Một mùa Chay tôi được mời đến giúp tĩnh tâm cho một giáo xứ ở vùng đất đỏ Tây nguyên. Buổi sáng nọ cha xứ nhờ tôi vào buôn giải tội cho người Dân tộc. Khi vào làng thì một số giáo dân người Dân tộc đã chờ sẵn ở nhà nguyện để đón nhận bí tích giải tội. Mùa này là mùa thu hoạch điều nên một số đã đi làm rồi vì tôi vào hơi trễ. Sau khi giải tội cho khoảng 60 người xong thì một anh giáo lý viên chở tôi vào các nhà có người bệnh để tiếp tục giải tội; xong anh chở tôi đến cuối làng để giải tội cho những người bệnh phong đang sống cách ly.
Có sáu người Dân Tộc phong ở đó và chỉ có một người nói được tiếng Kinh bập bẹ, nên họ cứ dọn mình và xưng tội bằng tiếng địa phương, còn tôi cứ ban phép giải tội bằng tiếng Kinh. Vì không thấy có cái ghế nào để ngồi nên tôi ngồi nơi thềm đất sát vách nhà và họ đến ngồi cạnh tôi để xưng tội. Khi người phong cuối cùng đến đón nhận bí tích hòa giải thì anh ta dơ tay ra để bắt tay tôi. Nhìn đôi bàn tay của anh tròn nhẵn không còn một ngón tay làm tôi hơi ngần ngại một chút nhưng rồi cũng dơ tay ra bắt tay anh. Khi nắm lấy tay anh thì tôi thấy có chất gì nhờn nhờn nơi tay mình và cảm thấy có mùi hôi. Sau khi giải tội xong tôi hỏi nhỏ anh giáo lý viên và được biết những người Dân tộc này đang sống cách ly vì mang bệnh phong. Tôi đã có kinh nghiệm làm việc với người bệnh phong một mùa hè ở Ấn Độ nên không lo lắm, chỉ cần có thuốc sát trùng để rửa sau khi tiếp cận với họ là được. Nhưng trong buôn thì khó tìm được thuốc sát trùng để rửa.
Khi anh giáo lý viên chở tôi trở lại nhà nguyện trong buôn, tôi nhờ anh kiếm tôi cục xà bông để rửa tay. Anh đi hỏi từ nhà này qua nhà khác, và đến căn thứ tư mới tìm được ít xà bông giặt đồ để tôi rửa tay. Cũng tốt thôi, vì xà bông giặt tẩy mạnh hơn xà bông thường, nhưng điều này cũng nói lên rằng trong buôn không có dùng xà bông rửa tay. Và thật ra xà bông giặt đồ cũng chẳng mấy ai có ở trong buôn đâu. Tiền mua đồ ăn còn không có thì lấy gì mua xà bông. Tôi hỏi anh ở đây có xà bông tắm không thì anh cho biết là lâu lâu có người bỏ một ngàn mua một gói xà bông gội đầu để tắm. Tôi hỏi anh lần cuối cùng anh dùng xà bông gội đầu thì anh chỉ cười trừ vì đã lâu lắm rồi anh chưa đụng đến xà bông. Các phụ nữ lâu lâu mới ráng chắt chiu ít tiền để mua xà bông gội đầu, còn thông thường thì các cô dùng nước vo gạo để gội đầu và tắm. Còn đàn ông thì vẫn theo chủ nghĩa “ở dơ sống lâu!”
Đôi khi tôi gặp một số anh chị em thiện nguyện từ Sàigòn đến ủy lạo gạo mì và áo quần cho anh chị em Dân tộc, nhưng một vài người không hiểu nên than phiền là người Dân tộc không chịu giặt đồ. Họ cứ mặc cho thật dơ xong thì vất, rồi lại đi xin đồ khác về mặc, nên phát áo quần hoài mà chẳng bao giờ đủ cả. Hồi đầu nghe họ nói thì tôi cũng chỉ biết vậy thôi. Dần dà tôi mới biết người Dân tộc nghèo quá, của ăn còn không đủ thì lấy gì mà mua thứ khác. Nhà của người Dân tộc nhìn xuyên từ ngoài vào trong còn được vì không có tiền để sửa chữa lại, vậy thì đầu óc đâu để lo đến chuyện sạch sẽ và đẹp đẽ. Nói họ không giặt giũ thì không đúng, vì họ cũng giặt đồ ở suối khi đi làm về, chẳng qua là không có xà bông mà thôi. Vả lại toàn đường đất đỏ, nên dù có giặt xà bông tinh tuyền đi nữa thì chỉ qua một ngày là áo quần lại nhuốm màu đỏ của đất.
Mùa Chay là mùa Giáo Hội nhắc nhở chúng ta giặt giũ và dọn vệ sinh, không phải áo quần hay thân xác bề ngoài, mà là dọn dẹp và giặt giũ tâm hồn để cùng chết với Chúa Kitô và cùng sống lại với Ngài. Nếu thân thể tôi bị dơ thì tôi biết dùng xà bông để rửa cho sạch vết nhơ. Còn tâm hồn tôi bị nhơ uế thì tôi cứ nại ra bao nhiêu lý do để từ từ rồi giải quyết, vì thế tâm hồn tôi cứ luôn bị dơ, không chừng tôi cũng đang theo chủ nghiã “ở dơ sống lâu!” chăng? Hôm nay giáo hội tha thiết mời tôi chạy đến với Chúa, qua Giáo hội, để lãnh nhận bí tích hòa giải để được tẩy xóa những vết nhơ uế trong tâm hồn.
Sáng hôm qua tôi vào dâng Lễ ở nhà tù, khi xong Lễ chuẩn bị đi về thì tôi đứng lại nói chuyện với một anh cảnh sát coi tù nhân. Anh nói anh là người Công Giáo nhưng lâu rồi không còn tha thiết đến bí tích Hòa Giải. Anh nghĩ rằng cứ đi xưng tội xong rồi cũng phạm lại những tội đó như cũ, nên anh không muốn đi xưng tội nữa! Vì lý luận như thế nên anh nhìn những người tù nhân cũng giống như vậy. Họ là những người gây tội, hết tội này rồi đến tội khác. Họ vào tù ra khám như cơm bữa, mắc gì Giáo hội cứ cử người đến ban phát tình thương của Chúa cho họ! Phải chăng lý luận của anh lính bị sót đi một điều chính yếu là lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm cho Ngài chẳng bao giờ nhớ đến những tội lỗi của nhân loại, ngay cả tội giết chết Con Một của Ngài? Như vậy phải chăng một đặc tính của Thiên Chúa là nhân đức hay quên!?! Hay vì Thiên Chúa quá yêu con người nên tiếp tục kiên nhẫn chịu đựng sự bất trung của con người từng ngày một với hy vọng một giây phút nào đó kẻ tội nhân ăn năn thống hối quay về đón nhận Lòng Thương Xót Chúa qua bí tích Hòa Giải!?!
Bí tích Hòa Giải đâu phải là chỗ để luận tội, nếu là chỗ luận tội hay phán xét thì đâu thể gọi là Bí tích. Trọng tâm của Bí tích Hòa Giải không phải nằm ở chỗ tội lỗi của kẻ hối nhân, mà nhấn mạnh đến ân sủng và tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng nhưng không. Anh chị em thân mến, mùa Chay là mùa dọn lòng dọn trí, tin tưởng mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa để được biến đổi, đặc biệt qua bí tích làm hòa với Thiên Chúa, để rồi dẫn đến làm hòa với nhau. Qua bí tích Hòa Giải, chiếc áo tâm hồn lại một lần nữa được rửa sạch nhờ Máu Con Chiên.
Chiếc áo của bạn và của tôi đang mặc là màu gì?
Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
March 31, 2012