Con người ai sinh ra trên đời này cũng đều trải qua 4 cửa ải là sinh, lão, bệnh, tử. Hay chết là một trong 4 khâu của định luật “thành, trụ, hoại, diệt.” Có một câu danh ngôn rất hay: “Sự chết là con lạc đà đen quỳ đợi ngay trước cổng nhà của tất cả mọi người” (Abe- el -Kader). Nói theo tam đoạn luận thì: ông này bà nọ là con người; mà đã là con người nên họ đều phải chết; vì thế, tôi cũng là con người, nên tôi cũng phải chết.
Như vậy, không ai tránh khỏi cái chết. Mọi người đều phải kết thúc cuộc hành trình trên trần gian này bằng cái chết. Đã có sinh thì ắt phải có tử.
Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta thấy Chúa Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum và gặp thấy đám tang con trai bà góa thành Naim đang được đem đi chôn. Hình ảnh đám tang của con trai bà góa này cho chúng ta thấy: người thanh niên này đã trải qua cuộc sống dương thế. Anh ta đã chết. Anh ta đã kết thúc tại cửa ải thứ 4 là “tử”; khâu cuối cùng là “diệt.” Người thanh niên này đã bị cái chết chiến thắng. Thần chết đã thống trị.
Thế nhưng, khi gặp được Chúa Giêsu, cái chết có phải là đã kết thúc mọi chuyện và là mồ chôn vĩnh viễn thân phận cát bụi của người thanh niên kia không?
Không! Tin Mừng cho chúng ta thấy cái chết không phải là ngõ cụt, nhưng nó là một giai đoạn cần phải trải qua để đi vào sự sống vĩnh hằng. Cái chết như là một cửa khẩu để qua đó, ta sang được bến bờ bình an và hạnh phúc viên mãn. Niềm tin ấy đã được Chúa Giêsu hé mở và củng cố qua cái chết của con trai bà góa thành Naim hôm nay.
Hình ảnh đám tang ở trong thành đi ra, còn Chúa Giêsu và các môn đệ thì đi vào. Hai hình ảnh không thuận chiều nhau mà là trái chiều. Nhưng hai nhóm người đó đã gặp nhau tại một điểm giao. Điểm giao đó là “tình yêu”, “lòng thương xót” của Chúa Giêsu.
Quả thật, Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, mà Chúa Giêsu là hiện thân của lòng thương xót đó, nên Ngài luôn yêu thương và thông cảm cho nỗi khốn cùng của con người. Vì thế, Chúa Giêsu đã “chạnh lòng thương” (esplanchnisthè), mà theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa chính xác là “xúc động đến ruột gan.”
Thật thế, Ngài đã có lòng thương cảm sâu đậm cho hoàn cảnh éo le của gia tang. Hơn nữa, mẹ của người chết lại là một bà góa, chồng bà đã chết, mọi hy vọng đều đổ dồn vào người con trai duy nhất, nay con bà chết, bà biết trông vào ai? Nỗi cô đơn trở nên tột cùng khi những kỳ thị của dân tộc sẽ đến với bà. Sự bất hạnh lại càng lên đến đỉnh cao khi những truyền thống trong xã hội Do Thái thời bấy giờ coi thành phần các bà góa là những người không có tiếng nói, là hạng người thấp cổ bé họng.
Đứng trước tình cảnh như thế, và với con tim nhạy bén trước đau khổ của loài người, Chúa Giêsu đã động lòng trắc ẩn, an ủi bà đừng khóc nữa, rồi sau đó Ngài hành động ngay. Ngài truyền cho những người khiêng cáng dừng lại, sau đó Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, ta bảo anh: Hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa.
Hành vi Chúa Giêsu bảo những người khiêng cáng dừng lại và Ngài truyền lệnh cho người chết chỗi dậy thể hiện quyền năng của một vị Thiên Chúa uy quyền và làm chủ sự sống lẫn sự chết; đồng thời cũng cho chúng ta thấy bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1 Ga 4, 16). Một Thiên Chúa luôn yêu thương, chữa lành; một Thiên Chúa đem lại cho con người niềm an ủi và hạnh phúc sau những đắng cay tủi nhục; một Thiên Chúa gieo vào trong tâm hồn con người niềm hy vọng khi mọi chuyện tưởng chừng như đã chấm dứt bằng cái chết.
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là những cách giải thoát mang tính hiện sinh mà thôi, bởi lẽ người thanh niên hôm nay được Chúa cho sống lại, nhưng rồi một ngày nào đó anh ta cũng sẽ phải chết. Nhưng điều mà Chúa Giêsu muốn đi xa hơn qua việc cho người thanh niên này sống lại, đó chính là đem lại cho con người sự sống viêm mãn, một sự sống dồi dào đằng sau cái chết. Vì thế, Ngài đã muốn giải thoát con người khỏi cái chết đời đời, để thay vào đó là sự sống trường tồn mai hậu. Đây là trọng tâm của sứ điệp mà hôm nay Chúa muốn nhắn gửi nơi mỗi người chúng ta.
Qua phép lạ cho con trai bà góa thành Naim chết được sống lại, Chúa Giêsu đã tiên báo một cuộc phục sinh vĩ đại cho toàn thể nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của chính Ngài. Đây chính là niềm hy vọng siêu việt, viên mãn của mọi người Kitô hữu chúng ta.
Quả thật, trình thuật về việc con trai Bà goá thành Naim được sống lại, Chúa Giêsu không chỉ cho chúng ta thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho những người bé mọn, cũng không chỉ dừng lại ở việc Chúa cảm thông với nỗi cô đơn, mất mát to lớn của bà goá nọ. Nhưng điều quan trọng hơn những cảm xúc đó chính là dấu chỉ tiên báo trước việc Chúa sẽ sống lại và những ai tin vào Ngài thì cũng sẽ được sống lại và được đưa vào nơi tràn đầy hạnh phúc và bình an.
Như vậy, hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta về hai bản tính của Ngài qua việc cho con trai bà goá sống lại.
Về nhân tính: Chúa Giêsu cũng cảm thông, xúc động và “chạnh lòng thương” đến người cùng khổ. Với hoàn cảnh cụ thể của bà góa, Ngài có sự cảm thông sâu xa khi thấy gia cảnh của bà lúc này: mất chồng, mất luôn cả người con duy nhất của mình trong lúc tuổi già để nâng đỡ những lúc đau bệnh, và bênh vực khi bị người đời chèn ép hay an ủi trong lúc cô đơn…
Về mặt Thiên tính: Ngài có đầy đủ quyền năng, nên Ngài đã cho người chết trỗi dậy. Sự chết không còn quyền chi đối với Ngài. Ngài làm chủ sự sống và sự chết khi truyền cho người chết trỗi dậy.
Qua mạc khải trên, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta bài học:
Trước tiên, cần phải có sự thương cảm với những người kém may mắn. Không ai sống trên đời này như một hòn đảo. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: “Hãy vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc.” (Rm 12, 15). Việt Nam ta có câu: “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.” Không thể đứng đó và nhìn xem nỗi bất hạnh của người khác rồi hả hê cười đùa vui vẻ; cũng không phải huênh hoang tự kiêu khi thành công để rồi khinh bỉ người cùng khốn.
Thứ đến, sống theo tinh thần của Chúa là chúng ta hãy biết ra khỏi chính mình để đi đến với những ai cần đến bàn tay, khối óc, con tim của chúng ta. Chúng ta phải biết ra khỏi chính mình, ra khỏi ốc đảo của tự kiêu để như Chúa Giêsu, đi đến đâu thì thi ân giáng phúc tới đó (x. Cv 10, 38). Ngài luôn an ủi kẻ cô đơn, chữa lành người bệnh tật và đem lại niềm vui, hy vọng cho những người thất vọng.
Ước gì, tâm tình của Thánh Phanxicô Assisi được diễn tả qua Kinh Hoà Bình lại được vọng lại nơi tâm hồn của mỗi chúng ta khi nghe bài Tin Mừng hôm nay: “Chính lúc hiến thân là lúc được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết rung động trước những nỗi đau của con người, biết nhạy bén trước những nhu cầu của anh chị em đồng loại, để đem lại cho họ niềm vui, bình an và hạnh phúc. Xin cho chúng con biết ra khỏi chính mình, để không bị rơi vào tình trạng co cụm lại nơi bản thân. Bởi vì nếu co cụm lại với chính mình mà thôi, thì đấy là lúc chúng con đang đánh mất chính mình. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển