SỐNG ĐỨC TIN LÀ LÀM CHỨNG

Hôm nay, chúng ta hân hoan, tự hào và hãnh diện khi mừng kính trọng thể lễ các thánh tử đạo Việt Nam.  Với con số 118 đấng đã được Giáo Hội tuyên phong và tôn kính, đây là con số đông đảo nơi sổ bộ các thánh trong Giáo Hội hoàn vũ.  Tuy nhiên, còn hàng trăm ngàn đấng chưa được tuyên phong, nhưng các ngài đều mang một mẫu số chung, đó là chết vì Chúa để làm chứng cho đạo của Chúa là đạo thật.

Như vậy, mỗi khi mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, thiết tưởng chúng ta nên gợi lại những gương sáng của các ngài để như một lời nhắc nhớ chúng ta về tấm gương anh dũng qua đời sống chứng tá của các thánh, đồng thời như một lời mời gọi mỗi chúng ta hãy noi gương các bậc tiền nhân qua đời sống đức tin hiện nay.

1. Các ngài là những người đã sống Tin Mừng yêu thương

Trong rất nhiều nhân đức cao đẹp của các thánh tử đạo Việt Nam, thì nhân đức yêu thương, tha thứ của các ngài là nhân đức đi đầu, tiên phong trong hàng loạt các nhân đức.  Các ngài đã noi gương Chúa Giêsu để yêu và yêu cho đến cùng, yêu đến nỗi chấp nhận chết để chứng tỏ tình yêu của mình vào Thầy Chí Thánh mà các ngài đã tin theo (x. Ga 15,13).

Khi sống và diễn tả tình yêu ấy, chúng ta thấy có thánh y sĩ Phan Đắc Hòa.  Ngài đã sẵn sàng chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, sẵn lòng cứu giúp những người túng thiếu.  Hay thấy được nỗi đau khổ của cái nghèo hoành hành nơi dân làng, các ngài đã không chịu ngồi yên trong khi nhìn thấy cảnh người anh em đau khổ, đói khát, nên đã chấp nhận vất vả, tăng gia thêm để có của dư giả nhằm giúp anh chị em đang lâm cảnh nghèo túng, trong số đó, phải kể đến thánh Martinô Thọ, ngài sẵn sàng trồng thêm vườn dâu để có thêm thu nhập giúp người nghèo.  Cụ trùm Đích thì thường xuyên góp nhặt tiền bạc để đi thăm viếng trại cùi và nuôi nấng những người dịch tả trong vùng.  Còn với quan Hồ Đình Hy, ngài luôn giúp đỡ những người bơ vơ, mồ côi ngay ở trong nhà, và khi họ qua đời thì lo an táng đàng hoàng như một người bình thường.

Đỉnh cao của tình thương ấy nơi các ngài là yêu luôn cả những người thù ghét mình.  Tình yêu của các ngài là một tình yêu không biên giới.  Lời của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 43) luôn thường trực trong suy nghĩ, hành động của các thánh.  Về điểm này, chúng ta thấy toát lên chân dung của cha thánh Hoàng Khanh, ngài đã sẵn lòng chữa bệnh cho cả những viên cai ngục trong tù…

Các ngài bỏ qua tất cả, không nghĩ cho riêng mình, không còn lằn ranh giữa bạn và thù, bởi vì: “tận cùng của tình yêu là yêu không giới hạn.”

2. Các ngài là những người sống và chết vì sự thật

Có nhiều cái chết và cách chết.  Những giá trị của cái chết cũng hoàn toàn khác nhau nhờ vào thái độ của mỗi người.  Nhưng chấp nhận cái chết vì sự thật, vì công lý thì thật là điều cao thượng.

Trong Cựu Ước, có cụ Eleazaro, cụ là người cương trực, không chấp nhận giả vờ ăn thịt cúng để được tha (x. 2 Mac 6, 18-31).  Lời dụ dỗ giả vờ bỏ đạo để được tha và thăng quan tiến chức là những chiêu bài mà nhà cầm quyền thời bấy giờ thường xuyên dùng để khuyên dụ các ngài.  Có những đấng nếu chỉ khai mình là lương y chứ không phải là linh mục thì sẽ được tha ngay.  Trong số đó, phải kể đến thánh Lê Tùy, Đỗ Yến, Hoàng Khanh, Nguyễn Văn Hưởng, Lê Bảo Tịnh…  Các ngài đã chấp nhận cái chết để chứng minh cho chân lý và sứ vụ của mình.

Rồi có những đấng các quan chỉ yêu cầu nhắm mắt, giả bộ bước qua thập giá là sẽ được tha như thầy giảng Nguyễn Cần chẳng hạn, thầy đã được quan gợi ý như thế, nhưng ngài đã nói: “Thưa quan, mắt thì nhắm được, chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm.”  Thua keo này, các quan đã bày keo khác!  Có những đấng, họ chỉ yêu cầu đi vòng quanh thánh giá và các quan sẵn sàng tha cho vì coi đây như là hình thức bỏ đạo.  Nhưng các ngài đã khẳng khái khước từ.  Trong số này có thánh Phan Văn Minh, các thầy giảng Hà Trọng Mậu, Bùi Văn Úy và các anh Nguyễn Văn Mới, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Vinh.

Như vậy, mặc cho những lời đường mật hứa hẹn.  Các ngài đã cương quyết không thỏa hiệp.  Các ngài sẵn sàng chấp nhận cái chết, không bước qua thập giá, hoặc bất cứ hình thức nào được trưng ra dưới chiêu bài “đánh lận con đen.”  Các ngài đã chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật, công lý.

3. Các ngài là người sống niềm hy vọng Phục Sinh

Chúng ta nhớ lại trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã viết: “Nếu chết là hết, thì quả thực chúng ta là những kẻ khốn nạn nhất trong cả thiên hạ” (x. Cr 15,19).  Thật vậy, vì tin vào Đức Kitô, Đấng đã được “Thiên Chúa làm cho […] sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại” (1 Cr 6,14).  Vì thế, các thánh tử đạo Việt Nam luôn coi cái chết như là hy lễ cuối cùng và đẹp nhất dâng lên cho Thiên Chúa để được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc Trên Trời.  Niềm tin này đã được thày giảng Hà Trọng Mậu đại diện cho những người bị bắt thưa với quan rằng: “Thưa quan, chúng tôi mong ước về bên Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy”; hay như quan Án Khảm, ngài đã hé mở cho mọi người đang đứng chung quanh mình về một cuộc sống hạnh phúc trên Thiên Quốc khi nói: “Cha con chúng tôi hôm nay vào Nước Thiên Đàng đây”; hoặc như thánh linh mục Nguyễn Văn Hạnh thì nói: “Anh em ở lại, chúng tôi đi về Thiên Đàng nhé”; còn thầy giảng Nguyễn Đình Uyển thì đã bình tĩnh và dõng dạc tuyên xưng niềm tin tuyệt đối vào mầu nhiệm phục sinh khi nghe quan quát lớn: “Mày không bước qua, tao sẽ chém đầu mày” thầy điềm tĩnh trả lời: “Thưa quan, nếu tôi bị chém chết, thì tôi mới hy vọng được phục sinh với Chúa Kitô.”  Khi phải lựa chọn giữa sự sống trần gian và cuộc sống vĩnh cửu, cha thánh Nguyễn Văn Xuyên đã nói một cách xác tín rằng: “Thưa quan, tôi chọn cái chết để được sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu rồi muôn đời bị tiêu diệt.”  Rồi như hạt lúa gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát đi để trổ sinh một mùa lúa bội thu, cha thánh Lê Bảo Tịnh đã nói: “Thân xác tôi đây, các ông muốn làm gì thì làm, tôi sẵn sàng không oán than, nó chết đi, nhưng mai này sẽ sống lại vinh quang.”  Quả thật, không có gì tách các ngài ra khỏi tình yêu Đức Kitô.  Mặc cho đòn vọt, gông cùm và ngay cả cái chết.

4. Cái chết của các ngài là lời tạ ơn

Cuối cùng, cuộc đời, sứ vụ và cái chết của các ngài là một bài ca tạ ơn.  Tạ ơn Thiên Chúa đã tác tạo nên mình, cám ơn những bậc sinh thành đã dày công dưỡng dục và như một gương sáng cho giáo dân noi theo.  Tâm tình này đã được thánh Giám Mục Giuse Diaz Sanjurjo An diễn tả khi tới giờ hành xử đã đến, ngài nói: “Tôi xin gửi quan 30 đồng tiền để xin quan một ân huệ: xin quan đừng cho chém tôi một nhát.  Nhưng tôi xin chém tôi 3 nhát: Nhát thứ nhất tôi tạ ơn Chúa đã dựng nên tôi, và đưa tôi đến Việt Nam giảng đạo.  Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ đã sinh thành ra tôi.  Còn nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí dù có phải chết cho đức tin, theo gương vị chủ chăn của mình.  Và như thế họ đáng lãnh phần hạnh phúc cùng các thánh trên Trời.”  Với các thánh Phạm Khắc Khoan và hai thày Nguyễn Văn Hiếu và Đinh Văn Thanh, các ngài đã chia bè và hát kinh Tạ Ơn “TE DEUM” bằng tiếng Latinh ngay trong nhà giam.  Rồi khi ra pháp trường để chịu tử hình, cha Khoan xướng ba lần lời ALLÊLUIA, mỗi lần với cung giọng cao hơn.  Hai thày cũng lập lại ALLÊLUIA, ALLÊLUIA, ALLÊLUIA ba lần như đêm vọng phục sinh vậy.

Có được tâm tình đó là vì các ngài đều xác tín rằng: “Đối với các ngài, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”, vì thế “Trong mọi thử thách, các ngài đã toàn thắng nhờ Đấng yêu mến các ngài” (x. Rm 8, 37).  Và, giờ chết của các ngài là một bằng chứng hùng hồn về tình yêu tuyệt đối mà cha ông chúng ta đã dâng lên Thiên Chúa như của lễ tinh tuyền thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa.  Thật vậy: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?  Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo? […] sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35-39).

Cuộc tử đạo của các ngài được ví như người nông dân đã vất vả ra đi gieo giống, để rồi hôm nay hân hoan vì thấy một vụ mùa bội thu: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau sẽ khấp khởi mừng.  Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo.  Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125,6-7).

Như vậy, khi mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy cùng với các ngài tạ ơn Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã yêu thương các ngài đặc biệt.  Chúng ta cũng ngước lên các ngài để chiêm ngưỡng, noi theo những nhân đức anh hùng, can trường của các ngài để lại hầu mai sau cũng được hưởng hạnh phúc với các ngài trong Cõi Trường Sinh.

Bài học cao quý nhất của các ngài để lại không phải là bài học hận thù, chia rẽ, không phải là ích kỷ nhỏ nhen, không phải là tự phụ kiêu căng, nhưng là bài học của tình yêu, của bao dung, vị tha và khiêm nhường.  Sống được như thế là chúng ta đang làm chứng cho Chúa và đang sống niềm hy vọng phục sinh một cách rõ nét nhất.

Mong thay, mỗi khi mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta cùng với các ngài hát lên bài ca Tạ Ơn “TE DEUM” ngay trong cuộc sống hiện tại của mình.

Lạy Chúa, khi mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, xin Chúa cho chúng con xác tín rằng: quê hương của chúng con ở Trên Trời, vì thế chúng con chỉ có một điều duy nhất là làm mọi việc vì Chúa và vì phần rỗi của mình cũng như tha nhân, qua đó biết khước từ những điều bất chính, để sau này chúng con được chung hưởng phúc vinh quang với các thánh trên Thiên Quốc.  Amen!

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *