Thời trẻ, Nikos Kazantzakis, nhà văn nổi tiếng người Hy Lạp, từng nghiền ngẫm để trở thành tu sĩ, và từng để cả một mùa hè đi thăm các tu viện. Nhiều năm sau, khi viết về trải nghiệm này, ông kể lại tỉ mỉ một cuộc chuyện trò tuyệt diệu với một tu sĩ già, cha Makarios.
Một dịp, anh hỏi vị tu sĩ già: “Thưa cha Makarios, cha còn vật lộn với quỷ dữ không?” Vị tu sĩ già thở dài trả lời: “Hết rồi, con ạ. Giờ cha đã già rồi, và quỷ dữ cũng già theo cha. Nó không còn sức lực… Giờ cha vật lộn với Chúa.” “Với Chúa!” Kazantzakis kinh ngạc kêu lên. “Cha hy vọng sẽ thắng chứ?” “Cha hy vọng sẽ thua, con ạ,” ông trả lời, “Xương cốt của ta vẫn còn đây, chúng vẫn tiếp tục cự lại ý muốn của ta.”
Ngoài những ý nghĩa khác, câu chuyện này nêu bật thực tế rằng những đấu tranh tinh thần của chúng ta thay đổi khi chúng ta thêm tuổi tác và trải nghiệm cuộc đời. Những đấu tranh thời trẻ không nhất thiết là những đấu tranh tuổi trung niên và tuổi già. Sự chín chắn luôn luôn tiến triển. Mỗi chặng đời lại đòi hỏi chúng ta những điều khác nhau. Nó cũng đúng đối với đời sống thiêng liêng và sứ vụ tông đồ. Đời sống tinh thần của chúng ta thay đổi ra sao và khi chúng ta ngày một lớn lên, nó đòi hỏi những điều gì mới?
Dựa trên những nhận thức sâu sắc của thánh Gio-an Thánh giá, tôi xin nói rằng có ba giai đoạn nền tảng trong cuộc sống tinh thần của chúng ta, ba cấp độ của sứ vụ tông đồ:
Cấp độ đầu tiên, mà thánh Gio-an Thánh giá gọi là đêm tối của cảm quan, cũng có thể gọi là “Sứ vụ tông đồ cốt yếu.” Về cốt yếu, đây là cuộc đấu tranh để định hình cuộc sống của chúng ta. Cuộc đấu tranh này thật sự bắt đầu ngay khi chúng ta sinh ra, nhưng chỉ trở thành cuộc đấu tranh mang tính chất cá nhân của riêng mình khi đến tuổi dậy thì và bắt đầu chịu sự thúc đẩy của những lực mạnh mẽ bên trong khiến chúng ta tách khỏi gia đình để tạo lập cuộc sống và mái ấm cho riêng mình. Trong thời gian này, chúng ta cố gắng gian nan để tìm được chính bản thân, để định hình cuộc đời, để tạo một mái ấm mới cho chính mình. Thời gian này có thể kéo dài nhiều năm trời và có thể không bao giờ thành tựu. Sự thật là, đối với hầu hết mọi người, một số khía cạnh của cuộc đấu tranh này vẫn tiếp tục trong suốt cuộc đời.
Nhưng, với hầu hết mọi người, sẽ tới một lúc điều căn bản này đạt được, khi có cảm giác thoải mái như về lại mái nhà xưa, khi những câu hỏi chính của cuộc đời không còn là: Tôi là ai? Tôi sẽ làm gì với đời mình? Ai thương yêu tôi? Ai sẽ kết hôn với tôi? Tôi nên sống ở đâu? Tôi nên làm gì? Đến một lúc, hầu hết chúng ta đều tìm thấy được một chỗ vượt lên trên những câu hỏi đó: Chúng ta có một mái ấm, một sự nghiệp, một người phối ngẫu hay sự bình yên nhất định với một người phối ngẫu, một ơn gọi, một ý nghĩa, một lý do tốt lành để thức dậy mỗi sớm mai, và một nơi để trở về mỗi tối. Chúng ta đã tìm được đường về lại mái nhà xưa.
Rồi chúng ta bước vào cấp độ thứ hai của sứ vụ tông đồ mà thánh Gio-an Thánh giá gọi là Thuần thục và chúng ta có thể gọi là Sứ vụ tông đồ Sinh sôi. Cốt yếu, đây là cuộc đấu tranh để cho đi cuộc sống của chúng ta. Bấy giờ mối quan tâm chính không phải là chúng ta làm gì với đời mình nữa, mà là cho đi cuộc sống của mình như thế nào để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Đây là những năm tháng sinh sôi và chúng kéo dài từ khi chúng ta cập bến vào một ơn gọi, một sự nghiệp, một mái ấm, cho tới lúc về hưu. Và những câu hỏi chính trong suốt những năm này phải là những câu hỏi vì người khác: Làm thế nào để tôi cho đi bản thân mình một cách hào phóng và thanh khiết hơn? Làm thế nào để tôi giữ lòng trung tín? Làm thế nào để tôi trụ vững với những cam kết của mình? Làm thế nào để tôi cho đi cuộc sống của mình?
Nhưng đó vẫn chưa phải là những câu hỏi tối hậu: đến một lúc nào đó, nếu chúng ta may mắn có sức khỏe và vẫn còn sống sau khi về hưu, một câu hỏi còn sâu sắc hơn bắt đầu trỗi lên trong ta, một câu hỏi mời chúng ta đến giai đoạn thứ ba của sứ vụ tông đồ. Như Henri Nouwen đã nói: Đến một thời điểm trong cuộc sống chúng ta, câu hỏi không còn là: “Tôi còn có thể làm gì nữa để sống cống hiến?” mà là “Bây giờ tôi có thể sống như thế nào để đến khi chết, cái chết của tôi sẽ là phúc lành tốt đẹp nhất đối với gia đình tôi, đối với giáo hội, và với thế giới này?
Thánh Gio-an Thánh giá gọi giai đoạn này là đêm tối của linh hồn. Chúng ta có thể gọi là Sứ vụ tông đồ Tận căn bởi vì ở giai đoạn này, chúng ta không còn đấu tranh nhiều nữa với việc làm sao để cho đi cuộc sống của chúng ta, mà là làm sao để cho đi cái chết của mình. Lúc bấy giờ vấn đề của chúng ta là: Tôi sống những năm cuối đời mình như thế nào để khi chết đi, cái chết của tôi sẽ gieo phúc lành cho những người thân yêu, giống như cuộc sống của tôi đã làm? Tôi sống những năm còn lại của đời mình như thế nào để khi tôi chết, “máu và nước” – nói như dụ ngôn – sẽ tuôn chảy từ thi thể tôi như từng tuôn chảy từ thi thể của Chúa Giê-su?
Các tài liệu linh hướng của chúng ta hầu như không có cái gì thách thức chúng ta xem xét giai đoạn cuối này của cuộc đời: Làm thế nào để chúng ta chết vì người khác? Tuy nhiên, như Goethe nói về điều này trong bài thơ Nỗi Khao khát Thiêng liêng (The Holy Longing), chính cuộc sống cuối cùng sẽ buộc chúng ta phải nghiền ngẫm việc liệu chúng ta có muốn trở thành “điên cuồng tìm ánh sáng” hay không.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.