HUYỀN NHIỆM TÌNH BẠN

Nếu giữa sa mạc hoang vắng và cằn cỗi, một cụm cỏ hay đóa hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho người lữ khách; và nếu giữa sa mạc nóng cháy, một tiếng suối róc rách là cả nguồn hy vọng tràn trề cho người lữ thứ, thì tình bạn đích thực là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta trong hành trình cuộc đời.  Một hành trình rất dài và rất xa mà ta không thể đi một mình!  Thế nên, “bạn hữu” vừa là một ý niệm có một vị thế trong trái tim vừa là một huyền nhiệm trong đời sống.  Chắc hẳn nó vượt lên trên những nét điểm xuyết cho bức tranh cuộc đời ta, làm cho cuộc đời ta đầy màu sắc, phong phú và có giá trị.  Do đó, có được người bạn tốt được ví như có cả một kho tàng (Cn 6,14).

Tình bạn có thể bắt đầu ở những hoàn cảnh khác nhau, và người ta kết bạn cũng có nhiều lý do khác nhau.  Triết gia vĩ đại Aristotle nói, đời người thường có ba loại tình bạn [1].  Trước hết, đó là tình bạn vì lợi ích bản thân, ví như tình bạn của những người làm ăn buôn bán hay những tương quan xã giao.  Có thể nói đây là mức độ thấp nhất của tình bạn, theo tôi, cấp độ này chưa được gọi là tình bạn bởi đó chỉ là những tương quan xã hội nhằm mưu cầu ích lợi.  Thứ hai là tình bạn của những người cùng chia sẻ những mối quan tâm hay cùng sở thích.  Loại tình bạn này có vẻ “khá hơn” vì nó không nhằm đến việc thu tích lợi ích cho bản thân, song là cùng chia sẻ niềm vui qua việc cùng tham gia vào những hoạt động nào đó mà họ thích, như: thể thao, âm nhạc, hội họa, và nhiều mối bận tâm chung khác.  Sau cùng là loại tình bạn giữa những người chân thành, họ kết bạn vượt lên trên lợi ích bản thân và sở thích mà vì thiện ích cho người bạn của mình.  Nói cách khác, họ kết bạn vì nhắm đến sự thiện hảo của bạn mình và mong muốn những điều thiện hảo cho người bạn của mình.

Trên thực tế, nhiều lúc tình bạn bắt đầu từ những tương giao xã hội hay cùng sở thích, nhưng nó dần được “nâng cấp” và lớn lên do nó tìm được sự đồng điệu và ước ao cho nhau điều thiện hảo; tuy nhiên, cũng có những “tình bạn” chỉ dừng lại ở mức độ như lúc ban đầu mà thôi.  Thật ra, người ta có thể có nhiều bạn, như bạn làm ăn, bạn đồng môn, đồng nghiệp, nhưng bạn thân thì chỉ có hạn bởi vì tình bạn chân thành luôn đặt trên nền tảng của tình yêu vô vị lợi và thiêng liêng.  Tình yêu ấy ước mong sự thiện hảo cho người bạn của mình.  Tình yêu ấy dẫn đến thái độ can đảm sửa lỗi cho nhau (x. Cn 27,5) để giúp nhau cùng thăng tiến, ngõ hầu làm cho cuộc đời của ta trở nên sung mãn và tự do hơn, hạnh phúc hơn.  Bên cạnh yêu thương, yếu tố tôn trọng hẳn là quan yếu trong mối tương quan bạn hữu.  Tôn trọng là tôi không bắt buộc bạn tôi phải giống tôi.  Tôi không bắt buộc bạn tôi phải “tốt như tôi.”  Tôi hiểu và chấp nhận bạn như bạn là.  Và bạn cũng đón nhận tôi với con người thực của chính tôi, với tất cả những yếu đuối và năng lực của tôi.  Chúng ta là bạn của nhau khi chúng ta hiểu và đón nhận sự độc đáo của nhau.  Tôn trọng lẫn nhau là chấp nhận và vượt qua những khác biệt để bổ túc cho nhau, nhờ đó tạo ra sự phong phú.

Viết tới đây, tôi cảm thấy mình được đánh động sâu xa khi nghĩ về tới tình bạn trong Chúa của Những Bạn Đường Đầu Tiên của Dòng Tên, cách đặc biệt là tình bạn của Thánh I-nhã, Thánh Phêrô Farve và Thánh Phanxicô Xaviê.  Trong thời gian các ngài ở đại học Paris, các ngài đã giúp đỡ nhau tiến lên trên con đường học tập và đi sâu vào mối tương quan thiết thân với Thiên Chúa.  Các ngài đã luôn mưu cầu ích lợi thiêng liêng cho nhau và chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng cho nhau.  Sau này, tình bạn sâu xa ấy được Thánh Phanxicô diễn tả ra bên ngoài bằng cách cắt tên và chữ ký của các bạn, bỏ vào một túi nhỏ và luôn đeo trước ngực – để luôn nhớ tới những người bạn của mình – khi ngài được sai đi sứ vụ ở miền Viễn Đông xa xôi.

Nhưng nếu có những tình bạn chân thành, đáng ngưỡng mộ thì cũng không thiếu những kẻ lợi dụng bạn bè để mưu cầu ích lợi cá nhân.  Gặp phải những người bạn như thế quả là bất hạnh và đau khổ.  Thánh vịnh gia cũng phải thốt lên trong hoàn cảnh bi đát ấy: “Cả người bạn thân con hằng tin tưởng, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con” (Tv 40,10).  Những kinh nghiệm đau thương này cho chúng ta biết phải sáng suốt lựa chọn bạn bè, đôi khi cũng phải thật dè dặt.  Đây cũng là một khía cạnh của huyền nhiệm tình bạn.  Hóa ra, tình bạn cần phải được “thử nghiệm” trong những gian truân và thời gian hẳn là “phép thử” khả dụng nhất.  Chính thời gian và thử thách làm cho tình bạn càng ngày càng trở nên “chất” hơn, nghĩa là kho tàng ấy ngày càng lớn mạnh và vững chắc hơn.  Quả thế, với thời gian, tình bạn chân thành được lớn lên trong khi thấy những lỗi lầm, yếu đuối và qua việc chia sẻ những ước mơ.  Tình bạn được củng cố khi những điều tận thâm tâm được thốt lên và những đau đớn mất mát đau thương được đồng cảm.  Tình bạn sẽ sống mãi dù có những hiểu lầm và nó được lớn mạnh nhờ vượt qua những nỗi sợ hãi.  Tình bạn đích thực vượt lên trên những quà tặng vật chất; và đôi lúc nó thực sự lớn lên nhờ những nỗ lực, hy sinh và cả sự thương tổn.  Điển hình như tình bạn của Chúa Giêsu và Thánh Phêrô.  Vì thế, một tình bạn thực sự vững bền nhờ những thử thách và gian khổ, bởi trong gian nan thử thách ta mới biết đâu là người bạn đích thực, như sách Huấn Ca nói: “Có người là bạn khi đồng hành với con, nhưng ngày con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa.  Khi con gặp may, thì nó chẳng khác nào chính con, nhưng lúc con sa cơ, nó liền chống lại và lánh mặt con” (Hc 6,10-12).

Tình bạn đích thực không thể mua bán hay có được nhờ những mưu mô thấp hèn.  Tình bạn chỉ có thể là quà tặng của Thiên Chúa ban, để nâng đỡ con người trong hành trình cuộc đời, để cuộc đời họ sung mãn và hạnh phúc hơn.  Nhiều khi chính ta cũng không hiểu vì sao ta là bạn với người đó, cũng không nhớ lúc nào tình bạn nảy sinh.  Tình bạn chân thành vẫn là một huyền nhiệm nhưng ta có thể hiểu rằng, đó là ân sủng – quà tặng của Thiên Chúa.

Xin mượn lời của Anselm Grün trong “Một chút suy gẫm về huyền nhiệm của tình bạn” để kết thúc. Đó cũng là điều tôi mong ước gởi đến bạn:

Tôi mong bạn có một bạn trai,
với anh, bạn có thể chia sẻ những suy nghĩ,
các tình cảm và các kinh nghiệm của mình.
Tôi mong bạn có một người bạn gái,
gần bên cô, bạn có cảm tưởng như bạn đang ở nhà mình,
gần bên cô, bạn cảm thấy được con người đích thực của bạn,
gần bên cô, lòng bạn dâng lên lòng biết ơn đã có được cho đời mình,
và… cho tình bằng hữu của mình.

Trình Phan Sinh, SJ
[1] X. Aristotle, Nicomachean Ethics, (Indianapolis/Cambridge: Hackett Publishing Company, Inc., 2014), 136-174.