LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm Vọng Phục Sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục Sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô Phục Sinh hiện ra.  Từ những lần thấy Đức Kitô Phục Sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:

  1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường

Đức Kitô Phục Sinh không còn bị giới hạn trong không gian.  Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau.  Người xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người.  Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới.  Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài.  Người xuất 329hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp.  Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo.  Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài.  Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài.  Đức Kitô Phục Sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Đức Kitô Phục Sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian.  Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya.  Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng.  Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày.  Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối.  Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt.  Không có thời gian nào Người không ở bên ta.

Đức Kitô Phục Sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định.  Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.  Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá.  Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa.  Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi.  Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.

  1. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô Phục Sinh khơi dậy niềm bình an, tin tưởng

Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô Phục Sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con.”  Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.”

Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo.  Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình.  Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước.  Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.

Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình.  Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần.  Sau khi gặp Đức Kitô Phục Sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến.  Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.

  1. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu Phục Sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa

Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ.  Các môn đệ tuyệt vọng.  Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường.  Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì.  Họ như đã chết với Thầy.  Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi.  Đức Kitô là linh hồn của họ.  Linh hồn đã ra đi.  Xác sống sao được.

Khi Đức Kitô Phục Sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.

  1. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô Phục Sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh

Đức Giêsu Phục Sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ.  Đức Kitô Phục Sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời.  Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó.  Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bất chấp trời đã tối đen.  Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh.  Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.

Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.”

Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh.  Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng.  Vì Đức Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ.  Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng.  Như Thánh Phaolô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”

Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta.  Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên.  Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.

Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: Trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.

Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời.  Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú mẹ.  Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách.  Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ.  Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường.  Người ở bên ngưỡng cuộc đời bế tắc không lối thoát.

Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người.  Hãy khao khát đón chờ Người.  Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người.  Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào.  Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.

Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn.  Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *