LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

zzThánh Gioan Thánh Giá nói rằng: “Nơi thập giá, Thiên Chúa đã nói hết tất cả những gì cần phải nói với con người.” Vậy thì, thập giá Đức Kitô nói với chúng ta điều gì? Thập giá là chữ T, nói với chúng ta về ba chữ T khác đó là: Tình Yêu, Tội Lỗi và Tha Thứ.

1. Thập giá nói về chữ T thứ nhất, Tình Yêu của Thiên Chúa

Trước hết, thập giá nói với chúng ta về Tình Yêu lớn lao của Thiên Chúa: Thánh Gioan nói rằng: “Quả thế, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 15).

Khi yêu ai thì muốn thuộc về và nên một với người đó. Vì chúng ta nên Đức Kitô bước vào đời, nói như thánh Phaolô là “Người hủy bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người.” Thiên Chúa đảm nhận, cưu mang và chia sẽ mọi nỗi vui buồn, sướng khổ của kiếp người, từ tiếng khóc oa ao chào đời, từ mồ hôi, nước mắt và nụ cười của cuộc sống chúng ta.

Và vì yêu chúng ta nên Đức Kitô bước lên thập giá. Thiên Chúa đau nỗi đau của chúng ta như người mẹ đau nỗi đau của đứa con mình. Nên Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Quả thế, cái chết trên thập giá tột đỉnh của việc Thiên Chúa quay ra đối nghịch với mình, trong đó Ngài trao ban chính mình để nâng con người dậy và cứu rỗi con người. Đây là tình yêu ở dạng thức cao nhất. (x. Thông Điệp Deus caritas est, s. 12), một tình yêu dám hiến mạng vì người mình yêu.

2. Thập giá nói về chữ T thứ hai, đó là tội lỗi chúng ta

Khi người Do Thái phạm tội chống lại Thiên Chúa, họ bị rắn cắn. Thiên Chúa truyền cho ông Môisê hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được lành. Việc treo con rắn là nhắc nhở cho họ nhớ lại tội lỗi mà họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa (bài đọc I).

Cũng thế, Thập giá Đức Kitô nhắc nhở chúng ta ý thức rằng, tất cả chúng ta là tội nhân. Tội lỗi của con người thật lớn lao và nặng nề. Thánh Catarina thành Siena chiêm ngắm thập giá và thốt lên rằng: “Thập giá của Chúa không phải là một sự đùa giỡn.” Tuy không mắc tội tình gì nhưng Ngài đã phải chết trên Thập giá, một cái chết nhục nhã, đau đớn và tức tưởi. Theo như lời Kinh thánh (1Cr 15, 3), Đức Kitô đã chết thay, chết vì tội chúng ta. Mọi tội lỗi người đã gánh trên vai người. Mọi đau khổ người đã hứng chịu thay cho chúng ta!

3. Nhưng thập giá nói với chúng ta về chữ T thứ ba, sự tha thứ

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ và oán thù, thì thập giá của Đức Kitô là biểu tượng của lòng tha thứ và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho chúng ta.

Thập giá không có Đức Kitô trở thành khổ giá, nhưng thập giá có Đức Kitô trở thành thánh giá, là nguồn ơn cứu độ, là công cụ hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người và giữa loài người với nhau. Qua thánh giá Đức Kitô chứng tỏ rằng tình yêu chiến thắng tất cả, lòng tha thứ lớn lao hơn sự hận thù và khỏa lấp mọi tội lỗi. Nhờ thánh giá mà chúng ta được tha thứ, được cứu độ và được làm con cái của Thiên Chúa.

Thánh Edit Stein trong đêm tối lao tù của đế quốc xã, suy ngắm thập giá Chúa và thốt lên rằng: “Tôi thấy bình minh của thế giới đang bắt đầu ló dạng qua thập giá Đức Kitô.”

Như vậy, việc suy tôn thánh Giá, chính là suy tôn chính Đức Kitô và suy tôn con đường Chúa đã đi, vì “yêu ai yêu cả đường đi” (ca dao). Nhưng việc suy tôn thánh giá ở trong nhà thờ phải được kéo dài trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nghĩa là tất cả chúng ta được mời gọi trở thành những nhân chứng tình yêu của Chúa, trở thành chứng nhân của lòng tha thứ, trở thành công cụ cứu độ của Chúa cho những người xung quanh mình, nhất là những người đau khổ, bệnh tật và nghèo đói. Amen!

LM Phêrô Nguyễn Hương
Nguồn: http://www.vietcatholic.net