Trong thời Chúa Giêsu, giấc mơ của những nông gia nghèo hèn ở Pa-lét-tin là có được một tháp canh trên phần đất sở hữu của mình. Trong mùa gặt, họ có thể ở trên tháp canh, coi chừng những kẻ xâm phạm cùng những súc vật và như thế, bảo đảm hoa màu của mình khỏi bị thất thoát.
Những người nghe Chúa Giêsu nói lúc bấy giờ đều hiểu giá trị của cây tháp canh như thế nào. Họ hiểu thật ngớ ngẩn khi bắt đầu xây cất mà trước tiên không tính toán sở phí. Người nông gia khởi công xây cất mà hết tiền, khi nền móng vừa xây xong, sẽ làm trò cười cho biết bao người trong cộng đồng địa phương.
Tính toán sở phí
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để diễn tả như sau: Trước khi các bạn theo tôi, hãy suy nghĩ cho kỹ, tính toán hơn thiệt. Tôi không chút nghi ngờ là bất cứ ai khi nghe đoạn Phúc Âm nầy mà không cảm kích sâu xa về sự lương thiện tuyệt đối của Chúa Giêsu. Ngài không bao giờ do dự nói rõ ràng là người ta trông đợi điều gì khi theo Chúa Giêsu. Ngài nói rõ hết ý định của Ngài, không chút giấu diếm
Ngoài ra, Chúa Giêsu không bao giờ tẩy não bất cứ ai. Trái lại, Ngài đã mô tả việc theo Ngài bằng những ngôn từ có tính cách thực tế và ai cũng có thể hiểu được: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 27).
Nói rõ hơn, Ngài truyền dạy: Hãy vác thánh giá mình và theo Ngài. Ngài không bao giờ tự áp đặt mình lên trên người khác nhưng luôn luôn dành chỗ cho họ chọn lựa và ngay cả khước từ nữa.
Một người chơi đàn piano nổi danh trong các buổi trình diễn đã trả lời một cuộc phỏng vấn trên vô tuyến truyền hình về những sự hy sinh cần thiết phải có để đạt tới sự thành công trong nghề nghiệp: “Khi người ta quyết định hy sinh cuộc đời cho âm nhạc, người ta không bao giờ ngó lui đằng sau. Người ta chỉ nói một cách đơn giản như sau: Ngoài âm nhạc ra, không có gì hết.” Thật hấp dẫn và cũng đầy hứng khởi.
Điều đó không khác với những đòi hỏi của Chúa Giêsu. Người ta không thể có cuộc sống mà không đau khổ. Điều đó rất chính xác đối với mọi cuộc sống. Mọi tiến bộ y khoa xem ra phải trải qua sức ép của khổ đau. Chim cần sức đề kháng của gió để bay tới và bay cao. Cá cần sức đề kháng của nước để dùng vây bơi tới như những mái chèo.
Kitô hữu cần thánh giá. “Không đau khổ, không tiến bộ” không phải là một thành ngữ vu vơ. Kitô giáo dành cho những người mang con tim quả cảm, không phải cho những người giỏi giang lúc ban đầu nhưng không giỏi giang đến phút cuối, giống như những người được nhắc tới trong đoạn Phúc Âm nầy đã khởi công xây cất nhưng không thể hoàn thành được.
Khi cố công dùi mài, người ta có thể thất bại nhiều lần, nhưng mỗi lần ngã xuống, người ta chỗi dậy và bắt đầu lại. Cụm từ “bỏ cuộc” không có trong ngôn ngữ Kitô giáo.
Đôi khi chúng ta hiểu tại sao Chúa đã dựng nên cuộc sống khó khăn như thế. Một em bé không thích rau cải đã hỏi người mẹ: “Tại sao Chúa đã để vitamin trong rau cải mà không để trong kem lạnh?” Bà mẹ trả lời: “Mẹ lo sợ là cuộc sống cũng giống như thế đó!”
Vẻ đẹp còn lại
Hai họa sĩ người Pháp là Henry Matisse và Auguste Renoir là đôi bạn tri âm, mặc dù Renoir lớn hơn Matisse hai mươi tám tuổi. Trong những năm cuối đời, Renoir gần như bị co quắp vì chứng viêm khớp. Tuy nhiên Renoir vẫn vẽ mỗi ngày và khi những ngón tay không còn mềm mại đủ để cầm cây cọ cho đúng, Renoir và bà vợ là Alice đã buộc cây cọ vào bàn tay ông để ông có thể tiếp tục hội họa.
Matisse thăm viếng ông hằng ngày. Một bữa kia, khi nhìn bạn mình co rúm lại hết sức đau đớn mỗi khi phết lên một nét tô màu, anh hỏi: “Auguste ơi, sao bạn còn tiếp tục vẽ khi bạn đang ở trong tình trạng hấp hối như thế?” Renoir đáp lại ngay: “Vẻ đẹp còn lại, sự đớn đau qua đi.”
Sự đam mê nghệ thuật đã chế ngự sự đau đớn của Renoir và làm cho ông có thể hội họa cho tới ngày lìa đời. Những ai còn tiếp tục say mê ngắm nhìn vẻ đẹp lưu lại trên những bức tranh rạng rỡ của ông, những phong cảnh ông vẽ ra, những nét sống tĩnh lặng của hoa quả trong các bức tranh… sẽ không tìm thấy dấu vết của sự đớn đau đòi hỏi phải có để sáng tạo ra chúng. Nhưng mọi người đều đồng ý là cái giá phải trả thật xứng đáng.
Thật đáng giá
Chúa Kitô đã hứa hẹn với các môn đệ không phải là mẩu-bánh-trên-trời khi họ nhắm mắt, nhưng là thánh giá. Nếu người ta lấy thánh giá ra khỏi Kitô giáo, người ta sẽ giết chết tôn giáo đó không chút tiếc thương.
Nếu chúng ta không cảm thấy bị dằn vặt, dày vò thì chúng ta chưa nhận được sứ điệp của Phúc Âm. Chúa Kitô đã quả quyết với chúng ta là nếu chúng ta lưu lại với Ngài thì Ngài và chúng ta cùng nhau sẽ làm nên đại cuộc, chúng ta sẽ xây nên những tháp canh lớn. Chúa Giêsu luôn đòi hỏi nhiều hơn, chứ không bao giờ ít hơn.
Là những Kitô hữu, chúng ta đang đi theo một vị lãnh đạo bị đóng đinh. Ngài vẫn ở với chúng ta trên mỗi bước đường đời như là bạn đồng hành của chúng ta. Khi chúng ta đi tới đoạn cuối hành trình, Ngài đoan hứa là sẽ đưa tay ra chào đón chúng ta.
Đức Hồng Y John Henry Newman đã nói lên những ngôn từ thật tuyệt vời: “Khi cơn sốt cuộc sống qua đi và công tác của chúng ta đã làm xong, Ngài sẽ cho chúng ta một chỗ ở an toàn, một nơi nghỉ ngơi linh thánh và cuối cùng được bình an.” Đau khổ mà chúng ta đã chịu đựng trên đường đời thật đáng giá!
LM Vincent Travers, OP – Hương Vĩnh chuyển ngữ