VÀO ĐỜI ĐỂ VỀ TRỜI

506Ai cũng muốn “về trời”, nhưng không phải ai cũng thật lòng muốn “vào đời.”  Phải thực sự can đảm mới đủ sức dấn thân vào đời, vì trách nhiệm nhiều mà đau khổ cũng chẳng ít.  Nhưng phải VÀO ĐỜI rồi mới có thể VỀ TRỜI với Đức Giêsu Kitô.  Chính Ngài cũng đã vào đời và chịu nhiều đau khổ, thậm chí còn phải chết trên Thập Giá.

Là những người đi theo Ngài, chúng ta cũng không thể đi lối tắt hoặc đường khác mà về trời.  Chắc chắn như thế!  Thật vậy, trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài bảo chúng ta phải vào đời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).  Tuy nhiên, chúng ta không lẻ loi hoặc đơn độc, vì Ngài hứa chắc: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).  Hơn nữa, chính Đấng Bảo Trợ là Thần Chân Lý sẽ dạy chúng ta những điều phải làm (x. Ga 14:26).  Cứ an tâm mà vào đời!

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã dạy bảo các Tông Đồ mà Ngài đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần.  Ngài còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình.  Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà họ đã nghe Ngài nói tới, đó là: “Ông Gioan làm phép rửa bằng nước, còn họ sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1:5).

Đã có những người “vô tư” hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?”  Nhưng Ngài đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:7-8).  Thời đó, người ta cứ tưởng Chúa Giêsu là một chính trị gia có thể đảo chính để cướp chính quyền mà khôi phục quốc gia Ít-ra-en.  Nhưng ai cũng lầm, vì có lần Ngài đã xác định trước mặt tổng trấn Phi-la-tô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36).

Sau 40 ngày sống lại, Chúa Giêsu căn dặn xong, Ngài được cất lên ngay trước mặt các tông đồ, và rồi có đám mây quyện lấy Ngài, khiến họ không còn thấy Người nữa.  Đang lúc các ông còn đăm đăm ngước lên trời, nhìn theo phía Ngài đi, bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời?  Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1:11).

Lên trời là một hiện tượng vô cùng lạ, các ông ngạc nhiên là điều tất yếu.  Lên trời ở đây là “về trời” chứ không phải lên trời du lịch một thời gian, cũng chẳng phải như Chú Cuội bám gốc đa bay lên cung trăng, hoặc như Táo quân cưỡi cá chép bay lên trời.  Đó chỉ là huyền thoại.  Lại càng không phải như các phi hành gia bay lên cung trăng bằng phi thuyền.  Đó chỉ là dạng lên trời không chính thức, họ lên trời nhưng không thể sống được nếu không có bình dưỡng khí.  Phải trở lại đất cho nhanh, kẻo hết dưỡng khí là chết.  Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định với ông Ni-cô-đê-mô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3:13).

Chúa Giêsu lên trời là sự kiện vô cùng kỳ lạ.  Các ông đã từng ngơ ngẩn khi thấy Thầy Giêsu bị người ta giết chết, tưởng thế là hết, nào ngờ Thầy phục sinh.  Hạnh phúc tràn ngập.  Nay các ông lại càng ngơ ngẩn hơn vì Thầy đi rồi, còn lâu Thầy mới trở lại, tiếc hùi hụi, nhớ ngẩn ngơ, nhưng chắc chắn các ông phải vào đời.  Và mỗi chúng ta ngày nay cũng vậy, ai cũng phải vào đời để hy vọng và mong chờ ngày về trời.

Cuộc chia tay nào cũng có phần lưu luyến, thường buồn hơn vui, nhưng khi Chúa Giêsu chia tay lại không buồn vời vợi mà lại tràn đầy niềm hy vọng.  Ngài về trời là dấu chỉ cho biết chắc chắn chúng ta cũng được về trời.  Vậy là vui chứ không buồn.  Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi!  Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!  Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu” (Tv 47:2-3).

Chúa Giêsu thăng thiên, Ngài về trời, nơi Ngài đã xuất phát, chúng ta vui mừng khôn tả, tác giả Thánh Vịnh mô tả là “rộn rã tiếng hò reo, vang dội tiếng tù và, đàn ca kính mừng Ngài.”  Nhưng cuộc sống đôi khi không êm đềm như thảm lụa, nên chúng ta luôn phải tiếp tục động viên nhau: “Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu, hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.  Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân, Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả” (Tv 47:8-9).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).  Đó không chỉ là lời căn dặn, là lời người ra đi, mà còn là mệnh lệnh – tức là điều phải thực hiện bằng mọi giá.  Ngài vừa hứa hẹn vừa cảnh báo: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16:16).  Đó là hệ lụy tất yếu chứ không là sự hù dọa.

Đức tin rất quan trọng, tạo nên sức mạnh vô song, tạo nên điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của loài người.  Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác nhận: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.  Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc cũng chẳng sao.  Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16:17-18).  Thực tế cũng đã và đang có những người làm được như vậy, đó là tặng phẩm mà Thiên Chúa trao cho ai thì người đó phải biết sử dụng hợp lý.  Ai cũng có một tặng phẩm, người được tặng phẩm này, kẻ được tặng phẩm khác, có người được hai hoặc ba tặng phẩm, cũng như kẻ được một nén, ba nén, năm nén, nhưng dù nhiều hay ít cũng chỉ là để làm sáng danh Thiên Chúa, chứ không phải để cậy mình hoặc nhắm tư lợi nào đó.

Thánh sử Mác-cô cho biết: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.  Còn các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16:19-20).  Rõ ràng, Chúa Giêsu về trời rồi thì các ông đã vào đời, làm chứng về Đức Giêsu Kitô “ba-trong-một”, với ba sự kiện: Chịu chết trên Thập Giá, phục sinh và lên trời.

Vào đời như thế nào?  Thánh Phaolô cho biết về phong cách vào đời: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.  Được ơn làm ngôn sứ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin.  Được ơn phục vụ thì phải phục vụ.  Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo.  Ai khuyên răn thì cứ khuyên răn.  Ai phân phát thì phải chân thành.  Ai chủ toạ thì phải có nhiệt tâm.  Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12:6-8).  Mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi hoàn cảnh và trình độ khác nhau, mỗi người là một các chi thể khác nhau nhưng vẫn chung một Nhiệm Thể Đức Kitô.  Tất cả các chi thể phải đồng tâm nhất trí, cùng hợp lại để phát triển Nhiệm Thể Thánh.

Thánh Phaolô nói thêm về phong cách vào đời: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ.  Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.  Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.  Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12:9-13).  Được vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta, và Thiên Chúa cũng vui mừng vì Ngài được tôn vinh nơi chính mỗi người chúng ta.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết “ái mộ những sự trên trời” bằng cách sống nhân bản, nên hoàn thiện hàng ngày, chứng tỏ sự sống dồi dào của Đức Kitô qua việc thể hiện lòng thương xót với mọi người, nhất là đối với những người hèn mọn.  Xin Đức Maria và Đức Thánh Giuse hướng dẫn chúng con biết đi đúng lối về trời và đưa chúng con đến đích thật.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *