Một chàng trai trẻ chiều nào đi làm về ngang qua con sông cũng thấy một người đàn ông trung niên chăm chỉ ngồi câu cá. Anh đến gần và hỏi chuyện:
– Chào bác, bác câu cá mỗi ngày có được nhiều không?
– Cám ơn cậu. Cũng được khá nhiều – người đàn ông đáp.
– Sao bác không bán cá mua lưới để có thể bắt được nhiều cá hơn – cậu thanh niên gợi ý.
– Bắt được nhiều cá hơn, rồi làm gì? – người đàn ông thắc mắc.
– Bác có thể bán cá để có tiền mua tàu và lưới đánh cá, để đánh bắt được nhiều cá hơn nữa – chàng thanh niên nhiệt tình dẫn ý.
– Bắt được nhiều cá hơn nữa, rồi làm gì? – người đàn ông hỏi tiếp.
– Để bác trở nên giàu có, để đời sống nhẹ nhàng và hạnh phúc – cậu thanh niên đáp với vẻ tâm đắc.
– Thế cậu không thấy hiện tại tôi đang sống rất nhẹ nhàng và hạnh phúc với cái cần câu này sao? – người đàn ông hỏi gợi ý cách bình thản.
***********************************
Cậu thanh niên cứ tưởng mình đang đề xuất một cao kiến cho người đàn ông đang câu cá, ai ngờ đề xuất đó chỉ là một con đường lòng vòng để tìm cái ông đang sẵn có: Nhẹ nhàng và hạnh phúc. Tại sao? Phải chăng cậu không đủ tĩnh lặng để nhận ra điều đó?
Rời bỏ câu chuyện, ta trở về với đời sống thường ngày. Đường đi xe cộ ào ào; về đến gần nhà tiếng ca hát, loa phát thanh inh ỏi; vào trong nhà cũng rầm rộ vì người lớn lo công việc, trẻ con chơi giỡn la hét; ngồi trong phòng một mình vẫn ồn ào bởi bao tính toán lo toan việc nhà, việc công ty, việc nọ, việc kia kéo đến trong đầu; thậm chí khi đi ngủ cũng vẫn ồn ào bởi những chộn rộn của ngày sống xâm nhập cả vào trong giấc mơ! Đã bao giờ bạn rơi vào tình cảnh như thế chăng? Tại sao lại có những vội vã ồn ào quá sức như vậy?
Do môi trường sống và làm việc thay đổi? Trước đây nhịp sống chậm rãi, yên ả hơn. Giờ học có, giờ làm có, giờ nghỉ ngơi có, giờ giành cho người thân bạn bè có, giờ phút giành riêng cho mình cũng có. Thời nay, mọi thứ cứ tất bật trong vòng xoáy của sự thay đổi chảy trôi, khiến đời sống trở nên quá vội vàng gấp gáp. Đâu đâu cũng có sự xuất hiện của công việc. Làm việc ở công ty đã đành, làm việc ở nhà, làm việc lúc chuyện trò, lúc xem tivi, trong bàn ăn, thậm chí trước khi ngủ cũng tranh thủ làm thêm chút việc. Tất cả ưu tiên dành cả cho công việc đến nỗi đôi khi quên mất mình làm việc là để làm gì. Do vậy, náo động ồn ào cũng nhiều hơn. Đôi khi quá mệt cũng đành thở vội một hơi để rồi tiếp tục công việc, tiếp tục cuộc sống, nếu không sẽ bị ‘tụt hậu’ so với nhịp sống hiện đại. Có người chơi chữ cách hóm hỉnh: Hiện đại nên hại điện, môi trường hiện đại ấy ngốn hết thời gian tâm trí con người. Nhưng đâu phải ai cũng nghĩ thế.
Phải chăng do tính cách mỗi người? Người thiên về hoạt động, ưa thích náo nhiệt thì cho đó là bình thường, thế mới là cuộc sống hiện đại, phải biết tranh thủ thời gian. Người có đầu óc trầm tư suy tưởng, thích nhẹ nhàng trầm lắng thì cho đó là xô bồ ồn ào. Thế nhưng, dù thích hoạt náo, dù ưa trầm lặng, ai rồi cũng có lúc thấy mình bị cuốn sâu vào vòng xoáy của môi trường sống hiện đại quá náo nhiệt, vội vã ấy, để rồi có lúc chợt nhận thấy mình bị mất hút trong cơn lốc công việc, cơn lốc thị trường sản xuất và tiêu thụ. Đến lúc nhận ra thì đã bị cuốn vào quá sâu và quá lâu; mệt nhoài, kiệt quệ, quay trở ra còn tốn công tốn sức hơn, thôi thì “đành theo lao” vậy! Điều gì khiến họ lâm vào tình cảnh ấy?
Phải chăng họ thiếu những giây phút tĩnh lặng? Tĩnh lặng đủ để biết mình cần giành thời gian cho những mối tương quan thân tình với con người, với bạn bè, tĩnh lặng đủ để hiện diện cùng người thân, tĩnh lặng đủ để đối diện với chính mình, với cõi lòng của mình. Tĩnh lặng đủ để nhận ra mình đã hành xử thế nào trong các tương quan, để biết mình đã ưu tiên điều gì trong các chọn lựa, và để thấy đâu là ý nghĩa đích thực của những gì mình đang nỗ lực thực hiện hầu mong mang lại cho đời sống của bản thân, gia đình, người thân, bạn hữu sự ấm êm hạnh phúc.
Nếu bạn thấy nhịp sống của mình quá vội vã, đây là lúc bạn cần giây phút tĩnh lặng; nếu bạn chưa nhận thấy mình đang sống ra sao, hơn lúc nào hết bạn cần giây phút tĩnh lặng để nhìn biết mình đang sống thế nào. Vì lẽ đó, tĩnh lặng là cần thiết và ích lợi cho đời sống.
Chẳng ai có thể bắt bạn tĩnh lặng được, cũng như bạn chẳng thể tĩnh lặng nếu bạn không muốn, và đôi khi dẫu rất muốn bạn cũng chẳng thể tĩnh lặng. Vì lẽ đó, tĩnh lặng là một quà tặng.
Thế nhưng, dù bạn có muốn nhận nhưng không được trao, bạn cũng chẳng thể nhận được; trái lại, dù người trao muốn trao nhưng bạn không muốn nhận, bạn cũng chẳng có. Vì lẽ đó, hãy nhận khi được trao và hãy biết xin để được trao và bạn có thể nhận được.
Bạn đã nhận được món quà tĩnh lặng chưa? Nếu chưa, vậy hãy mau mắn xin đi. Nếu đã xin mà vẫn chưa có, hãy mở lòng ra để đón nhận. Mở lòng bằng cách hãy giành một vài phút giây mỗi ngày để tĩnh lặng, nhìn lại ngày sống của mình, xét xem những gì bạn đã nghĩ, đã nói và đã làm có thực sự mang lại ý nghĩa cho đời sống của bạn, của người thân, bạn bè. Chúc bạn có được những giây phút tĩnh lặng đủ để giúp bạn nhận ra đâu là ý nghĩa của việc mình đang làm, cách mình đang sống và đâu thực sự là hạnh phúc của đời mình. Chúc bạn gặp được cơ hội để nhận ra ý nghĩa và giá trị đích thực của lối suy nghĩ và cách hành động của mình, như người đàn ông trong câu chuyện trên.
Vinh Sơn Phạm Văn Đoàn, S.J.
http://dongten.net