bĩ cực:
Công việc con sẽ được nhớ đến,
Như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi.
Người lộng ngôn,
Khinh cha, dể mẹ
Là xúc phạm đến Thượng Ðế,
Kẻ tác tạo nên họ

Ðoạn văn viết chi tiết, phong phú về ý và ngôn từ.

Yêu mến cha, tôi đền bù được tội lỗi.
Thảo kính mẹ, tôi thu được một kho tàng.

Sau khi căn dặn cách đối xử, tác giả hứa những phần thưởng, và sau cùng là lời trừng phạt: Ai khinh cha, dể mẹ là xúc phạm đến Thượng Ðế.

* * * * * * * * *

Trong đời sống, ta không dám khinh cha dể mẹ.  Ta không nói lời lộng ngôn.  Ta không xúc phạm đến Thượng Ðế.  Nhưng của lễ nào ta biếu cho mẹ, ta dâng cho cha?

Thời gian có huyền nhiệm của thời gian.  Có những tháng ngày tâm hồn ta chùng xuống vì thời gian đi quá lẹ, quá xa.  Nhìn lại, bất chợt ta buâng khuâng tiếc nuối.  Nếu cha tôi còn sống thì…  Nếu mẹ tôi còn sống thì…

Tôi viết dòng này gởi riêng người bạn trẻ.

Ở lứa tuổi của tôi, ngày tháng không còn thong thả, không còn nhìn đời lững thững nữa.  Cứ thường, người ta quý thời gian là khi người ta đã có vết thương về thời gian.  Bạn còn trẻ, còn cha, còn mẹ. Tôi viết riêng cho bạn.  Tôi mong bạn chưa bị thời gian để trong tâm hồn nỗi muộn màng, hối tiếc.

Bố tôi bị tai biến mạch máu não bẩy năm nay.  Tôi về thăm, bố không còn nhận ra tôi nữa.  Ông cụ bại liệt nằm đó.  Mẹ tôi phải săn sóc 24/24.  Là linh mục với công việc mục vụ bận rộn ở đây.  Tôi không biết ngày bố chết có về được không.  Công việc giúp các khóa linh thao bắt tôi làm chương trình cả năm trước.  Cộng đoàn đã lên chương trình cả năm, đến ngày tĩnh tâm, nếu bố chết, làm sao tôi từ chối, bỏ chương trình của họ mà về.

Có về thì người chết cũng đã chết.  Tôi không làm được gì.  Bởi đó, tôi chuẩn bị tinh thần đó cho mẹ tôi.  Nếu bố chết, mỗi em một phận sự lo tang lễ cho bố.  Tôi nói với mẹ là tôi không về.  Về cũng chẳng làm được gì.  Nhiều lần tôi nói vậy.  Mẹ tôi chỉ nghe.  Mẹ biết tôi là linh mục, còn bao công việc chung.  Mẹ im lặng.

Ðêm đó, tôi ngồi nhìn ánh đèn thành phố.

Trên sân thượng của căn nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Sàigòn.

Ngày mai lên máy bay.  Không biết ngày nào mới lại về thăm mẹ.  Tôi nhớ đời sống của mẹ tôi.  Tôi hình dung ngày đêm mẹ tôi quanh quẩn bên cha tôi.  Căn nhà có hai ông bà.  Ông nằm đó không nói. Vắng tôi.  Tôi phải lên Sài Gòn qua đêm để mai ra phi trường.  Ðêm sau cùng.  Tâm tư của một thời thanh niên yêu Sài Gòn, với những con đường và mưa đổ bất chợt.  Tâm trạng của người quay về ôn kỷ niệm xưa mà sao Sài Gòn quá xa trong tâm thức.  Tôi đang ngồi một mình trên sân thượng thì bà chủ nhà đến.

– Mai Cha đi xa rồi.

Người đàn bà ngoài sáu mươi.  Bà mới mất mẹ.  Bà hỏi thăm gia đình tôi.  Tình trạng bệnh tật của bố tôi.  Bất chợt bà hỏi:

– Có mệnh hệ nào, ông cố qua đời Cha có về không?

Câu hỏi này chính tôi đã chuẩn bị cho tôi từ lâu.  Tôi cho bà biết tôi không về.  Vì công việc mục vụ tôi không thu xếp được.  Bà im lặng không nói.  Cái im lặng giống mẹ tôi.

Dưới đường xe cộ ồn ào.  Sài Gòn vào mùa nóng, khí trời rất hanh, quá oi bức.  Bụi đường và khói xe. Tôi ngồi trên sân thượng, nhìn phố xá, nhìn những con đường như lời chào của người sắp đi xa, tâm trạng không vui gì.  Những khoảng trống thinh lặng.  Không có câu chuyện nào tiếp nối giữa tôi và người đàn bà đang để tang mẹ.  Có lẽ tâm trạng bà cũng không vui.  Tôi cắt nghĩa thêm cho bà về câu trả lời của tôi lúc nãy:

– Tôi không về, vì về cũng chẳng làm gì được. Mọi cái tôi đã chuẩn bị.

Im lặng.  Vẫn cái im lặng trong tâm hồn của một người phụ nữ.  Giống mẹ tôi.  Sau cùng bà nói:

– Cha cho phép con khuyên Cha một điều được không?

Ngôn ngữ bà dùng ở đây rất đặc biệt.  Bà nói bà muốn khuyên tôi.  Tôi thưa bà là tôi sẵn sàng nghe.

– Thưa Cha, con khuyên Cha, nếu ông cố chết, Cha phải về để tang. Cha là con trưởng trong gia đình.  Không phải về thì cũng chẳng làm gì được, nhưng vì mẹ Cha, Cha phải về.  Cha về cho người sống chứ không phải cho người chết.  Cha nói với mẹ Cha là ngày bố chết Cha không về.  Cha có biết tấm lòng người mẹ thế nào không.  Con vừa mất mẹ.  Mất mẹ là cái tang lớn nhất.  Năm nay đã sáu mươi.  Mà ngày mẹ chết con vẫn thấy bơ vơ.  Con cũng là mẹ, con có kinh nghiệm cả hai, kinh nghiệm của người con mất mẹ, và kinh nghiệm của người làm mẹ.  Cha nói Cha không về.  Mẹ Cha kính trọng nhiệm vụ của người con linh mục.  Nhưng mẹ Cha sẽ buồn.  Lời nói của Cha làm mẹ Cha nghĩ rồi đến ngày bà chết, Cha cũng không về.  Người mẹ nào không thương con, muốn gần con.  Cha có biết Cha nói thế, mẹ Cha đang sống những ngày nghĩ đến cái chết của ông cố, Cha không về, cái chết của chính bà, Cha cũng không về.  Nó buồn lắm.  Con là người mẹ con biết tâm hồn những bà mẹ.  Cha phải về để thọ tang.

Trời lúc đó mấy giờ khuya rồi, tôi không rõ.  Bà nói tới đó rồi im.  Dưới đường xe cộ vẫn ồn ào náo nhiệt.  Trên sân thượng tôi im lặng.  Phố xá dưới kia không hồn.

Tôi không ngờ trong lối suy nghĩ của tôi từ trước đến nay quá nhiều lý trí.  Bấy giờ tôi mới thấy cái im lặng của mẹ tôi khi tôi căn dặn các em phải làm gì khi bố chết.  Bấy giờ tôi mới hiểu cái thinh lặng của mẹ tôi khi tôi an ủi bà là tôi không về.  Một sự im lặng tôi thấy đau trong tim.  Người đàn bà khuyên tôi, ấp úng, nước mắt lưng tròng.  Tôi cũng đưa tay dúi mắt.  Tôi thương mẹ tôi quá đỗi.  Tôi muốn nói với bà.  Mẹ ơi! con sẽ về.

Này người bạn trẻ còn cha mẹ.

Kinh nghiệm chỉ mua bằng thời gian.  Mà trẻ thì làm sao có nhiều thời gian để mua.  Tôi gởi bạn những dòng này không như lời khuyên luân lý, giáo điều.  Tôi muốn gởi bạn như tâm tình mà có quý bạn tôi mới viết.  Tôi cám ơn người đàn bà đã khuyên tôi.  Thời gian có thể làm hồn ta hạnh phúc hay mang thương tích.  Chớ gì chúng ta biết lắng nghe sự huyền nhiệm của thời gian.

Trên đường đời, chúng ta phải lắng nghe nhiều lắm.  Trong những lắng nghe, tại sao ta không lắng nghe chính mẹ mình, lúc mẹ còn sống?  Nhiều khi mẹ nói bằng im lặng của lòng mẹ.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J.
Trích tập suy niệm ÐƯỜNG ÐI MỘT MÌNH, đoản khúc 99.

ĐÔI BẠN CHÂN TÌNH

Không dễ gì kiếm được một người bạn.  Người bạn đem lại nguồn an ủi, cơ hội và niềm vui lớn lao.  Tình bạn có thể chia sẻ và hi sinh tất cả cho nhau.  Thử tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu vắng hẳn tình bạn.  Về một phương diện, tình bạn còn quan trọng hơn mọi thứ tình yêu khác.  Vả lại, thường tình yêu cũng bắt đầu bằng tình bạn và lớn lên trong tình bạn.  Tình bạn đẹp đến nỗi Đức Giêsu cũng muốn nói lên một sự thật: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15:14).

TRI ÂM

Đức Giêsu muốn yêu thương con người bằng một tình bạn thắm thiết.  Người không muốn có một cách biệt quá xa như chủ tớ, mặc dù giữa Người và nhân loại khoảng cách còn xa hơn ngàn lần.  Nhưng tương quan phải thật gần gũi mới cảm thấu được tình yêu sâu đậm dành cho nhau.  Người như quên tất cả địa vị của mình.  Làm sao một tạo vật như chúng ta có thể dám mơ ước trở thành người bạn tri âm của Thiên Chúa?  Nhưng Người từng tâm sự: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm.  Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15:15).  Như thế, con người đã được nâng lên hàng bạn thân của Chúa.  Nếu cứ để nhân loại trong hàng nô lệ hay tôi tớ, làm sao Thiên Chúa bắc nổi nhịp cầu tri âm?  Một khi đã coi các môn đệ là tri âm, Đức Giêsu đã chia sẻ cho họ sự hiểu biết về Chúa Cha (Ga 14:20).  Như thế Người đã làm cho họ mãn nguyện.  Người đã có thể tâm sự sâu xa với họ về cái chết của Người cho toàn thể nhân loại.  Vì yêu thương, Người đã săn sóc họ tận tình, đến nỗi đã quì xuống rửa và hôn chân họ.  Đó là một bài học nhưng cũng là dấu chỉ báo trước sự hi sinh cực kỳ sâu xa.  Cúi xuống thật sâu để nâng họ lên ngang hàng với mình.  Một khi đã được nâng lên, họ hoàn toàn được tin tưởng và ủy thác tất cả sứ mạng cứu độ muôn dân.  Chính trong tình yêu, Thầy đã “cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15:16).

Muốn thế, trước tiên các môn đệ phải được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi.  Đó là một hồng ân cao cả, là điều kiện tối thiểu để có thể đi sâu vào tình yêu Thiên Chúa.  Chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban tặng một giá trị và địa vị tuyệt vời cho nhân loại.  Trong tương quan này, Thiên Chúa đã trao hiến một cách vô thường.  Không thể tìm đâu một sự trao hiến kỳ diệu hơn thế.  Quả thực, nơi thập giá, Đức Giêsu cho thấy “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).  Họ đáng hưởng tình yêu cao cả đó, vì đã được nâng lên hàng tri âm của Chúa.  “Những bạn hữu của Đức Giêsu là những người có quan hệ gắn chặt với Chúa (Ga 13:23 tt; 19:26; 11:3).  “Mình với ta tuy hai mà một.”  Họ sung sướng vì được trở nên “đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8:17).  Như thế, họ là những người đặc biệt đón nhận mạc khải về Chúa Cha và được kết hiệp bằng những mối ràng buộc trong ‘nhà’ Thiên Chúa (Ga 14:20).  Họ có thể đi lại tự nhiên và hưởng dùng mọi thứ trong ngôi nhà đó, vì từ đây “tất cả những gì của Cha là của con” (Lc 15:31).

Hạnh phúc đó vượt quá lòng mong đợi của các môn đệ.  Chính nhờ hạnh phúc đó mà “niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15:11).  Muốn niềm vui trọn vẹn, phải “ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9).  Nếu không, sự chia cắt sẽ gây nên nhức nhối.  Cả Thầy lẫn môn đệ đều không vui.  Chính Đức Giêsu cũng chỉ giữ được niềm vui trọn vẹn với Chúa Cha, nếu “ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15:10).  Tình yêu là giây nối kết bền vững giữa Chúa Cha và Đức Giêsu, giữa Đức Giêsu và các môn đệ.  Tình yêu đó không phải là một thứ lượm ngoài đường, nhưng phải là kết quả của mồ hôi nước mắt khi nỗ lực “giữ các điều răn của Thầy” (Ga 15:10).  Điều răn của Thầy không phức tạp và khó khăn như luật lệ Do thái hay dân ngoại.  Rất đơn giản.  “Đây là giới răn của Thầy: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).  Nghĩa là, thực tế “Thầy yêu thương anh em đến nỗi thí mạng vì anh em.  Đến lượt anh em cũng phải thí mạng cho nhau.”  Đó là mức hi sinh lớn lao do tình yêu đòi hỏi.  Không hi sinh, chắc chắn không thể có tình yêu.  Đó là mức đo tình yêu Đức Giêsu đối với Chúa Cha, và tình yêu môn đệ đối với Đức Giêsu.

Trong tình yêu, Thiên Chúa luôn đưa ra sáng kiến trước.  Ngươi làm tất cả để chiếm đoạt trái tim con người.  Người muốn gần gũi như bạn tri âm, để nói cho biết về lòng hăng say hăm hở lùng kiếm tình yêu như thế nào.  Nhưng trong rừng người trước mặt, tại sao chỉ có một số được tuyển chọn?  Lọt vào mắt xanh của Chúa, quả thực là một đại phúc.  “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15:16).  Họ không được tuyển chọn để sống một mình, nhưng để sống thành cộng đoàn.  Ơn gọi và sứ mệnh Kitô hữu luôn đòi phải sống trong tương quan với người khác.  Đó là lý do tại sao Đức Giêsu phải lên tiếng: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15:17).

SỨC MẠNH TRI ÂM

Đức Giêsu đã xác định rõ tương quan bằng hữu giữa Người và các môn đệ.  Kitô hữu có nghĩa là người bạn của Chúa Kitô.  Một khi đã tâm đầu ý hợp, tình tri âm này sẽ biến thành một sức mạnh vạn năng, đến nỗi “tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15:16).  Từ đầu, nhờ nên một với Đức Giêsu, Giáo hội đã cầu xin Chúa Cha ban Thánh Linh mở rộng sứ mạng truyền giáo cho Dân Ngoại.  Chúa Cha đã nhận lời.  Thánh Linh chính là tình yêu, một “tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4:7).  Hơn nữa, “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8).  Do đó, tình yêu không biết đến bất cứ ranh giới nào.  Tình yêu đã được thể hiện một cách vô cùng mãnh liệt khi Thiên Chúa “sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10).  Thiên Chúa cũng không ra khỏi định luật đòi hỏi của tình yêu: HI SINH.

Chính vì hi sinh lớn lao đó, Giáo hội mới có khả năng đến với muôn dân.  Trên bước đường đến với muôn dân, Giáo hội luôn bị cám dỗ co cụm lại chính mình.  Trong Giáo Hội tiên khởi, những tín hữu thuộc giới cắt bì đã trở thành kỳ đà cản mũi.  Nếu Thánh Linh không can thiệp, chắc chắn không ai có thể dẹp nổi những não trạng cục bộ đó.  Thực tế, “những tín hữu thuộc giới cắt bì đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa” (Cv 10:45).  Giáo Hội đã có đà phóng tới.  Cái nhìn Giáo Hội đã mở rộng đến nỗi thánh Phêrô có thể cả quyết: “Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:35).  Không phải tới công đồng Vatican II, Giáo Hội mới khám phá ra các thánh ngoại giáo.  Ngay từ đầu, Thánh Linh đã cho thấy những khuôn mặt hết sức dễ thương trong cộng đồng dân ngoại.

Tuy thế, tới nay cám dỗ vẫn còn đó.  Giáo Hội vẫn luôn luôn phải đương đầu với những thứ kỳ đà cản mũi.  Ngay trong cộng đồng dòng tu, vẫn có những cơ cấu hay con người bảo vệ một thứ quyền lợi riêng tư nào đó.  Chẳng hạn, có những tỉnh dòng Đa Minh chỉ nhận những người gốc Ái Nhĩ Lan.  Có những tranh chấp lớn nhỏ giữa triều và dòng khắp nơi trong Giáo Hội.  Tại sao Giáo Hội lại đánh mất tính phổ quát ngay chính nơi cần phải làm chứng đặc tính Công giáo hơn bất cứ nơi nào?  Một tình yêu đánh mất chiều kích vô biên, có còn phát xuất từ Thiên Chúa không?  Nếu không phát xuất từ Thiên Chúa, tình yêu đó làm chứng cho cái gì?

Thế nên, Giáo Hội vẫn cần đến Thánh Linh để canh tân chính mình hầu xứng đáng là bạn tri âm của Chúa.  Chỉ trong tình tri âm với Chúa, Giáo Hội mới có thể nghe được tất cả mạc khải về tình yêu và nói về tình yêu cho người khác.  Giáo Hội đang mất thế đứng tại nhiều nơi trên thế giới vì đã bị những quyến rũ của quyền bính kéo Giáo Hội xa lìa mối tình tri âm đó.  Hơn lúc nào, cần phải cầu nguyện cho Giáo Hội, một người bạn tình của Chúa!

Như Hạ, OP

CẰN CỖI THIÊNG LIÊNG

“Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo.”

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến sự gắn bó, kết hiệp, sinh trái của những linh hồn tháp nhập vào Chúa Giêsu.  Bên cạnh đó, Tin Mừng còn nói đến sự khô héo, sự vô dụng; hay đúng hơn, một sự “cằn cỗi thiêng liêng” của một linh hồn lãng quên Thiên Chúa, khác nào cành nho tách khỏi thân nho.  Chúa Giêsu nói, “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo.”

Chúng ta thường nghe, “Tiền vào, Chúa ra!”  Điều này đúng không chỉ với tiền, nhưng cũng đúng với bất cứ cái gì không thuộc về Chúa.  Thật dễ dàng để lãng quên Thiên Chúa khi cuộc sống của chúng ta quá bận rộn; hoặc khi mọi thứ diễn ra quá tốt đẹp, khiến chúng ta dễ dàng lãng quên Thiên Chúa.  Một khi không nhận ra điều đó, chúng ta bắt đầu tách mình khỏi Thiên Chúa như cành nho tách rời thân nho.  Hãy nhìn vào thời gian cầu nguyện của chúng ta!  Nó là một nhiệt kế luôn luôn chính xác.  Một khi tách khỏi “thân nho Giêsu”, giờ cầu nguyện của chúng ta sẽ ngày càng ngắn lại cho đến khi gần như tắt lịm.  Chúng ta đi con đường riêng của mình, giảm thiểu cầu nguyện và không chóng thì chày, bỏ cầu nguyện và rơi vào một sự “cằn cỗi thiêng liêng.”  Tuy nhiên, vấn đề không nhất thiết là phải bỏ qua một bên các hoạt động khác để đi cầu nguyện nhưng chúng ta sẽ làm tất cả bổn phận Thiên Chúa trao đang khi yêu mến Ngài và ước ao kết hiệp với Ngài.

Tách mình ra khỏi “thân nho Giêsu” để đầu tư sức lực của mình vào những việc khác, ai trong chúng ta cũng biết điều gì sẽ xảy ra.  Điều xảy ra là, chúng ta sẽ không tạo nên được một hoa trái nào đúng nghĩa.  Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Augustinô, “Việc Chúa Giêsu nói thêm “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được” là để nhấn mạnh một sự thật rằng, tự sức chúng ta, bằng nỗ lực riêng mình, chúng ta thậm chí, sẽ không thể tạo ra một trái tốt ‘nhỏ.’”  Đó là hậu kết của cái gọi là “cằn cỗi thiêng liêng.”  Điều xảy ra tiếp theo sẽ là những gì tệ hại nhất, linh hồn bị ném ra ngoài như một cành khô; những cành vô dụng này sẽ được gom lại, ném vào lửa và bị đốt cháy.

Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giêsu; ai trong chúng ta cũng muốn sinh trái dồi dào, tạo nên một sự khác biệt, mang lại một sự thay đổi cho cộng đồng, cho thế giới… điều đó thật hấp dẫn và có ý nghĩa với mỗi người.  Thế nhưng, ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm một sự thật rằng, chỉ khi kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể trổ sinh hoa trái lâu dài cho Vương Quốc Nước Trời; đây cũng là cách thức chúng ta tôn vinh Chúa Cha.  Được như thế, mỗi người sẽ cảm nhận rằng, nhựa sống của Chúa Kitô đang luân chuyển trong linh hồn mình.  Cuộc sống của chúng ta sẽ nở hoa cho người khác; đó là những bông hoa của Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, đại lượng, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ.  Những bông hoa này không chỉ tỏa hương hôm nay, nhưng vương mãi hương thơm cả khi chúng ta đã lìa thế.

Trong túi áo của một em bé đã chết ở trại tập trung Ravensbrück, nước Đức, người ta đọc được lời nguyện này, “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến không chỉ những thiện nam tín nữ của Chúa mà còn nhớ đến cả những người ác ý.  Nhưng xin Chúa đừng nhớ tất cả những đau khổ mà họ đã gây ra cho chúng con; thay vào đó, xin nhớ đến những hoa trái mà chúng con đã trổ sinh vì sự đau khổ này.  Đó là tâm tình hiệp thông của chúng con, lòng trung thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, sự rộng lượng của chúng con; đó là sự vĩ đại của những trái tim đã trưởng thành từ những cực hình này.  Khi những kẻ bắt bớ chúng con đến để chịu sự phán xét của Chúa, xin hãy để tất cả những hoa trái mà chúng con đã sản sinh trở thành sự tha thứ mà Chúa nhân từ sẽ dành cho họ.”

Anh Chị em,

Không ai trong chúng ta không ngưỡng mộ sự cao thượng của em bé Ravensbrück; và cũng không ai muốn cho mình ra cằn cỗi.  Vì sự èo uột, sự “cằn cỗi thiêng liêng” của chúng ta là nỗi nhục cho Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã nói, “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, anh em sinh nhiều hoa trái.”  Muốn được vậy, chúng ta phải ở lại trong Chúa Giêsu.  Chỉ khi ở lại trong Ngài, nhựa sống thần linh nguyên tuyền của Thiên Chúa mới có thể luân lưu trong ta, nhựa sống của Ngài làm cho chúng ta đầy sinh lực thiêng liêng để sinh hoa trái.  Bởi chưng, là Kitô hữu, chúng ta không chỉ “sống với Chúa Giêsu”, “sống cho Chúa Giêsu” mà còn phải “sống trong Chúa Giêsu.”  Nhận thức được tầm quan trọng này, Chúa Giêsu đã thiết tha van nài mỗi người chúng ta, “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, để con khỏi “cằn cỗi thiêng liêng”, xin giúp con bám chặt vào Chúa.  Nhờ việc rước lấy Thánh Thể và Lời Chúa soi rọi mỗi ngày, xin cho con biết củng cố mối dây hiệp nhất trong Chúa; nhờ đó, niềm tin và tình yêu của con với Chúa ngày càng lớn lên, vì Chúa là tất cả của con,” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

THÁNG 5: DÂNG HOA CHO ĐỨC MẸ MARIA

“Cầu nguyện với Mẹ Maria với lòng sốt sắng, Mẹ sẽ không làm ngơ.” (Thánh Bênađô)

Riêng ở Việt Nam, tháng Hoa hình như đã trở nên “thương hiệu” của tháng Năm này.  Trong Giáo Hội, truyền thống dâng hoa cho Đức Maria luôn được yêu mến.  Tuy vậy, chỉ có ở Việt Nam, chúng ta mới thấy sự sinh động của sinh hoạt tôn giáo này[1].   trong bất kỳ giáo xứ nào, chúng ta cũng dễ dàng thấy những buổi tập, dâng hoa cho Đức Mẹ, ngay từ những ngày đầu tháng hoa này.

Tặng hoa, hoặc dâng hoa cho một ai đó là thể hiện tình yêu, lòng tôn kính và trân trọng của người trao dâng.  Hoa luôn là biểu tượng, ngôn ngữ sống động để nối kết tương giao. T rong nhiều cuộc gặp gỡ, trong tình yêu nam nữ, trong phụng tự tôn giáo, v.v…, hoa luôn hiện diện với chức năng sống động của nó.  Nhất là khi tháng Năm về, mỗi buổi dâng hoa cho Đức Mẹ là một buổi nguyện cầu đầy tràn sắc hương hoa.

Bởi đâu lại có truyền thống tốt đẹp này?

Cảnh sắc đất trời sau Đông là một mùa Xuân với muôn hoa đua nở.  Truyền thống người Rôma có những cuộc rước linh đình để tôn kính các loài hoa như nữ thần của Mùa Xuân[2].  Trong văn hóa đó, chúng ta thấy hoa luôn là biểu tượng của sắc đẹp, nét thơ mộng của thiên nhiên.  Nhưng phải đến mãi thế kỷ XIV, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, mới khởi xướng việc trang hoàng muôn hoa quanh tượng Đức Mẹ.  Sang thế kỷ thứ XVII, các nữ tu dòng kín làm nổi bật truyền thống này, kèm với những bài hát kính Đức Mẹ.  Cứ thế, tới đầu thế kỷ XIX, việc dâng hoa cho Đức Mẹ đã lan rộng ở nhiều nơi, nhất là ở Pháp.  Có lẽ vì thế mà khi người Pháp đến Việt Nam, phong trào này đã được lưu truyền cho đến ngày nay.

Hay nói đúng hơn, đầu thế kỷ XX, Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, cho thấy ý nghĩa của tháng này:

Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ.  Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công Giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng.  Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt.  Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ.”  (Được Đức Phaolô VI ban hành).

Ngay từ Hội Thánh sơ khai, vai trò của Đức Trinh Nữ, dĩ nhiên, đã quá quan trọng.  Mẹ được kêu cầu qua nhiều tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian” (LG 62).  Hoặc, Mẹ Maria là “mẹ của nhân loại” (x. LG 54).  Phải thừa nhận rằng, một cách tự nhiên, mỗi người đều cảm thấy thật gần gũi với Đức Mẹ.  Nhiều người thích đến với Đức Mẹ để cầu nguyện, chiêm ngắm và van xin.

Chúng ta tin tưởng Mẹ luôn biết những khốn khó, tâm tư và nguyện vọng của từng người con nơi dương thế.  Từ đó, Mẹ có cách kêu cầu với Đức Giêsu, con của Mẹ, trợ giúp cho chúng ta.  Theo đó trong tháng hoa này, người ta thể hiện biết bao cử chỉ tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ.

Khi tham dự buổi dâng hoa, chúng ta thích thú nghe những bài thánh ca về Đức Mẹ.  Hòa trong đó là những vũ điệu nhịp nhàng, thanh thoát của nhóm múa quanh chân Đức Mẹ.  Từ trên tòa cao, Mẹ nhìn xuống với biết bao người con đang dâng cho Mẹ những đóa hoa tươi thắm.  Đó quả là những tấm lòng chúng ta muốn dâng trao cho trái tim hiền từ của Mẹ.

Nếu Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, thì Mẹ Maria của chúng ta cũng được vinh dự ấy[3].  Nơi đó, chắc chắn Mẹ vẫn luôn đồng hành với con cái của Mẹ.  Ước gì tháng hoa này là thời gian đặc biệt để chiêm ngắm Mẹ, như một mẫu gương theo Chúa đến cuối con đường.

Đừng quên, ngoài những đóa hoa tươi sắc kia, Đức Mẹ cũng chờ mong những đóa hoa lòng của mỗi người.  Đó là tràng hoa mân côi, những tâm tình cầu nguyện, tình yêu vào Thiên Chúa và vui sống mỗi ngày.  Khi đó, chắc chắn Mẹ bảo đảm với những ai đến với Mẹ đều được nhận lời như nhiều lần Mẹ hiện ra tại La Vang:

“Mẹ đã nhận lời các con kêu xin.  Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.”

Nguyện xin Chúa chúc lành cho mỗi người trong tháng Hoa này!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: https://dongten.net

[1] Ở Châu Âu hoặc nhiều nơi khác, họ có dâng hoa cho Đức Mẹ, nhưng không có múa hát để dâng hoa như ở Việt Nam.

[2] Theo truyền thuyết Hy Lạp, Persephone (tiếng Hy Lạp: Περσεφόνη) là con gái của thần Zeus. Vì xinh đẹp, nên Persephone bị thần âm phủ là Hades phủ bắt cóc làm vợ, và trở thành nữ hoàng âm phủ. Khi Persephone trở về hạ giới, khiến sự vui mừng của mẹ nàng là nữ thần nông nghiệp Demeter lan tỏa khắp mặt đất, tạo ra mùa xuân. Vì vậy, Persephone còn được ví là nữ thần mùa xuân.

[3] Tín điều này được Giáo Hoàng Piô XII ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 1950 qua Hiến chế “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển). Trong hiến chế này, Giáo hoàng Piô XII tuyên bố: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vừa vô nhiễm vừa mãi mãi đồng trinh, đã được đưa vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác.”

NỐI KẾT VỚI CHÚA KITÔ

Truyện kể về một người sống trong một làng hẻo lánh thuộc miền thượng du.  Nhờ một cơ hội hiếm có, ông được đặt chân lần đầu tiên đến một thành phố.  Tuy không có nhiều tiền, nhưng ông cũng muốn đem về một cái gì đó để khoe với dân làng.  Sau khi đã thăm nhiều nơi trong thành phố, một trong những cái làm ông thích thú nhất là các ánh đèn chiếu sáng trong phố.  Với số tiền trong túi, ông đã mua một ít bóng điện và công tắc điện.  Vừa khi trở về tới làng, việc đầu tiên là ông treo những bóng đèn đó trong nhà ngoài ngõ trước nhà ông.  Làng xóm qua lại thấy lạ nên hỏi, nhưng ông chỉ trả lời: Chịu khó chờ đi.  Đến tối sẽ biết.  Khi ánh mặt trời vừa ngả bóng, ông trịnh trọng bật các công tắc.  Nhưng lạ quá, bóng đèn chẳng sáng gì cả.  Tội nghiệp cho ông.  Chẳng ai bảo cho ông biết là cần phải có dòng điện thì bóng đèn mới chiếu sáng được.

Hồi nhỏ tôi có anh bạn rất giỏi về khoa nói.  Chuyện gì hắn cũng nói vào được.  Một hôm hắn nghe bài hát “Thầy là cây nho, các con là cành” hắn liền nhái ngay ra “Thầy là con cua, các con là càng.  Càng nào kết hợp cùng cua sẽ bò nhanh hơn cáy…”  Cả bọn chúng tôi vỗ tay hoan hô, nhưng ông thầy dạy giáo lý nghe được gọi hắn lên cho hắn một bài ‘moral’ khá dài.  Ngày nay nghĩ lại, ông thầy hơi nghiêm nghị.  Những nơi như ở Việt nam thời xưa, biết cây nho thế nào đâu.  Nhưng nói con cua thì ai cũng biết. Nên càng cua cần liên kết với thân cua, chúng ta cần liên kết với Chúa Giêsu.

“Không có Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga 15:5).  Sống trong cuộc đời, nhiều người nghĩ rằng họ có tất cả: bằng cấp có, việc làm có, gia đình có, nhà cửa xe hơi có.  Nhưng khi bóng chiều của cuộc đời buông xuống, khi nhắm mắt lìa đời, họ mới biết họ chỉ có hai bàn tay trắng.  Họ có thể thành công trong cuộc đời, nhưng vì không được nối kết với nguồn gốc sự sống đích thực, nên “lời lãi cả thế gian, mà thiệt hại phần linh hồn thì được ích gì?” (Mt 16:26).

Nếu họ đã biết liên kết với Chúa Kitô, thì họ đã “sinh nhiều trái” (Ga 15:5).  Tuy là theo giáo lý của Chúa Kitô, để có thể “sinh nhiều trái”, điều đòi buộc là phải hy hiến chính mình.  Hoa quả đầu tiên phát sinh do sự hy hiến bản thân này chính là tình yêu.  Một tình yêu dám hy hiến bản thân mình vì người mình yêu.  Vì là những cành cây được nối liền với thân cây là Chúa Kitô, chúng ta tin rằng sức mạnh và ân sủng của Chúa đang tuôn chảy vào tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta có thể sống tình yêu hy sinh như Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta.

Qua Bí tích Rửa tội, các Kitô hữu đã được nối kết với Chúa Kitô.  Nhưng nối kết với Chúa Kitô mà thôi thì chưa đủ.  Chúng ta cũng cần phải cắt tỉa những cành, những nhánh cây đang cản trở chúng ta sống đời yêu thương.  Những cành cây cần phải cắt tỉa là những thành kiến, những ác cảm thù hận, những lối sống buông thả ích kỷ.

Cắt tỉa những cành cây độc hại rồi, chúng ta cũng cần phải củng cố những cành cây tốt mỗi ngày mỗi nối kết chặt chẽ hơn với thân cây.  Chúng ta cần năng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, để chúng ta được nuôi dưỡng bởi ân sủng của Chúa, giúp chúng ta tăng triển trong niềm Tin Yêu.  Ngoài ra, Lời Chúa là kho tàng quan trọng cho đời sống tâm linh của chúng ta.  Lời Chúa soi đàng hướng dẫn chúng ta sống theo gương lành Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta trong Phúc Âm.

Thế giới chúng ta đang sống có thể đem đến cho con người một cuộc sống thoải mái, đến nỗi nhiều người nghĩ rằng họ không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa.  Nhưng khi chúng ta để tâm nhìn lại bản thân, chúng ta biết rằng chúng ta rất cần Chúa.  Một cuộc sống xem ra thoải mái, thường thì lại bị xen lẫn với lắm khổ đau.  Chỉ với ơn Chúa, chúng ta mới tìm được sức mạnh để chịu đựng, tìm được ý nghĩa cho những khổ đau và gánh nặng trong cuộc đời.  Nếu chúng ta có Chúa trong cuộc đời, và nếu chúng ta để cho Chúa thanh tẩy con người của mình, chúng ta có thể trở nên những cành cây với nhiều hoa trái tốt tươi.  Những hoa trái không những làm tươi mát cuộc sống của chính mình, mà còn nuôi dưỡng lòng tin yêu mến Chúa của nhiều tâm hồn.

Lm. Gioan Cao Vũ Nghi, CRM