SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Tận hưởng giây phút hiện tại, ngày mai có việc của ngày mai!  Ai cũng muốn tận hưởng giây phút hiện tại.  Nhưng như tiểu thuyết gia người Ái Nhĩ Lan John McGahern nói: “Không có điều gì khó hơn là tận hưởng giây phút hiện tại!”  Tại sao?  Bởi vì chúng ta rất ngây thơ về chuyện này.

Chẳng hạn, như chàng thanh niên trẻ từng viết thư cho thi sĩ Rainer Marie Rilke than phiền anh muốn trở thành nhà thơ, nhưng cuộc sống thường ngày không tạo cho anh nhiều cảm hứng.  Anh phàn nàn cuộc sống của anh không phải là chất liệu cho thi ca, cuộc sống trong một ngôi làng nhỏ quá nhiều vất vả và áp lực.  Làm sao anh có thể làm thơ trong hoàn cảnh như vậy?  Chàng trai kết thúc bức thư nói rằng anh thèm có một cuộc sống như Rilke: thi sĩ được mến mộ, sống ở thành phố lớn, gặp được nhiều người thú vị.  Rilke dứt khoát không đồng ý với anh, ông hồi âm: “Cuộc sống hằng ngày có vẻ nhàm chán đối với bạn, hay bạn không đủ chất thơ để phát huy hết tất cả nét phong phú của cuộc sống này.  Vì đối với một thi sĩ, không đâu là không thú vị, không cảnh huống nào là không thú vị.”  Giây phút hiện tại vẫn còn đó để mình tận hưởng.

Robertson Davies, một văn sĩ nổi tiếng Canada kể lại câu chuyện tương tự, ông nói có lần ông nhận được bức thư của một chàng thanh niên nhờ ông viết thư giới thiệu xin tiền trợ cấp cho anh đi nghỉ mát ở Mê-xi-cô viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo, vì anh là một cây viết đầy triển vọng.  Davies trả lời ông sẽ không viết lá thư đó, không phải vì không muốn giúp anh, ngược lại ông còn chúc anh trở thành một nhà văn nổi tiếng, nhưng vì ông cảm thấy chàng trai có ảo tưởng sai lầm nghĩ rằng mình sẽ tận hưởng giây phút đó để viết tiểu thuyết.  Davies khuyên anh nên cẩn thận về tính lãng mạn đặt không đúng chỗ: “Bạn muốn viết một điều gì đó sâu đậm và đầy cảm hứng trong lúc uống rượu và đi bộ trên bãi biển chăng?”  Nhà thơ khuyến cáo, không phải như vậy mà viết được.  Hãy ở nhà và viết cuốn tiểu thuyết của bạn.  Bà Annie Dillard cũng đưa ra lời khuyên tương tự.  Bà thích viết trong một túp lều gỗ kín mít.  Đối với bà, tận hưởng giây phút hiện tại ở một nơi yên tĩnh thì dễ hơn là nơi đông đúc, nơi ai cũng thấy.

Những ví dụ này cho thấy chúng ta thường bỏ quên giây phút hiện tại vì chúng ta có một ý niệm quá lãng mạn, sai lầm giống như hai chàng thanh niên xin các ông Rilke và Davies giúp đỡ.  Bằng cách nào để chúng ta có thể tận hưởng giây phút hiện tại?

Tôi thích câu trả lời của David Steindl-Rast.  Ông đưa ra một ẩn dụ rất hay về ý nghĩa tận hưởng giây phút hiện tại: Đối với ông, chúng ta nên hưởng giây phút hiện tại bằng cách “gặp thiên thần của từng giờ”.  Những thiên thần này là ai?  Họ là tài sản phong phú duy nhất gắn liền với từng giờ.

Mỗi mùa, tùy theo niên lịch văn hóa hay tôn giáo đều mang đến một tinh thần, một tâm trạng, một cảm xúc nào đó mà thỉnh thoảng chúng ta níu giữ lại, nhưng đôi khi chúng ta lại để hụt mất.  Cũng vậy với các giây phút trong ngày – sáng, trưa, xế chiều, chiều, tối, khuya.  Mỗi khoảnh khắc có một ánh sáng duy nhất, một tác động duy nhất lên cảm xúc chúng ta, và nói theo kiểu ẩn dụ, mỗi khoảnh khắc có mỗi thiên thần riêng đem đến cho chúng ta các ơn huệ đặc biệt.  Chẳng hạn, ánh sáng bình minh khác với ánh sáng hoàng hôn.  Vì thế, thiên thần bình minh tác động lên chúng ta khác với thiên thần hoàng hôn.  Tận hưởng giây phút hiện tại là gặp các thiên thần và để họ ban phúc lành cho chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta rất dễ quên điều này.  Ai trong chúng ta cũng đã từng nói: “Năm nay tôi bận rộn và căng thẳng đến nỗi quên khuấy mùa xuân đã trôi qua.”  “Năm nay tôi không chuẩn bị được lễ Giáng Sinh, bạn tôi vừa chết đầu tháng mười hai.”  “Tôi hụt mất mùa Chay năm nay.  Tôi lu bu nhiều việc đến nỗi mùa chay đến và đi hồi nào không hay.  Bạn biết những chuyện này xảy ra như thế nào rồi còn gì!”

Đúng là chúng ta đều đã làm như vậy.  Nhiều thứ ngăn cản chúng ta đến với các thiên thần của mỗi giờ – bận rộn, mệt mỏi, tiêu khiển, đau buồn, giận dữ, mơ mộng, căng thẳng, hấp tấp.  Bỏ quên một mùa đặc biệt cũng dễ và bỏ quên một buổi sáng, một buổi chiều, một buổi tối, hay một ngày bình thường lại càng dễ hơn.

Chúng ta phải làm gì để không bỏ quên những giây phút này?  Chúng ta cần cầu nguyện.  Đơn giản: Nếu chúng ta không cầu nguyện vào một buổi sáng nào đó, sự thiếu sót này làm mất lòng Thiên Chúa.  Chúng ta không được Chúa trợ giúp khi cầu nguyện.  Cầu nguyện là món quà, không phải là món nợ.  Nhưng, nếu chúng ta quên cầu nguyện vào một buổi sáng nào đó thì kinh nghiệm trở đi trở lại cho thấy, một cách rõ ràng, mối nguy hiểm thật sự là chúng ta cũng sẽ bỏ quên luôn cả buổi sáng hôm đó.  Buổi sáng sẽ đến và đi và chúng ta sẽ không gặp lại các thiên thần của buổi sáng – ánh sáng, tâm trạng, tinh thần, và sự tươi mới độc đáo của nó nữa.  Buổi trưa sẽ túm lấy chúng ta thậm chí trước khi chúng ta kịp nhận ra vừa có một buổi sáng.  Mặt trời buổi trưa và chiều sẽ mang đến những thiên thần mới, nhưng khi chúng ta bỏ quên các thiên thần buổi sáng, chúng ta cũng có thói quen bỏ quên luôn các thiên thần buổi trưa.  Một ngày sẽ đến và sẽ đi và chúng ta sẽ không giữ lại được… và nó cũng chẳng thay đổi gì quan trọng, theo cách nói của ơn huệ và hân hoan trong cuộc sống dù cho chúng ta có đang dạo bước trên bờ biển Mê-xi-cô hay ngồi trong túp lều gỗ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *