BÌNH AN

Nói đến các trường đại học nổi tiếng tại thủ đô Manila Phi Luật Tân, người ta không thể không nhắc đến đại học Ateneo de Manila của các Linh mục Dòng Tên.  Đây là một trong những trường cung cấp rất nhiều nhân tài cho nước Phi Luật Tân và dĩ nhiên là đa số học sinh và sinh viên của đại học này đều là thành phần khá giả trong xã hội.

Dưới chân trường học nằm trên một ngọn đồi này là một khu lao động nghèo mà có lẽ nhiều người không biết đến, và trong cái xóm nghèo nàn ấy có một cộng đoàn tu sĩ mà có lẽ nhiều người không biết đến, đó là cộng đoàn các tiểu đệ Charles de Foucaul, đa số các tu sĩ sống ở đây là người Việt Nam hoặc từng sống ở Việt Nam.

Một hôm, một Linh Mục Dòng Tên người Mỹ là giáo sư đại học Ateneo tình cờ đi lạc vào trong cái khu lao động ấy, điều làm cho ông ngạc nhiên là trong cái khu nghèo nàn đó lại có một người Bỉ, đây là một tiểu đệ đã sống ở Việt Nam gần 30 năm và đã bị trục xuất sau năm 1975.  Sau một hồi trao đổi với nhau, vị linh mục người Mỹ mới hỏi người Bỉ như sau: Ông làm gì ở đây?  Người Bỉ trả lời: Tôi đi chợ, tôi nấu ăn, tôi giặt quần áo, tôi sống với những người anh em nghèo trong khu lao động này.

Nghe thế vị linh mục người Mỹ như có vẻ tiếc rẻ sự hy sinh lãng phí của người Bỉ.  Ông nói về mình như sau: Còn tôi, tôi sang đây là để dạy học và thuyết trình.  Tôi đi đây đi đó, tôi đào tạo những người hữu ích cho xã hội.

Cuộc gặp gỡ và đối thoại trên đây giữa hai vị tu sĩ trong Giáo Hội, có lẽ cho chúng ta thấy được một số những khía cạnh khác nhau trong công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội.  Vị Giáo sư người Mỹ trên đây là điển hình cho một đội ngũ đông đảo các nhà truyền giáo trong xã hội trên khắp thế giới, từ thành thị cho đến thôn quê, từ học đường cho đến các xưởng, từ đất Kinh đến miền thượng… nơi nào cũng có những nhà truyền giáo ngày đêm hăng say truyền giáo và hoạt động.  Nếu có những nhà truyền giáo hăng say hoạt động và rao giảng, thì cũng có những nhà truyền giáo sống giống như chứng nhân Tin Mừng.

Việc tiểu đệ Charles de Foucaul người Bỉ trên đây có lẽ là tiêu biểu của không biết bao nhiêu nhà truyền giáo âm thầm lấy cuộc sống chia sẻ của mình như một chứng từ cho Nước Chúa.  Tựu trung tích cực hoạt động hay âm thầm sống chứng nhân, cả hai hình thức đều có chung một sứ mệnh, đó là làm chứng cho Đức Kitô và mở mang Nước Chúa.  Cả hai đều được sai đi, cả hai đều bị ràng buộc bởi một đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu đã đề ra cho các đồ đệ khi Ngài sai các ông lên đường rao giảng Tin Mừng.  Ngài nói với các ông: “Các con đừng mang theo túi, tiền, bao bị, giầy dép và đừng chào hỏi ai dọc đường.”  Như vậy, một cuộc sống siêu thoát một cuộc sống không lệ thuộc vào những của cải trần gian này, đó là biểu hiện tiên quyết của những chứng nhân Nước Trời.

Ra đi không hẳn là rời bỏ quê hương xứ sở của mình để đến một vùng đất xa lạ.  Ra đi thiết yếu là ra khỏi chính mình, ra khỏi con người ích kỷ của mình để đi đến với tha nhân trong tinh thần hòa giải, yêu thương, phục vụ quên mình.  Đó là ý nghĩa của mệnh lệnh mà Đức Giêsu trao ban các môn đệ khi Ngài nói: “Vào nhà nào trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này.”  Hiện diện với tha nhân bằng tinh thần chia sẻ, cảm thông, tha thứ, đó là sự ra đi đích thực của nhà truyền giáo.

Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo.  Điều đó có nghĩa là Giáo Hội phải thể hiện ý muốn của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo, nước của công lý, nước của hòa bình, nước của yêu thương, nước đó phải được tìm thấy trong Giáo Hội của Đức Kitô.  Là thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu chúng ta tự bản chất cũng là một nhà truyền giáo.  Điều đó cũng có nghĩa là những giá trị của Nước Trời cần phải được thể hiện trong chính cuộc sống của chúng ta.

Người tín hữu Kitô sẽ chỉ là người có tên gọi, có danh nghĩa mà không có thực chất nếu cuộc sống của họ chưa thực sự là một chứng nhân của Nước Trời.  Trong một xã hội nếu chỉ có những lời lẽ rêu rao và những khẩu hiệu rỗng tuếch thì con người chưa đạt được những thực tại của Nước Trời, hơn bao giờ hết người tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta đang đứng trước một thách đố lớn, đó là trở thành những điểm tựa đáng tin cậy, những chứng từ sống động của những thực tại Nước Trời.

Chúng ta sẽ phải sống như thế nào để những người xung quanh nhìn vào sẽ phải thốt lên sự bỡ ngỡ như các người Do thái ngày xưa nhìn vào các tín hữu tiên khởi đã phải thốt lên: “Xem kìa, họ thương nhau là dường nào.”  Kitô giáo thiết yếu là một sức sống, sức sống ấy chính là Đức Giêsu Kitô, và sống đạo là sống bằng chính sức sống của Chúa Giêsu và truyền đạt sức sống ấy cho mọi người xung quanh.  Chúng ta hãy xin Chúa mở rộng tâm hồn để đón nhận sức sống ấy và chia sẻ sức sống ấy với tất cả mọi người qua mọi thế hệ.

Sưu tầm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *