PHÊRÔ MÔN ÐỆ BỊ MẮNG

Gom nhặt những đoạn Phúc Âm nói về phêrô, ta thấy một mảnh đời của ông có nét chân dung thế này: Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.

Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin!  (Mt 14:31).  Lần thứ hai: Ngu tối! (Mt 15:16).  Lần thứ ba: Satan! (Mc 8:33).

Không biết sau khi Phêrô được Chúa gọi ở biển hồ (Mt 4:18) bao lâu, mấy tuần, mấy tháng thì chuyện xảy ra.  Chuyện đầu tiên được Phúc Âm ghi nhận là Phêrô bị mắng.

ZZMắng lần thứ nhất: Ðêm đó, Chúa hiện đến, đi trên biển.  Chưa ai đi trên biển bao giờ.  Các môn đệ hoảng hốt la lớn: “Ma! Ma!”  Chúa bảo không phải ma, là Chúa.  Nghe thì biết vậy chứ làm sao tin được?  Các môn đệ bán tín bán nghi, không biết Chúa thật hay ma.  Phêrô là kẻ thách đố bóng người đi trên biển ấy:

– Nếu là Chúa thật, truyền cho tôi đi trên mặt nước xem sao!

Bóng người ấy truyền cho Phêrô:

– Hãy đến!

Phêrô liền bước xuống biển, đi.  Giả sử không phải Chúa, ma đánh lừa thì cái gì xảy đến cho ông? Chắc chắn ông bị chìm xuống biển ngay.  Theo thói thường của kẻ cân nhắc trước sau, ông không nên làm thế.  Nên xin một dấu lạ nào khác không nguy hiểm đến mình có phải là khôn ngoan hơn không.

Nghe bóng người ấy nói: “Hãy đến!”  Sao ông không dè dặt đặt vấn đề: “Chúa thật hay ma?”  Giơ chân đạp thử xem nước cứng không đã.  Chả biết lúc đó ông nghĩ thế nào, ông nhảy xuống nước ngay. Theo Tin Mừng thuật, ông đã đi được trên biển.  Ði được rồi, lúc ấy ông phải xác quyết đây không phải là ma, là Thầy chứ.  Sự thật đã rõ, ông phải chắc ăn chứ.  Nhưng chung cuộc cho thấy ông đã chìm.  Cách hành xử ấy cho ta cảm tưởng ông hành động ào ào, không suy nghĩ là bao.  Thấy mình đang lênh đênh trên nước ông mới giật mình kinh hoàng.  Và rất rõ, Chúa mắng: Quân yếu tin.

Sau khi bỏ chài lưới theo Chúa, hình ảnh đầu tiên ghi nhận được mối liên hệ giữa Chúa và Phêrô là trận mắng trên đây.  Trận mắng thứ nhất vừa xảy ra, hình ảnh thứ hai lại một trận mắng khác: Ngu tối!

Mắng lần thứ hai: Thầy trò đang đi thì gặp nhóm Pharisiêu.  Hai bên tranh luận với nhau.  Pharisiêu trách sao các môn đệ không rửa tay theo tập tục truyền thống trước khi ăn.  Pharisiêu đã nhiều lần dựa vào lề luật tìm cách bắt bẻ các môn đệ.  Họ lấy cớ trọng lề luật chứ lòng họ có một ý đồ khác.  Chúa không chấp nhận lối giả dối đó.  Ngài nói: “Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mt 15:11).  Chúa ám chỉ tâm địa trong lòng xác định tốt xấu chứ không phải hình thức tập tục ăn uống bên ngoài.  Các môn đệ hiểu ý Chúa muốn nói gì nên mới nói với Chúa:

– Thưa Thầy, Thầy có biết, Thầy nói vậy làm những người Pharisiêu khó chịu lắm đó.

Các môn đệ hiểu Chúa có ý ám chỉ gì nên mới nói với Chúa như vậy.  Nhưng trong nhóm có người hỏi:

– Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn kia cho chúng con!

Không hiểu, mới xin như vậy chứ. Và Chúa đã mắng:

– Ðến bây giờ rồi anh em còn ngu tối vậy sao! (Mt 15:15-16).  Người bị mắng đó là Phêrô!  Một chi tiết trong lời mắng này, Chúa mắng “đến bây giờ rồi mà còn ngu tối vậy sao.”  Cụm từ “đến bây giờ rồi” cho ta cảm tưởng là đã hoài công dạy dỗ mà vẫn không khá.  Nghĩa là chậm hiểu lắm, cho đến bây giờ rồi mà vẫn còn chậm như thế.

Mắng lần thứ ba: Về đức tin, lần thứ nhất Chúa mắng quân yếu tin!  Lần thứ hai bị mắng trí khôn chậm hiểu.  Cả hai lần mắng đều xảy ra công khai.  Chúa mắng Phêrô trước mặt mọi người.  Bây giờ Chúa mắng tiếp lần thứ ba.  Lần này mắng một cách thê thảm.  Chúa bảo Phêrô là Satan!

Lần mắng thứ ba này xảy ra trên đường về Jêrusalem.  Xét theo thời gian, lúc này vào năm thứ ba, khoảng cuối đời rao giảng của Chúa.  Như vậy là Phêrô theo Chúa đã được ba năm.  Theo ba năm rồi mà chưa thấy khấm khá gì.

Cuộc đời rao giảng Nước Trời của Chúa rất khác quan niệm người đương thời.  Chúa không mua đất lập đền thờ.  Không tổ chức bầu ban chấp hành trong cộng đoàn tông đồ.  Các môn đệ không có huy hiệu.  Họ không có áo đồng phục.  Không thấy gì là dấu hiệu sắp có vương quốc.

Theo Chúa gần ba năm rồi, ghe thuyền đã bán, đất đai bỏ lại sau lưng.  Ai mà không sốt ruột băn khoăn.  Các môn đệ đôi khi cũng nghĩ tới giấc mơ ngày Thầy mình lập vương quốc.  Nhưng bao giờ? Theo mãi thế này ư?  Có đám đông đã bỏ.  Băn khoăn trong giấc mơ ấy, các ông hỏi nhau:

– Ai là người lớn nhất trong vương quốc này?

Bằng chứng là Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến xin Chúa một ghế bên tả, một ghế bên hữu (Mc 10:37).  Như vậy họ đã để ý đến các chức tước.  Họ hy vọng bổng lộc quyền thế.  Theo ngôn ngữ hôm nay thì ai chủ tịch?  Ai phó chủ tịch?

Có điều ta thấy, họ chỉ nói riêng với nhau.  Không ai dám đến hỏi Chúa.  Riêng Phêrô, ông nhìn lại đã theo ba năm rồi mà chưa thấy gì.  Ông là người duy nhất dám trực tiếp chất vấn Chúa:

– Thưa Thầy, chúng tôi bỏ mọi sự mà theo Thầy thì được cái gì?  (Mt 19:27).

Ðức Kitô trả lời:

– Phàm ai bỏ cha mẹ anh em, vì danh Ta thì được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19:29).

Câu trả lời thật rõ.  Thế là Phêrô chắc ăn!  Sẽ được gấp bội!  Nói cách khác, câu trả lời ấy như lời khuyến khích đừng nản, cứ theo đi!

Vừa trả lời thế được ít bữa, bất ngờ một hôm trên đường chiều, Tin Mừng Máccô tường thuật bằng ngôn ngữ chính xác, lần này Chúa “nói rõ” điều đó.  Chúa không dùng dụ ngôn, nhưng nói rõ cho dễ hiểu.  Máccô viết: “Rồi Ngài dạy cho các ông biết về Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.  Ngài nói rõ điều đó không úp mở” (Mc 8:31-32).

Ơ hay!  Thầy vừa mới hứa ai theo Thầy sẽ được gấp trăm ngay đời này cơ mà!  Sao bây giờ lại có chuyện Thầy bị chết là làm sao?  Như vậy chúng tôi mất hết à?  Phêrô không thể hiểu.  Lần này không thắc mắc, không hỏi Chúa nữa, ông “kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách Người” (Mc 8:32).

ZZMáccô tường thuật chính xác trong ngôn ngữ rất ý nghĩa là Phêrô “kéo” Chúa ra và “trách” Chúa! Ta hãy tìm ý nghĩa trong hai động từ “kéo” và “trách” này.  Kéo là hành động bắt người khác về phía mình.  Trách là hành vi diễn tả người khác sai, mình đúng.  Mạnh hơn nữa, động từ trách diễn tả một uy quyền.  Ðộng từ kéo diễn tả một thái độ không cho người đối diện tự do chọn lựa.  Hai động từ ấy phiên dịch thái độ của Phêrô là ý của ông đúng.  Chúa hãy làm theo ý ông.

Trong vai chủ động đó, Phêrô cho rằng suy nghĩ của ông là đúng.  Chúa không nên suy nghĩ kiểu đó.  Như thế, Phêrô đã đổi hướng con đường Ðức Kitô phải đi sang một hướng khác.  Cái ý nghĩa sâu xa của hành động kéo và trách nằm ở chỗ này.  Nằm ở chỗ là thay đổi lý tưởng, thay đổi đường đi của Ðức Kitô.

Hành động của Phêrô không phải là lời cám dỗ mà là nhảy vào cuộc một cách tàn bạo.  Nó không nhẹ như lúc ma quỷ cám dỗ Chúa trong sa mạc.  Lúc đó ma quỷ chỉ cám dỗ chứ không dàm cản ngăn. Phêrô không cám dỗ mà Phêrô cản ngăn.  Vì thế, lời mắng của Ðức Kitô là một lời kháng cự rất mạnh: Satan!

Ðọc Phúc Âm đến đây, ta thấy càng ngày Chúa càng mắng Phêrô nặng hơn.  Ðến cuối đời còn mắng thêm một lần nữa.

Chuyện xảy ra, lúc các thượng tế, binh lính cùng gậy gộc đến bắt Chúa trong vườn Cây Dầu, Phêrô đã rút gươm.  Nhưng Chúa trả lời hành động ấy:

– Hãy xỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm.  Hay ngươi tưởng Ta không thể cầu cứu với Cha Ta cấp cho Ta ngay mười hai cơ binh thiên thần sao? (Mt 26:52).

Nhìn lại đời Phêrô, Chúa mắng nhiều hơn khen.  Dường như chẳng khen lần nào.  Có lần Chúa hỏi các môn đệ nghĩ Chúa là ai.  Ngày đó Phêrô tuyên tín rất hay: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”  Nhưng ngay sau đó Chúa nói: “Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mt 16:16-17).  Như vậy là Thần Khí Chúa nói, nếu không do Thần Khí mà để tự mình Phêrô thì không biết ông sẽ nói Chúa là ai!

Cũng có lần ông nói lung tung.  Lần Chúa biến hình trên núi Tabor.  Thấy quyền uy sáng láng, ông vội nói với Chúa:

– Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môisê một cái, và ông Êlia một cái.

Ngay sau câu nói ấy, Máccô viết tiếp, cũng bằng một ngôn ngữ chính xác rất ý nghĩa.  Ngài tường thuật chi tiết như sau: “Thực ra ông không biết phải nói gì vì ông kinh hoàng” (Mc 9:6).  Như thế, chỉ vì kinh hoàng mà nói, chứ chẳng biết mình nói gì!  Nước không có, gạo củi cũng không, tự dưng dựng ba cái lều trên đỉnh núi, lấy gì ăn!

Kẻ theo Ðức Kitô bị mắng nhiều hơn khen.  Lần nào Chúa cũng mắng Phêrô trước đám đông.  Có hai điều đáng lưu tâm về những lời Kinh Thánh tường thuật con người Phêrô qua một đời bị mắng này:

– Thứ nhất, Phêrô kém như thế tại sao Chúa không sa thải?

– Thứ hai, bị mắng nhiều như thế, tại sao Phêrô không giận mà bỏ Ðức Kitô?

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ – Trích trong “Cô Đơn và Sự Tự Do”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *