Làm người là chấp nhận thân phận bị cám dỗ. Con người vừa mang trong mình khát vọng vươn tới tuyệt đối, vừa thấy mình luôn bị một mãnh lực nào đó kéo ghì xuống. Bởi thế, đời người lúc nào cũng phải chiến đấu cam go, chỉ một chút lơ là yếu mềm là vấp ngã. Con người trở nên cao cả khi thắng được cám dỗ. Ngược lại, lúc buông xuôi theo cái tôi dễ dãi tầm thường, tôi chẳng còn là tôi. Chỉ khi tôi vượt quá cái tôi, tôi mới thật sự là chính mình. Tôi chỉ là tôi, khi tôi vươn tới Chân, Thiện, Mỹ.
***
Bạn thân mến! Trong mùa Chay Thánh này, ta hãy đi vào hoang địa với Đức Giêsu. Hãy cùng với Ngài sống trong cô tịch, cầu nguyện và chay tịnh. Có chay tịnh và cầu nguyện, ta mới có khả năng nhận ra các cơn cám dỗ quen thuộc. Biết mình bị cám dỗ thật là một ơn ban, vì ma quỷ chẳng phải là một con vật có đuôi lộ liễu. Những cám dỗ của Ðức Giêsu trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng là những cám dỗ của tôi trong cuộc đời này:
Cám dỗ đầu tiên đánh thẳng vào điểm yếu nhất của con người. Đó là cám dỗ về vật chất, về cái ăn cái mặc. Sau một thời gian dài nhịn ăn vì chay tịnh, Đức Giêsu thấy đói. Cái đói làm tê liệt nhận thức, cái đói đụng đến bản năng sinh tồn. Ðiều cần thiết đối với người đang đói là cơm bánh. Ðức Giêsu đã thắng được cơn cám dỗ vật chất này. Ngài không phủ nhận sự cần thiết của vật chất, nhưng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh (Lc.4:4). Lợi nhuận trong kinh tế là điều quan trọng, nhưng không được quên các giá trị văn hoá, luân lý, tôn giáo… Lắm khi cái đói vật chất vẫn chi phối chúng ta. Người ta dễ hiểu sai câu: “Có thực mới vực được đạo“. Chúng ta vẫn bị cồn cào bởi những thèm thuồng chính đáng và không chính đáng, cá nhân và tập thể, nhưng đừng để mình thỏa mãn cơn đói bằng mọi giá.
Sau cám dỗ về vật chất là cám dỗ về quyền lực, về tiếng tăm. “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này…Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc.4:6-7). Hãy bái lạy ma qủy để được quyền lực và vinh quang . Có nhiều người nhẹ dạ đã tin vào lời hứa hão huyền này. Bao nhiêu đế quốc, bao nhiêu nhà cầm quyền đã qua đi trong dòng lịch sử của nhân loại. Ðức Giêsu chẳng muốn nhận quyền từ một người nào khác ngoài Cha của Ngài. Chỉ có Cha mới là Ðấng duy nhất để Ngài bái lạy tôn thờ.
Sau cám dỗ về vật chất và quyền lực tiếng tăm, là cám dỗ về lòng khiêm nhượng, là cám dỗ của lòng tin vào đấng Tuyệt Đối. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!” (Lc.4:9). Tôi đưa mình vào tình huống hiểm nghèo, để bắt Chúa hành động. Nhảy xuống từ nóc Ðền Thờ mà không chết, quả là ngoạn mục! Ta vẫn thích Chúa làm chuyện ngoạn mục cho đời ta. Ta không thích sống trong niềm tin êm ả, như đứa con biết rõ người Cha thương mình, không đòi kiểm chứng.
Tóm lại: Tiền bạc, của cải, sắc đẹp, khoái lạc, bằng cấp, quyền lực, uy tín, danh dự, khoa học, kỹ thuật..v..v.. tất cả những giá trị trên đây đều đáng quý. Nhưng đó không phải là cùng đích của con người. Cùng đích của con người là chính Thiên Chúa, là cuộc sống hạnh phúc đời đời bên cạnh Đấng hằng yêu thương ta.
Ước gì tôi luôn luôn có Chúa kề bên, để Ngài giúp tôi mỗi ngày biết tự cởi trói chính mình, để tôi được tự do hơn mà trở về với Ðấng Tuyệt Ðối của đời tôi.
***
Lạy Chúa Giêsu, bị cám dỗ là thân phận của con người, nhưng thắng được cám dỗ là nhờ ơn của Chúa. Cuộc sống hôm nay cho con biết bao cám dỗ ngọt ngào, làm khuấy động những thèm khát nơi con. Cám dỗ chiếm đoạt và sở hữu. Cám dỗ thống trị bằng quyền lực và tri thức. Cám dỗ sống buông thả bất cần đời…
Cám dỗ nào cũng hứa hẹn nhiều hoan lạc, nhưng thật ra lại làm cho con nghèo nàn hơn, trói buộc hơn vào cái tôi ích kỷ. Xin cho con thắng được các cơn cám dỗ nhờ tỉnh thức và cầu nguyện, nhờ chay tịnh và sám hối ăn năn. Amen
Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Dnl 26:4-10, BĐ2: Rm 10:8-13, PÂ: Lc 4:1-13)