Ông LaGuardia là thị trưởng của thành phố New York vào những năm xảy ra nạn đói tại nước Mỹ. Vào một hôm lạnh giá tháng giêng năm 1935, ông đã bãi nhiệm một vị chánh án và ngồi vào ghế chủ tọa để xét xử một phiên tòa có một không hai.
Bị cáo là một bà già nghèo nàn, nhem nhuốc. Bà bị tố cáo là đã lấy trộm một ổ bánh mì. Bà thú nhận rằng, bà ăn cắp ổ bánh mì cho con gái của bà đang bị bệnh và cháu của bà không có gì ăn. Người tố cáo bà là chủ tiệm bánh mì; ông đề nghị quan tòa phạt bà 10 dollars vì bà ta là một người xấu và đồng thời dùng hình phạt này để răn dạy những kẻ xấu khác.
Ông LaGudrida thở dài và nói, “Tôi phải phạt bà 10 dollars hoặc 10 ngày trong nhà tù, vì luật pháp không miễn trừ cho một ai cả.” Sau khi tuyên án, ông rút trong túi áo mình 10 dollars và nói tiếp. “Đây là 10 dollars tôi tặng bà để đóng tiền phạt; nhưng quan trọng hơn, tôi sẽ phạt mọi người trong phòng xử án này mỗi người 50 cents vì đang sống chung trong một khu phố với một người mà đã để người ấy lấy cắp bánh mì để nuôi cháu của mình mà mình không hay biết.” Hôm sau, hành động xử án lạ kỳ của ông Thị trưởng đã làm cho nhiều người tự nguyện đóng 50 cents “tiền phạt.” Số “tiền phạt” lên hơn 70 dollars và đã được trao cho người phụ nữ đáng thương này.[1]
*******************************
Bạn thân mến, câu chuyện trên đây như đưa chúng ta một nhận định rằng: Hoàn cảnh xã hội có thể đẩy chúng ta vào những việc làm trái với luật pháp và đạo lý làm người. Nhưng thật may mắn thay, chính lòng đại lượng và cách nhìn hiểu đời một cách thấu đáo của những người như ông LaGuardia đã không những thể hiện lòng bao dung tha thứ cho người phạm tội nhưng họ còn khơi gợi những người khác về trách nhiệm phải tha thứ và giúp đỡ những người đã có lỗi với mình.
Khi bàn đến tha thứ hay không tha thứ cho một ai đó, chúng ta thường hay nghĩ đến về vấn đề công bằng theo khái niệm của luật pháp. Khi ai đó xúc phạm hay nói xấu chúng ta… chúng ta dễ dàng trở thành một vị “quan tòa” xét xử người khác theo những khái niệm “qua lại, bù trừ, hơn thua.” Nếu càng để lâu những mối bất hòa trong lòng mình, thì những khái niệm của luật pháp càng dần dần lộ ra rõ hơn và mạnh hơn trong tâm trí của mình. Đáng buồn thay, những khái niệm này dần dần lớn lên theo tính chủ quan của mình – tức là xét xử người khác theo hướng có lợi cho mình. Mình là người vô tội. Bà ấy, ông ấy là người có tội. Bà ấy, ông ấy phải là người xin lỗi mình vì họ đã xúc phạm đến mình thế này, thế này, và thế này,… Bà ấy, ông ấy đáng bị như vậy. Bà ấy, ông ấy phải trả giá cho hành động như vậy.
Thưa bạn, thật buồn và đáng thương cho vị trí “quan tòa” chủ quan ấy, vì thực ra, những lời kết án mà mình dành cho người xúc phạm mình đó, chính là những lời kết án cho chính mình. Những khái niệm chủ quan do mình đưa ra với lý do “công bằng, pháp luật, hợp lý” thực ra là những khái niệm bên ngoài; còn thực chất chính là mình đang che đậy vị trí “quan tòa” mà mình vẫn thường cho mình là đúng, còn người khác là sai. Mình mất ngủ, mình không bình an, mình không thấy hòa khí trong gia đình, mình không thấy cộng đoàn mình có bầu khí chan hòa, chia sẻ, mình khó nở nụ cười,.. cũng là do nguyên nhân của “ông quan tòa” chủ quan trong con người mình tưởng tượng nên.
Thưa bạn, tôi cũng như bạn đều mang lấy thân phận con người vốn nhiều tính xấu và ích kỷ. Hiểu như thế để chúng ta cảm thông cho chính mình và cũng cảm thương cho nhau. Vì thân phận con người này, mà chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc tìm sự bình an cho chính mình. Vì sự yếu đuối của chính mỗi người như chúng ta, mà chúng ta cảm thấy bất lực trước những ý nghĩ tiêu cực về người khác và cũng như về chính mình. Nếu không nhận ra điều đó, một cách vô tình chúng ta trở thành nạn nhân của chính mình. Ông “quan tòa” do mình dựng nên đó có thể là kẻ nguy hiểm nhất để hãm hại chúng ta chứ không ai khác.
Chúng ta thường nói với nhau, “Nhân vô thập toàn.” Hôm nay tôi mời bạn hãy áp dụng lời nhận định ấy vào chính đương sự mà mình đang gặp khó khăn trong việc hòa giải tha thứ. Anh ấy, cô ấy cũng là “nhân,” vậy tôi còn ngần ngại gì nữa mà không tha thứ cho họ?!!!
Lạy Chúa, nếu Chúa xét xử con, liệu con sẽ ra sao?
Br. Huynhquảng
[1] William J. Bausch, A World of Stories (The Blackrock: Colomba Press, 1998) 233.