Trong sách chuyện cổ tích người Do Thái kể rằng:
Dưới thời rabbi Ben Sen Tốp, mỗi lần dân chúng gặp thiên tai hoạn nạn, thầy rabbi thường vào nơi Thánh Ðịa trong khu rừng vắng, đốt lửa và sốt sắng cầu nguyện và đều tai qua nạn khỏi.
Nhiều năm trôi qua, đến thời rabbi Na Chít Men Trít, tai ương hoạn nạn lại ào tới trên dân chúng. Rabbi cũng vào rừng và cầu khẩn: “Lạy Giavê là Thiên Chúa cao cả, là Vua trời đất. Con không biết phải đốt lửa Thánh thế nào, nhưng con còn nhớ nơi Thánh này trong rừng này và lời kinh đặc biệt này dâng lên Chúa đây”. Thầy đọc kinh tại nơi Thánh trong rừng, rồi trở về và tai ương hoạn nạn cũng qua đi.
Ðến thời rabbi Mô Sê Pơ Lếch, dân chúng bị thù địch đe dọa gây chiến. Thầy rabbi cũng vào rừng và cầu nguyện: “Lạy Giavê là Thiên Chúa cao cả. Con vẫn còn nhớ nơi Thánh trong rừng này, nhưng con lại không biết đốt lửa Thánh và cũng không còn thuộc lời kinh đặc biệt để dâng lên Chúa nữa. Con chỉ biết tha thiết cầu xin Chúa đoái mắt nhân từ nhìn đến dân Chúa và giải thoát chúng con khỏi tay thù địch”. Cầu nguyện xong, thầy rabbi trở về và dân chúng được giải thoát khỏi tay thù địch.
Sau cùng, đến thời rabbi Jin Jin, nạn dịch lại lan tràn tới đe dọa mạng sống của dân chúng. Thầy rabbi đành phải ngồi ở nhà và thầm thĩ cầu khẩn cùng Chúa trong thâm tâm: “Lạy Chúa là Thiên Chúa độc nhất. Rất tiếc là con không còn biết đường tới nơi Thánh trong rừng sâu nữa, con không biết cách đốt lửa và hơn nữa con cũng không còn nhớ lời kinh đặc biệt để dâng lên Chúa nữa. Tuy nhiên, con chỉ biết kêu cầu Chúa ghé mắt nhân từ xót thương dân Chúa và cứu thoát chúng con khỏi tử thần đang muốn sát hại mạng sống của dân Chúa”.
Một lần nữa Thiên Chúa nhân từ lắng nghe lời cầu nguyện của rabbi và cứu chữa dân Ngài.
*********************
Vì đâu tất cả các thầy rabbi trên đây đều được Thiên Chúa thương nhận lời cầu nguyện của họ? Phải chăng vì nơi Thánh họ đến cầu nguyện, hoặc vì biết cách đốt lên ngọn lửa Thánh, hay là vì đã đọc đúng công thức của lời nguyện?
Hẳn không phải thế! Căn bản của cầu nguyện chính là lòng tin tưởng vào quyền phép của Chúa, là cậy trông nơi tình thương vô biên của Ngài, là Cha nhân từ luôn yêu thương chăm sóc con cái Ngài và lòng bác ái đối với tha nhân. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quả quyết với dân chúng rằng: “Khi cầu nguyện, chớ ham dài lời, vì nghĩ rằng phải nói nhiều mới được việc, bởi vì trước khi các ngươi cầu nguyện, Thiên Chúa đã hiểu rõ các ngươi cần những gì rồi”.
Về nơi cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy chúng ta tránh những hình thức phô trương tại những nơi công cộng để người khác chú ý tới. Trái lại, Ngài nêu bật tầm quan trọng nội tâm của mỗi người như đền thờ Chúa ngự, Ngài nói: “Còn ngươi lúc cầu nguyện cứ vào phòng đóng cửa lại, kín đáo cầu xin cùng Cha ngươi, Ngài thấu trước nơi bí ẩn, sẽ ban thưởng cho ngươi”.
Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ thành Samaria bên bờ giếng tổ phụ Giacóp, Chúa Giêsu còn tỏ lộ cho bà ý nghĩa sâu xa của việc tôn thờ Chúa, không phải bằng những hình thức bên ngoài nhưng là bằng tinh thần và chân lý. Ngài nói với bà: “Hãy tin Ta, đã đến lúc các ngươi không cần thờ Chúa Cha trên núi này hoặc ở Giêrusalem nữa. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không hiểu. Còn Ta kính thờ điều Ta biết rõ. Nhưng thời giờ sắp tới, lại đã đến lúc các kẻ thành tâm sùng kính phải thờ phượng Cha bằng tinh thần và chân lý, vì Cha muốn cho người ta thờ kính Ngài như vậy”.
Thiên Chúa là Ðấng thiêng liêng nên ai sùng bái Ngài cũng phải lấy tinh thần và chân lý mà thờ kính Ngài.
*********************
Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả, Chúa thống trị khắp mọi nơi, thông biết mọi sự. Toàn thể địa cầu không thể chứa nổi Chúa, nhưng Chúa lại ưa thích ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng con để gặp gỡ mỗi người cách thân mật, thân tình như bạn hữu. Thế mà biết bao lần con vẫn hững hờ không biết đón tiếp và hầu chuyện với Chúa đang hiện diện trong con.
Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho con. Xin giúp con biết trở về nội tâm con để gặp gỡ Chúa đang đợi chờ và luôn sẵn sàng lắng nghe con cầu xin.
R. Veritas