CHÚA KITÔ LÀ ÁNH SÁNG

Có lúc nào đó trong cuộc sống chúng ta tự hỏi lòng mình: Tôi là ai?  Tôi sinh ra trong cuộc đời này để làm gì?  Chết rồi đi đâu?  Đây là những câu hỏi quyết định hướng đi của đời người, nó quyết định phận số của một con người.  Đau khổ hay bất hạnh.  Lạc quan hay bi quan.  Sống có trách nhiệm hay lười biếng, buông thả?  Sống có ích hay trở thành gánh nặng cho xã hội đều tùy thuộc vào chọn lựa căn bản này của từng người chúng ta.

Nhìn vào xã hội hôm nay chúng ta thấy, có người chủ trương cho rằng con người là loài vật nên chẳng cần luân thường đạo lý, chẳng cần tự chủ bản thân, sống buông thả theo đam mê nhục dục như muôn loài sống theo bản năng của mình.  Có người chủ trương cho rằng sống là để hưởng thụ nên luôn tranh giành lẫn nhau, luôn lấn áp với nhau theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé.”  Họ chà đạp lên nhau chỉ vì danh lợi thú trần gian.  Có người chủ trương cho rằng chết là hết nên chẳng cần ăn ngay ở lành, chẳng cần tích đức đời sau nên sinh ra đạo tặc, dâm ô và biết bao tệ nạn đau buồn khác.  Hằng ngày trên truyền hình, truyền thanh vẫn luôn cập nhật những thông tin đáng buồn như cướp dật, hoang dâm, xì ke, ma túy, tham nhũng, giết người…  Tại sao vậy?  Tại sao xã hội có luật pháp mà vẫn còn đó những tội phạm?  Tại sao bóng tối của sự dữ vẫn còn đầy rẫy trong xã hội văn minh hôm nay?  Tại sao lương tâm không bằng lương thực?  Tại sao nhân phẩm không bằng nhu yếu phẩm?  Tại sao tình người không bằng đồng tiền?  Tại sao vì tiền, vì quyền, vì tình mà nhiều người đã đánh mất nhân tính của mình? Có lẽ chỉ vì đã nhìn nhận sai về căn tính con người, về ý nghĩa cuộc đời nên dẫn đến biết bao hệ luỵ khổ đau cho con người.

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: loài người thuở xa xưa khi chưa biết soi gương trang điểm nên dường như cũng chẳng hề biết khuôn mặt mình tròn méo thế nào.  Vì thế mới có chuyện đau lòng xảy ra giữa đôi vợ chồng trẻ miền quê hẻo lánh.  Một lần anh chồng có việc phải lên kinh thành, người vợ dặn chồng nhớ mua cho mình một cái trâm cài đầu.  Nhưng khốn nỗi anh chàng nhà quê chưa một lần nhìn thấy cái trâm cài đầu nó như thế nào?  Cô vợ nhìn lên bầu trời đêm thấy ánh trăng lưỡi liềm liền nói: “Cái trâm nó giống như ánh trăng kia, nếu anh quên, anh cứ nhìn lên ánh trăng thì sẽ nhớ.  Người chồng đã ra đi.  Kinh đô quả thật khác lạ so với anh.  Cái gì cũng mới.  Cái gì cũng hay.  Anh chồng đã say sưa, mải miết tham quan những cảnh lạ ở kinh thành cả mười ngày sau mới về.  Lúc này anh mới chợt nhớ lời vợ dặn, anh liền nhìn lên bầu trời và thấy ánh trăng tròn trịa của đêm trăng rằm.  Anh vào cửa hàng tạp hoá và anh mua một cái gương soi mặt vì nó hình tròn giống như ánh trăng.  Lòng vui rộn ràng anh quay trở về với vợ hiền.  Anh vui mừng trao món quà cho cô vợ bé nhỏ của mình.  Cô vợ mở quà ra xem.  Ngạc nhiên tại sao lại là hình ảnh của một cô gái ở trong món quà.  Bởi lẽ, cả đời cô chưa hề biết gương là gì, nên khi thấy bóng dáng một người con gái trong gương cô đã tức giận và quát tháo nên rằng: “Tôi dặn anh mua cái trâm cài đầu, tại sao anh đem về cho tôi một đứa con gái nào đây?”  Anh chồng lúc này mới nhìn vào gương và thấy khuôn mặt một người đàn ông trông giống như bố mình ngày xưa, nên anh cãi rằng: “Không phải, đây là bố tôi.  Và anh dành lại cái gương, miệng không ngớt kêu lên: “Ơ bố ơi!  Quả thực là bố hiện về với con.  Cô vợ tức quá giựt lại và bảo: “Bố ông bao giờ, đây là con nào rõ ràng mà ông còn chối cãi được sao?”  Anh chồng xem ra không cãi nổi vợ, bèn buồn bã bỏ đi.  Mẹ chồng thấy vậy đến an ủi nàng dâu, và người con dâu đã đưa cho mẹ chồng xem bằng chứng về sự dan díu của chồng mình.  Mẹ chồng xem qua rồi đi đến kết luận: “Thôi đừng ghen tương làm chi cho khổ, tao thấy con này nó cũng già quá rồi!”

Vâng, xem ra cái nhìn tiên tri của ngôn sứ Isaia vẫn đúng cho thời đại hôm nay, vì “đoàn dân đang ngồi trong bóng tối” cũng chính là hình ảnh của nhân loại hôm nay.  Một thế giới đầy những bóng tối của tội lỗi, của sa đoạ, của ích kỷ và hưởng thụ đã làm cho nhiều người mù quáng chạy theo những đam mê lầm lạc và dìm mình trong bóng tối của danh lợi thú trần gian.  Họ đã lạc mất hướng đi đời người.  Họ chẳng cần biết mình là ai?  Họ chỉ cần tiền.  Họ không cần đạo đức hay phẩm giá con người.  Điều họ cần là làm sao có tiền để hưởng thụ.  Vì có “tiền mua tiên cũng được.”  Vì mải miết chạy theo đồng tiền họ đã đánh mất hướng đi đời người.  Cuộc sống không có định hướng, không có mục đích là nguyên nhân dẫn đến những tệ nạn: cướp giật, tham nhũng, xì ke ma tuý và mại dâm của thời đại hôm nay.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy sám hối.”  Sám hối để bước ra khỏi bóng đêm của tội lỗi, ghen tương, đố kỵ, chia rẽ để bước vào ánh sáng của yêu thương và hiệp nhất.  Sám hối để bước ra khỏi vũng lầy của đam mê nhục dục, của tha hoá đạo đức để sống cao thượng theo đúng phẩm giá con người là “nhân linh hơn vạn vật.”  Sám hối để nhìn nhận những sai trái của mình đã gây nên những bất công, những khổ đau cho anh em và quyết tâm thay đổi đời sống theo đúng đòi hỏi của Tin mừng mà Chúa Kitô đã loan báo.  Vì Chúa Kitô chính là ánh sáng đã chiếu giãi trên thế gian.  Từ nay Tin mừng cứu độ của Chúa sẽ soi sáng cho con người biết đâu là thiện, là ác, vì chính Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, ai bước theo Ngài sẽ không phải đi trong tối tăm nhưng bước đi trong tự do của con cái sự sáng.

Thế nhưng, nhân loại hôm nay vẫn thích bóng tối hơn ánh sáng.  Người ta sợ ánh sáng của Tin mừng sẽ phơi bầy bộ mặt thật của mình nên họ luôn tìm cách che dấu bằng thủ đoạn, lừa đảo và giả hình và dần dần đánh mất ý thức về tội.  Tội lỗi vẫn tràn lan.  Con người tự làm khổ mình, làm khổ nhau bởi chính những điều gian ác, bất công của mình gây nên.

Xin Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự sống giải thoát chúng ta khỏi làm nô lệ của danh lợi thú trần gian để chúng ta sống trong tự do của con cái Chúa.  Xin Chúa Kitô là ánh sáng trần gian dẫn dắt chúng ta đi theo chân lý vẹn toàn ngõ hầu chúng ta luôn sống đúng với phẩm giá cao quý của con người là hình ảnh của Chúa.  Xin cho mỗi người chúng ta cũng trở thành ánh sáng để dẫn dắt anh chị em chúng ta bước đi trong ánh sáng lề luật và phúc âm của Chúa.  Amen!

Lm Jos. Tạ Duy Tuyền

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *