MỘT ĐÁM CƯỚI VUI VẺ ĐẶC BIỆT

Tuần trước tôi cử hành một lễ đám cưới.  Tất cả các đám cưới đều đặc biệt, nhưng đám cưới này có nét đặc biệt riêng.  Tại sao?

Cô dâu trẻ hôm đó rạng rỡ và tràn đầy sức sống một cách lạ thường, đó là người  đã chiến thắng căn bệnh ung thư.  Năm năm trước đây, trong cột báo này, tôi có kể sơ sơ câu chuyện của cô.  Tôi xin phép kể lại câu chuyện này, cập nhật thời gian hơn một chút:

Trong hai mươi lăm năm liên tiếp, hè nào tôi cũng đến dạy một khóa hè ở đại học Seattle.  Trong suốt các mùa hè này, tôi có thói quen, gần như thông lệ, là đi một chuyến phà ngắn từ Seattle đến đảo Bainridge để nghỉ ngày Quốc Khánh 4 tháng 7 với gia đình một người bạn.  Gia đình này có nhiều tập tục riêng, một trong các tập tục này là ngắm đoàn diễn hành mừng lễ Quốc Khánh đi qua bãi cỏ phía trước nhà người hàng xóm của họ.

Mười năm về trước, lúc ngồi trên bãi cỏ này để đợi đoàn diễn hành đi qua, tôi được gia đình giới thiệu cô gái nhỏ nhất nhà.  Em đang học lớp 12 và là thành viên đội bóng rổ giành chức vô địch toàn liên bang của trường, nhưng em lại đang mắc bệnh ung thư và phải dùng hóa trị để chống chọi với bệnh tật.  Mười tám tuổi, cân nặng chưa đầy 36 kilô, mùa hè nắng ấm mà em ngồi yên lặng, buồn bã, quấn mình trong chăn trong khi bạn bè em khỏe mạnh, tràn đầy sức sống uống bia và vui chơi.  Sức khỏe em không được tốt.  Chẩn đoán về lâu dài không chắc chắn, ít nhất, cơ thể và tinh thần của em cho thấy như vậy dù bạn bè và người thân không tin.  Em được mọi người chung quanh quan tâm, yêu thương lo lắng.  Em bệnh, nhưng em được yêu thương.

Tôi biết em hôm đó và những năm tháng sau này tôi còn biết nhiều hơn.  Gia đình và mọi người cầu nguyện nhiều cho em, cầu xin em được lành.  Cuối cùng, lời cầu nguyện và thuốc men chữa trị đã có tác động.  Em bám lấy hy vọng nhỏ nhoi nhất, dần dần hồi phục và mấy tháng sau đó, em có sức khỏe lại, đời sống trở lại bình thường, ngoại trừ một điều không bao giờ giống như trước, đó là em nhìn cái chết với vẻ mặt “bình thường.”

Khi lắp ráp lại từng mảnh cuộc sống ban đầu, em nhận ra có những thứ đã trở lại như cũ, nhưng cũng có những thứ đã khác trước rất rất nhiều.  Qua trải nghiệm thức tỉnh này, cuộc sống bình thường không còn là một cái gì là hiển nhiên nữa, có một niềm vui sâu đậm trong tất cả mọi chuyện bình thường, có một chân trời, một khôn ngoan, một trưởng thành, một thành quả mới mà trước đây chưa có.  Thiên Chúa viết đường thẳng bằng những nét cong cong và đôi khi căn bệnh ung thư dù rất khủng khiếp, lại mang đến nhiều điều kỳ diệu hơn là nó lấy mất đi.

Sức khỏe mới của em không chỉ là sức khỏe thể chất.  Đó là sức khỏe tâm hồn, một tinh thần vững mạnh, có chiều sâu, có khôn ngoan.  Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi nếu được chọn, em sẽ mong mình không bị bệnh và có cuộc sống như lúc đầu không.  Em trả lời: “Không, em không chọn như vậy, qua bệnh tật, em học được yêu thương.”  Yêu thương trải nghiệm khi bị bệnh dạy cho em biết có những bi kịch còn nặng hơn bi kịch mang bệnh ung thư.

Văn sĩ John Powell có viết một cuốn sách nhỏ đáng chú ý, cuốn Yêu Thương Không Điều Kiện, kể về anh Tommy, sinh viên của ông đã chết vì ung thư ở tuổi hai mươi bốn.  Không lâu trước khi chết, Tommy đến gặp và cám ơn Powell đã giúp anh có được một am hiểu nội tâm sâu sắc mà anh rút ra được từ lớp học của ông.  Powell đã giảng trong lớp học: Chỉ có hai bi kịch tiềm ẩn trong cuộc sống, chết trẻ không phải là một trong hai bi kịch này.  Bi kịch thứ nhất là chết và không yêu thương; bi kịch thứ hai là chết và không bày tỏ yêu thương với người chung quanh.

Các bác sĩ nghiên cứu về não bộ con người cho biết chúng ta chỉ mới sử dụng 10% năng lực não bộ của mình mà thôi.  Hầu hết các tế bào não không bao giờ được kích hoạt, vì chúng ta không cần chúng (chúng giành cho khôn ngoan hơn là gây lợi) và vì chúng ta không biết cách tiếp cận chúng.  Cũng các bác sĩ này cho biết, một cách nghịch lý, có hai điều giúp chúng ta tiếp cận chúng: trải nghiệm yêu thương và trải nghiệm bi kịch.  Tình yêu sâu đậm và đau đớn sâu đậm đều làm cho tâm hồn sâu sắc một cách mà không điều gì khác có thể làm được.

Điều đó giải thích tại sao Thánh Têrêsa Hài Đồng là bác sĩ tâm hồn ở tuổi 24.  Nó cũng giải thích sự khôn ngoan của người đàn bà trẻ sống với các thử thách nhẹ nhàng với bạn bè và tỏa rạng với thế giới chung quanh cô ngày hôm nay.

Cách đây mười năm, khối u não đã lấy đi tuổi trẻ và ước mơ của một cô gái trẻ.  Khi đó là nỗi đau, thất vọng, xuống tinh thần, cay đắng, mất hy vọng.  Ai cũng có vẻ như may mắn hơn cô.  Chỉ lúc đó thôi.  Hôm nay, cô gái trẻ ấy là giáo viên ngoại hạng về giáo dục đặc biệt, cô Katie Chamberlin-Malloy, đang đi hưởng tuần trăng mật.  Cô hạnh phúc, thông minh, lên kế hoạch cuộc sống, sau khi đã học những gì đa số chúng ta sẽ học khi gần chết, ấy là, cuộc sống bình thường sẽ tốt hơn trong một chân trời rộng lớn hơn, rằng cuộc sống sâu đậm và hân hoan hơn khi chúng ta không cho nó là điều hiển nhiên, và rằng yêu thương còn quan trọng hơn sức khỏe và sự sống – và rằng tất các câu chuyện cổ tích thần tiên đều kết thúc bằng một đám cưới.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *