MẦU NHIỆM MÂN CÔI: Năm sự vui – Mầu nhiệm thứ bốn:
Theo trình thuật của Luca thì Thánh Gia Thất còn lưu lại ở niềm Nam cho tới sau ngày thứ bốn mươi mới trở về Nadarét. Trong thời gian dài này Thánh Gia Thất trú ngụ ở đâu? Có thể giả thiết rằng sau khi Mẹ và Con đều cứng cáp, thì Thánh Gia Thất đến trú ngụ ở ngôi nhà rất thân thương ở Sin Karim. Đó là nhà bà Êlisabét, nơi mà Đức Maria đã ở đó ba tháng. Hai chị em lại sung sướng hàn huyên về lịch sử cứu độ. Êlisabét thì được bồng ẫm Đấng Cứu Thế. Maria thì được bồng ẫm vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế, lại có thêm hơn một tháng tuyệt vời.
Khi bé Giêsu được 40 ngày tuổi, thì Đức Maria bồng con lên Đền thờ Giêrusalem để chu toàn hai điều luật: Dâng con trai đầu lòng cho Chúa Giavê; thanh tẩy người mẹ đã mắc uế, vì có chảy máu khi sanh con.
Nhân dịp này có một cụ già tên là Simêon. Ông chỉ mơ ước được thấy Đấng Cứu Thế trước khi chết. Hôm ấy ông linh cảm Đấng Cứu Thế đang ở trong Đền Thờ. Ông đến. Ông gặp. Ông xin được bồng Đấng Cứu Thế bốn mươi ngày tuổi. Ông mừng quá. Ông xin được chết.
Với kinh nghiệm dày cộm của một ông già đạo đức, ông mô tả Đấng Cứu Thế như một tảng đá để cho người này vấp ngã và để cho người kia được đứng lên.
Ông nhìn Đức Maria với ánh mắt thương cảm và tiên báo đời của Mẹ Đấng Cứu Thế sẽ khổ lắm. Khổ như có một lưỡi dao đâm thủng trái tim Mẹ yêu dấu.
Mẹ dâng con vào Đền thờ, con chẳng thấy có gì vui. Con hận! Hận lắm.
Con hận ông già Simêon vì ông thật thà quá. Ông nói tiên tri đời Mẹ sẽ khổ vô cùng. Khổ suốt đời. Khổ vì con.
Lúc ấy Mẹ mới chừng mười bảy tuổi, tuổi đang khủng hoảng để trưởng thành; tuổi thôi làm con nít, nhưng chưa làm người lớn; tuổi còn đang sống với mơ hơn là sống với thực; tuổi thấy đời nhiều màu hồng hơn màu tím. Vậy mà ông nỡ tâm xán trên đầu mẹ một câu nói, một sự thật tàn nhẫn đến mức độ người trải đời cũng không chịu nổi. Người mẹ mười bảy tuổi phải nhìn đứa con bốn mươi ngày tuổi như một lưỡi dao sắc xuyên qua tim mình. Hình ảnh này in hằn vào ký ức của người mẹ trẻ không thể xóa được. Mẹ biết Mẹ sẽ khổ suốt đời vì con. Nhưng con không thấy Mẹ thất vọng. Mẹ vẫn can đảm. Mẹ vẫn đứng. Đứng mãi cho tới khi Con của Mẹ bị treo trên khổ giá. Mẹ là người đàn bà vĩ đại, xuất thân từ gian khổ, gian khổ tàn nhẫn.
Mẹ yêu dấu,
Con lại hận luật Môsê. Luật Môsê bảo rằng đàn bà sanh con có chảy máu nên bị uế và phải được thanh tẩy. Sanh con có mất máu, đó là công trình sáng tạo của Chúa Cha, tại sao lại bảo là uế.
Mẹ thánh thiện như thế; Mẹ sanh Đấng Cứu Thế cao cả là như vậy mà tại sao lại bảo là uế và bắt Mẹ phải làm lễ thanh tẩy. Con cho đó là một sự xúc phạm đến Mẹ, đến cuộc đời đầy ân sủng của Mẹ. Thôi, xin Mẹ tha thứ cho luật Môsê. Phần con thì cũng chẳng muốn hận làm chi nữa, vì luật ấy đã cũ rồi “và cái gì cũ kỹ, lỗi thời thì sắp tan biến đi”( Dt 8, 13)
Lm Piô Ngô Phúc Hậu