Hàng năm vào dịp tết Nguyên Đán, tôi vẫn cùng gia đình tham dự Thánh lễ đón mừng xuân mới, trong đó mùng 2 tết được Giáo hội Việt nam dành riêng để kính nhớ ông bà tổ tiên. Ở họ đạo tôi, nghi thức kính nhớ được thực hiện trước Thánh lễ theo phong cách cổ truyền.
Trong trang phục áo dài khăn đống truyền thống, một vị niên lão và hai em nhỏ đứng hai bên, tay chắp 3 nén hương chậm bước đến trước bàn thờ tổ tiên dâng hương tưởng nhớ đến công ơn tổ tiên ông bà cha mẹ, sau đó vái lạy rồi cắm nhang vào lư hương trong tiếng đàn nhẹ nhàng dìu cả nhà thờ cùng hát “Ngày chúng con sinh vào đời, nhờ có công ơn mẹ cha, là thái sơn bao la, bao la……trong giọt mồ hôi có vương cả máu đào, ôi tình mẹ cha nói lên tình Chúa.” Theo làn hương trầm tỏa bay, lòng tôi cũng xốn xang tưởng nhớ về một cõi xa xăm vô định, đan xen là cảm xúc xao xuyến nghẹn ngào về một thời thơ ấu êm đềm, bên cha mẹ, anh chị em cùng ơn nghĩa sinh thành, hòa quyện vào đại dương bao la của tình yêu Thiên Chúa. Trong bầu khí trang nghiêm sốt sắng và tâm tình biết ơn sâu lắng, tôi chợt nghĩ, theo năm tháng thì tôi cũng là ông bà cha mẹ được con cháu kính nhớ, giật mình tôi tự hỏi “Hôm nay mình làm gì để mai sau con cháu gọi là công ơn?” Tôi nghĩ mình chẳng có gì để gọi là công ơn với con, suy cho cùng là một chuỗi tình yêu được nối kết từ Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì trừ ra tình thương mến” không biết có đúng trong trường hợp này không?
Thời đại này sống thiên về chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Càng khoa học mọi thứ càng được tính toán kỹ, tính từ khi sinh con “mỗi gia đình chỉ sinh 1-2 con”. Tôi cảm giác con cũng là một quyền lợi, hạnh phúc của tôi chứ có công gì đâu. Con cũng là một trong những mộng ước của tôi trong gia đình tương lai! Và con còn là lý do để kiếm tiền, ai làm ra bao nhiêu tiền cũng nói để cho con, ông bà ta lại có câu “có đầu có đuôi nuôi lâu cũng lớn” giàu nghèo gì nuôi con cũng lớn được hết. Hơn nữa, cuộc đời ngắn ngủi về già lại phải cậy nhờ con. Công sinh thành nuôi dưỡng là thế, chỉ còn dạy dỗ là nặng công nhất, thế mà tôi có bao nhiêu kiến thức để dạy dỗ cho con thành người được đâu. Nếu ngoại trừ tình yêu gia đình huyết thống ra thì chẳng có gì là công ơn cả. Thời đại này con cái hay gọi cha mẹ là ‘ông già, bà già” cho có vẻ mình là người lớn, không còn phụ thuộc. Còn nhiều người trong chúng ta có thể suy nghĩ “tôi không cần con cháu kính nhớ”. Theo thời đại này thì con cháu cũng sẽ kính nhớ theo kiểu thủ tục, tính toán cho khoa học. Như vậy gia đình chúng ta chưa mắc nợ tình yêu với nhau, chúng ta mới nghĩ đến thế giới vật chất chứ chưa nghĩ đến sự vĩnh cửu và liên đới của tình yêu.
Thế gian đang níu kéo con người xuống chỉ để bằng với vật chất mà thôi. Thế giới hiện đại công nhận con người là vốn quý, thế nhưng chỉ khai thác sử dụng vốn quý theo kiểu vật chất hóa, lợi nhuận hóa thỏa mãn ích kỷ cá nhân. Xây dựng Thiên đàng trần thế với một tình yêu sòng phẳng, hạnh phúc có giá cả, có điều kiện, dựa trên giàu sang vật chất nên sẽ mau chóng tàn lụi, vì bản chất của nó là phù vân, tận cùng của hưởng thụ là hủy diệt, thân xác con người chỉ là cát bụi. Trong khi các giá trị đạo đức nâng cao con người lên khỏi vật chất đang bị đảo lộn, đức khó nghèo, giữ gìn trinh tiết, bao dung, nhận hậu, vị tha, phục vụ trở thành lạc lõng, lỗi thời và lội ngược dòng. Hành động bạo lực, sex, scandal, lập dị trở thành đẳng cấp trong giới thanh thiếu niên, mầm mống của đẳng cấp là kiêu ngạo, ganh ghét và loại trừ lẫn nhau, tình yêu của đẳng cấp là nỗi hận thù xăm trên cánh tay.
Thanh thiếu niên đang bị thời đại giành dựt, lường gạt, lựa chọn, phân loại, mất cả định hướng, chẳng còn tuổi thơ, chẳng còn là chính mình, nhào nặn với internet, quảng cáo, phim ảnh, truyền hình, trả giá cho mong muốn trở thành ngôi sao, thiên tài, nổi tiếng. Cả tôi, những người đang làm cha mẹ cũng bị cơn sóng thời đại cuốn theo khi dạy con theo thời đại, dao động hoang mang trước những mời gọi chọn lựa hào nhoáng của trần thế, ham muốn tiền tài, địa vị, vì không có tiền con cũng bị thua thiệt, mặc cảm với đời.
Con đường Chúa dành cho con thích hợp với những khả năng Chúa ban cho nó chứ không phải con đường cha mẹ muốn. Nhiều khi chúng ta cũng muốn điều tốt lành cho con nên đã hướng dẫn con theo ý muốn riêng của mình và đạt điều mình mơ ước, vì vậy chúng ta có thể làm cho con cái ngã lòng khi la mắng, nói oan, nặng lời, so sánh con với người khác, hoặc chê trách con, có khi ép con theo ý muốn của mình làm cho con buồn giận và nản lòng khi vô tình xem con như là tài sản trong tay. Một lỗi lầm vô cùng tai hại mà chúng ta thường mắc phải là không có gương sáng, giả dối trong cách sống và cư xử với người chung quanh, ham mê của cải, coi trọng danh giá, con cái chúng ta sẽ nhìn thấy điều đó và cũng sẽ bắt chước sống giả dối .
Tôi không biết làm gì hơn trước cơn sóng thời đại và sự bất toàn yếu đuối của mình là dâng gia đình cho Chúa và cậy dựa vào sự quan phòng trợ giúp của Chúa để Chúa hướng dẫn chúng ta trong việc nuôi dạy con. Chúng ta có thể có nhiều lỗi lầm trong việc dạy con, nuôi con, nhưng nếu chúng ta nỗ lực tìm kiếm Chúa cho con cái, chúng ta mới là những bậc cha mẹ xứng đáng cho con kính nhớ và vâng phục.
Giêsu – Maria – Giuse Con mến yêu, con xin dâng gia đình con trong tay Ba Đấng giữ gìn.
Chiều Thu