LÒNG NHÂN TỪ TỰ PHÁT

Alaska là một xứ sở hoang dã, cô độc, lẻ loi nhưng đẹp lạ lùng.  Đó là một thánh địa cho những du khách thích phiêu lưu.  Tuy nhiên vùng đất ấy không cho phép bạn xuống tinh thần.  Các thị trấn ít ỏi và xa nhau.  Những người sống ở đó phải đối diện với những thời kỳ cô lập lâu dài.  Đặc biệt các chủ nông trại sống một đời sống rất lẻ loi.

Một lần kia, một người Mỹ đi du lịch Alaska trong một cái nhà di động (xe kéo) thì nỗi lo sợ kinh khủng nhất của ông đã ập đến: chiếc xe làm nhà bị gãy trục, và ông rơi vào tình huống khó khăn ở giữa một nơi không rõ là nơi nào.  Ông cho gia đình rời khỏi căn nhà di động và quyết định đi bộ với hy vọng tìm được một ai đó có thể giúp đỡ họ.  (Thời đó chưa có điện thoại di động).

Sau khi đi được ít dặm, ông đã gặp vận may: ông đến đúng một nông trại.  Ông nói với chủ nông trại về tình trạng khó khăn của ông.  Chủ nông trại rất thông cảm.  May thay, ông này có máy hàn.  Ông kéo căn nhà di động về sân nông trại với chiếc máy kéo của ông, và sửa chữa cái trục bị gãy.  Khi công việc đã hoàn tất, người du khách lấy ví tiền và nói:

zz “Tôi nợ ông bao nhiêu?”
“Ông không nợ tôi đồng nào” người chủ nông trại đáp.
“Nhưng tôi thấy tôi phải trả công cho ông”
“Ông đã trả công cho tôi rồi”, người chủ nông trại nói.
“Tôi không hiểu”, người du khách nói.
“Ông đã cho tôi niềm vui của gia đình ông trong mấy giờ liền”.

 Người du khách ngạc nhiên nhưng vui sướng đã gặp một tấm lòng quảng đại như thế.  Những người như thế làm chúng ta lấy lại niềm tin vào sự tốt lành, nhân từ của con người.  Lòng nhân từ cũng là một mầu nhiệm như điều xấu.  Nhưng ở đâu điều xấu làm đau buồn và chán nản thì lòng nhân từ làm vui sướng và đem lại cho chúng ta cảm hứng.

Tình trạng cao nhất mà chúng ta có thể đạt đến là khi lòng nhân từ trở thành một dòng nước ân sủng một cách dễ dàng, tự nhiên và không tính toán.  Khi nó tuôn ra từ chúng ta mà chúng ta không nhận thấy, như môt chiếc lá từ cây mọc ra.  Trong trường hợp của người chủ nông trại, rõ ràng chúng ta gặp được một hành động của lòng nhân từ tự phát.  Cũng giống như trường hợp của người Samari.  Rõ ràng lòng nhân từ của người Samari trở thành thói quen, tự phát, một bản tính thứ hai.  Điều tốt đẹp mà người ấy làm cho người khác thì người ấy không coi là một việc gì đặc biệt.  Đối với một số người, lòng quảng đại nằm trong những hành động lác đác, lẻ loi, đối với những người khác, đó là một cách sống.

Làm thế nào để một người đến được tình trạng hạnh phúc ấy?  Nó không thể được hoàn thành một sớm, một chiều.  Nó phải được học hỏi bằng sự thực hành lâu dài.  Nó không được hoàn thành bởi một ít công việc vĩ đại nhưng bằng nhiều công việc nhỏ bé.  Người ta làm những công việc vĩ đại không phải bởi sự bốc đồng nhưng bởi một loạt những công việc nhỏ được liên kết với nhau.  Phần thưởng thật sự cho một hành động tốt là để làm cho việc tốt kế tiếp được dễ dàng hơn.  Mỗi hành động nhỏ của ngày thường làm nên hoặc không làm nên nhân cách.

Điều gây khó chịu trong câu chuyện của Đức Giêsu không phải ở chỗ một người vô tội bị tấn công, nhưng ở sự kiện hai người mà bạn chờ đợi giúp đỡ người bị thương đi ngang qua không bày tỏ chút thương xót nào với người ấy.  Một người Kitô hữu chân chính không dửng dưng trước sự đau khổ của người khác.

“Ai là người lân cận của tôi?” người thông luật hỏi.  Câu trả lời chung của thời ấy sẽ là: Người lân cận của tôi ở trong cùng một bộ tộc hoặc cùng phe nhóm, tôn giáo của tôi.  Nhưng lời đáp của Đức Giêsu đưa ra là: “Người lân cận của tôi là bất cứ ai tôi chọn để trở nên người lân cận”.  Lời đáp thật sự là tôi không quan niệm ai là người lân cận của tôi nhưng ai là người mà tôi muốn đối xử như một người lân cận?

Tôi là loại người lân cận nào?  Đây là một câu hỏi mà thỉnh thoảng mỗi người chúng ta phải tự hỏi, nhưng đó là một câu hỏi mà chính chúng ta không thể tự trả lời.

McCarthy

*************************************

Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người – cũng như con –
đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời.  Amen!

Rabbouni

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *