Chúng ta thường nghe câu “Của cho không bằng cách cho”. Giá trị của quà tặng không phải ở nơi món quà mà ở tấm lòng của người tặng quà. Quà tặng quý giá nhứt là những món quà “dốc túi”, là những món quà mà người tặng phải chắt bóp hy sinh.
Hai đồng tiền kẽm của bà góa nào có đáng gì so với những nén bạc dâng cúng của người thừa tiền lắm bạc. Dưới con mắt người đời, hai đồng xu của bà góa chỉ để cho ăn mày. Ai lại dâng cúng số tiền ít ỏi như thế. Vậy mà Chúa Giêsu lại khen bà. Tại sao vậy? Vì đây là một bà góa nghèo. Không chỉ nghèo, nhưng là nghèo lắm lắm, nói theo kiểu Việt Nam là nghèo “rớt mồng tơi, rơi lá hẹ”. Nghèo đến mức cả gia sản của bà chỉ có “hai đồng tiền kẽm (lepta), trị giá một phần tư đồng xu Rôma,” (Mc 12:42) chưa đủ để mua một con chim sẻ (theo Mt 10:29, 2 con chim sẻ bán một xu Rôma).
Thế nhưng bà đã dâng cúng tất cả vào hòm tiền của Đền Thờ. Bà không cho đi phần dư giả, nhưng cho đi tất cả những gì bà đang cần để sống, để nuôi thân. (Mc 12:44). Khi dâng cúng hai đồng xu cuối cùng, không biết bà có nghĩ đến bữa ăn tới không nhỉ? Mặc kệ, bà cho đi đến đồng cuối cùng; bà “xả láng” hết với Chúa. Bà cho Chúa không chỉ tài sản của bà, mà chính là toàn thể cuộc sống của bà.
************************
Ở vùng Bình Phước Lộc Ninh cũng có một người dám sống xả láng hết với Chúa. Đó là một tu sĩ phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, được họ ưu ái gọi là “Bố Tân”. “Bố” Tân nói ít nhưng làm nhiều. Ông rất thương các anh chị em người sắc tộc. Có bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạo, ai xin ông đều cho hết. Châm ngôn của ông là “Cho đến đồng bạc cuối cùng”. Mỗi lần có được tí viện trợ nào là chỉ vài hôm sau, tất cả đều được chia cho những người nghèo khổ bất hạnh. Có lần tôi hỏi ông sao không để dành một ít những tặng phẩm phòng khi đau yếu, thì ông cười xoà: “Để Chúa lo! Mình tính không bằng Trời tính. Người Kinh mình mà nghèo thì còn biết xoay sở, chứ đồng bào sắc tộc mà nghèo thì còn khổ hơn người Kinh gấp trăm lần.”
Tôi thật cảm phục tấm gương quảng đại của một người đã gần 60 tuổi mà còn dám đi xe máy vượt cả trăm cây số đường rừng để đến ủy lạo và thăm viếng những gia đình người sắc tộc cùng khổ ở những vùng xa xôi hẻo lánh, không có phương tiện đi lại. Bố Tân chia sẻ với tôi rằng tuy nghèo, nhưng họ rất quảng đại. Cả nhà nhiều khi có một lon gạo, nấu một bữa ăn không đủ, nhưng ai đi qua cũng kêu vào ăn cho vui. Ăn một hai muỗng cơm, dù không no, nhưng vẫn thấy ấm áp tình người.
************************
Nghe những chuyện này tôi thấy hình như người nghèo quảng đại hơn tôi nhiều. Có lẽ vì họ sống thiếu thốn đã quen, nên dễ thông cảm với hoàn cảnh của người khác, sẵn sàng mở rộng vòng tay với người khác. Còn tôi, tôi tính hơn tính thiệt nhiều quá. Làm gì nhiều khi cũng đắn đo. Đôi lúc tôi so đo tính toán ngay cả với Thiên Chúa. Tôi đi nhà thờ, dự lễ, làm chuyện bác ái, chẳng qua cũng để mua bảo hiểm vào Nước Trời. Tôi chỉ dám cho Chúa, cho người khác, những phần dư thừa, chứ chưa bao giờ dám cho Chúa, cho người khác, cái gì cần thiết cho cuộc sống của tôi.
Có nhiều cách trao ban. Tôi có thể trao ban cách miễn cưỡng, để khỏi bị làm phiền hay vì chu toàn bổn phận. Tôi có thể trao ban cách nhiệt tình, nhưng để khoe khoang hay để được khen tặng. Hoặc là tôi có thể trao ban cách hy sinh quảng đại, vì tôi thật sự mến Chúa yêu người. Tình yêu thật thì không so đo tính toán, không lo hơn thiệt, lo được mất. Khi tôi trao ban với lòng hy sinh quảng đại là lúc tôi sống giới luật yêu thương một cách trọn vẹn. Khi tôi trao ban với lòng yêu mến, là lúc tôi cho đi chính mình, chứ không phải chỉ cho đi những gì mình sở hữu.
Lời Chúa hôm nay xoáy mạnh vào một điểm, Chúa đánh giá cao tấm lòng của chúng ta hơn là những gì chúng ta có thể làm cho Chúa hay cho người khác.
Lời Chúa mời gọi bạn và tôi, chúng ta cùng xét lại cách sống của mình, bạn nhé. Chúng ta trao ban vì bất đắc dĩ, vì bổn phận, vì mưu tìm tư lợi, hay là vì chúng ta yêu mến? Thông thường người khác đánh giá lòng tốt của chúng ta qua những cử chỉ bề ngoài. Nhưng Chúa nhìn chúng ta từ phiá bên trong. Chúa biết chúng ta làm vì mục đích gì. Và Chúa thấu hiểu những công khó, những vất vả lao nhọc của chúng ta, khi chúng ta dám trao ban vì yêu mến.
Lối sống hy sinh quảng đại là lối sống của Tin Mừng. Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta bằng chính cuộc sống của Ngài. Ngài luôn trao ban tất cả, trao ban cho đến giọt máu cuối cùng trên thập giá. Chúng ta cần cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta có thể trở nên giống Ngài mỗi ngày một hơn.
Anton-Bảo Lộc
************************
Lạy Chúa,
Xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu mà không ngại thương tích,
biết lao nhọc mà không tìm an nghỉ,
biết dốc sức mà không đòi thưởng công
và không tìm gì khác ngoài việc chu toàn ý Chúa. Amen.
Kinh Quảng Đại của thánh Inhã Loyola