BÊN KIA SỰ CHẾT

Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: “Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh”.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời…  Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.  Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người.  Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn.  Dưới cái nhìn Đức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.

Để giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp “các thánh thông công”, Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố.  Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy.  Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội.  Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…”.  Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Đồng viết như sau: “Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha…”  Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.

Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết.  Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết.  Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết…  Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa.  Tình yêu mạnh hơn sự chết.  Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng ta với những người chết.  Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử.  Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết.  Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.

Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống… Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.  Yêu thương chính là tái sinh, là sự thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống.  Đó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố.  Xin Chúa nâng đỡ Đức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.

Sưu tầm

*******

Tôi đã được phép giã từ.
Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em!
Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường.

Này đây chìa khóa tôi gài lên cửa,
Và cả căn nhà cũng trao trọn anh em.
Chỉ xin anh em lời tạ từ lần cuối,
Thắm đượm tình thân.
Từ lâu rồi, sống bên nhau,
Chúng mình là láng giềng lối xóm;
Nhưng anh em đã cho tôi
Nhiều hơn tôi cho lại anh em.

Bây giờ ngày đã rạng,
Đèn trong xó tối nhà tôi đã tắt.
Lệnh triệu ban rồi,
Tôi đi đây.

Vĩnh Biệt – Lời Dâng 93

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *