Tôi sống trong cuộc đời nhưng tôi có riêng đường đời của tôi. Mới hôm nào bố mẹ nhìn bầy con chung quanh mâm cơm chiều. Chỗ nào cũng là gần gũi yêu thương, từ nhà ra sân, từ ngõ đi vào.
Dòng sông lớn lên âm thầm rẽ nhánh. Tôi đi theo tiếng gọi của đời tôi. Lũ em lần lượt bước vào ngõ quanh của mỗi đứa. Bây giờ đã là xa cách. Trong cuộc đời, nhưng mỗi đứa có riêng đường đời của mình.
Kinh Thánh kể, sau khi dâng lễ ở Jerusalem về, Mẹ Maria lạc mất Chúa. Mẹ hối hả đi tìm: “Cha con và mẹ phải đau khổ đi tìm con.” Chúa thưa lại: “Mẹ tìm con làm chi, vì con phải ở nơi nhà Cha con” (Lc 2, 48-49). Trong cuộc đời, Chúa có đường Chúa phải đi. Mẹ Maria có lối của Mẹ.
Mỗi người có một cuộc sống riêng nên không đường của ai giống đường của ai. Tuy vậy, chỉ có một người gọi, đó là Chúa. Và cũng chỉ có một tiếng gọi, đó là tiếng gọi về Nhà Cha. Chỉ có một thứ tiếng gọi và do một người gọi, thì đường đi có khác, vẫn ở trong toàn thể. Ở trong toàn thể thì có liên hệ và ảnh hưởng. Với ý nghĩa đó, cuộc sống đức tin của người này liên quan đến cuộc sống của người kia. Lối về Nhà Cha phải đi riêng đường của mình. Ðiều ấy có nghĩa là đi một mình. Ði một mình trong hàm ý là tự mình đi chứ không phải là đi lẻ loi.
Chúa Giêsu lên đường về Jerusalem để chịu tử nạn. Theo tiếng gọi, Phêrô cũng lên đường với Ngài. Nhưng trên đường đi, Phêrô gợi ý cho Chúa bỏ cuộc (Mc 8,31-33). Làm gì có Phục Sinh nếu Chúa Giêsu nghe lời Phêrô chối từ Thập Giá. Từ bỏ con đường của mình phải đi là đánh mất bản tính của mình. Nếu Chúa cũng chỉ là Chúa khi Chúa đi con đường của Chúa thì đấy phải là định luật không thể thay thế cho tôi. Tôi sẽ chẳng còn là tôi nếu chối từ con đường của mình.
**************************************
Mỗi người có một con đường, vì sao họ lại không đi được đường của họ?
Trên đường đời, cả hai: đau khổ và hạnh phúc, đều là những tiếng gọi dỗ dành làm tôi lạc lối. Ðau khổ dẫn tới lẩn tránh đường đi.
Phêrô đã âm thầm cảm nghiệm được một khúc đời khốn khó nếu để Chúa về Jerusalem tử nạn. Ðau đớn thường dẫn đến chạy trốn. Trên đường đi, có những quãng đời rộn rã tiếng cười như ngày Chúa long trọng vào thành thánh: “Dân chúng rất đông đảo, trải áo choàng trên đường, nhóm khác chặt cây mà lót lối đi. Kẻ trước, người theo sau tung hô rằng: Hosanna, con vua David. Vạn tuế Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hosanna trên chốn trời cao” (Mt 21,8-9). Tưng bừng là thế đó, nhưng lại không hiểu những ngày hắt hiu: “Hồn Ta buồn quá đỗi, muốn chết được. Các ngươi hãy ở lại mà thức với Ta.” Ðã chẳng ai thức với Chúa trong giờ phút lẻ loi nhất ấy: “Simon, ngươi ngủ sao? Ngươi không thể thức với Ta được một giờ ư?” (Mc 14,34-37). Có những ngã tư đông đúc, cũng có những ngõ vắng dẫn vào cô tịch đìu hiu. Ngõ vắng ấy là ngại ngùng. Cô tịch đìu hiu kia là đau khổ. “Ai bỏ tất cả mà theo Ta sẽ được gấp trăm” (Mc 10,28-30). “Ai muốn theo Ta hãy vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8,34). Lời ban đầu là quãng đường đẹp hứa hẹn đầy mộng ước. Lời kế tiếp là khúc vắng dẫn vào đìu hiu, cô tịch.
Chúa không về Jerusalem để chết vĩnh viễn trên thập giá, mà là để đón nhận phục sinh vì hoàn tất thánh ý của Chúa Cha. Bởi đó, đường về Nhà Cha thì Nhà Cha mới là cùng đích. Nhưng cô tịch đìu hiu, những ngõ vắng nếu có trên đường đi, tôi phải chấp nhận. Chối từ phương tiện là chối từ cùng đích. Ðường của Gioan Tẩy Giả là “mọi thác ghềnh sẽ được lấp đầy, đồi cao sẽ hạ thấp, nơi cong queo nên ngay thẳng” (Lc 3,4-6), để dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến. Chấp nhận đường của mình. Gioan đã phải đi những quãng đường rất vắng vẻ, rất đìu hiu trong ngục tối vì dám làm chứng cho sự thật. (Mc 6,17-28).
Trời sa mạc rộng quá. Gioan cất tiếng kêu. Tiếng kêu trong sa mạc thì thấm vào đâu. Nhưng lối đi của Gioan là thế. Sứ mạng của sứ ngôn là lên tiếng. Không thể để cái hoang vu của sa mạc làm nản lòng. Dù không có ai nghe, người sứ ngôn vẫn phải cất tiếng. Chối từ lên tiếng là đánh mất bản tính làm sứ ngôn của mình. Bản tính đó hệ tại là người sứ ngôn có lên tiếng hay không chứ không hệ tại người nghe chối từ hay chấp nhận.
Gian nan làm người ta muốn chối từ con đường của mình thế nào thì hạnh phúc giả cũng làm người ta lạc lối như thế.
Ảo ảnh hạnh phúc dễ đưa lầm đường.
Vì đường đời đi trong cuộc đời, nên có lúc người khác đi cùng với tôi. Ði cùng không có nghĩa là đi con đường của nhau. Ðường tôi đi vẫn là của riêng tôi, nên dù không ai đi cùng, tôi vẫn phải đi. Những lúc trên đường vắng ấy, một quán hạnh phúc bên ngã rẽ dễ mời tôi tắt lối quẹo ngang. Sau những ngày ăn chay trong sa mạc, Chúa đói. Ma quỷ đã đến cám dỗ Ngài: “Nếu ngươi là con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho viên đá này thành bánh” (Mc 4,3). Luôn luôn có lời ngọt ngào bảo tôi chối bỏ con đường của tôi.
Trong hôn nhân, biết bao đổ vỡ đã đến từ những bóng mát hạnh phúc ở bên cạnh. Trong đời tu, biết bao trống trải đã ủ xuống hồn vì những lời gọi không chính đáng. Mỗi người có một lối đi. Vì cùng đi trong cuộc đời, nên sẽ thấy có người bước tới, có người quay về, có người tắt ngang. Ðiều ấy dễ gây xôn xao. Có người lấy bóng hạnh phúc của kẻ khác làm của mình, vì thế họ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc thật. Có người lại lôi kéo kẻ khác vào con đường của họ. Làm như thế, ngỡ là yêu thương, nhưng thật ra, họ đã tàn tật hóa con đường của nhau phải đi. Nâng đỡ nhau trên đường đi không bao giờ có nghĩa là đi con đường của kẻ khác. Yêu thương là để kẻ khác đi trên con đường của họ.
Nguy hiểm trên đường đi là sự lừa dối lương tâm của chính mình. Khi người ta gian lận nhiều lần, thì dần dà sẽ thành thói quen, nhưng thành thói quen không có nghĩa là được phép.
Cứ đi lại nhiều lần trên bãi hoang, thì tự nhiên sẽ thành đường đi, nhưng thành đường đi không có nghĩa đấy là chính lộ.
**************************************
Lạy Chúa, hôm nay con muốn nói với Chúa về nỗi lòng của con đã thấy gì trên đường con đi. Trên đường đi, con thấy có nhiều quán trọ. Có quán cho con bóng mát. Có quán bảo con đừng đi. Mệt nhọc làm con muốn dừng nghỉ. Chống đối, hiểu lầm, ghen tỵ, kết án làm con muốn bỏ cuộc. Và dường như, nếu con càng dừng nghỉ thì con càng ngại đi. Nếu con càng làm quen với lười biếng thì con càng ngại ngùng trở về con đường Chúa muốn con sống. Rồi, đường đi cứ thế mà chậm thêm. Và, cũng trên đường đi, sao có nhiều quãng đường thật xấu, gồ ghề như quãng đường Chúa đi xưa. Hình ảnh đồi sọ làm con tính toán lưỡng lự. Có những quãng đường sao mà tối tăm làm con hồ nghi không biết có phải là đường thật không. Ðây là lúc con phân vân không biết thánh ý Chúa ở đâu. Và cũng là những lúc con bị cám dỗ nghi ngờ ơn gọi Chúa đã ban. Ði trọn tiếng gọi của mình theo Phúc Âm không dễ vì có nhiều hình ảnh đánh lừa con. Có phải vì thế mà Chúa đã dặn: “Ðường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi” (Mt 7,13-14).
Hôm nay, có điều con cũng muốn thưa với Chúa là dù được an ủi hay chịu đựng âm u của những ngày nặng nề, con vẫn nghe thấy tiếng Chúa khuyến khích con đi con đường của riêng con. Tuy có khó khăn nhưng con vẫn tin ở trước mặt là một bình minh rất đẹp. Ðiều ấy làm con vững tâm.
**************************************
Trong lịch sử lầm đường, chối bỏ lối đi của mình bao giờ cũng có mặt của Satan. Khi Phêrô ngăn cản Chúa đừng chịu chết. Chúa mắng: “Satan hãy cút khỏi sau Ta vì đây không phải là đường lối của Thiên Chúa” (Mt 8,31-33).
Phúc Âm thánh Luca nói về Giuđa như sau: “Satan nhập vào hắn, và y đi thương lượng với các thượng tế để làm sao nộp Ngài cho họ” (Lc 22,3-4).
Trong sa mạc, kẻ cám dỗ Chúa đừng đi con đường của Chúa cũng là Satan (Mt 4,1-11).
Ngày xưa trong vườn địa đàng, Adong, Evà đã không đi được con đường của mình cũng vì lời ma quỷ lừa gạt. Lịch sử lầm đường là lịch sử có mặt của Satan. Ðiều ấy cho tôi tin chắc rằng khi tôi không muốn đi con đường của mình, tôi phải cẩn thận vì tiếng nói của thần dữ rất tinh vi.
Nói về hành động Giuđa đi lạc lối, Phúc Âm thánh Gioan kết luận: “Lập tức hắn đi ra và trời đã tối” (Gn 13, 30). Khi nói trời đã tối, Gioan không có ý viết một bài văn chương tả cảnh hoàng hôn. Bằng ngôn ngữ thần học, rất sâu sắc, Gioan muốn nói khi con người chối bỏ ơn gọi của mình để Satan đổi hướng đời mình phải đi, đấy là lúc “người ta yêu mến bóng tối hơn sự sáng” (Ga 3,19).
Không đi đường mình phải đi, chìm vào bóng tối thì tôi tìm thấy gì trong vùng đất ấy?
Trời đã tối, tiếng than ngắn ngủi mà thăm thẳm như nỗi tuyệt vọng mịt mù, buông xuống che kín một đời người. Lời thánh Gioan nhắn nhủ nghe buồn như tiếng thở dài, nhẹ mà rất sâu: “Ai đi trong tối tăm thì chẳng biết mình đi đâu” (Ga 12,35).
**************************************
Lạy Chúa, con đường đời của riêng con. Chối bỏ con đường của mình là lừa dối chính mình và tránh mặt Chúa, kẻ đang đợi chờ con ở đầu đường bên kia.
Lm. Nguyễn Tầm Thường, S.J