Buồn phiền đến gần như tuyệt vọng vì những lời chỉ trích, vu oan, anh Lưu Chung tìm đến với nhà hiền triết Phong Sai, đang ẩn tu trên ngọn núi gần đó, để giải bày tâm sự. Sau khi lắng nghe tất cả những lời than phiền của anh, nhà hiền triết hỏi: Thế thì anh nghĩ và xác tín rằng, để sống hạnh phúc, anh phải luôn luôn được mọi người khen tặng, có phải vậy không? Anh Lưu Chung vui vẻ thưa nhanh: Thưa Thầy, đúng vậy. Ðược mọi người luôn luôn khen mình, đó là lý tưởng con muốn đạt tới để sống hạnh phúc. Nhà hiền triết Phong Sai liền lấy từ trong bọc ra một viên đá quý và nói: Ðây anh hãy cầm lấy và luôn giữ nó trong người. Viên đá quý này có sức vạn năng làm cho bất cứ ai anh gặp, và trong bất cứ hoàn cảnh nào, đều nói lời khen tặng anh. Từ nay, anh sẽ không còn ai nói xấu hay chỉ trích, khinh chê anh nữa. Anh Lưu Chung vui vẻ nhận viên đá và hết lòng cám ơn nhà hiền triết, rồi vội vã xuống núi ngay.
Bảy ngày sau, anh trở lại tìm nhà hiền triết, để trả lại viên đá quý. Nhà hiền triết không lấy làm ngạc nhiên gì cho lắm, vì đã đoán trước thế nào anh cũng sẽ trở lại hoàn trả viên đá quý này. Anh Lưu Chung nói với nhà hiền triết như sau: Thưa Thầy, lời thầy nói rất đúng. Viên đá này thật là hiệu nghiệm. Trong bảy ngày qua, bất cứ đi đâu và gặp ai, con luôn luôn nhận lời khen tặng. Con xin cám ơn thầy đã mở mắt cho con thấy một sự thật. Nhà hiền triết ngắt lời: Sự thật nào đây? Thưa thầy, con kinh nghiệm rằng, khi tất cả mọi người luôn luôn khen tặng con, đồng ý với con, thì lúc đó đời sống con trở thành nhàm chán.
********************************************
Lời khen tặng không thể mang lại cho con người hạnh phúc thật. Sống trong sự khen tặng luôn luôn làm cho con người trở thành nhàm chán. Ðành rằng con người có khuynh hướng thích được khen, được mọi người đồng ý với mình. Nhưng nếu phải luôn luôn sống trong sự khen tặng, thì thật là không có gì nguy hiểm bằng. Nơi thư Corintô, thánh Phaolô đã dành nhiều lời giảng dạy để thức tỉnh các tín hữu đừng đi tìm hư danh, đừng làm bất cứ điều gì chỉ để được khen thưởng. Ðặc biệt nơi chương 11 thư thứ hai Corinto cho đến chương 12, câu 10, thánh Phaolô tông đồ đã viết như sau: “Nếu tôi phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi. Thiên Chúa, Ðấng đáng chúc tụng muôn đời, là Cha của Chúa Giêsu, biết rằng tôi không nói dối… Phải tự hào ư? Nào có ích gì?… Và để tôi khỏi tự cao tự đại, vì những mạc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Ðã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng người quả quyết với tôi: Ơn ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Chúa Kitô. Vì khi tôi yếu là lúc tôi mạnh” (2Cr 11,30-12,10).
Quan niệm trần tục không thể nào hiểu được thái độ sống trên của thánh Phaolô tông đồ. Ðó là mẫu người bị chê là khùng điên trước mặt người đời. Chúng ta có can đảm chấp nhận bị cho là khùng điên vì Chúa Giêsu Kitô hay không, vì chúng ta sống không chỉ vì mục đích được khen tặng, được mọi người nói tốt về mình? Sống vì lời khen ngợi của người đời, chúng ta dễ dàng chối bỏ đức tin, như một số người lãnh đạo dân Do thái thời Chúa Giêsu ngày xưa. Tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan đã nhận xét sâu sắc như sau: Ngay cả trong giới lãnh đạo Do thái cũng có nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu. Nhưng vì sợ nhóm Pharisiêu, họ không dám xưng ra, kẻo bị khai trừ khỏi Hội đường. Thật thế, họ ưa chuộng vinh quang của người phàm hơn là vinh quang của Thiên Chúa (Ga 12, 42-43).
********************************************
Lạy Chúa, xin thương mở lòng trí cho con hiểu và yêu mến giáo huấn của Chúa, cho con biết chấp nhận hy sinh từ bỏ, và dâng lên những vui buồn sướng khổ, kết hiệp với hy tế của Chúa mà góp phần mưu ích cho bản thân và anh chị em xung quanh. Amen!
R. Veritas