MƯA RỪNG THÁNG BA!

Lạy Trời mưa xuống!
Lấy nước tôi uống!
Lấy ruộng tôi cầy! ….

Tiết trời tháng ba, Cali không cần chắp tay “lạy trời mưa xuống” mà trời vẫn rộng rãi ban cho, những trận mưa xối xả dầm dề kéo dài ngày này qua ngày khác.  Những hạt mưa lớn nhỏ dồn dập, lúc nặng lúc nhẹ, lúc ít lúc nhiều, nương theo những cơn gió trải đều từ núi cao tới đồng bằng, từ những đồi thông tít tắp trên cao xuống những đồng cỏ xanh rì của miền Thung Lũng Hoa Vàng.  Những hạt mưa dai dẳng, chẳng hỏi ý người vào buổi sáng sớm đi làm, hay những chiều tan sở, đã làm cho kẻ buồn người vui theo những giọt mưa vô tình đó.

Dù buồn hay vui, chấp nhận hay chối bỏ thì mưa vẫn rơi, như ân sủng từ trời cao rộng lượng ào ào tuôn đổ xuống chan hòa mặt đất, mà không hề hỏi nhân gian có vui lòng đón nhận hay không.  Đồng bằng ơi, mi buồn hay vui với những cơn mưa dầm tháng ba này?  Thung Lũng Hoa Vàng ơi, mi có sẵn lòng đón nhận những giZZọt nước thánh thiêng từ trời cao đổ xuống không?

Riêng núi rừng thì vui lắm với những cơn mưa bất tận của đất trời.  Mưa là dịp để lá xanh gột rửa những bụi bặm thế trần tích lũy từ bao tháng ngày qua.  Mưa là dịp để cây rừng đón nhận ân huệ, thanh tẩy khí trời.  Mưa là dịp để đất giữ lại cho mình nguồn nước dưỡng nuôi cây cỏ trong tháng ngày sắp tới.  Chẳng ai phí công đem nước từ đồng bằng tưới cho núi rừng bao giờ!  Rừng biết phận mình lắm chứ!  Nếu không cất giữ những giọt nước thấm sâu vào lòng đất, mà tưởng như thừa thãi lúc này, thì rừng sẽ sống bằng gì trong những ngày nắng mưa hạn?  Phận người có khác chi đâu!  Nếu không nâng niu gìn giữ ân sủng Thiên Chúa ban cho trong những lúc sốt sắng đầy lòng yêu mến, thì linh hồn sẽ được nuôi sống bằng gì trong những lúc khô khan thử thách?

Có những cơn mưa rừng nhẹ như hơi thở người thiếu nữ, theo gió lả lơi vuốt nhẹ những nhành lá trên cao, rồi từ từ đáp xuống những bụi hoa dại bên đường.  Mưa phùn trong tiết trời đầu xuân không đủ thấm đất, chỉ vừa làm những chiếc lá phơn phớt ướt, nhưng núi rừng vẫn vui vì sự hạ giáng của trời cao.  Gió nhẹ thổi nghiêng những giọt nước mảnh mai đu đưa bám lơ lửng trên cành cây.  Những nhánh thông mỏng trên đầu ngọn cây thông cao phất phới theo chiều gió, như những cánh tay vỗ vào nhau để tạ ơn Trời với những cơn mưa đầu xuân, để cùng hoà nhịp vào bản trường ca êm dịu của đất trời trong một âm thanh nhẹ nhàng du dương.

Có những cơn mưa rừng mịt mờ che phủ chân trời, chắn ngang lối đi. Những chùm hoa dại màu vàng run rẩy đón nhận những giọt nước lách tách từ những tàng cây lớn rớt xuống.

Có những hôm núi rừng quay cuồng với những cơn mưa vần vũ.  Con đường xa lộ 17 ngoằn nghèo uốn khúc theo triền núi, chìm ngập trong làn mưa ân sủng như thác từ trời cao ào ào đổ xuống, bất chấp núi rừng có kịp dang tay đón nhận hay không.  Những cành cây lớn nhỏ trong rừng thông hòa chung với vũ điệu của gió rừng, nắm tay nhau cùng vũ khúc hoan ca trong làn sương mịt mờ tạo nên một âm thanh vi vút huyền bí, mà chỉ có ai sống gần thiên nhiên mới hiểu được ngôn ngữ đó.  Những chiếc xe hơi bò chầm chậm dọ dẫm từng bước trong dòng nước mịt mờ, như phận người mò mẫm từng bước tiến về quê Trời.

Giang tay đón nhận mà thôi, chưa đủ!  Đất rừng còn hào phóng đáp lại ân tình đó, với những làn sương mỏng từ dưới đất thấp bốc lên, phủ mờ lối đi như đường vào Động Thiên Thai.  Vươn cao hơn nữa, rừng âm u đáp trả lại bằng lớp sương mù dày đặc, quấn quít quyện lấy những cành thông xanh.  Xa xa, những áng mây bay là đà, ôm lấy dãy núi chập chùng như phụ với núi rừng đáp trả lại ân tình của trời xanh.

Con đường núi nhỏ hẹp thơ mộng từ thành phố dắt ra bãi biển, xuyên qua hai ngọn núi có hình dáng như người thiếu nữ mơn mởn tuổi xuân, đang ưỡn người xoải hai cánh tay dài đón nhận những hạt mưa ân sủng từ trời cao vào lòng.  Không thể phân biệt được đâu là ranh giới giữa đất và trời: sương mù, làn mưa, hơi nước, Đấng Sáng Tạo và loài thụ tạo…. tất cả quyện lấy nhau nên một trong nguồn ân sủng vô biên.  Trời cao khiêm cung hạ mình xuống dang tay ôm thụ tạo vào lòng, như người cha cúi xuống ôm đứa con thơ.  Đất nín thở nghe nhịp tim rung lên với giai điệu hạnh phúc bất ngờ vì sự chiếu cố của Chúa Tể muôn loài, như đứa bé thơ sung sướng ngọ nguậy trong lòng mẹ.  Đẹp thay ân tình của đất trời!  Đẹp thay sự nhận lãnh và trao ban của núi rừng!

Mỗi giọt mưa rơi xuống từ trời mang theo mình một sứ mạng khác nhau.  Mỗi hạt mưa đọng lại trên cành lá đều mang một hình dạng sắc thái khác nhau.  Không giọt nào giống giọt nào, không cơn mưa nào giống cơn mưa nào: mưa sa, mưa đá, mưa phùn, mưa dầm, mưa rào, mưa xuân…. Mỗi cơn mưa dù lớn dù nhỏ, mỗi hạt mưa dù bé nhỏ mong manh hay to như hạt đá… tất cả đều gói ghém tâm sự của trời cao đổ xuống lòng nhân thế.  Nhiều cơn mưa nhưng chỉ có một tâm tình!

Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời,
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn (Is 55:10).

Sau cơn mưa, rừng như vừa được lãnh nhận ơn thanh tẩy tái tạo từ Trời cao, bẽn lẽn mang vào mình chiếc áo mới.  Màu áo trong sạch tinh khiết của thời tạo thiên lập địa, khi bụi bặm thế gian chưa khoác lên áo rừng.  Làn sương mỏng như tơ, nhè nhẹ bay là đà ngang đầu ngọn cây, làm cho cảnh vật trở nên thánh thoát như Vườn Địa Đàng, lúc Thượng Đế và con người thường nắm tay nhau đi dạo mỗi buổi chiều tà.  Những chiếc lá non gặp làn nước ân sủng đua nhau đâm chồi nẩy lộc.  Màu vàng của sắc hoa dại trở nên rực rỡ như màu áo hoàng bào của vua chúa thời xưa, xen lẫn giữa những màu lá xanh đậm lợt nhiều tầng, tô điểm cho núi rừng thêm phong phú nhiều màu sắc.  Bầu trời quang đãng trong veo nằm vắt vẻo ngang đầu ngọn núi nhìn thật gần, tưởng như với tay có thể đụng trời, giơ tay có thể bắt mây.  Những chú chim ẩn nấp đâu đó trong cơn mưa, giờ đua nhau bay ra chuyền từ cành này qua cành khác líu lo chào đón rừng mặc chiếc áo mới.  Gió thổi nhẹ cuốn những chiếc lá vàng bay xào xạc như đang thầm thì với bước chân người lữ khách: “Đâu phải chỉ có con người mới cần đến Bí Tích Hòa Giải!”

Lang Thang Chiều Tím
Thương nhớ về mùa mưa 2006

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *