Cô bạn gái của tôi mới qua đời, cô còn khá trẻ, trên cáo phó ở cạnh tuổi cô, có viết hai chữ “hưởng dương”. Gia đình mới hoả táng cô sáng nay. Tôi ở xa cô mấy chục ngàn dặm bay, không đến dự, tôi ngồi ở nhà nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn cây cỏ co ro đang từ từ chết trong mùa đông, nghĩ đến cô, nhớ nụ cười, tiếng nói, liên tưởng đến tro than. Đầu óc tôi trôi bềnh bồng giữa đôi bờ sinh tử, bỗng tôi nhớ đến những lời của đức Đạt Lai Lạt Ma:
“Chết là một phần tự nhiên của sự sống, mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu không sớm thì muộn. Theo tôi thì có hai cách để xử với cái chết trong khi ta còn sống. Hoặc là ta tảng lờ nó, hoặc là ta chạm trán với viễn ảnh cái chết của chính mình, và bằng cách tư duy sáng suốt về nó, ta cố giảm thiểu những khổ đau mà cái chết có thể mang lại. Tuy nhiên, trong cả hai cách, không cách nào chúng ta có thể thực thụ chinh phục được sự chết.”
“Tảng lờ với cái chết,” nghe thật lạ lùng. Một người đang khoẻ mạnh, yêu đời, gia đình êm ấm, công danh thành đạt, bỗng một ngày đi khám sức khoẻ tổng quát, bác sĩ phát hiện ra một căn bệnh hiểm nghèo. Thế là đất trời bỗng mù sương; mặt trời hình như không sáng nữa, ngày tháng không còn phân biệt thu, đông. Những âu yếm nghe như gượng gạo, nụ hôn cho người thân nhuốm chút ngậm ngùi. Đi chụp hình, siêu âm, thử máu, trị liệu, thậm chí nghỉ hẳn công việc đang làm, các giao tế từ từ thưa thớt rồi ngưng hẳn; các chuyến du lịch, đi trong hồi hộp với một vali đầy thuốc rồi cũng phải chấm dứt. Bây giờ ra khỏi nhà chỉ còn có nghĩa là đi đến phòng mạch hoặc vào bệnh viện. Liệu ta có “tảng lờ với cái chết” được không?
Cái chết của con sóc nhỏ. Tôi đi lang thang trên một con đường mòn, đi tản mạn trong buổi sáng, để hít thở trời đất thơm tho vào lồng ngực, hai mắt ngước nhìn những bụi dâu dại bên đường mòn, chân tôi xém chút nữa giẫm phải một con sóc nhỏ nằm giữa lối đi. Tôi cúi xuống nhìn nó, nó chưa chết, hai con mắt nhỏ trong veo nhìn lại tôi. Tôi thấy nó có mấy vết thương nhỏ trên lưng, nhưng một vết thương to trước bụng, và cái chân sau của nó hình như đang muốn rời hẳn ra cái thân bé bỏng. Nó đang hấp hối. Chắc nó bị một con raccoon (mèo rừng) nào đó tấn công, chạy thoát được ra đến đây thì kiệt sức. Con đường mòn buổi sáng chưa đông người “bộ hành” lắm. Tôi ngồi hẳn xuống với nó, tôi muốn cứu nó mà biết không làm gì được. Tôi cứ nhìn vào hai mắt nó, và nó nhìn tôi.
Chắc nó biết là mình đang chết, chắc nó hy vọng tôi sẽ cứu nó. Tôi hoàn toàn bất lực. Tôi ngồi với nó không lâu lắm và chứng kiến nó thở hơi cuối. Tôi đặt tay lên đôi mắt đã nhắm của nó, giống như ai đó vừa vuốt mắt một người thân, nó có cảm thấy cái chạm tay của một người đang thở không nhỉ? Tôi tìm được một cái lá to nhất tôi có thể tìm thấy trong những bụi cây, rồi thu hết can đảm kéo được một phần nào cái thân bé bỏng của nó vào chiếc lá, đầu và chân nó vẫn thò ra. Tôi kéo nó thật sát vào gốc một bụi hoa hồng dại, tìm một cành cây, xới một lũm đất nhỏ, đặt nó xuống, lấy lá khô đắp lên cho nó thành một nấm mồ. Bây giờ đang cuối đông, mưa lạnh, tôi hy vọng thân xác tí teo này sẽ mau chóng tan vào đất . Kiếp sau (nếu có kiếp sau) nó còn còn muốn được làm con sóc bé bỏng nữa hay không? (Tôi tin các con vật đều biết nghĩ).
Cái chết của một dòng sông. Tôi nhớ lại trong một lần về Việt nam, tôi có qua bên kia sông Bạch Đằng (Sài Gòn), Thủ Thiêm. Tôi về để tìm lại những kỷ niệm thân yêu thời còn trung học, những lần qua phà sang nhà người bạn gái. Bạn tôi không biết thất tung phương nào. Những hàng quán, dấu vết cỏ cây để tìm vào con ngõ nhà bạn ngày trước đã bị xoá sạch, như có ai kéo xuống cả một ngôi làng cũ thân yêu, rồi dựng lên đó một con phố mới, không cây, không cỏ, chỉ với những bức tường gạch, vữa, nhô ra, thụt vào, mầu vàng, mầu đỏ. Tôi đi lang thang nguyên một ngày, hỏi han tung tích của bạn mình, hỏi tên con hẻm cũ. Tôi nhận được những cái lắc đầu lạnh nhạt, hoặc có ai đó nói vu vơ rằng cô đó cũng bỏ đi rồi, cô đó hình như chết rồi. Tôi thẫn thờ tìm đường ra lại bờ sông. Con sông sao nước bỗng đổi mầu, đen đến thế! Nó chở trên cái thân mềm yếu, những chuyến tàu máy thả khói nặng nề, những đám rác bốn phương chụm lại, thỉnh thoảng xác xơ, lạc lõng, ngơ ngác một vài cọng lục bình, trôi theo những vật phế thải.
Chao ôi, cô bạn của tôi, cô còn sống hay cô đã chết! Tôi hy vọng được gặp lại cô, ở đâu đó dù cả hai chúng tôi còn sống hay đã chết.
Chao ôi, con sông Bặch Đằng thân yêu của tôi! Nó đang sống hay đang đi dần vào cõi chết. Tôi tin con sông của tôi có linh hồn; nó sống ở đó bao nhiêu năm rồi. Nó chứng kiến sự sống, sự chết của lịch sử, của cả một quốc gia hưng vong, nó chở qua sông biết bao nhiêu kỷ niệm thanh xuân, bao mảnh đời cơ cực, bao nhiêu lần một chiếc áo quan có phủ quốc kỳ; và con người thay nhau thả xuống lòng nó bao nhiêu dị biệt. Con sông sống lâu quá! Thượng Đế cho nó có một đời sống dài quá! Kiếp sau nó còn muốn làm con sông Bặch Đằng nữa, hay không?
Cái chết của một cây thông. Tôi ngắt một bông hoa dại bên đường, đặt lên nấm mộ mới. Ngồi xuống chiếc băng gỗ nghỉ chân, xoa hai bàn tay lạnh vào nhau, một lúc sau, hai bàn tay ấm lại, tôi nhìn xuống gan lòng bàn tay, thấy có mầu hồng hồng, à thì ra máu đã luân lưu vào đó nhiều hơn khi được chà xát. tôi đang sống! Tôi đang ngồi trên một cái băng gỗ, những thanh gỗ tôi đang ngồi với nó được lấy ra từ một thân cây thông tràn đầy nhựa sống. Nó đang véo von ca hát trong rừng mỗi bình minh, hay ngâm bài thơ ngũ ngôn mỗi khi chiều xuống. Một hôm người ta muốn nó chết, nó chết ngay từ phát rìu đầu tiên chém xuống, nó không tự định đoạt đời sống mình. Loài người là thượng đế của nó. Tôi đang ngồi với một đời cây. Giữa tôi và nó là một bản hoà âm sinh tử.
Tôi đang sống hay tôi đang chết? Chắc phải nói tôi đang chết thì chính xác hơn. Mỗi ngày tôi thức dậy, đặt chân xuống đất chào đón một ngày, tức là tôi đã từ giã ngày hôm qua. Tôi cộng thêm một ngày vào tuổi, tôi đi dần về phía bên kia sợi dây đời sống. Khi tôi sinh ra, tôi bắt đầu hao đi từ ngày thứ nhất của sợi dây đời sống, khúc dây đó mỗi ngày tôi lấn một khúc nhỏ. Tôi không biết sợi dây trời cho dài ngắn bao nhiêu, nhưng biết chắc chắn tôi làm nó ngắn đi từng ngày, vì tôi không đi ngược lại ngày đã qua. Tôi đi về phía trước như thế, có nghĩa là tôi đi gần đến một chỗ tôi chưa hề biết (ai đó gọi là thiên đàng hay niết bàn). Tôi không biết tôi sẽ gặp điều gì, gặp ai, ở thành phố nào, quốc gia nào hay chỉ là một cõi mù sương phía trước, nếu tôi không có một tín ngưỡng để tin vào. Nhưng tôi, giả dụ có là một người vô thần thì tôi cũng biết rất rõ những gì tôi bỏ lại. Tôi bỏ lại những người ruột thịt của tôi: chồng, con, cha mẹ, anh em, bạn thân, người quen biết, cái nhà đang ở, cái xe đang đi, mảnh vườn nhỏ tôi chăm bón bốn mùa, con chim thỉnh thoảng đậu ở trước hiên nhà, những hàng cây hai bên đường, thay lá từng mùa; người hàng xóm khó tính bên tay phải, người hàng xóm dễ thương bên tay trái. Tôi bỏ lại những cuốn truyện trên kệ sách, những tác giả tôi thích nhất, những cuốn sách cần thiết như những vị thầy, bỏ lại bài thơ vừa mới viết xong, bài văn đang viết nửa chừng, bỏ dòng nước lững lờ trôi trước cửa, dẫy núi trải dài trên cao, bầu trời nhiều mưa hơn nắng. Tôi bỏ lại tất cả, bỏ dần, bỏ dần từng ngày, thế mà tôi đâu có lúc nào để ý đến việc mình đang từ bỏ. Cho đến một hôm “cái chết đến như kẻ trộm.” Chắc lúc đó tôi mới nhận thấy và hoảng hốt hay điềm tĩnh đối diện.
Bây giờ, người bạn trẻ của tôi, hôm nay đã hoá thành một nắm tro, nằm thinh lặng trong một chiếc bình. Chị đã đi đến cuối sợi dây đời sống trời trao cho chị từ lúc mới sinh ra, sợi dây không dài lắm. Chị đi như thế nào nhỉ? Và tôi nữa, tôi tự hỏi: “chúng ta đi trên sợi dây đời sống như thế nào nhỉ?” Từ lúc sinh ra được cha mẹ thương yêu, nuôi lớn khôn, ăn học, đi làm việc, lập gia đình cho tới khi từ bỏ cuộc đời, chúng ta quay đều như một hạt cát bám vào bánh xe. Bánh xe đời sống quay đến đâu, chúng ta quay theo đến đó, hình như không có lúc nào nghĩ ra rằng, ta có nên bảo nó ngưng lại cho ta nghỉ trong chốc lát hay không? Take a break (nghỉ một lát). Tôi rất thích chữ break (nghỉ) này. Bẻ thời gian ra thành nhiều mảnh, nhặt lấy một mảnh nhỏ, ngồi xuống thở, chơi.
Tôi chỉ sống có một đời. Dài hay ngắn đều do cách tôi suy nghĩ, nhưng tôi sống với điều tôi tin là tốt đẹp, dù đôi khi tôi phải trả cái giá tốt đẹp này bằng những giọt lệ. Một đời như thế, chắc cũng sống đủ lắm rồi.
Có người đã nói: “Nhìn cái chết là đoạn cuối của cuộc đời, chẳng khác nào bạn nhìn đường chân trời bảo đấy là điểm cuối của đại dương”.
Hôm nay, tôi thở, tôi sống, tôi làm thơ, cùng với người bạn, con sóc, dòng sông, cây thông đã qua đời. Một bản hoà âm sinh tử.
Ngày mai thuộc về ngày mai.
Trần Mộng Tú