CHÚA CÓ THIÊN VỊ KHÔNG?

Chúa có thương một số người nào đó nhiều hơn những người khác không?  Chúa có thiên vị không?

Đây là vấn đề tranh cãi từ hàng thế kỷ nay: Liệu có một chủng tộc nào được Chúa chọn?  Có phải một số người nào được định trước sẽ lên thiên đường hay xuống địa ngục không?  Có phải Chúa thương người nghèo hơn người giàu?  Có phải Chúa thương người có tội hơn người ngay thẳng?  Có phải Chúa thương người trinh tiết hơn người lập gia đình?  Ít nhất là nhìn bề ngoài, có vẻ như thánh kinh nói rằng Chúa thương một số người hơn những người khác.  Nhưng có đúng như vậy không?

Khó mà trả lời được câu hỏi này, vì phần nào đó là một câu hỏi sai lầm.  Thông thường, bất cứ khi nào chúng ta dựng lên những kiểu đối lập như thế (Có phải Chúa thương người này hơn người kia?), thì chúng ta đang lập ra một lối đi trên một con đường sai:

Ví dụ, khi Chúa Giê-su nói cả thiên đàng vui mừng khi có một người trở lại hơn là vui với chín mươi chín người không cần hối cải; thì không phải Chúa khẳng định thương người có tội sâu đậm hơn người ngay thẳng.  Đối với Chúa Giê-su, khi nói trong hoàn cảnh cụ thể này, là không hề ngụ ý nói tới người ngay thẳng.  Chỉ đang nói với kẻ có tội (những người cảm thấy cần phải trở lại) và những người tự cho là mình ngay thẳng (những người có tội nhưng chưa hiểu mình cần ăn năn hối lỗi).  Hối cải, ít nhất trong bối cảnh đặc biệt này, không phải là một điều kiện tiên quyết cho đời sống Ki-tô hữu.  Không hề có ngụ ý về người ngay thẳng ở đây, chỉ những người có tội, và hành trình Ki-tô luôn luôn là một hành trình của trở lại, một sự quay về ràng, như đàn chiên quay về chuồng.  Chúng ta mở lòng ra để nhận tình thương yêu của Chúa bất cứ lúc nào chúng ta nhận ra điều đó.  Chúa thật sự thiên vị những kẻ có tội, nhưng những kẻ có tội bao gồm tất cả chúng ta.

Điều này cũng đúng đối với chuyện có phải Chúa thương người nghèo hơn người giàu hay không.  Một cách xác quyết, Giê-su nói rằng Chúa ưu ái người nghèo, nhưng như vậy có phải là Chúa thương người giàu ít đi không?

Thêm một lần nữa, chúng ta phải cẩn trọng trong cách chúng ta đặt những phạm trù này tương phản với nhau: nghèo tương phản với giàu.  Điều được khẳng định ở đây không phải là khi chúng ta nghèo thì Chúa thương chúng ta hơn so với khi chúng ta giàu.  Mà đúng hơn, ý ở đây là Chúa thương chúng ta trong cái nghèo nàn của chúng ta, và khi chúng ta chấp nhận mình nghèo thì dễ dàng mở lòng ra để được yêu thương và dễ dàng bày tỏ lòng biết ơn hơn.  Đối với Chúa Giê-su, chỉ có hai loại người: những người nghèo và những người chưa tiếp xúc với cái nghèo nàn của mình.  Và cũng không phải là Chúa thích chúng ta nghèo và thương chúng ta hơn khi chúng ta nghèo.  Mà đúng ra, chính là khi chúng ta nghèo và tiếp xúc với cái nghèo của mình thì chúng ta dễ dàng mở lòng ra với tình thương hơn, kể cả tình thương của Chúa lẫn tình thương của người khác.  Chúa thật sự thiên vị người nghèo, nhưng, giá như chúng ta hiểu đúng tình trạng của mình, rằng những người nghèo bao gồm tất cả chúng ta.

Nguyên tắc này cũng cần được áp dụng đối với các vấn đề chung quanh vấn đề thiêng liêng và vấn đề tình dục.  Có phải Chúa thương chúng ta hơn khi chúng ta chưa trọn vẹn về mặt tình dục so với khi trọn vẹn không?

Phúc âm nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su sinh ra từ một trinh nữ, được chôn trong một nấm mồ chưa từng chôn ai, và vì thế, chúng ta được mời gọi để có một trái tim trinh trắng.  Bởi điều này mà trên con đường thiêng liêng Ki-tô cũng như trong các truyền thống linh đạo của mọi tôn giáo lớn trên thế giới, từ xưa đến nay vẫn luôn luôn có một dòng tư tưởng cho rằng cách nào đó Chúa ban phước cho những ai sống đời độc thân hơn những người lập gia đình, rằng sự trinh trắng là tình trạng tinh thần được ưu ái hơn.  Có phải Chúa thương chúng ta hơn nếu chúng ta là những người trinh trắng?

Chúng ta lại phải cẩn trọng trong cách đặt những phạm trù này tương phản với nhau: trinh trắng và không trinh trắng.  Lời dặn ở đây là Chúa thương những gì là trinh trắng trong bản thân chúng ta.  Mối quan hệ tương phản ở đây không phải là giữa những ai ngủ một mình và những người không ngủ một mình, mà là giữa những người bảo vệ những gì trinh trắng trong bản thân, và những người không làm như vậy; giữa những người có thể đổ mồ hôi máu để tiếp tục chịu đựng căng thẳng khi sống mà không tuyệt đích thoả mãn (tất cả mọi loại) và những người không làm như vậy.  Chính khi chúng ta bảo vệ những gì trinh trắng trong bản thân và khi chúng ta không bỏ qua những giai điệu thầm kín chính đáng của cuộc sống vì những căng thẳng của mình là lúc chúng ta mở lòng ra hơn để tiếp nhận tình thương yêu, tình thương yêu của Chúa và tình thương yêu của con người.

Chúa thật sự thiên vị những người trinh trắng, nhưng, nếu chúng ta sống với lòng khiêm cung và nhẫn nại đúng mực, thì những người trinh trắng đó gồm tất cả chúng ta.

Cũng có thể nói như vậy về việc Chúa Giê-su trân trọng trẻ con như những con người lý tưởng.  Không phải Người dạy rằng Chúa thương trẻ con hơn người lớn.  Sự tương phản này không phải là giữa trẻ con và người lớn, mà là giữa những ai, giống như trẻ con, biết họ cần được giúp đỡ, và những người vì kiêu căng hay vì tổn thương đã không còn thừa nhận họ cần Chúa hay cần ai khác.  Chính khi chúng ta thừa nhận sự thật sâu xa rằng chúng ta không thể tự mình mà đầy đủ thì chúng ta mới mở lòng ra để Chúa và người khác ưu ái.  Chúa thật sự thiên vị những ai giống như trẻ con, nhưng, hy vọng là trẻ con bao gồm tất cả chúng ta.

Chúa có đối xử thiên vị hay không?  Có, nhưng không phải là giữa những người khác nhau, mà là giữa những trạng thái khác nhau trong chính tâm hồn chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *