ĐỨC GIÊSU LÀ BÁNH HẰNG SỐNG

Ai trong chúng ta chắc hẳn đã từng ăn một bữa nhớ đời.  Nhớ đời chưa hẳn vì bữa ăn đó gồm những cao lương mỹ vị, hay là vì được ăn chung với các bậc vị vọng.  Đôi lúc đó chỉ là một bữa ăn đơn sơ đạm bạc, nhưng đã để lại một ấn tượng khó quên.  Khó quên là bởi vì trong bữa ăn đó, ta được cảm thấy no thỏa, được chăm sóc, hay có được một sự thân mật đậm nét tình người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan kể lại phản ứng của dân chúng sau khi được ăn một bữa no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6:1-15).  Cả bốn Phúc âm đều thuật lại biến cố đầy ấn tượng này.  Ở nơi đồng không mông quạnh mà Đức Giêsu đã cho trên 5000 người được ăn no nê, còn dư đến hơn 12 sọt bánh vụn, thì quả là một kỳ tích rất đáng phục.  Thế nên ta sẽ không ngạc nhiên khi dân chúng, đa số là những người nghèo khó, tìm thấy nơi Đức Giêsu một vị lãnh đạo tài tình.  Họ kỳ vọng Ngài sẽ giải thoát họ khỏi sự nghèo đói.  Thấy Đức Giêsu có phép màu, họ muốn tôn Ngài lên làm lãnh tụ.

Thế nhưng Đức Giêsu không chiều lòng họ.  Ngài dư biết họ chỉ quan tâm đến những quyền lợi vật chất.  Ngài bảo cho họ biết họ hãy cố sức tìm thứ thực phẩm bền bỉ đem lại sự sống vĩnh cửu thay vì lo tìm thứ thực phẩm ăn rồi lại đói.  Ở đây chúng ta thấy một thách đố tương tự như câu chuyện Ngài đã gặp gỡ người đàn bà xứ Samari bên bờ giếng (Ga 4, 1-42).  Người đàn bà khao khát thứ nước uống vào sẽ không khát, và Đức Giêsu tỏ lộ cho bà thấy Ngài chính là Nước Hằng Sống, là nguồn sinh lực đem lại tình yêu bền bỉ trường tồn.

Trong câu chuyện tin mừng hôm nay cũng thế.  Đang khi quần chúng chỉ nghĩ đến việc được ăn no, thì Đức Giêsu nghĩ đến phúc trường sinh thiêng liêng Ngài muốn chia sẻ với họ. Ngài chính là bánh từ trời ban sức sống.  Năm xưa Thiên Chúa nuôi dân Người trong hoang địa Sinai bằng bánh manna cũng từ trời xuống (Xh 16, 4-5, 14-36).  Sách Xuất Hành thuật lại rằng khi con cái Israel đói khát trong sa mạc, Thiên Chúa đã không bỏ rơi họ.  Mỗi sáng có lớp sương phủ quanh lều trại của họ, và sau khi sương tan thì trên mặt đất đầy thứ bánh nho nhỏ mịn màng.  Và cứ như thế trong 40 năm lưu lạc trước khi vào được Đất Hứa, Thiên Chúa đã chăm sóc họ như thế đó.

Trong trình thuật của Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu tỏ cho dân chúng biết Ngài chính là bánh thần lương đó.  Ngài là manna mới, là bánh từ trời xuống, đem lại sự sống cho thế gian.  Nhưng khác với manna tổ tiên họ được ăn, Ngài là bánh trường sinh, ai ăn sẽ sống muôn đời.  Đây quả là một câu nói khó được chấp nhận.  Làm sao một con người có thể trở thành bánh nuôi kẻ khác sống?  Làm sao có thể được trường sinh?  Không phải Đức Giêsu đang mị dân sao?  Nhiều người nghe Ngài nói cảm thấy khó chấp nhận, và họ đã từ từ bỏ đi.

Điều này chỉ có thể hiểu được trên bình diện đức tin.  Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa sai đến để chăm sóc cho dân Người, như Người đã làm cho tổ tiên họ năm xưa. Ai tìm đến Ngài sẽ không còn đói; ai tin vào Ngài sẽ không còn khát.  Đức Giêsu không chỉ thỏa mãn cơn đói khát thể lý mà còn là sự khát khao tinh thần của họ.  Khát vọng được nâng đỡ, được chăm sóc, được thông cảm, được tôn trọng, được thương yêu, mãi mãi vẫn là sự khao khát của con người hôm qua và hôm nay.

+ + + + +

Khi tuyên bố Ngài là bánh cho nhân loại, Chúa Giêsu đã hé mở thân phận và sứ mạng của Ngài – Emmanuel – Ngài chính là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.  Năm xưa Thiên Chúa ban manna từ trời xuống cho dân Israel. Tình yêu ban phát từ trời xuống. Ân huệ trao ban để cứu vớt dân Ngài.  Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy Ngài không đến từ bên trên, không chỉ ban phát ân huệ, mà Ngài ước ao được ở cùng với con người, ở trong con người.  Khi trở thành bánh, Ngài muốn đồng hóa với sự sống từ bên trong.  Khi trở thành bánh, Ngài muốn ở cùng người ăn bánh, chia sẻ vào cuộc sống của họ.

Tình yêu là thế đó. Tình yêu không phải là ban phát, trao tặng, nhưng là “ở cùng.”   Ở cùng đúng nghĩa là tình yêu trọn gói.  Khi cho ai một món quà là trao bao một phần sở hữu.  Khi cho đi chính mình là cho hết.  Ở cùng là chia sẻ thân phận với người mình yêu mến.  Ở cùng là hiện diện (being) với một ai đó, chứ chưa chắc là làm được (doing) điều gì cho họ.  Khi người mẹ ngồi bên giường bệnh chăm sóc cho con, bà không có năng lực làm cho con khỏi bệnh, nhưng bà hiện diện với con của mình, chia sẻ nỗi mệt nhọc của con.  Bà lấy nỗi đau của con làm nỗi đau của mình.

Trong cơn đau, con người thường mong Thiên Chúa làm một cái gì đó để cất đi chén đắng cuộc đời. Người ta thường cho rằng Chúa thương tôi thì Chúa phải làm điều gì đó cho tôi.  Tình yêu thì phải cụ thể hóa bằng hành động chứ.  Nói suông thì được ích gì?  Thế nhưng, con đường của Đức Giêsu lại không như thế. Thay vì cứu cho tôi khỏi chết thì lại chết cho tôi.  Thay vì chữa tôi khỏi đau thì lại cùng đau với tôi.  Đó chính là ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm Thánh Thể mà Tin Mừng Gioan muốn truyền đạt lại cho chúng ta trong Chương 6.

Không giống như các sách Tin Mừng khác, Gioan đã không đặt trọng tâm của phép Thánh Thể vào bữa tiệc ly, nhưng ông khai triển giáo lý về bí tích Thánh Thể ngay sau bữa ăn kỳ diệu bánh hóa nhiều.  Theo Gioan bí tích Thánh Thể phải được hiểu không phải như một dấu ấn của kỷ niệm, không phải như một bữa ăn chia tay của người sắp ra đi, nhưng phải được hiểu trong bối cảnh của một bữa ăn thấm đậm tình người, một bữa ăn sẻ chia những thực phẩm ít oi đã được thánh hóa.

Như thế, bí tích Thánh Thể là tình yêu đi vào cuộc sống.  Khi tôi ăn Bánh trường sinh và uống Chén cứu độ, tôi trở nên một với Đấng Hằng Sống.  Và Ngài nên một với tôi.

Hôm nay, khi chúng ta quây quần bên bàn tiệc Thánh, chúng ta lại một lần nữa xin ơn để nhận ra dấu chỉ của tình yêu, của một Thiên Chúa muốn cùng hiện diện với chúng ta trong cuộc sống.  Và rồi cũng như bàn tiệc năm xưa, cuộc sống chúng ta cũng cần được bẻ ra, trao ban cho người khác.  Có thể chúng ta không làm được gì nhiều để ủi an, chia sẻ niềm vui nỗi buồn của kẻ khác. Nhưng ít ra, khi hiện diện với ai đó với hết cả tâm tình của mình, chúng ta đang đi vào cuộc đời của nhau.

Ân cần hiện diện, ân cần chăm sóc, ân cần chia sẻ, phải chăng đó chính là mầu nhiệm Thánh Thể đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta?

Antôn Phaolô, SJ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *