CHUNG MỘT TẤM LÒNG

Ngày 29 tháng 06 hằng năm Giáo Hội long trọng mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.  Các ngài là nền tảng kiên cố của tòa nhà Hội Thánh.  Các ngài là hai vị thánh lớn đã có nhiều cống hiến cho Giáo Hội thời sơ khai.  Vì Chúa biến đổi con người hai ngài cho nên xứng đáng với sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ.  Ơn Chúa thật sự hoạt động trong cuộc đời của các ngài.  Chính Chúa liên kết hai con người có nhiều điểm khác nhau trong cùng một lòng mến.  Cho nên điểm hẹn cuối cùng và cũng là điểm hẹn quan trọng nhất của cả đời các ngài là cái chết làm chứng cho Ðức Kitô Phục Sinh.

Thánh Phêrô là người xuất thân từ nghề đánh cá, ít học, tính khí nóng nảy thẳng thắn và năng nổ.  Một đặc điểm trong cả cuộc đời của Thánh Phêrô là luôn sống chân thật.  Ðiều này thật đáng quý mà con người thời này khó có thể sống được.  Chỉ có Thánh Phêrô dám nói thẳng ra những gì ngài suy nghĩ trong lòng mà không “rào trước đón sau”.  Chính vì thế trong Tin Mừng chúng ta thấy rải rác những lời phát biểu đơn sơ của ngài.  Chỉ có Thánh nhân mới dám nói lên ý định cản ngăn không cho Ðức Giêsu lên Giêrusalem chịu chết. Và lời nói tệ nhất trong cuộc đời thánh nhân là lời phủ nhận mình là môn đệ của Ðức Giêsu.  Có thể Thánh Phêrô là người có nhiều sai phạm hơn so với các bạn đồng môn, thậm chí những lỗi lầm đó rất nặng đến độ đáng phải bị trừng phạt.  Song Chúa Giêsu vẫn yêu thương ngài.  Chúa không từ bỏ ý định đặt thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh.  Ðiều đó cho thấy Thiên Chúa trước sau như một, Ngài không bao giờ thất vọng vì con người, ngay cả với những người tội lỗi, Chúa hằng ngày đợi chờ những người lầm lỗi, sám hối trở về với ngài.  Ðối với Chúa, dù có lỗi nặng hay lỗi nhẹ, nhiều hay ít không là gì cả.  Chỉ có một tấm lòng sám hối chân thành và biết sửa đổi đời sống mới xóa bỏ mọi lầm lỗi.  Vì Thiên Chúa luôn tha thứ cho mọi lầm lỗi của chúng ta.  Khi trao cho Thánh Phêrô vị trí đứng đầu Giáo Hội, Chúa đã hết lòng tin tưởng ở ngài. Còn về phía thánh nhân, từ sự khóc lóc sám hối vì mình đã chối Chúa, thánh nhân đã thay đổi hoàn toàn đời sống. Thánh nhân cũng đặt hết tin tưởng ở Thiên Chúa.  Như thế suốt cuộc đời ngài như là một lời tuyên xưng niềm tin vào Ðức Kitô: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống“.  Vì Chúa, thánh nhân có thể mạnh dạn bước vào con đường thập giá mà không một chút sợ sệt.  Với một lòng yêu mến Chúa, ngài có thể làm tất cả mọi sự mà không sợ bị bách hại và sợ bị giết chết.

Cuộc đời thánh Phaolô cũng được tình thương Chúa chở che. Trước tiên Chúa đã yêu thương kêu gọi thánh Phaolô làm tông đồ dân ngoại. Dựa vào tài năng, trí thông minh, vốn liếng kiến thức được học hành và nhất là tâm huyết ngài có thể đem rất nhiều người trở về với Chúa. Ngài có khả năng giảng dạy giáo lý một cách mạch lạc và dễ hiểu đối với mọi người. Kể từ biến cố “té ngựa” trên đường đi Ða-mát đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời thánh Phaolô. Từ một người bắt bớ các Kitô hữu ngài đã trở thành người rao giảng Tin Mừng cứu độ. Ngài sẵn sàng quên mình để đi đến với những người ngoài Do-thái giáo và tiếp xúc với họ. Dù được biết Chúa muộn hơn nhưng những đóng góp của ngài cho Giáo Hội thì không thua kém ai. Lòng yêu mến Chúa chân thành là động lực thúc đẩy ngài đi đến với dân ngoại. Thánh nhân đã ý thức được sự hoạt động của Chúa khi ngài nói; “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “. Giáo Hội mà ngài xây dựng là cộng đoàn phổ quát gồm nhiều người thuộc nhiều quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, nhưng chung một niềm tin và lòng mến vào Chúa Kitô.

Mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô chúng ta cảm phục Thiên Chúa đã thực hiện một sự kết hợp kỳ diệu giữa hai con người.  Chúa lập nên Giáo Hội từ những sự khác biệt nhưng có thể hợp tác bổ túc cho nhau.

Mỗi người trong Hội Thánh dù khác nhau về trình độ, giai cấp, tính tình nhưng luôn có chung một tấm lòng.  Ðó là tấm lòng yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội. Vì khi biết đồng tâm hiệp lực với nhau làm việc người ta sẽ có thể vượt qua được mọi khó khăn gian khổ.  Chung một tấm lòng để cùng nhau làm việc người ta sẽ làm được những điều kỳ diệu vượt quá sức tưởng tượng. Tình yêu Chúa đối với chúng ta phải là động lực mạnh mẽ nhất giúp chúng ta phục vụ Hội Thánh.

Ngày nay Chúa đang mời gọi mỗi người Kitô đáp lại tình thương của Chúa bằng việc phục vụ Hội Thánh. Chúng ta có thể phục vụ Giáo Hội khi biết tham gia vào những sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ nơi mình đang sống. Những công việc đó dù bị người ta xem là “việc bao đồng” nhưng thực chất là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu.

***************

Lạy Chúa, khi biểu dương gương sáng đời sống của hai thánh Phêrô và Phaolô, Chúa muốn dạy chúng con về tinh thần phục vụ Hội Thánh. Chúng con nhiều khi phải mất thời gian giàn xếp những lộn xộn nội bộ vì không biết cộng tác với nhau để làm việc cho Chúa.  Xin cho chúng con tuy nhiều người nhưng chỉ có một tấm lòng chung đó là lòng yêu mến Chúa nồng nàn. Amen.

Martin Lê Hoàng Vũ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *