MẪU GƯƠNG LAO CÔNG: GIUSE THỢ

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tay làm hàm nhai.”  Tay lao động mới có của ăn, như ca dao nhấn mạnh: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần tới cho.”

Chúng ta có tồn tại được là do sự lao động cần cù, lao động trong tương quan với cuộc sống gắn chặt sâu sắc như được diễn tả: “Lao động là đổ thêm dầu vào cây đèn cuộc sống.”

429Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa lao động sáu ngày trong sáng tạo vũ trụ vạn vật, khi Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, Thiên Chúa đã muốn tháp nhập lao động vào trong chương trình của Ngài sau khi thiết định vũ trụ: “Thiên Chúa đã đặt họ trong vườn Eđen để họ canh tác và giữ vườn” (St 2, 15).  Con người làm việc hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời phản ánh hành động của Tạo Hoá: Đặt lao động vào tay con người với quyền chiếm hữu và cai trị trái đất (x. St 1, 28). Trong ý nghĩa đó, Công Đồng Vatican II dạy: “Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện, và khi nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài, họ quy hướng chính bản thân mình cũng như vũ trụ về Ngài.  Như thế khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (GS, 34).

Thiên Chúa nói với con người “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn” (St 3, 19).  Kinh thánh nghiêm khắc với người lười biếng không có gì ăn (x.Cn 13, 4) và có nguy cơ chết đói (x. Cn 21, 25), Kinh Thánh chế nhạo kẻ lười biếng: “Kẻ lười biếng lăn trở trên giường khác nào cánh cửa xoay trên bản lề” (Cn 26, 14).  Thánh Phaolô nói trực diện sự sai lầm của những người lười biếng lao động: “Ai không làm việc thì đừng ăn” (2 Th 3, 10).

Con người từ cổ chí kim, luôn coi trọng lao động, bất cứ ở dưới hình thức nào: Lao động chân tay, hay lao động trí óc, giá trị của chúng đều như nhau.  Nếu như lao động chân tay trực tiếp làm ra sản phẩm phục vụ đời sống con người, thì lao động trí óc là nhân tố giúp lao động chân tay có hiệu quả.

Chính vì thế, lao động là thánh thiêng, qua lao động con người được kêu gọi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa (x. St 1, 26).  Qua lao động chúng ta góp phần cứu rỗi chính mình và thế giới (x. Lc 19, 13).  Ngôi Lời nhập Thể không bao giờ loại trừ lao động ra khỏi cuộc sống “nhập thể” của Người, Ngài lao công trong gia đình thợ mộc tại Nazareth.  Đồng hương của Người đã không lầm lẫn khi gọi Người là “con bác thợ” (Mt 13, 35), “ông thợ mộc” (Mc 6, 3).  Người đã sống cái “nghiệp” ấy trong 30 năm trời tại Nadarét.  Lao động là cách hằng ngày diễn tả tình yêu trong cuộc sống của Gia đình Nazareth.  Nghề thợ mộc của Chúa Giêsu học từ cha nuôi Giuse trong những năm tháng ở nhà Nagiaret.  Sách Tin Mừng nói rõ loại công việc mà thánh Giuse làm để nuôi sống gia đình mình: Người là một thợ mộc.

Giọt mồ hôi đổ trên vầng trán
Đôi tay sần chai bởi đục, cưa
Nhọc nhằn hai buổi sớm, trưa
Chu toàn bổn phận nắng mưa chẳng màng… (*)

Giuse người thợ mộc cần cù lao động, âm thầm thinh lặng và làm việc, đã truyền lại cho con Thiên Chúa nhập thể nghề thợ mộc.  Cả hai cha con thợ mộc Giuse và Giêsu đã đưa lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh.  Sau này khi rao giảng Tin Mửng, Đức Giêsu dạy cho con người chăm chỉ làm việc, Ngài bắt chước Chúa Cha: “Cha Ta làm việc liên lỉ Ta cũng vậy” (Ga: 17).  Trong các dụ ngôn về nước Trời, Đức Giêsu luôn nói về lao động: Dụ ngôn người Mục tử (x. Ga: 1-16); người nông dân (x. Mc 12, 1-12) người gieo giống (x. Mc 4, 1-9)… Thánh Phaolô làm nghề may lều, và Ngài tự hào về nghề này, vừa có thể làm tông đồ, vừa có thể phục vụ cho vấn đề mưu sinh: “Ngày đêm chúng tôi làm việc vất vả lam lũ, để không phải phiền toái đến ai trong anh em”(2Tx 3,8).

Giuse là người thợ lao công, người thầy và là người cha, dạy dỗ và đưa Chúa Giesu vào nghề mộc, Đức Giáo Hoàng Piô XII kể từ 1955 đã chọn Thánh Giuse làm bổn mạng của giới cần lao và truyền lễ hàng năm vào ngày Quốc tế Lao Động.  Đức Thánh Cha nói tới ý nghĩa của lễ thánh Giuse thợ: “Chắc hẳn chúng ta phải hân hoan vì Người thợ vô danh ở Nazareth chẳng những là hiện thân cho giá trị lao động tay chân trước mặt Chúa và Giáo hội mà còn là vị Giám hộ mẫn tiệp của mọi người và của các gia đình các bạn lao động nữa”.

Tuy là người lao công bình thường giản dị nhưng thánh Giuse lại là Đấng Bảo Trợ đầy thế giá trước Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Piô XII khẳng định về quyền năng của Giuse Đấng bảo trợ cho nhân loại, cách riêng cho giới lao động: “Không có vị Giám hộ nào có đủ khả năng linh nghiệm truyền thông Phúc âm cho đời sống thợ thuyền hơn bằng thánh Giuse thợ.”

Thật thế, chính Ngài là một mẫu gương lao động cho chúng ta sống với công việc mà chúng ta trách nhiệm lao động ở trần thế.  Hơn thế nữa, chính vì thánh nhân là người lao động đã kinh qua trong cuộc sống trần thế, ngài cảm nghiệm được nhu cầu được đỡ nâng của những con người lao công vất vả “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, vì thế Ngài trở nên Đấng bảo trợ giới lao công.

Chúng ta những người lao động, vất vả với cuộc sống mưu sinh hàng ngày:

Lao động là đường…
đưa tới cõi trường sinh
Hy sinh trót cả đời mình
Mẫu gương Thánh Cả trọn tình hiến dâng (*)

Chúng ta xin thánh Giuse nâng đỡ cầu bầu cùng Thiên Chúa tuôn đổ mọi ân thánh, như thánh Têrêsa Avila khẳng định trong Kinh Khấn Thánh Giuse: “Xưa nay không ai kêu cầu cha thánh Giuse mà vô hiệu.  Cha có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời đến nỗi người ta có thể nói rằng: “Trên trời, Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin…”  Cho nên mừng lễ thánh Giuse lao động, chúng ta hãy nhớ lời Đức Thánh Cha Piô XII nhắn nhủ trong ngày lễ thánh Giuse thợ đầu tiên vào ngày 1 tháng năm 1955:

“Nếu các con muốn được gần Chúa Kitô, Cha nhắc nhớ các con hôm nay: Ite ad Joseph – Hãy đến với Giuse” (St 41: 55)

LM Vinh Sơn scj, Sài Gòn 1/5

(*) thơ của Mặc Trầm Cung

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *