Một cách khác thường, Chúa Giêsu đã gọi người đàn ông trong dụ ngôn nầy là “người dại dột” (Lc 12, 20), không phải vì ông ta giàu có – giàu có không phải là một cái tội – nhưng vì thái độ sai lầm của ông đối với của cải.
Một phi công đang bay trên không trung với ba hành khách trong máy bay: Một hướng đạo sinh, một vị linh mục và một khoa học gia về không gian. Viên phi công quay về phía ba hành khách và đưa tin buồn một cách nhẫn tâm: “Máy bay đang rơi xuống! Chúng ta có bốn người nhưng chỉ có ba cái dù. Tôi có vợ và ba con đang cần đến tôi.” Anh ta chộp lấy một cái dù và nhảy ra khỏi máy bay. Nhà khoa học nói lớn tiếng: “Tôi là người khôn lanh nhất trần gian. Thật là một đại họa cho nhân loại nếu tôi phải chết.” Ông liền chộp lấy chiếc dù thứ hai và nhảy ra khỏi máy bay.
Còn lại vị linh mục và em hướng đạo sinh. Vị linh mục quay sang em đó và nói: “Con ơi, cha không có gia đình. Cha đã sống một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc rồi, nay cha sẵn sàng trực diện với Đấng Tạo Hóa. Con đang còn trẻ. Cả một cuộc sống dài lâu đang trải ra trước mặt con. Con hãy cầm lấy chiếc dù nầy đi.” Thật là một linh mục đáng khâm phục. (Bạn có thể tin tưởng tôi khi tôi tuyên dương vị linh mục đó là anh hùng!)
Em hướng đạo sinh trả lời: “Xin cám ơn Cha, nhưng điều đó không cần thiết. Cả cha và con đều có dù hết. Cha có biết không, cái ông khôn lanh nhất trên đời đó đã nhảy ra khỏi máy bay, mang theo cái ba-lô của con! Ông ta không khôn lanh như ông ta tưởng.”
Tôi thiết tưởng đó là phần chính của sứ điệp Tin Mừng hôm nay.
Linh đạo phá sản
Chúng ta không luôn luôn khôn lanh như chúng ta thường nghĩ tưởng. Phần nhiều những gì chúng ta làm, quyết định hay chọn lựa không có ý nghĩa thật sự, sau khi chúng ta xem xét kỹ càng. Chúng ta cảm thấy mình ngu đần. Người đàn ông giàu có trong đoạn Phúc Âm nầy là một trường hợp điển hình.
Không có chỗ nào trong đoạn Phúc Âm nầy cho thấy ông là một con người xấu xa. Có thể ông là một người tốt, một người tao nhã nữa. Chắc chắn ông là một người làm việc đầu tắt mặt tối. Đúng thế, những người làm việc khó nhọc đôi khi có những quyết định tồi tệ. Người đàn ông trong đoạn Phúc Âm nầy đã lập kế hoạch đời mình căn cứ trên cuộc sống ở trần gian nầy mà thôi.
Cụm từ duy nhất mà ông biết đến là phải “có nhiều hơn nữa.” Ông ta bị thôi miên bởi cụm từ “thêm nữa” mà không bao giờ có thể nắm bắt được. Ông không bao giờ đi quá xa hơn cụm từ đó. Ông càng có thêm, ông càng muốn thêm hơn. Một người tham lam không bao giờ được thỏa mãn. Đủ không bao giờ là đủ hết.
Bỗng chốc quả bong bóng nổ tung. Chúa gọi ông ta và ông phải ra đi, để lại đằng sau tất cả của cải cho một người khác. Ông không thể mang theo một thứ gì với mình. Ông đứng trước mặt Chúa với tay không và trần trụi. Ông không có một lời nào để thốt lên. Sự trống rỗng của ông đã nói lên tất cả. Cả Chúa cũng không có một lời nào để ngỏ với ông.
Tới lúc đó, ông mới biết mình chưa bao giờ làm gì hết. Đám tang của ông cũng rầm rộ như đám tang của một tên trùm Mafia, với khối bông hoa và mộ bia bóng nhoáng. Cuối cùng, tên trùm Mafia là người giàu có nhất trong nghĩa địa, nhưng được công bố là bị phá sản về mặt tinh thần.
Như vậy, những ưu tiên của chúng ta là gì? Chúng ta đã sống cho lý tưởng nào? Tất cả cuộc sống chúng ta dùng để làm gì? Con tim chúng ta hướng về đâu? Điều gì chúng ta đã mong muốn nhiều nhất? Đó là những vấn nạn lớn lao. Tất cả đều tùy thuộc vào câu trả lời.
Sự sống sau khi chết
Số phận của người đàn ông trong dụ ngôn nầy đưa chúng ta đến một câu hỏi sâu xa hơn nữa: Điều gì xảy ra sau khi chết? Có phải chúng ta sẽ được kết thúc dưới ba tấc đất hay trong lò hỏa thiêu? Có phải chỉ thế thôi sao?
Thánh Augustinô đã la lên: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa và con tim chúng con bồi hồi xao xuyến cho tới khi được nghỉ an trong Chúa!” Chúng ta có kinh nghiệm về sự bồi hồi thổn thức đó ở trong chúng ta hay không? Có một khoảng trống trong con tim và một sự nhức nhối trong tâm hồn mà chỉ Thiên Chúa mới khoả lấp được không? Lại một lần nữa, đó chính là những vấn đề quan trọng trong cuộc sống.
Sự sống trước khi chết
Có một vấn nạn khác chúng ta cần phải nêu lên: “Có một cuộc sống trước khi chết không?” Điều đó xem ra là một câu hỏi quái đản đang đập vào đầu óc bạn. Eric Fromm là một tâm lý học gia nổi tiếng đã viết: “Điều đáng thương hại trong cuộc sống ngày nay là phần đông chúng ta chết trước khi sống trọn vẹn.” Nhà tâm lý học nầy đã quan tâm đến những người chỉ “hiện hữu” chứ không “sống” thật sự.
Tối chắc chắn nếu nhà tâm lý học Fromm có mặt ở Waterford vào ngày hội gọi là “Spraoi” vào thượng tuần tháng tám, ông ta sẽ lấy làm sung sướng thấy rất đông người đang vui hưởng cuộc sống mà không chút ngượng ngùng. Thiết tưởng ngay cả Chúa nữa cũng sẽ hết lòng tán thưởng. Tôi tưởng tượng Chúa đang nhìn xuống, mỉm cười và nói: “Cuộc thí nghiệm lớn lao của Ta với sự sống đã được chứng minh.”
Tôi đã đọc đâu đó một câu chuyện nói về những người khóc than lớn tiếng trên giường bệnh, sắp chết, là những người chưa bao giờ biết sống. Họ chỉ là những quan sát viên đối với cuộc sống, những người ngoại cuộc, những khán giả thụ động. Thần học lớn lao của Kitô giáo cho biết vinh quang của Thiên Chúa chính là con người biết sống một cách trọn vẹn.
Giả thiết
Thử tưởng tượng một chút là Chúa hiện ra và nói đôi điều với chúng ta cũng như Ngài đã nói với người đàn ông giàu có trong đoạn Phúc Âm nầy: “Thời giờ của con đã điểm. Bây giờ là lúc con phải ra đi. Con còn sống vài giờ nữa thôi để sắp đặt cuộc sống cho ổn định. Bây giờ quá trễ để thay đổi được gì, ngoại trừ việc con nói lời giã biệt. Không cần phải sửa soạn hành lý. Tất cả những gì con mang theo với mình là những kỷ niệm của con.”
Những kỷ niệm gì bạn sẽ mang theo? Những kỷ niệm gì sẽ khiến bạn nói lên: “Tôi sung sướng vì đã biết sống. Tôi sung sướng vì đã cưới người phối ngẫu của tôi. Tôi đã được lớn lên trong gia đình tôi, yêu thương cha mẹ tôi, đối xử với mọi người với lòng kính trọng và đầy nhân phẩm, làm cho nhiều người cười thay vì khóc, làm cho nhiều người cảm thấy được thoải mái, biến cuộc sống trở thành hòa nhã hơn, ân cần hơn và chan chứa nhiều kinh nghiệm tốt đối với kẻ khác?”
Những ưu tiên
Nếu bạn chỉ còn sống thêm ít giờ nữa thôi, bạn có còn quan tâm đến sự thành công, đến trương mục ngân hàng, danh thơm tiếng tốt, chơi gôn thật giỏi hoặc bất cứ điều gì mà bạn thích thú trong cuộc sống? Tôi thiết tưởng tôi biết điều bạn muốn làm trong những giờ còn lại của bạn. Tôi ức đoán ra ngay bây giờ đây!
Bạn sẽ nói với càng nhiều người càng tốt về một trong ba điều sau đây – có thể hai điều hay cả ba điều. Có người bạn sẽ nói: “Tôi rất lấy làm buồn!” Với người khác, bạn lại nói: “Tôi tha thứ!” Và người khác nữa, bạn sẽ nói: “Tôi rất yêu thương!” Đó là những gì bạn sẽ nói, bởi vì rõ ràng cuộc sống là như thế đó.
Cuối cùng, cuộc sống có tương quan đến Thiên Chúa và đến tha nhân. Và như thế, người giàu có trong dụ ngôn nầy đã đánh mất điều đó ở đâu? Những ưu tiên của ông ta đã sai lầm. Ông đã săn đuổi hũ vàng cho tới khi cầu vồng biến mất và khi đến cuối cuộc đời, ông bàng hoàng khám phá ra rằng đó chỉ là ảo ảnh.
Phúc Âm đưa chúng ta về với thực tại. Sống là sống trong thực tại, chứ không phải bằng trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng cũng tốt, bao lâu không làm cho thực tại trở nên nhầm lẫn. Phúc Âm đưa chúng ta trở về với những gì là quan trọng và những gì không quan trọng.
Lòng hào hiệp và sự chiếm hữu
Trong vài giờ ngắn ngủi sau cùng đó, sự kiện trở nên giàu có hay nổi tiếng, trở thành vĩ đại và quyền thế, kho lẫm đầy thóc hay bất cứ chiến công, chiến tích nào mà chúng ta đã tích luỹ… không có điều gì trong những thứ đó sẽ trang trí cho khung ảnh cuộc đời.
Điều quan trọng ở đây là lòng hào hiệp ở bên trong, chứ không phải sự chiếm hữu ở bên ngoài. Và nếu chúng ta chân nhận như thế, chúng ta sẽ không ngớ ngẩn sai phạm khi chộp lấy cái ba-lô mà tưởng là cái dù. Mong bạn hiểu điều tôi muốn nói!
Phúc Âm đã dạy: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” (2 Cr, 4 17-18)
Nguyên Tác In Step With God – LM Vincent Travers, OP
Hương Vĩnh chuyển ngữ