Nhà Thần học William Barclay kể lại câu chuyện: Một kinh sư Do Thái (Rabbi) bị cầm tù ở Rôma. Trong tù, ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm mục đích kéo dài cuộc sống. Thời gian trôi qua, vị kinh sư ấy ngày càng yếu dần. Cuối cùng người ta buộc phải mời bác sĩ đến khám bệnh cho ông. Bác sĩ bảo rằng cơ thể của ông bị thiếu nước. Họ không hiểu nổi tại sao vị Kinh sư ấy lại có thể thiếu nước, bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy ít nhưng vẫn đủ cho ông xử dụng. Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát người tù này một cách kỹ lưỡng hơn để thử xem ông ta làm gì với số lượng nước ấy. Cuối cùng người ta đã khám phá ra bí mật: Vị kinh sư Do Thái này đã sử dụng phần lớn số lượng nước để rửa tay theo nghi thức Do Thái giáo trước khi ăn và cầu nguyện. Như thế đương nhiên ông ta không còn đủ nước để uống.
*****
Bạn thân mến, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay hôm nay tường thuật thái độ bực bội của những người Pharisêu và kinh sư Do Thái đối với Chúa Giêsu khi họ nhìn thấy các môn đệ của Ngài ăn uống mà không chịu rửa tay theo đúng nghi thức. Ðối với người Pharisêu, sau khi ra nơi phố chợ, người ta thường trở nên ô uế do đụng chạm. Phải rửa tay, vì tay ô uế làm đồ ăn ô uế, và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ra ô uế.
Ðức Giêsu đã long trọng khẳng định: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế” (Mc.7:15). Khẳng định này là một cuộc cách mạng trong Do Thái giáo, bởi lẽ đời sống người Do Thái bị bao vây bởi nhiều luật lệ và cấm kỵ: không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt; không được đụng vào xác chết, đụng vào người phong cùi; không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi… Ðụng vào hay ăn vào là trở nên ô uế ngay. Ðức Giêsu đã phạm nhiều điều cấm kỵ, đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu và người tốt, dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ, nô lệ và tự do… Ngài đến với những người bị coi là ô uế để làm cho họ trở nên trong sạch.
Thật ra Ðức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa tay, nhưng Ngài thấy nó quá giả hình vì người Do Thái chẳng để ý đến chuyện tẩy rửa trái tim. Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện, tránh khỏi phải tẩy rửa tâm hồn là điều quan trọng hơn, khó thực hiện hơn. Ðức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực sự lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống. Cái ô uế đáng sợ nhất nằm ngay trong trái tim của ta. Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong mà đi ra. “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc.7:21-23)
Cần trở về với trái tim của mình. Ðó không phải là một cuộc dạo chơi, nhưng là một thách đố dám nhìn vào cái tôi sâu thẳm của long mình. “Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31). Ðó là lệnh truyền của Ðức Chúa, nhưng con người chẳng thể tự mình thay tim đổi thịt được. “Ta sẽ thanh tầy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed 36,25tt). Ðổi được trái tim là đổi được tất cả.
Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở cho ta: Truyền thống, luật lệ và nghi thức là điều cần thiết, nhưng không được quên điều cốt lõi của luật Chúa truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau”. Điều quan trọng không phải là việc chúng ta làm mà chính là tình yêu trong trái tim thúc đẩy chúng ta làm. Hành động của chúng ta phải được xuất phát từ con tim, từ tình yêu. Nếu trái tim chất đầy kiêu căng thì mọi nghi thức bên ngoài trước mặt thế gian cũng sẽ chẳng làm cho chúng ta trở nên thánh thiện trước mặt Chúa. Bởi chính Đức Giêsu đã trách mắng người Do Thái trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “dân này thờ kính Ta ngoài môi ngoài miệng, còn lòng họ thì lại xa Ta.” (Mc.7:6)
*****
Lạy Chúa Giêsu! Xin giúp con dọn dẹp những bề bộn nơi trái tim con. Xin biến đổi tim con nên đơn sơ hơn, hồn nhiên hơn và tươi thắm hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người, bằng trái tim bao dung của Chúa. Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình, trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn để yêu mến mọi người nhiều hơn. Amen.