Trong nhân gian, “ghế” tượng trưng cho địa vị, quyền lực và quyền lợi. Ghế là nỗi ước mơ của nhiều người: Ghế trưởng phòng, ghế giám đốc, ghế thủ trưởng, ghế đại biểu..v..v.. Tất cả nỗ lực của con người được dồn vào việc có một chiếc ghế tốt, sau đó là giữ ghế, hay tìm cách lên ghế tốt hơn, cao hơn… Đó là bối cảnh của cuộc sống vật chất kim tiền mà ta thường nhìn thấy trong xã hội ngày nay.
*****
Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến chiếc ghế trong nước Thiên Chúa. Đó là chiếc ghế danh dự, chiếc ghế cao trọng nhất mà hai môn đệ Gioan và Giacôbê xin được ngồi hai bên tả hữu của Chúa.
Hai ông là những môn đệ thân tín nhất của Chúa, hai ông đã từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài, nhưng bây giờ lại muốn kiếm chút lợi lộc từ chính sự thân tín và từ bỏ ấy. Hai ông đã lên tiếng xin với Đức Giêsu: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc.10:37).
“Các anh không biết các anh xin gì!” (Mc.10:38). Thực vậy, hai ông đâu có biết ai sẽ là người ở “bên phải và bên trái” của Đức Giêsu, khi Ngài ở trong “vinh quang” của Ngài trên thập giá? Họ đang xin mà không biết chỗ của hai tên cướp bị đóng đinh cùng với Ngài. Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. và cũng chính lời cầu xin này đã tạo ra sự mất bình an trong nhóm Mười Hai, đã tạo ra thái độ bực tức và ganh tị của các môn đệ còn lại. Nhiều môn đệ cũng ước mơ và có tham vọng được ngồi trên hai ghế tả hữu đó.
Theo họ, hai anh em Gioan và Giacôbê cố giành bước trước, đã chơi xấu, muốn chiếm ưu thế đối với họ. Lập tức, vấn đề tranh cãi xem ai sẽ là người lớn nhất, cao trọng nhất bắt đầu nổi lên dữ dội trong nhóm Mười Hai. Tình hình bỗng trở nên nghiêm trọng, liên hệ giữa các ông có vẻ bị sứt mẻ nếu Chúa Giêsu không ra tay chỉ dạy cho họ. Ngài vạch rõ các tiêu chuẩn khác nhau về sự cao trọng trong Nước Thiên Chúa và các nước trên trần gian:
Trong các vương quốc trần gian, tiêu chuẩn về cao trọng là quyền thế. Người đứng đầu, người làm lớn, người có quyền thường có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách. Chức vụ và quyền lực trở thành phương tiện phục vụ bản thân. Đó là lối lãnh đạo dễ thấy nơi người đời.
Trong vương quốc của Chúa, tiêu chuẩn lại là phục vụ. Sự cao trọng không bao gồm việc bắt người khác phục vụ mình, nhưng là đặt chính mình vào việc phục vụ tha nhân. ”Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc.10:43-44)
Đức Giêsu là mẫu gương phục vụ cho ta noi theo. Phục vụ là động từ tóm kết toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu nơi dương thế, vì Ngài đến trần gian để phục vụ, sống như người phục vụ, và chết như dấu chứng lớn nhất của phục vụ trong yêu thương: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. (Mc.10:45)
*****
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. Còn Thầy lại hạ mình phục vụ chúng con như người tôi tớ, Thầy đã rửa chân cho chúng con như một người nô lệ… Xin giúp chúng con biết noi gương Thầy, không màng tới địa vị cho mình, nhưng luôn dấn thân phục vụ anh em, như Thầy đã đến phục vụ và hy sinh cả mạng sống làm giá cứu chuộc chúng con. Amen
Tổng hợp từ R. Veritas
(CN29B TN – BĐ 1: Is 53:10-11 – BĐ 2: Dt.4:14-16 – PÂ: Mc.10:35-45)