“Đức Giê-su ngồi đối diện rương đựng tiền dâng, Ngài quan sát cách những người đến bỏ tiền vào rương. Lắm người giàu có bỏ rất nhiều tiền cũng có một bà góa nghèo đến dâng hai đồng tiền nhỏ, trị giá một xu.
Ngài gọi các môn đệ đến và bảo họ: “Thật, Ta nói cùng các con, bà góa nghèo nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết thảy những người khác. Vì mọi người lấy phần dư để đem dâng, còn bà góa nghèo nầy đã dâng tất cả những gì mình có, là tất cả những gì bà ấy có để sống.” (Mc 12:41-44)
**************************************
Đúng thế, chỉ có Chúa Giêsu mới nhìn thấu được lòng người, mới thấy được ai là người dâng cho Thiên Chúa nhiều nhất. Nhưng còn một người nữa. Một người biết rất rõ chuyện bỏ tiền thau hằng tuần. Biết rõ từng người một: ai là người dâng của dư, ai là người dâng cả gia tài lên Thiên Chúa. Người đó là tôi, chiếc giỏ tre được chuyền tay mỗi ngày Chúa Nhật. Hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe những chuyện mắt thấy, tai nghe. Tôi không dám phê phán ai, chỉ ghi lại những nhận xét của tôi.
Tôi ở giáo xứ này trên 30 năm rồi, nên tôi biết rất rõ từng khuôn mặt, tính tình của rất nhiều người. Tôi vẫn nhớ rõ mồn một từng khuôn mặt đơn sơ, xinh tươi như các thiên thần của những em nhỏ khi còn nằm trong nôi, đến khi chập chững biết đi, lớn lên trở thành các cô thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng. Các em trai ốm gầy, tóc húi cua hay đùa nghịch, nói chuyện trong nhà thờ thưở nào nay là những chàng thanh niên, chững chạc, thành tài, có gia đình. Tôi nhớ các bàn tay nhỏ bé, được bố mẹ nhét vào tờ giấy $5, $10, rồi lắc lắc tay các em cho rớt tiền xuống khi chiếc giỏ tre được chuyền đến. May mắn cho các em, đựợc bố mẹ dạy bảo khi còn bé, nên các em đã quen với việc dâng cúng của lễ cho Chúa hằng tuần. Nhiều em nay đã trưởng thành, lập gia đình, có con và tiếp tục truyền thống tốt này. Tôi nhớ một hôm tình cờ nghe được mẫu chuyện giữa người mẹ và đứa bé gái trạc năm tuổi. Em hỏi mẹ:
– Tại sao mình bỏ tiền vào giỏ vậy Mẹ?
– Giúp cho nhà thờ, cha Sở trả tiền điện, tiền nước và nhiều thứ khác.
– Tại sao mình phải giúp?
– Mình không giúp cho cha, cha đâu có tiền trả tiền điện. Không có điện nhà thờ tối thui, buồn lắm. Chúa cho ba mẹ rất nhiều ơn lành mỗi ngày và ba mẹ muốn dâng lại cho Chúa những gì Chúa đã ban cho ba mẹ.
Tôi không rõ em có hiểu được những gì mẹ em nói hay không, nhưng em không hỏi nữa. Mỗi tuần em rất vui khi thấy tôi đến. Sau khi bỏ tiền, em thường quay lại nói với mẹ:
– Con dâng tiền cho Chúa rồi Mẹ.
– Con giỏi lắm!
Người thiếu phụ nhìn con rồi quay sang nhìn chồng. Cả ba đều nở nụ cười hạnh phúc, chan hòa. Tôi thấy Thiên Chúa hiện diện trong gia đình này.
Tiếc thay tôi không gặp được nhiều gia đình sống đạo tốt lành, biết ý thức như gia đình trên. Có gia đình khi vừa thấy tôi được chuyền tay ở hai ba hàng ghế đầu, họ đứng dậy đưa con đi nhà vệ sinh. Khi họ trở lại, của lễ đã dâng lên bàn thờ. Hôm khác, khi tôi sắp được chuyền đến, họ bận rôn, lu bu lo cho con nhỏ, nên vô tình họ không thấy tôi, chiếc giỏ tre. Tuần này sang tuần khác, bổn cũ soạn lại đâu còn gọi là chuyện tình cờ như tôi nghĩ nữa. Buồn thay, họ đã làm gương xấu cho những đứa con của họ. Các em lớn lên không thấy chuyện dâng cúng của lễ ngày Chúa Nhật là bổn phận của các em.
Trong nhà thờ có hai nơi tôi được chuyền đến trước tiên là các dẫy ghế của ca đoàn và các vị thừa tác viên Thánh Thể, cùng với các vị chủ tịch, phó chủ tịch của các ban ngành. Không hiểu sao, tôi không được sự chiếu cố nồng hậu từ các vị này. Ca đoàn cộng với các vị trong các ban ngành cũng gần bốn chục người, nhưng lác đác chỉ có vài người bỏ tiền thau. Tôi thắc mắc mãi: đây là những người nồng cốt của cộng đoàn; những người rất nhiệt tình, hăng say đóng góp sức lực, thời gian cho giáo xứ trong mọi công tác, sao lại chừa công tác này? Mãi sau này tôi mới tìm ra được câu trả lời. Hôm đó nhà thờ xin tiền lần thứ hai để cho việc bảo trì nhà Chúa. Một anh trong ca đoàn tự nói với chính mình, như là cách phân minh cho những người chung quanh biết anh có lý do chính đáng không phải đóng góp tiền:
– Nữa! Đóng góp nữa! Bỏ giờ đi tập hát chưa đủ sao?
Tôi không biết anh than phiền cha Sở hay than phiền Chúa? Có lẽ anh đang tự vấn an lương tâm cho vơi bớt nỗi bứt rứt.
Nhà thờ đâu khác gì với căn nhà ở. Mười hay hai mươi năm mái nhà dột, hư phải thay. Thảm đi riết cũng mòn. Điện nước không trả, PG&E sẽ cúp hết mọi thứ. Việc bảo trì nhà Chúa không lo, ai sẽ lo?
– Nhà thờ có Chúa lo.
– Tôi không đóng cũng có người khác đóng.
– Tháng này còn nợ mấy cái thẻ tín dụng, tiền hơi eo hẹp. Con hẹn Chúa tháng sau.
– Chúa cho con trúng stock, vé số, con hứa sẽ dâng cho Chúa thật nhiều.
– v.v… và v.v…
Đâu đó tôi vẫn còn nghe những lời nói ấu trĩ này!
Trong Kinh Thánh, ngày xưa, người ta đem lễ vật lên đền thờ để dâng lên Thiên Chúa. Chúa đâu có gởi các thiên thần xuống từng dẫy ghế thâu nạp của lễ bao giờ. Có vài nhà thờ, mỗi ngày Chúa Nhật, các giỏ xin tiền đựợc đặt quanh cung thánh, mỗi người tự lên dâng của lễ của họ. Một nghi thức rất hay cần phổ biến và duy trì.
“Thật, Ta nói cùng các con, bà góa nghèo nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết thảy những người khác. Vì mọi người lấy phần dư để đem dâng, còn bà góa nghèo nầy đã dâng tất cả những gì mình có, là tất cả những gì bà ấy có để sống.”
Phần bạn, bạn sẽ dâng phần nào lên Thiên Chúa trong ngày Chúa Nhật sắp đến này?
Lữ Khách
01-20-2007