GIÁO HOÀNG CỦA KINH MÂN CÔI

“Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất và là phương cách hiệu quả nhất để đạt tới sự sống đời đời.  Đó là phương thuốc cho tội lỗi của chúng ta, là nguồn gốc phúc lành của chúng ta.  Không có cách cầu nguyện nào tuyệt vời hơn.” Đó là lời minh định của ĐGH Leo XIII, vị giáo hoàng thứ 256, triều đại từ 1878 tới 1903.

Ngài là vị giáo hoàng đại thọ nhất trong lịch sử Giáo Hội – qua đời lúc 93 tuổi.  Ngài là ngòi bút sắc bén, thi sĩ thông minh, thần học gia nổi trội, và người sáng lập Viện Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquino năm 1879 – nay là Đại Học Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquino, hoặc Angelicum.

Là mục tử và nhà thần bí, ĐGH Leo XIII rất quan tâm các vấn đề xã hội và luân lý, làm cho Giáo Hội có nhiều vũ khí tâm linh để chống lại các vấn đề đó.  Một hôm, khi đang dâng lễ, ngài thị kiến cuộc chiến tâm linh dữ dội và được gợi hứng viết kinh tổng lãnh thiên thần Michael.  Ngài cũng thúc đẩy việc sùng kính Đức Thánh Giuse, tận hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, thúc đẩy lòng sùng kính Ngày Thứ Sáu, và ấn định tháng Sáu là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.  Ngài là vị Giáo Hoàng mà cô bé Teresa 15 tuổi đã xin phép chuẩn vào Dòng Kín khi ngài tới Lisieux.  Ngài là Giáo Hoàng đầu tiên xuất hiện trên phim ảnh và tuyên chân phước cho linh mục Louis de Montfort năm 1888, và ĐGH Piô XII tuyên thánh cho linh mục Louis de Montfort năm 1947.

1. LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ

Từ hồi trẻ, ĐGH Leo XIII đã rất sùng kính Đức Mẹ.  Phát hiện các bài viết về Đức Mẹ của Thánh Louis de Montfort năm 1846, và điều tra các bài viết này vào án phong thánh cho linh mục Montfort, ĐGH Leo XIII đã ảnh hưởng nhiều với tư tưởng của thánh Montfort về Đức Mẹ.  Ngài rất sùng kính Đức Mẹ, ban ân xá cho những người tận hiến cho Đức Mẹ theo cách của Thánh Montfort.  Một nguồn gợi hứng khác về Đức Mẹ đối với ĐGH Leo XIII là công việc của Chân Phước Bartolo Longo ở Pompeii.

ĐGH Leo XIII cởi mở với các mặc khải tư.  Ngài thúc đẩy việc sùng kính Áo Đức Bà, thiết lập lễ Đức Mẹ Ảnh Phép Lạ (Our Lady of the Miraculous Medal), viết tông thư thức đẩy việc hành hương các Đền Đức Mẹ, đặc biệt là Đức Mẹ Lộ Đức, và công nhận thị kiến Đức Mẹ hiện ra tại La Salette, với hai trẻ Maximin Giraud và Mélanie Calvat.  Ngài yêu mến Đức Mẹ Lộ Đức đến nỗi cho xây dựng một hang Lộ Đức tại vườn Vatican.  Theo ý tưởng của thánh Bernard Clairvaux, ngài nói rằng các Kitô hữu cố gắng sống đức tin mà không có Đức Mẹ cũng như con chim cố gắng bay mà không có đôi cánh.  Trong nhiều bài viết về Đức Mẹ, ngài nhấn mạnh rằng Đức Mẹ có thể làm cho các tín hữu vâng lời Đức Giáo Hoàng.  Ngài là Giáo Hoàng đầu tiên được ghi âm tiếng nói, và khi ghi âm, ngài hát kinh Kính Mừng.

2. VÔ ĐỊCH KINH MÂN CÔI

ĐGH Leo XIII là nhà vô địch về kinh Mân Côi.  Ngài viết 11 tông thư về Kinh Mân Côi, và rất nhiều sứ điệp về kinh Mân Côi.  Các tông thư về kinh Mân Côi có phần tóm lược các câu của các vị tiền nhiệm về vai trò của thánh Đa Minh là người khởi xướng kinh Mân Côi và sáng lập hội Mân Côi.  Ngài nói rằng Đức Mẹ đã giao phó Chuỗi Mân Côi cho thánh Đa Minh, so sánh hội Mân Côi của thánh Đa Minh với đạo binh cầu nguyện và cuộc chiến thiêng liêng giành lại các linh hồn cho Đức Kitô.

ĐGH Leo XIII nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo huấn xã hội Công giáo qua Tông thư Rerum Novarum (Tân Sự – nói về đời sống của giới lao động nghèo), và nói rằng Kinh Mân Côi là một phần giải quyết các vấn đề xã hội thời đó.  Ngài không ngừng nói rằng kinh Mân Côi là phương cách hữu hiệu để mở rộng Vương Quốc của Chúa Giêsu Kitô trên thế gian này, đồng thời hữu ích cho cà cá nhân và xã hội.  Ngài khuyến khích mọi người đọc kinh Mân Côi hằng ngày, đặc biệt khuyến khích các linh mục và các nhà truyền giáo nói về kinh Mân Côi, vì đó là sức mạnh đẩy lui sự ác và chữa lành các vết thương lòng.

ĐGH Leo XIII ấn định tháng Mười là tháng Mân Côi, ban nhiều ân xá cho người đọc kinh Mân Côi, ủng hộ việc xây dựng Thánh Đường Mân Côi tại Lộ Đức, thêm danh xưng “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi” vào Kinh Cầu Đức Bà, viết hiến chương cho hội Mân Côi, khuyến khích các tu sĩ Đa Minh truyền bá kinh Mân Côi, và ủng hộ hội Tông Đồ Mân Côi của chân phước Bartolo Longo tại nhà thờ Mân Côi ở Pompeii.  Ngài còn rút gọn kinh tổng lãnh thiên thần Michael mà ngày nay thường đọc khi lần chuỗi xong.  Các bài viết của ĐGH Leo XIII đề cao ơn lành của kinh Mân Côi: đọc kinh Mân Côi là cầu nguyện với các thánh thiên thần, vì chính sứ thần Gabriel là người đầu tiên nói lời kính chào Đức Mẹ.  Mãi mãi ĐGH Leo XIII là vị giáo hoàng của Kinh Mân Côi.

Lm Donald Calloway (Mic)
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *