ĐỊNH NGHĨA LÒNG THƯƠNG XÓT

Hôm nay lễ lòng thương xót Chúa.  Thiết tưởng chúng ta cần hiểu lòng thương xót nghĩa là gì?  Thương xót nghĩa là sự biểu lộ lòng xót xa đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn.  Lòng thương xót đối với Chúa còn là sự khao khát muốn làm vơi đi những nỗi đau khổ đó.  Như vậy, lòng thương xót của Chúa là sự biểu lộ tình thương trước những hoàn cảnh khó khăn của dân Chúa.

Lòng thương xót của Chúa không như con người.  Vì con người thương xót nhưng có chọn lựa, có tính toán.  Cùng hoàn cảnh nhưng chúng ta thương người này và có thể ghét người kia.  Thế nhưng, lòng thương xót của Chúa thì trải rộng cho mọi người.  Không toan tính.  Không chọn lựa.  Ngài yêu thương con người bất kể tình trạng luân lý của họ.  Bởi vì, Chúa vẫn yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân.

Thế nên, lòng thương xót của con người chúng ta thì giới hạn.  Chúng ta có thể xót thương kẻ cơ hàn.  Xót thương những người già yếu, bệnh tật bị bỏ rơi.  Xót thương những trẻ nhỏ bị lạm dụng, bị bóc lột nơi cha mẹ hay người nuôi dưỡng.  Và chắc chắn chúng ta sẽ chẳng bao giờ xót thương những phường tội lỗi như: trộm cắp, mại dâm, hay tham ô.  Chúng ta thường không thương xót họ mà có khi còn nguyền rủa họ.

Lòng thương xót Chúa thì không giới hạn.  Ngài yêu thương mà không cần nhìn xem họ là ai?  Ngài chỉ bận tâm đến nhu cầu của con người và ra tay nâng đỡ.  Thánh Kinh bảo rằng: Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được.  Thế nhưng, Chúa đã không chấp tội con người, Ngài cũng không giáng phạt theo như tội ta đã phạm.  Lòng thương xót của Chúa trải rộng trên con người.  Trên người lành cũng như người dữ.  Ngài luôn biểu lộ lòng thương xót cho bất cứ ai đến với Ngài.  Lòng thương xót ấy không dừng lại ở nơi kẻ yêu Ngài mà còn dành cho cả kẻ ghét Ngài, xỉ nhục và kết án Ngài.  Chính trong đau thương khổ nhục mà Ngài vẫn xót thương những kẻ đang hành hạ Ngài khi Ngài cầu nguyện cùng Cha: Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.

Có lẽ với bản tính con người, chúng ta sẽ thù hận kẻ giết hại chúng ta một cách oan uổng.  Có lẽ chúng ta cũng kinh tởm kẻ vô ơn, phản bội với chúng ta.  Thế mà, Chúa Giê-su dường như không còn nhớ đến tội lỗi của con dân thành Giê-ru-sa-lem.  Ngài đã tha thứ cho kẻ làm nhục Ngài.  Ngài cũng tha thứ cho những môn đệ đã bỏ Ngài trong tuần thương khó.

Vâng, khi Chúa sống lại Ngài không tìm ai để trách móc, kêu oan.  Và dường như Ngài cũng không bận tâm đến lỗi lầm của các môn sinh.  Ngài đã trao bình an cho các môn sinh mỗi khi hiện ra với họ.  Ngài biết trong lòng các ông còn một nỗi buồn vì phản bội, vì bỏ rơi Thầy trong gian nguy.  Ngài biết sau khi Chúa sống lại lòng các tông đồ còn rối bời hoang mang lo sợ, bất an vì mặc cảm tội lỗi, mặc cảm phản bội Thầy.  Chúa đã biết điều đó nên đã đi bước trước để ban bình an cho các ông.

Sứ điệp lễ lòng Chúa thương xót là sứ điệp của yêu thương.  Thiên Chúa vẫn tiếp tục xót thương dân Người.  Lòng thương xót của Chúa không bị tội lỗi của con người cản trở mà vẫn đong đầy cho những ai đến với Ngài.  Lòng thương xót Chúa vẫn xoa dịu những ai đang bất an vì tội lỗi.  Lòng thương ấy vẫn đang chữa lành cho những ai đang đau khổ bệnh tật tâm hồn hay thể xác.  Lòng thương xót ấy vẫn là căn tính của Thiên Chúa rất yêu thương và xót thương dân Người.

Ước gì mỗi người chúng ta biết tín thác vào lòng thương xót Chúa cho dẫu chúng ta còn mang đầy những vết thương của yếu đuối lỗi lầm.  Hãy để cho lòng thương xót Chúa chữa lành những tật nguyền của chúng ta.  Ước gì khi chúng ta đã hưởng nếm lòng thương xót vô bờ của Chúa thì cũng biết trao ban lòng thương xót ấy cho anh em.  Xin Chúa ban cho chúng ta cũng có một tấm lòng bao dung để gạt qua những thành kiến, những đố kỵ, ghen tương mà đón nhận nhau trong yêu thương chia sẻ.  Xin Chúa giúp chúng ta cũng trở thành một chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa bằng tình yêu hiến dâng phục vụ tha nhân. Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền