Ý NGHĨA CỦA SỰ CẦU NGUYỆN

Người Hồi Giáo nói về ý nghĩa của việc cầu nguyện bằng một giai thoại sau:

Có một vị Hoàng đế nọ vào rừng để săn bắn, chiều đến, khi tới giờ cầu nguyện, ông trải tấm thảm ra trên cỏ, hướng về phía tây và phủ phục cầu nguyện với Đấng Ala như tục lệ của người Hồi Giáo.  Giữa lúc ông đang chìm đắm trong sự cầu nguyện thì có một người đàn bà hớt hải chạy vào rừng vì chồng bà đã bỏ nhà ra đi từ sáng sớm tới giờ mà vẫn chưa về nhà.  Người đàn bà sợ có điều gì không lành cho chồng nên bất chấp hiểm nguy, bà chạy vào rừng để tìm kiếm.  Trong cơn hốt hoảng, người đàn bà không nhìn thấy có người đang phủ phục cầu nguyện, bà bước qua đầu ông mà không hề cảm thấy hối hận để nói lên tiếng xin lỗi.  Vị Hoàng đế cảm thấy bị xúc phạm nặng nề nhưng ông cũng gắng gượng để tiếp tục cầu nguyện theo đúng luật dạy.

Khi ông cầu nguyện xong, trên đường trở về nhà, ông nhìn thấy người đàn bà vừa bước ngang đầu mình lúc nãy ngồi bên cạnh người chồng.  Bà cũng nhận ra người mà bà đã vô tình bước qua là vị vua của đất nước.  Bà liền đến xin lỗi vì đã tỏ ra bất kính với ông, nhưng không chút sợ sệt, bà phân giải:  “Tâu bệ hạ, vì bị cuốn hút trong sự suy nghĩ đến người chồng, hạ thần không còn nghĩ đến những vật xung quanh nên hạ thần cũng nghĩ rằng:  trong lúc cầu nguyện thì tâm trí của bệ hạ cũng bị cuốn hút và suy nghĩ về Đấng Ala và sẽ không còn tâm trí nghĩ đến những chuyện nhỏ mọn mà hạ thần đã làm.”

Nghe thế, vị hoàng đế lấy làm xấu hổ vì sự suy nghĩ nhỏ nhen của mình.  Tuy không phải là một bậc thầy trong đạo, nhưng người đàn bà đã dạy cho ông ý nghĩa của sự cầu nguyện.

*****************************

Qúy vị và các bạn thân mến,

Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào về dụ ngôn người con trai hoang đàng mà chúng ta hẳn đã có dịp suy niệm trong mùa chay này.  Chúa Giêsu kể chuyện dụ ngôn về người con hoang đàng, nhưng điểm nhắm của Ngài lại là người con cả, hình ảnh của chính những người Biệt phái.  Người con cả không muốn nhập cuộc vui để mừng ngày người em trở về mà lại trách cứ người cha vì không ngó ngàng đến anh.  Anh ta nói:  “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ Cha, không hề trái lịnh cha một điều mà không bao giờ cha cho con một con bê nhỏ để ăn với chúng bạn”.  Nhưng người cha nói với anh:  “Hỡi con, con luôn ở với cha, mọi sự của cha đều là của con”.  Chúng ta đôi khi mang hình bóng người con cả, giữ luật Chúa và luật Giáo Hội, nhưng không chừng chúng ta không cảm nhận được rằng, chúng ta luôn ở bên Chúa, rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta.

Không cảm nhận được tình yêu thương của Chúa, không cảm thấy được ở kề bên Chúa, chúng ta cũng không nhận ra được rằng:  Tha nhân là người anh em của chúng ta.

Mùa Chay, chúng ta không ngừng được thôi thúc để quay trở về với Chúa, Người đang có đó và là người Cha đang chờ đợi chúng ta trong từng giây từng phút.  Người luôn giang rộng cánh tay để ôm ấp, vỗ về, yêu thương và tha thứ cho chúng ta.  Có cảm nhận được tình yêu của Người, chúng ta mới nhận ra được nơi tha nhân là người anh em của chúng ta.

*****************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa và biết không ngừng chia sẻ tình yêu ấy với người anh em của chúng con.  Amen!

R. Veritas

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *