Điểm qua khuôn mặt của mười hai môn đệ đầu tiên của đức Giêsu, có lẽ nhân vật khơi nhiều lý thú cho tôi không ai hơn chính là Giuđa. Trong Thánh Kinh, mỗi lần nhắc đến tên Giuđa Iscariôt, tác giả không những đặt cái tên Giuđa ở cuối cùng trong danh sách mười hai mà còn kèm theo cái đuôi ‘kẻ phản bội’, Giuđa kẻ phản bội. Tại sao lại phải gán cái danh từ ‘kẻ phản bội’ cho Giuđa mà không gán cho mười một vị kia? Đọc Thánh Kinh, ta thấy rõ ràng các môn đệ ai ai cũng đã từng ít nhất một lần bỏ đức Giêsu chạy thoát thân một mình vì sợ hãi đó sao! Lúc đức Giêsu bị quân gian hung dữ mang gậy gộc mã tấu vây tứ bề ở vườn Ghetsêmani, tất cả môn đệ đều ba chân bốn cẳng chạy thục mạng không còn một mống. Đó cũng là một hành động phản bội vậy. Hung hãn nóng tính như Phêrô người anh đầu đàn trong nhóm mười hai, không những cũng dùng đến tẩu vi thượng sách mà còn chối thầy mình lia lịa tới ba lần trước mặt một đứa đầy tớ gái. Khi chị ta nhận ra Phêrô là một trong đám mười hai, Phêrô ba lần đỏ mặt tía tai “Ê chị kia, đừng nói bậy nghen, tui hổng biết cái ông Giêsu đó là ai đâu à. Đừng có nói oan cho tui chớ.” Phải chi là một đấng trượng phu vai u thịt bắp làm cho Phêrô khiếp sợ ta còn thông cảm cho, đằng này chỉ là một đứa đầy tớ gái thôi mà Phêrô đã khiếp hãi đến thế. Đúng là quê một cục! Cái câu “chối như Phêrô chối Chúa” về sau được dùng để chê bai những kẻ hèn nhát không dám nhìn sự thật. Thế tại sao chỉ có một mình Giuđa bị cái nhãn ‘kẻ phản bội’ nhỉ? Các tác giả Thánh Kinh có thành kiến với Giuđa chăng? Bất công cho Giuđa chăng?
Nhóm mười hai môn đệ đầu tiên, hầu hết là dân chài cá hoặc làm ruộng. Nếu hầu hết là dân mù chữ thất học thì xem ra Giuđa Iscariôt có lẽ là một nhân vật sáng giá, có tài có học. Giuđa có đầu óc thực tế bén nhạy, một con người biết tính toán. Chính vì điểm này có lẽ Giuđa là người được chọn làm quản lý chăm lo những nhu cầu thường nhật của đức Giêsu và những người theo Ngài. Một công việc đòi hỏi sự lanh lẹ tháo vát và biết tính toán. Có thể nói Giuđa là người đóng vai trò ngoại giao chăm lo những nhu cầu ‘thế tục’ để các vị kia có thời gian theo đức Giêsu mà chăm lo việc ‘nước trời’. Theo Phúc âm thánh Marcô, câu chuyện đức Giêsu một ngày kia đang cùng các môn đệ dùng bữa tại nhà ông Simon, bỗng dưng có một phụ nữ đem đến một chai dầu thơm quí giá, đập vỡ chai dầu, rồi chị ta lấy dầu xức lên đầu Giêsu. Tương truyền Giuđa chính là người cảm thấy bực bội và phản đối “Sao lại phí thế! Đem chai dầu bán cũng được hơn 300 đồng bạc, lấy số tiền đó đi giúp người nghèo có phải thực tế hơn không.” Quả là một Giuđa với đầu óc biết tính toán và thực tế. Chúng ta đừng quên rằng, cũng như bao nhiêu môn đệ khác, Giuđa cũng đã hy sinh từ bỏ mọi sự mà theo đức Giêsu. Giuđa là người có thiện chí lúc ban đầu.
Tất cả các môn đệ theo đức Giêsu đều ôm ấp một tham vọng riêng tư kín đáo, một hoài bão có tính chất chính trị. Đức Giêsu đang là một nhân vật tiếng tăm, làm nhiều phép lạ, dân chúng đã từng ùn ùn kéo nhau theo Ngài, họ đòi tôn Ngài làm vua, nhất là sau phép lạ năm chiếc bánh và hai con cá. Ai ai cũng tin rằng sớm muộn đức Giêsu sẽ làm một cuộc cách mạng, lật đổ đế quốc La mã, khôi phục một quốc gia Do thái độc lập. Lúc ban đầu, các môn đệ theo đức Giêsu vì muốn được chia chác quyền lực về sau, chứ không ai trong họ nghĩ đến số phận một ngày kia phải rơi đầu đổ máu làm chứng cho đức Giêsu. Phúc âm thánh Mathêo tường thuật câu chuyện bà Zêbêdê, mẹ của hai môn đệ theo Giêsu, một ngày kia kín đáo đi cửa sau đến năn nỉ Giêsu, đại khái “Thầy ơi, sau này cách mạng có thành công, ngai vua thầy cứ ngồi, còn hai đứa quí tử của con đây, thầy cho một đứa ngồi ghế thủ tướng, một đứa ngồi ghế bộ trưởng trong nội các, thầy đừng quên nhé.” Mười vị kia đã đùng đùng nổi giận sau khi khám phá ra âm mưu đâm thọc sau lưng chiến sĩ của ba mẹ con nhà Zêbêđê. Phêrô sau khi được đức Giêsu cho biết mình sẽ lên Gêrusalem nạp mạng và chịu chết ở đó, vội vàng kéo thầy qua một bên trách “Ậy, thầy chớ nói dại. Cách mạng chưa thành công sao thầy lại nói những chuyện xui xẻo như thế.” Con đường theo Giêsu của các môn đệ ở lúc ban đầu là con đường của thế lực và quyền lợi. Như vậy chúng ta thấy được cái bản chất rất là con người ở các môn đệ thân tín nhất của đức Giêsu mà Giuđa không phải là ngoại lệ.
Giuđa dĩ nhiên cũng có ôm ấp những tham vọng riêng tư của mình như bao nhiêu môn đệ khác. Hậu quả của sự mưu mô tính toán rất con người của Giuđa tiếc thay đã đem đến thảm kịch mà chính Giuđa cũng không lường trước được. Có giả thuyết cho rằng, khi bán thầy Giêsu với giá 30 đồng bạc, Giuđa làm thế không phải vì ham tiền (so với chai dầu thơm 300 đồng bạc). Giuđa làm thế là để đặt Giêsu vào một cái thế phải ra tay. Một thế đã xong rồi mà không còn một sự chọn lựa nào khác hơn. Giuđa tin chắc rằng đức Giêsu một khi đã ở trong thế bị bắt, Ngài phải ra tay hành động để tự cứu mình. Như thế là nổi dậy chống lại nhà cầm quyền, đưa đến một cuộc cách mạng hy vọng sẽ thành công. Các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà đã có đầy đủ, thời cơ cho cuộc cách mạng đã đến. Thầy Giêsu còn chờ đợi gì nữa. Bao nhiêu phép lạ Ngài còn làm được, câm điếc què quặt Ngài còn chữa lành, kẻ chết Ngài còn làm cho sống lại chẳng lẽ Ngài không tự cứu nổi bản thân mình. Tiếc thay, đường lối tính toán của con người không phải là đường lối tính toán của Thiên Chúa. Mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên. Giuđa đã thất bại ở chỗ đó. Đức Giêsu đã không ra tay tự cứu mình như Giuđa tưởng. Khi nhìn ra điểm này, Giuđa đã hối hận, đem trả lại 30 đồng bạc và đã thắt cổ tự vận. Xem ra đồng tiền chưa chắc là lý do chính yếu đưa đến sự phản bội của Giuđa. Giuđa tưởng mình lanh lẹ cơ trí hơn người, nhưng Giuđa đã thất bại. Sự thất bại của Giuđa là ở chỗ Giuđa chỉ biết dựa vào sự tính toán cơ trí của con người mà gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi kế hoạch.
Thật ra nói chuyện Giuđa là để ôn cố tri tân. Câu chuyện Giuđa tuy là câu chuyện của quá khứ nhưng có nhiều điểm liên quan và phù hợp với câu chuyện của con người ngày nay. Chúng ta những môn đệ theo chân Chúa ngày nay, chúng ta không khác các môn đệ thủa ban đầu của đức Giêsu lắm đâu. Trong mỗi con người chúng ta ai ai cũng có tiềm tàng một Giuđa tính toán ở đâu đó. Ai ai cũng ôm ấp một kỳ vọng kín đáo của một môn đệ theo chân Chúa. Một kỳ vọng có thể là vô tư thôi, chứ không có tính ích kỷ gì. Nhưng sự tính toán của chúng ta cũng có thể như Giuđa, chúng ta đặt Chúa vào thế đã xong, một cái thế bắt Chúa phải ra tay chứ không còn sự chọn lựa nào khác. Chúng ta sắp xếp an bài mọi chuyện theo sự tính toán của mình rồi muốn Chúa cứ theo đó mà thi hành. Chúng ta sốt sắng đọc kinh đi lễ, tưởng đâu như thế là Chúa sẽ nghe lời mình. Chúa đã chẳng từng nói cứ xin thì sẽ được gõ cửa sẽ mở cho đó là gì. Chẳng lẽ Chúa hứa lèo! Nếu thành công mỹ mãn như sự tính toán của mình, chúng ta thấy Chúa sao mà vĩ đại quá, đáng yêu đáng kính quá. Nhược bằng thất bại ngoài ý, chúng ta trách cứ sao Chúa không ra tay cứu giúp, sao trời lại nỡ phụ lòng người. Đó cũng là một Giuđa đang tiềm ẩn đâu đó trong mỗi con người của chúng ta. Một Giuđa muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi sự tính toán kế hoạch của mình. Mỗi khi soi mình trước tấm gương sống đạo của chính bản thân, tôi thấy hình như cũng có một Giuđa đang phảng phất đâu đó.
Lm. Phan Đình Quang SVD
quangdphan@yahoo.com